Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, hai vấn đề nổi lên trong hội nghị Thông báo khảo cổ học năm nay là việc nghiên cứu tập trung gắn giá trị văn hóa với di sản thiên nhiên và tiềm năng của khảo cổ học dưới nước.
Việc gắn liền giá trị văn hóa với thiên nhiên được thể hiện rõ trong phát hiện mới 21 hang động tại quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình sau khai quật khảo cổ. Điều đáng chú ý là trước đây đã có những điều tra lẻ tẻ nhưng hang động chỉ được phát hiện sau khi có chủ trương yêu cầu khảo cổ học vì mục đích làm hồ sơ di sản.
Theo đó, các chuyên gia nước ngoài yêu cầu phía Việt Nam phải tìm được dấu tích con người cổ thích ứng với thiên nhiên tại di sản. Chỉ khi đó yếu tố khảo cổ học, văn hóa mới được chú ý.
Bên cạnh đó, việc phát hiện nhiều tàu cổ trong năm qua như tàu Bình Châu, tàu trên sông Lô, tàu trên sông Mã, một lần nữa khẳng định tiềm năng khảo cổ học dưới nước của nước ta. Tuy nhiên, sự khẳng định này mang đến nhiều lo lắng hơn mừng vui vì theo ông Tín, khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam vẫn trong tình trạng 3 không: không tiền - không người - không phương tiện.
Dự kiến, hơn 500 phát hiện khảo cổ học sẽ được trình bày tại 4 tiểu ban (Thời đại đá, Thời đại kim khí, Lịch sử và Chăm pa-Óc Eo) trong hội nghị Thông báo khảo cổ học thường niên năm nay. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 27 và 28.9 tại Hà Nội.
Trinh Nguyễn