Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/09/2012 11:22 1838
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Hội nghị thông báo kết quả khảo cổ học Việt Nam lần thứ 47- năm 2012 khai mạc sáng qua (27-9) tại Hà Nội. Là hoạt động thường niên để giới khảo cổ học gặp gỡ, công bố những kết quả khảo cổ học mới nhất, tại hội nghị lần này, một vấn đề quan trọng cũng được để cập, đó là Việt Nam cần sớm thành lập ngành khảo cổ học dưới nước. Tuy là một quốc gia có nhiều thế mạnh biển, nhưng lâu nay chúng ta chưa quan tâm tới ngành khảo cổ này.

Kết quả khảo cổ học góp phần quyết định giá trị di sản

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam- một trong những người tham dự hội nghị khảo cổ học từ lần đầu tiên tới nay cho biết, 47 năm qua, ông chưa bỏ sót một hội nghị khảo cổ học nào của Viện Khảo cổ học. Và có lẽ cũng ít có cơ quan nào cứ đến tháng 9 hàng năm lại tổ chức được một hội nghị qui mô như Hội nghị của ngành khảo cổ học, tề tựu đầy đủ các đại biểu đại diện 3 miền Bắc- Trung- Nam để thông báo những phát hiện mới nhất về khảo cổ học.
Hội nghị Khảo cổ học lần thứ 47 này, Viện Khảo cổ học đã nhận được gần 500 báo cáo thống kê khảo cổ học từ các địa phương gửi về. Theo PGS. TS Tống Trung Tín- Viện trưởng Viện Khảo cổ học, đây thực sự là một tín hiệu vui, chứng tỏ những nỗ lực không ngừng từ các nhà khảo cổ học. Trong số những phát hiện khảo cổ học mới năm 2012, đáng chú ý là việc phát hiện hệ thống cư trú hang động có thời gian phát triển liên tục từ 20.000 năm đến 4.000 năm cách ngày nay tại khu Di sản thiên nhiên Tràng An, Ninh Bình. Chính thành tựu nghiên cứu khảo cổ học đã đóng góp một tiêu chí quan trọng để các chuyên gia quốc tế xem xét và quyết định ủng hộ việc đưa Hồ sơ Di sản Tràng An tham gia đề cử danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới năm 2013 tại Paris. Trước đó, vai trò của ngành khảo cổ học cũng đã được chứng minh qua việc nghiên cứu xây dựng Hồ sơ di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long năm 2010, Di sản thành nhà Hồ năm 2011…
Phải đầu tư xây dựng ngành khảo cổ học dưới nước
Vui mừng trước những thông báo mới về kết quả của ngành khảo cổ học năm 2012, nhưng các chuyên gia khảo cổ học cũng bày tỏ băn khoăn khi đến nay chúng ta vẫn chưa thành lập được ngành khảo cổ học dưới nước.
Thời gian qua, việc ngư dân Quảng Ngãi ồ ạt khai thác hiện vật tại con tàu đắm cổ Bình Châu, không chỉ là một hồi chuông cảnh báo về nạn khai thác cổ vật trái phép, thiếu hiểu biết dẫn đến những hư hại đáng tiếc đối với những cổ vật có giá trị; hơn thế đó còn cho thấy sự cần thiết và cấp thiết trong việc sớm thành lập ngành khảo cổ học dưới nước tại Việt Nam. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, cho đến bây giờ vẫn chưa có ngành khảo cổ học dưới nước thì đó là tồn tại lớn nhất của ngành khảo cổ học Việt Nam. Sắp tới Viện Khảo cổ học sẽ trình Chính phủ Đề án xây dựng ngành khảo cổ học dưới nước, nhưng để từ chủ trương, ý tưởng thành hiện thực, đó không phải là chuyện ngày một ngày hai mà phải có cả một lộ trình chuẩn bị. Trước mắt là phải chuẩn bị về nhân lực, đội ngũ, đặc biệt là chú trọng tới việc đào tạo đội ngũ trẻ, tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật hiện đại.
May mắn được đi tham quan bảo tàng ở nhiều quốc gia trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết khảo cổ học dưới nước ở một số quốc gia rất phát triển, được chú trọng đầu tư. Theo đó, sắp tới để thúc đẩy sự ra đời của ngành khảo cổ học Việt Nam, phải sớm bắt tay xây dựng đề án, dự án cụ thể, cùng với đó là việc làm tốt công tác qui hoạch khảo cổ học.
Hương Lê- Đức Hiệp
Hội nghị thông báo kết quả khảo cổ học lần thứ 47, với 474 bài thông báo tham dự, đã công bố 2 chương trình điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học Thời đại đá; 8 cuộc khai quật khảo cổ học Thời đại Kim khí; 15 cuộc khai quật Khảo cổ học lịch sử; 4 cuộc khai quật và khảo sát Khảo cổ học Óc eo.
PGS. TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học
Việt Nam có tiềm năng lớn để khai quật khảo cổ học dưới nước
Việt Nam là một nước có thế mạnh về biển nhưng lâu nay chúng ta chưa quan tâm xứng tầm tới khảo cổ học dưới nước. Thực tế khai quật các con tàu tàu đắm trên biển và việc người dân khai quật được cổ vật, di sản từ sông ngòi, một mặt đã cho thấy tiềm năng to lớn của khảo cổ học dưới nước của Việt Nam. Nhưng mặt khác nó cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo: việc bảo vệ những di sản dưới mặt nước từ các con sông ngòi đến các vùng biển khơi xa trong điều kiện ngành khảo cổ học dưới nước Việt Nam chưa được thành lập.
Ông Vũ Quốc Hiền - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Khảo cổ học dưới nước, thà muộn còn hơn không
Thật ra, không phải cho đến bây giờ chúng ta mới đặt ra vấn đề phải thành lập ngành khảo cổ học dưới nước. Trên thực tế, từ cách đây chục năm rồi, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã khai quật 5 con tàu đắm ở ngoài khơi các vùng biển Việt Nam. Dần dà trong quá trình khai quật cổ vật dưới nước, giới nghiên cứu đã nhận thấy sự cần thiết của việc thành lập ngành khảo cổ học dưới nước. Thà muộn còn hơn không. Tôi tin sau vụ khai quật trái phép cổ vật tàu đắm ở Quảng Ngãi, cùng với việc đã có chủ trương rồi, chúng ta sẽ sớm triển khai chủ trương nói trên.

Nhưng cũng xin nói thêm, lộ trình của việc thành lập ngành khảo cổ học dưới nước không đơn giản. Cần phải xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp. Cùng với đó là việc kiên trì giáo dục Luật Di sản cho người dân hiểu rõ hơn.
daidoanket.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3429

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Hội nghị thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 47

Hội nghị thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 47

  • 27/09/2012 22:59
  • 2455

Trong hai ngày 27 và 28 tháng 9 năm 2012, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức "Hội nghị thông báo Khảo cổ học lần thứ 47 - năm 2012".