Trong suốt nhiều thế kỷ, Hạ Long là điểm trung chuyển gốm sứ từ nội địa ra nước ngoài. Trong hàng ngàn, hàng vạn con tàu ra vào ngày đó, liệu có con tàu nào xấu số nằm lại đáy Vịnh?
Gần đây, tại vùng Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cách bờ chỉ khoảng 100m, ngư dân địa phương đã phát hiện một con tàu đắm chở đầy đồ gốm sứ cổ. Theo giám định của các chuyên gia cổ vật, số cổ vật gốm sứ trên gồm bát, đĩa, vò, âu, chậu… là đồ gốm sứ men ngọc thời Nguyên (TK 13-14). Căn cứ tro bám trong san hô và chồng bát đĩa, các chuyên gia nhận định khả năng tàu bị cháy dẫn đến chìm…
Vậy còn ở Vịnh Hạ Long thì sao? Trong suốt nhiều thế kỷ, Hạ Long là điểm trung chuyển gốm sứ từ nội địa ra nước ngoài. Trong hàng ngàn, hàng vạn con tàu ra vào ngày đó, liệu có con tàu nào xấu số nằm lại đáy Vịnh?
Tính đến nay, các nhà khảo cổ đã xác minh, thống kê được hàng chục bến thuyền cổ trong hệ thống Thương cảng Vân Đồn, tồn tại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 17. Các bến này không chỉ phân bố cả các đảo phía ngoài, ven bờ mà còn rải rác một số vụng, đảo trong vùng lõi của di sản Vịnh Hạ Long. Hàng chục năm qua, đã có rất nhiều cuộc khảo sát ven bờ, cửa sông, trên các đảo của các nhà khảo cổ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu khảo cổ học dưới đáy Vịnh Hạ Long gần như chưa được thực hiện.
Lon sành thời Mạc (TK 16 - 17) do ngư dân làng chài Vung Viêng vớt được dưới đáy Vịnh Hạ Long năm 2009.
Cách đây mấy năm, một số ngư dân ở Vân Đồn làm nghề lặn biển đã từng mò được cổ vật tại một luồng lạch thuộc Vịnh Bái Tử Long. Tại các làng chài Ba Hang, Vung Viêng, ngư dân ở đây lặn mò hải sản vẫn thường nhặt được những lon sành, bát, đĩa gốm có niên đại thời Mạc (TK 16-17). Những dấu vết đó cho thấy giả thiết có những con tàu cổ bị đắm trên Vịnh Hạ Long là có cơ sở. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, với mật độ, tốc độ dùng lưới quét, lưới cào của ngư dân trên Vịnh Hạ Long như hiện nay, khó có con tàu đắm nào dưới đáy vịnh mà không bị phát hiện (?).
Còn nhớ trên tạp chí Xưa và Nay, số tháng 7/2007 của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, có đăng bài của tác giả Hồ Đắc Duy đề cập tới sự kiện đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị quân và dân nhà Trần tiêu diệt trên Vịnh Hạ Long năm 1288. Tác giả đặt câu hỏi vậy những xác thuyền, vật dụng đi theo nó hiện giờ nằm ở đâu? Căn cứ, đối chiếu với các tư liệu lịch sử của cả Việt Nam và Trung Quốc và trên thực tế địa lý, địa hình của Vịnh Hạ Long, tác giả cho rằng trận hải chiến trên xảy ra vào khoảng ngày 3 tháng 1 năm 1288 cho đến ngày 6 tháng 1 năm 1288. Vị trí diễn ra trận đánh quyết định giới hạn ở khoảng toạ độ 107 độ 23 phút kinh đông và 20 độ 44 phút vĩ bắc, tức là ở khoảng giữa các đảo Thượng Mai, Hạ Mai, Phượng Hoàng và đảo Nấc Đất. Tác giả kết luận, nếu tìm dưới đáy biển ắt sẽ có xác thuyền, ít nhất cũng là vài cái chén, tô, lu, vại, gươm giáo, tiền đồng của quân Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII… Những gì mà tác giả Hồ Đắc Duy đưa ra là khá thú vị. Nó không mới nhưng lại chưa bao giờ được ai, cơ quan nào đặt vấn đề quan tâm, tìm hiểu.
Thời người Pháp chiếm đóng khu mỏ Quảng Ninh, mặc dù có tàu sắt tiên tiến, hệ thống thiết bị phục vụ đi biển tốt kèm theo, nhưng người Pháp vẫn để xảy ra các vụ đắm tàu trên Vịnh Hạ Long. Tại khu vực biển gần hòn Con Cóc và làng chài Cửa Vạn có một con tàu sắt thời Pháp bị đắm. Mấy năm qua, thậm chí đến gần đây vẫn có một nhóm người Hải Phòng đưa thiết bị ra lặn xuống cắt lấy sắt để bán.
Được biết, khảo cổ học dưới biển đối với Việt Nam cho tới nay vẫn là một ngành khoa học mới mẻ, do chúng ta thiếu các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại. Vịnh Hạ Long cho tới nay hầu như chưa có cuộc khảo sát khảo cổ dưới nước nào được thực hiện, một phần cũng bởi lý do trên. Đằng sau những câu hỏi về xác tàu đắm của quân Mông Cổ, thì ngược lại chính những bí mật chưa được giải đáp ấy lại góp phần tạo nên những câu chuyện kỳ bí của Vịnh Hạ Long, làm tăng tính hấp dẫn của di sản, kỳ quan.
Theo Đại Dương
Báo Quảng Ninh