Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/08/2023 09:51 755
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong các bài trước chúng tôi đã đề cập đến những vấn đề nổi bật nhất liên quan đến những hiện vật Cần Vương mà bà con vùng Muang Samoyay (Savannakhet, Lào) còn lưu giữ. Số lượng khá lớn hiện vật khác phản ánh đồ dùng sinh hoạt, nấu nướng, mâm đĩa, bình vò…và một số sổ sách xin được gộp cả vào bài này.

Hy vọng cuộc khảo sát thực địa của chúng tôi dự kiến vào cuối năm với Cục Di sản và Khảo cổ Lào tại đây sẽ rọi sáng thêm nhiều điều nữa vào cuộc Cần Vương do vua Hàm Nghi khởi xướng từ 150 năm trước.

Một số sổ sách mang hơi hướng cung đình
Hiện tại chúng tôi mới được tiếp cận với 3 cuốn sách, trong đó 3 tập sách in vào năm Tân Tỵ (1881), trong đó có 2 tập khâu liền thành 1 (chúng tôi đặt tên là cuốn dày và cuốn mỏng). Cả 2 đều cùng bìa nhan đề Tân soạn Thông thư tiện lãm (chạy dọc ở giữa). Hàng ngang trên cùng: Tân Tỵ niên san (1881). Bên phải ghi hiệu sách: Gia Định thành, Duy Minh Thị khảo hiệu, Quảng Đông nhai Quảng Thịnh Nam phát đoái. Bên trái: Việt Đông tỉnh Phúc Lộc nhai, Thiên Bảo lâu bản.
 
Trang bìa sách in và và mặt sau có thủ bút của Cần Vương
Đây là một loại sách khá nổi tiếng đương thời bên Quảng Đông (Trung Quốc) có chi nhánh ở Gia Định. Bộ sách này giúp tính toán chọn ngày giờ tốt xấu và phương hướng xuất hành. Sách được khâu bằng bìa loại giấy tốt bên trong có nhãn hàng RFD con hươu nhập từ phương Tây.
Cuốn thứ 3 là một sách thơ chép tay tự tác khá dài. Quyển sách còn khá nguyên vẹn gồm hàng trăm trang giấy bản chép những dòng thơ thất ngôn trường thiên tự sự hàng ngàn câu. Chữ viết tháu khá đẹp, phảng phất khí chất cung đình, như câu: "Khiếu ngã Nam Triều tú hợp lục/ Sắc tại tân hao bình lạc hương"…
Điểm đáng chú ý ở 2 cuốn sách in Thông thư tiện lãm có một số trang trống phía đầu và cuối sách có chữ viết tay của chủ nhân cuốn sách. Những dòng viết tay này của ít nhất 2 người: Một dạng chữ viết tháu rất cao nho và một dạng viết xấu, khá chân phương, bình dân. Tại trang lưng của tờ bìa cuốn mỏng có 5 hàng chữ viết tháu ghi từ tháng 1 (chính nguyệt) đến tháng 5 (ngũ nguyệt)… Bên dưới là 3 cột chữ của người khác "Nhị bách nhị linh nhị bách tam"… Ở cuốn dày, cũng ở trang sau tờ bìa có những dòng chép tay chữ tháu đẹp ghi như danh sách cấp tiền: "Thị Lộc… nguyên", "Cụ Thập thất nguyên", "Thầy Sáu bát mao"…
 
Trang giữa 2 cuốn “Thông thư tiện lãm” khâu lại thành tập sách chữ in dày xem ngày giờ và hướng xuất hành có dòng thủ bút quan trọng: Hành Trình, Tân Dậu nhật, xuất nội Mùi thời (Tân Dậu là ngày 23/5 Âm lịch năm 1885, ngày kinh thành thất thủ, ra khỏi thành giờ Mùi, khoảng đầu giờ chiều)
"Nguyên" là một đơn vị tiền lớn của Cần Vương đương thời, dưới "nguyên" là "mao", vì trong danh sách này có người nhận chỉ mấy "mao"! Đáng để ý là tên xưng hô rất gần gũi, như "Thị Lộc", "Thầy Sáu" và "Cụ". Cụ chắc là một nhân vật khá lớn, trong danh sách khi "Thầy Sáu" chỉ nhận tám "mao" thì Cụ nhận tới 17 "nguyên", gấp hơn 20 lần số Thầy Sáu…
Ở trang trắng giữa 2 tập khâu thành cuốn dày có dòng lớn chép tay trịnh trọng: "Hành trình", dưới đó ghi ngày tháng mỗi chặng, đầu tiên là "Tân Dậu nhật" (23/5) giờ Mùi… (có thể chính là ngày thất thủ kinh đô, triều đình xa giá rời Huế về Quảng Trị).
Trong khuôn khổ bài viết cho Thể thao và Văn hóa chúng tôi chỉ thông tin ngắn. Nhưng quan trọng là: Có đủ bằng chứng để xác nhận sách này đều có niên đại sát trước Cần Vương và được triều đình mang theo Cần Vương. Chắc chắn khi được khai thác cặn kẽ, đây sẽ là nguồn sử liệu sinh động cho sự kiện lịch sử lớn vào loại nhất nửa sau thế kỷ 19 của nước ta.
Hiện tại còn một số sách khác nữa được lưu giữ trong vùng, nhưng do tín ngưỡng, nhiều người dân không cho xem, chụp ảnh.
 
Cuốn sách mang hơi hướng cung đình
Một số đồ gia dụng quý tộc
Tôi nhận được ảnh một số hiện vật và dễ dàng nhận ra chúng không thuộc đồ bình dân như mức sống của dân bản trong vùng, ví dụ như chiếc mâm và chiếc chậu rửa được chạm hình rất cầu kỳ. Rất vui là một nhà sưu tầm cũng thông báo phát hiện một chiếc chậu tương tự trên tuyến đường từ thành cổ Quảng Trị đến Tân Sở.
Xin mô tả chi tiết chiếc chậu và chiếc mâm ở bản Lào được phép tẩy rửa, chụp ảnh.
 
Chậu và mâm đồng Cần Vương
Chậu đồng được gò bằng tay khá nhỏ, đường kính khoảng 30cm, nhưng được chạm trổ rất tinh xảo: Giữa đáy là hình tròn chữ Thọ có viền vành tam giác chéo nhau, bên ngoài là vành 4 con dơi lồng cánh vào nhau. Thành chậu khum đều là văn mây cánh sen trên nền chấm rải. Trên vành miệng là 4 khung hoa lá ôm cuốn thư và nậm rượu ngăn cách bởi 4 chữ Vạn cách điệu.
Gia đình còn có 1 chiếc chậu lớn hơn, phần thân tang chậu gò thành các mũi nhỏ rất đẹp. Chiếc chậu lớn này cũng được gò trang trí hoa dây rất cầu kỳ ở vành miệng.
Chiếc mâm đồng khá lớn, đường kính khoảng 70cm, cũng có nhiều hình hoa lá trang trí. Giữa mâm là chữ Phúc xung quang là 2 con rồng ẩn trong mây và 4 chữ ở bốn góc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Vành ngoài chia 4 khung hoa dây mẫu đơn, chèn bởi 2i khung tổ ong bát giác và chính giữa 4 chữ mờ chưa đọc được.
 
Một số đồ Cần Vương dùng trong sinh hoạt
Đặc biệt, gia chủ còn lưu giữ chiếc bình vôi bằng đồng đúc dẹt với hoa văn hình thù quý phái và 1 chiếc khay với 2 cốc uống rượu Tây bằng hợp kim bạc. Gia chủ cho phép chụp ảnh khá nhiều ống đựng vôi nhỏ bằng đồng, hộp bạc chạm hoa đựng trầu cau, nhiều đồ sứ vẽ hoa lam kiểu lò Móng Cái hay đĩa chén long ẩn đồ sứ đời Thanh…
Đồ thờ tự bằng đồng hiện mới thấy 1 chiếc đỉnh nhỏ kiểu Huế phủ đày bụi của một gia đình khác. Chiều cao đỉnh (đã mất chân đế) khoảng 40-45 cm, có lẽ tương ứng bàn thờ gia đình hay dã chiến.
Những đồ bình dân dành cho binh lính và người hầu
Một số lượng không nhỏ hiện vật đang trong các nhà dân là các nồi xoong bằng đồng - và thảng hoặc bằng nhôm, một vật liệu hiếm có đương thời mà chỉ có kỹ thuật từ phương Tây đưa vào. Gia chủ được truyền đời rằng đây là những đồ của thời "vua về làng". Những nội đồng đều có nắp đúc núm nổi, trên thân phần cổ cũng có hình hoa văn đúc nổi.
Cho đến nay, những đồ này một phần được người dân sử dụng, một phần coi như đồ thờ cúng ghi nhớ một thời tổ tiên đã gắn kết với một bậc quân vương. Việc khai thác trong dân không dễ dàng, nếu không làm họ hiểu được ý nghĩa lịch sử của chúng.
"Có đủ bằng chứng để xác nhận sách này đều có niên đại sát trước Cần Vương và được triều đình mang theo Cần Vương. Chắc chắn khi được khai thác cặn kẽ, đây sẽ là nguồn sử liệu sinh động cho sự kiện lịch sử lớn vào loại nhất nửa sau thế kỷ 19 của nước ta" - TS Nguyễn Việt.

TS NGUYỄN VIỆT - PHAN ANH DŨNG

https://thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4219

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 3): Triều phục Cần Vương - Dù trong rừng vẫn phải đàng hoàng!

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 3): Triều phục Cần Vương - Dù trong rừng vẫn phải đàng hoàng!

  • 14/08/2023 10:06
  • 826

Khi tôi tiếp nhận bộ ảnh về triều phục Cần Vương mà bà con các bản ở Muang Samoyay (Savannakhet, Lào) giở ra cho chụp, thấy rõ ấn tượng về sự đàng hoàng. Gấm lụa và sắc màu vẫn còn rất tươi, dù trải qua hơn 1 thế kỷ rưỡi trong rương hòm ở các nhà sàn bà con miền Tây Trường Sơn hẻo lánh này.