Chúng ta đã có tới 9 tuần "rì rầm" về "mặc" thời Đông Sơn. Từ hôm nay, chúng ta sẽ chuyển sang lĩnh vực "ăn" của người Đông Sơn. Dọn bữa đầu tiên, tôi muốn nói qua về một số chủ đề xoay quanh "mâm cơm Đông Sơn"!
1. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học tiền sơ sử khá hóc búa mới được chúng tôi đột phá từ hơn 20 năm nay, dựa trên thành tựu ứng dụng "Khảo cổ học vi tư liệu" do tôi khởi xướng và thực hành từ 1978 khi đảm nhiệm chức vụ thư ký đề tài Nông nghiệp sớm ở Việt Nam của Viện Khảo cổ học.
Mâm và đĩa đựng thức ăn bằng gỗ đặt ở phía trên đầu người chết trong ngôi mộ Đông Sơn thế kỷ 4 trước Công nguyên ở Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội)
Thực ra, về chủ đề "ăn" trong thời tiền, sơ sử, trước tôi đã có những công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học Đặng Phong và nhà kinh tế cổ sử Nguyễn Duy Hinh. Tuy nhiên, do khảo cổ học Việt Nam khi đó chưa có đủ điều kiện để thu thập những bằng chứng vật chất cho nội dung này, phần lớn các kết quả nghiên cứu mới dừng ở những gợi ý dựa trên suy luận là chính.
Năm 1980, tôi thử đột phá với bài Lúa Nếp và Chõ trong thời Hùng Vương đăng trên tạp chí Khảo Cổ học công bố những nghiên cứu trực tiếp trên lúa gạo và mảnh nồi hấp dạng chõ xôi từ các khai quật khảo cổ học, có đối chiếu với tài liệu dân tộc học và thư tịch học.
Một trong hai quả còn tươi nguyên vỏ phát hiện trong số thức ăn chôn theo mộ Đông Sơn ở Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội, khai quật năm 2000) và Bình Kiều (Khoái Châu, Hưng Yên, khai quật 2012). Đây là loại quả thường chôn theo người chết thời Đông Sơn khá giống thảo quả
Cũng khoảng đó, Viện Khảo cổ học mời chuyên gia khảo cổ học tiền sử Mỹ là Chester Gorman đang khai quật các hang động văn hóa Hòa Bình ở Thái Lan sang thăm. Tôi chịu ảnh hưởng bởi cách khai quật dùng sàng của ông để thu lượm những tàn tích thức ăn thực vật, động vật còn lại trong trầm tích văn hóa Hòa Bình ở Thái Lan, đã mạnh dạn ứng dụng ở Việt Nam bằng cuộc khai quật thử nghiệm tại hang Xóm Trại năm 1982. Đây là lần đầu tiên khảo cổ học Việt Nam thu lượm được một khối lượng lớn tàn tích thức ăn động, thực vật của cư dân văn hóa Hòa Bình từ trên dưới 20 ngàn năm trước.
Năm 1986, tôi được Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức cử về khi đang làm nghiên cứu sinh tại Berlin để thực hiện một cuộc khai quật rộng hơn ở góc còn lại của hang Xóm Trại. Số lượng hàng ngàn tiêu bản tàn tích thức ăn cùng một bếp nguyên thủy đã được phát hiện, cùng những khảo sát thực nghiệm dân tộc học tiền sử đã từng bước vén lên bức tranh "ăn" trong thời đá cũ thuộc văn hóa Hòa Bình.
Hạt nhãn (bên trái) và dâu da xoan (bên phải) trong đĩa gỗ mộ Châu Can
Các nhà khoa học liên ngành ở Việt Nam, Đức, Úc, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan … đã giúp tôi giám định, phân tích hàng ngàn tiêu bản khai quật ở Xóm Trại, Con Moong, Sũng Sàm, Đa Bút để 20 năm sau, năm 2004, tôi hoàn chỉnh phác thảo của mình về vấn đề "ăn" trong văn hóa Hòa Bình. Công trình công bố tiếng Anh nhan đề Hoabinhian Food Strategy in Vietnam (Chiến lược lương thực của cư dân văn hóa Hòa Bình tại Việt Nam) được in trong cuốn Khảo cổ học Đông Nam Á tại Manila, Philippines nhân sinh nhật lần thứ 80 nhà khảo cổ học lão thành Wilheim Solheim II, người thầy của Chester Gorman.
"Dường như sau bữa tiệc chia tay với người chết, gia đình và thân hữu đã chồng tất cả các chậu thức ăn còn lại cho vào quan tài" - TS Nguyễn Việt.
2. "Bữa ăn Đông Sơn" trong loạt các buổi Đêm đêm rì rầm trong tiếng Đất tới đây sẽ bắt đầu từ những đồ ăn được người sống chôn theo cho người chết trong quan niệm bữa tiệc cuối cùng và thức ăn mang theo trên hành trình sang thế giới về với tổ tiên. Điều đó cũng gần với thức ăn đồ uống dâng cho thần thánh trong các nghi lễ đương thời. Các dụng cụ nấu nướng bằng đồng chôn theo cùng với bộ đồ ăn thường thấy cũng bằng đồng hoặc tre nứa, gỗ, sơn then… hé mở cách nấu nướng, chế biến thức ăn và sử dụng chúng trong những bữa ăn lễ hội vui vẻ hay nghi thức trang trọng, thần bí mà đôi khi được nghệ nhân đúc đồng Đông Sơn cố gắng mô tả tràn đày cảm xúc, trộn lẫn men say.
Một loại đựng đồ uống bằng gỗ sơn mài thường thấy, phát hiện trong mộ Yên Bắc (Duy Tiên, Hà Nam)
Hai ngôi mộ Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội) và những ngôi mộ Yên Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) khai quật "chữa cháy" năm 2000 đã được chúng tôi thu thập tương đối triệt để đồ ăn người sống chôn theo cho người chết, cùng bộ đồ đồng, đồ sơn của những ngôi mộ dân đào gần đó, có thể dùng làm hình ảnh đại diện cho những "bữa tiệc" đám ma Đông Sơn đương thời. Niên đại C14 của các ngôi mộ này nằm trong khoảng vài ba thế kỷ trước, sau Công nguyên, cách ngày nay trên dưới 2.000 năm.
Người chết ở đây, trong các mộ Đông Sơn mà chúng tôi quan sát được, đều là những cư dân trồng lúa với sản lượng hàng năm đạt gần một tấn thóc trên đầu người (theo ghi chép về số thuế chính quyền nhà Hán thu được ở Giao Chỉ). Lúa gạo luôn thấy trong các quan tài này. Thậm chí, trong một trống đồng Đông Sơn phát hiện ở vùng núi miền tây Thanh Hóa còn in hình nguyên những giạ lúa nếp nương. Thảng hoặc, ở những mộ sau Công nguyên, dính trên đĩa đồng còn có cả những hạt mạch, cao lương. Chỉ những mộ giàu có mới mang theo cả đồ tích chứa và nấu nướng. Mộ bình thường chỉ mang theo những đồ đựng thức ăn đã có sẵn như đĩa, chậu.
Một số hạt dưa bở phát hiện trong mộ Yên Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) năm 2004
Trong một tập chồng nhau ba chậu đồng nông lòng, rộng miệng khoảng 40cm do chúng tôi giữ lại nguyên bản từ trong lòng một quan tài thân cây khoét rỗng vùng Phú Xuyên (Hà Nội) vẫn còn nguyên vẹn những vệt cọng rau, xương động vật, tương tự tàn tích đáy xoong của một nồi lẩu.
Dường như sau bữa tiệc chia tay với người chết, gia đình và thân hữu đã chồng tất cả các chậu thức ăn còn lại cho vào quan tài. Có một phần dành riêng cho người chết được đặt trang trọng ở trước ngực hay phía trên đầu. Thường là một đĩa đồng hay mâm gỗ, khay, đĩa gỗ. Trong đó thường thấy là một phần của đùi hay thủ lợn cùng những quả cây như sấu, dâu da xoan, thảo quả, dưa bở, nhãn, vải, củ ấu… tùy theo mùa. Những chiếc thạp đồng, có nắp đậy bằng đồng dành cho gia đình khá giả hoặc nắp đậy gỗ dùng để chứa rượu mang theo cho người chết. Một nồi đồng còn giữ nguyên vệt lá dong lót nồi…
Bộ đồ nấu Đông Sơn
Một vài nghi lễ mang tính "quốc lễ" được trình diễn khá thống nhất theo một quy ước xã hội trên mặt trống, thân thạp Đông Sơn tiêu biểu đã hé mở chu trình lo đồ ăn uống cho thần thánh được thu gọn. Đó là cảnh đâm trâu/bò, giã gạo và múc rượu. Một số tù binh bị trói, bị chặt đầu hiến tế, không biết có dùng máu dâng thần thánh hay không, hiện chưa có chứng cứ trực tiếp.
Trong các nghi lễ được thợ cả Đông Sơn thể hiện đó, chúng ta nhận ra một số đồ dùng trong nấu nướng, chế biến và ăn uống tương tự những đồ khai quật được trong một số ngôi mộ giàu có, như mộ Việt Khê, Kiệt Thượng, Châu Can, Đông Sơn, Thiệu Dương, Lai Nghi…
Tôi sẽ dành nhiều thời gian để đi sâu vào từng chi tiết trong chủ đề ăn uống Đông Sơn trong mỗi kỳ "rì rầm" thứ Năm hằng tuần, từ những mâm cơm Đông Sơn bình dân đến những bữa lễ tiệc thịnh soạn, kèm ca hát nhảy múa sau khi đã no say…
"Khảo cổ học ăn tiền sơ sử" ngày nay đã được tập hợp thành một bảo tàng nhỏ trong chuỗi bảo tàng Phạm Huy Thông thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, trong đó Bữa ăn Đông Sơn là một nội dung trọng tâm.
TS NGUYỄN VIỆT