Một con đường được xác định là cư dân cổ dùng để hành lễ nối từ bến sông Đồng Nai dẫn lên tháp chính của thánh địa Cát Tiên vừa được các nhà khảo cổ học phát hiện.
Thông tin trên được ông Lương Nguyên Minh, Trưởng Ban quản lý Di tích Cát Tiên, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) cho biết ngày 10/9.
Đường hành lễ của cư dân cổ bắt đầu từ bến sông Đồng Nai, đoạn chảy qua xã Phù Mỹ, dẫn lên đền tháp chính của thánh địa Cát Tiên. Toàn bộ con đường này được xây bằng gạch cổ, dạng tam cấp có đoạn nới rộng để làm nơi nghỉ chân.
 |
Con đường được xác định là cư dân cổ dùng để hành lễ tại thánh địa Cát Tiên |
Theo tiên đoán của ông Minh, cổ dân thánh địa Cát Tiên đi thuyền xuôi dòng Đồng Nai, đến bến sông này sẽ rời thuyền đi lên những bậc tam cấp gạch để đến đền tháp chính trong khu thánh địa Cát Tiên hành lễ.
Toàn bộ con đường chỉ được lộ diện khi đoàn khảo sát chặt bỏ những cây lồ ô quanh khu vực. Hiện nhiều đoạn gạch xây đường đã bị mục, lún sụt, cần phải được cải tạo.
Thánh địa Cát Tiên là tên gọi quần thể di chỉ khảo cổ được phát hiện từ năm 1985, nằm trong một bồn địa rộng hàng trăm hecta và trải trên chiều dài khoảng 15km dọc theo hệ thống sông Đạ Đường – Đồng Nai, bao gồm rất nhiều gò đồi và bãi bồi ven sông được bao bọc bởi dãy núi cuối cùng của Trường Sơn Nam.
Toàn bộ khu di tích này kéo dài từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Các khoa học gia đoán định thánh địa này xuất hiện khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ VIII.
Khắc Lịch