Thứ Ba, 08/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/09/2012 08:39 1827
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong suốt cuộc trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, người đứng đầu viện Khảo cổ học Việt Nam – PGS.TS Tống Trung Tín nhiều lần nhấn mạnh: Sự việc ngư dân “xâu xé” con tàu cổ vừa được phát hiện tại Quảng Ngãi cũng như các con tàu cổ “xuất lộ” trước đó, là hệ quả tất yếu từ sự thờ ơ với ngành khảo cổ học dưới nước.

Thưa ông, trong khi ngư dân tranh cướp cổ vật tại con tàu bị đắm ở Quảng Ngãi thì các chuyên gia khảo cổ học ở đâu, làm gì?

Nếu để phân định trách nhiệm thì cổ vật được tìm thấy ở địa phương nào, địa phương đó, bao gồm cả các chuyên gia khảo cổ học phải có nhiệm vụ bảo vệ. Sau đó, báo tin ngay về các cơ quan chuyên ngành. Nhưng chúng ta lại không có đơn vị nào chính thức làm về khảo cổ học dưới nước. Chứ nếu mà có thì đã khác!

Công ty quốc tế Seabed Exploration đã xác định, hiện tại trên biển Việt Nam có 40 con tàu cổ bị đắm, có thể trục vớt, khai quật, nhưng các nhà khảo cổ học trong nước lại chưa hề tiến hành một cuộc thăm dò sơ bộ nào. Phải chăng, giới khảo cổ học đang thờ ơ với chuyên ngành khảo cổ học dưới nước?

Chính xác thì không phải các nhà khảo cổ học, mà các cơ quan có thẩm quyền thờ ơ. Bởi vậy, mọi hoạt động liên quan đến khảo cổ học dưới nước từ trước đến nay đều là… được chăng hay chớ. Thử nghĩ xem, ba không – không chuyên gia, không máy móc, không kinh phí thì làm được gì? Tính đến nay, các nhà khảo cổ học trong nước mới khai quật dạng trục vớt năm con tàu cổ bị đắm. Số tàu cổ khác được phát hiện không ít, nhưng chính xác là bao nhiêu thì chưa có ai đứng ra thống kê. Và Việt Nam cũng không có đủ năng lực để thăm dò, thám sát những con tàu này.

Cổ vật được tìm thấy trên con tàu bị đắm ở Quảng Ngãi. Ảnh: Tử Trực

Trước đây, có lần ông ước tính với báo chí, mỗi ngày tiến hành khai quật khảo cổ học dưới nước tiêu tốn khoảng 50.000 USD (tính thời điểm những năm 1990), cao hơn kinh phí hoạt động trong cả một năm của viện Khảo cổ học Việt Nam. Đó có phải là lý do khiến lĩnh vực khảo cổ học dưới nước sau 20 năm vẫn dậm chân tại chỗ?

Có một phần đúng. Dĩ nhiên, để bảo vệ di sản văn hoá, không nên tính chuyện giá cả. Nhưng theo tôi, đào tạo một chuyên gia khảo cổ học dưới nước không quá khó. Cái khó hiện nay nằm ở trang thiết bị khảo sát và khai quật. Địa hình trục vớt tàu cổ càng phức tạp, càng xa bờ, càng sâu thì càng khó.

Bởi thế, chúng ta thường xuyên phải thuê các công ty nước ngoài vào cuộc, đồng nghĩa với chấp nhận một tỷ lệ ăn — chia cổ vật rất thiệt thòi cho ngành khảo cổ học của Việt Nam?

Các chuyên gia quốc tế giúp Việt Nam theo dạng tình nguyện thì không đòi hỏi bất cứ điều gì. Chuyện ăn — chia ở đây liên quan đến một dạng hợp tác khác. Các công ty nước ngoài khi có thông tin về tàu đắm, hay một di chỉ khảo cổ dưới nước, nếu thấy có lợi nhuận, họ sẽ bỏ kinh phí, tổ chức phối hợp với Việt Nam để cùng trục vớt, nghiên cứu. Đương nhiên, một khi đã bỏ kinh phí thì họ sẽ thu hồi lại, bằng cách có thể nắm quyền đấu giá cổ vật. Đây là chuyện rất phức tạp mà có lẽ cơ quan chức năng mới có câu trả lời chính xác.

Nghe nói, phía Thái Lan đã tổ chức một số khoá tập huấn khảo cổ học dưới nước dành cho các quốc gia trong khu vực. Và có thông tin, Việt Nam mới chỉ cử duy nhất một chuyên gia tham dự?

Ít người đi, một phần vì kinh phí, một phần vì không có cơ chế. Nói cho rõ, chúng ta đã cử nhiều đoàn, nhiều người rồi, nhưng chính xác là cử đi cho vui.

Hương Lan (thực hiện)

Những chuyện thật như đùa

- 100% tàu cổ được tìm thấy từ trước đến nay đều do ngư dân phát hiện. Tức là, khi các nhà khảo cổ học vào cuộc thì hiện trường nơi tàu bị đắm đã bị xáo trộn, và rất nhiều cổ vật đã “vào tay” giới săn cổ vật.

- Trong số năm tàu cổ đã được khai quật, chỉ có quá trình nghiên cứu, trục vớt tàu cổ Cà Mau là do các chuyên gia trong nước đảm nhận mọi khâu từ A — Z. Còn các cuộc khai quật tàu cổ khác đều phải kết hợp với các nhà khảo cổ học và các công ty nước ngoài.

- Trước khi được đưa về lưu giữ tại bảo tàng Hưng Yên, tàu cổ Khoái Châu đã phải phơi mình dưới mưa nắng suốt gần hai tháng bên bờ sông. Và sau đó, công ty vận chuyển do thiếu hiểu biết đã cưa đứt một phần đuôi tàu để tiện di chuyển. Đây chỉ là một trong những con tàu cổ bị “xẻ thịt” vì thiếu hiểu biết.

- Cho đến nay, cả nước chỉ có một cơ quan duy nhất có thể hoạt động khảo cổ học dưới nước (theo cách không chính danh) là bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, có một hạn chế là, chuyên gia biết làm khảo cổ nhiều người không biết lặn, còn thợ lặn thì lại thiếu hiểu biết về khảo cổ!

sgtt.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3473

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Phát hiện di tích người tiền sử ở Tuyên Quang

Phát hiện di tích người tiền sử ở Tuyên Quang

  • 17/09/2012 15:33
  • 1811

Đoàn khảo cổ của Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang vừa tiến hành khai quật hang Ngườm Hầu, thuộc địa phận thôn Nà Lộc, xã Thanh Tương, huyện Na Hang (Tuyên Quang).