Thứ Ba, 15/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/06/2023 14:53 1409
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đỉnh cao của đa dạng "Thú thiêng" trong tâm linh Đông Sơn xoắn đọng dần ở hai loài linh thú cao quý nhất, sẽ trở thành chủ đạo xuyên suốt lịch sử Việt Nam sau này: Đó là Chim thiêng (Khổng Tước - Công - Mộ Dạ) và Rồng nước (Lạc Long, Giao Long…), lưu ảnh trong thần thoại giống nòi: Âu Cơ đẻ trăm trứng với Lạc Long. Và bài viết này sẽ "thì thầm" những chứng cứ của sự xuất hiện cặp đôi Chim - Rồng đó trong nghệ thuật Đông Sơn từ thế kỷ 4 trước Công nguyên trở về sau.

1. Kết quả nghiên cứu và định tuổi gần đây của một loạt mộ táng chứa đồ Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam…) cho phép xác nhận tuổi của bộ đồ đồng đỉnh cao Đông Sơn xuất hiện trong khoảng thế kỷ 4 trước Công nguyên, đan xen với đồ đồng Chiến Quốc (Trung Hoa). Nhóm Đông Sơn Tây Âu nhờ trồng lúa và nắm giữ vùng có mỏ đồng, thiếc lớn đương thời đã trở thành một chủ nhân Đông Sơn sáng tạo và lan truyền một phần quan trọng của đồ đồng đỉnh cao Đông Sơn đó.

Chim thiêng trên nóc nhà sàn lễ nghi Đông Sơn (bản rập trống đồng Đông Sơn, Sưu tập Nguyễn Đình Sử, Hà Nội)
Trong thời Pháp thuộc, lác đác đã phát hiện đồ đồng thuộc khối này, tất cả gộp chung trong di vật chung của văn hóa Đông Sơn mà khi đó vấn đề loại hình khu vực và lịch đại chưa có điều kiện sang tỏ. Tình trạng này đến tận khi ra đời tổng tập Những vết tích đầu tiên của thời đại đồng thau ở Việt Nam (1963) của nhóm tác giả Lê Văn Lan, Phạm Văn Kỉnh, Nguyễn Linh vẫn như vậy.
Sau cuộc điều tra khá bài bản của Viện Khảo cổ Việt Nam vào những năm 1970 - 1980 ở vùng núi phía Bắc và Tây Bắc mới xuất hiện cảm nhận có một loại hình văn hóa Đông Sơn Miền Núi, được Phạm Minh Huyền tổng hợp trong luận văn tiến sĩ Nghiên cứu Loại hình trong văn hóa Đông Sơn, 1996.
 
Thế giới chim thiêng Đông Sơn với hình chim Công lớn cạnh con thuyền thiêng Đông Sơn và rất nhiều loài chim khác nhau trên con thuyền (ảnh chụp từ thạp Đông Sơn của Bảo tàng Barbier-Mueler, Geneva, Thụy Sĩ). Lưu ý thêm hình cú mèo đậu cành cây trên thuyền và hươu thiêng có cánh bên dưới
Đối với tôi, ấn tượng sâu sắc nhất hình thành về nhóm đồ đồng Tây Âu là sau khi đọc bài viết của Lò Giàng Páo về phát hiện nhóm di vật đồng ở Đá Đỏ (Sơn La) năm 1985. Đó là một bộ di vật Đông Sơn có phong cách trang trí khá riêng biệt so với những đồ đồng Đông Sơn ở đồng bằng và trung du sông Hồng. Vệt đồ đồng Đông Sơn trang trí đẹp và "hơi khác lạ" này phát hiện rầm rộ sau này một dải từ Lào Cai, Yên Bái, Sơn La vào đến dày đặc ở miền núi Thanh Nghệ và rải rác dọc Đông Tây Trường Sơn về phía Nam…
Trong thế giới Đông Sơn Tây Âu này, các loài chim thú Đông Sơn được trình diễn tự nhiên và chân thật hơn, cho phép lần tìm tư duy tâm linh của chủ nhân. Trong đó tuyến phát triển tư duy từ loài chim chân dài mỏ ngắn bắt cá (chứ không phải mỏ dài như cò, hạc) thành loài khổng tước có mào và bộ đuôi nhân mặt trời rất rõ ràng.
 
Trích đoạn một phần hình trang trí trên thạp đồng Đông Sơn thuộc sưu tập Grusenmayer Karim (Gent, Bỉ): Trên cùng là diễu hành của những chim mỏ dài dạng bồ nông xen lẫn những chú công. Đáng chú ý là chim công và hai con chim khác trên nóc nhà sàn nghi lễ. Ảnh chụp từ sách Art de Dong Son, Barbier-Mueler Muset, Geneva, Thụy Sĩ
Quan sát sự diễn biến này với sự định hình biểu tượng Công trên các đỉnh nắp âu bình, đèn, lồng ấp trầm… giai đoạn Đông Sơn Giao Chỉ sau đó sẽ dễ hiểu linh điểu trên các nóc nhà sàn nghi lễ Đông Sơn chính là loài Công hoặc tiền thân của loài linh điểu Công Giao Chỉ sau đó vài thế kỷ. Đó cũng là con đường giúp ta tiếp cận hình tượng bà mẹ Âu Cơ - giống chim sinh trăm trứng!
 
Hình tượng chim công trở nên quen thuộc trên các đèn hay lồng ấp trầm Đông Sơn Giao Chỉ
2. Song song với quá trình định hình từ thế giới "bách điểu" chọn ra một Linh điểu đại diện là chim Công (Khổng Tước, Mộ Dạ) làm thành Chim Mẹ (Âu Cơ), cư dân Đông Sơn cũng lọc từ thế giới "bách thú" chọn ra một Linh thú hóa Rồng, đại diện cho Thú Cha (Lạc Long).
 
Cá sấu hóa rồng Đông Sơn trên một chiếc thạp đồng bảo vật quốc gia (Sưu tập Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, Bắc Ninh)
Trong các bài trước, chúng ta có cơ hội để thấy một số Thú thiêng (riêng cặp Trâu/Bò và Voi chưa đăng), các bạn đã thấy một loài thú Đông Sơn đang vươn hóa rồng thuyết phục nhất là Cá sấu. Cá sấu luôn trân trọng chiếm lĩnh băng trang trí trọng yếu ở trên mặt trống đồng Đông Sơn Tây Âu, trên một số thạp, âu đồng lớn và trên cán dao găm, rìu, giáo, qua đồng và thắt lưng của shaman hay thủ lĩnh quân sự. Đây là loài thú dữ, to lớn, chiếm số lượng đông ở các đầm lầy cửa sông ven biển - vùng đất rất phù hợp với khái niệm địa lý đương thời về các thế đất "Lạc" và "Giao - Keo"!
 
Cá sấu hóa rồng trên đốc qua đồng Đông Sơn phát hiện ở Núi Voi (Hải Phòng)
(Sưu tập Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia VN)  
Trong buổi tọa đàm năm 2006 với một chuyên gia hàng đầu Nhật Bản về văn tự Hán cổ tại Nhật, giáo sư Harico của Đại học Okayama, tôi có đặt câu hỏi về sự xuất hiện chữ "Giao". Ông nhất trí với tôi ở chỗ "Giao" là ghi âm Hán từ cổ phương Nam (có thể gần với "Keo") ám chỉ vùng đất thấp ngập nước của sông, ven biển. Ông đưa ra ví dụ "Giao Long" và cho rằng xuất hiện sớm nhất trong trước tác của Tư Mã Thiên (thế kỷ 2 trước Công nguyên). Giao Long là rồng vùng đất thấp ngập nước quanh năm (Giao Châu, Giao Chỉ…) khác hẳn với "Thanh Long" (rồng bay, rồng cạn) vốn có sớm trong văn minh Hoàng Hà (Trung Quốc), đi cặp với Bạch Hổ.
 
 
Hai mặt một đầu rồng kiểu Đông Sơn Giao Chỉ làm cán muôi phát hiện ở Dọc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên (sưu tập Bảo tàng Phạm Huy Thông, Hòa Bình).
Sưu tập Đông Sơn CQK (California) có một chiếc thạp dạng Liễm Đông Sơn, trên thân có ba băng hình chính: Chim công ở trên, thú (hổ hươu) ở dưới và ở giữa là hai cặp rồng cuộn lồng vào nhau cùng người cưỡi voi, dắt ngựa. Giữa vòng cuộn của đôi rồng là hình chim mỏ dài bay quen thuộc. Chiếc thạp (liễm) này được xếp vào khoảng thế kỷ 2 trước Công nguyên. Cũng khoảng này xuất hiện những muôi đồng cán đầu rồng, kiểu đầu rồng điển hình thời Giao Chỉ, khá gần gũi với kiểu đầu rồng trong các mộ quyền quý vùng Hoa Nam (Trung Quốc), như Mã Vương Đôi ở Hồ Nam, La Bạc Loan ở Quảng Tây, Nam Việt vương ở Quảng Đông…
 
Rồng đấu hổ trên một chiếc đĩa đồng Đông Sơn Giao Chỉ (Sưu tập Bảo tàng Phạm Huy Thông, Hòa Bình)
Liền sau đó, đi cùng đồ đồng Đông Sơn điển hình thời Giao Chỉ xuất hiện những mâm ba chân, vịt chân đèn, hộ tâm phiến Đông Sơn chạm khắc vào sau (chứ không chạm khắc trên khuôn đúc liền) những đồ án chim Công (Khổng Tước) gắn với chủ đề Thanh Long - Bạch Hổ phương bắc. Trên một hộ tâm phiến của Sưu tập CQK có hình một con hổ đứng hai tay dạng ra bóp cổ hai con chim công bên cạnh - cuộc đấu giữa hai con rồng và hổ phản ánh sự xung đột tâm linh giữa các thế lực nhập cư và bản địa đã trở nên cao độ: Bản chất của khởi nghĩa Hai Bà Trưng!
 
Hình rồng Đông Sơn Giao Chỉ trên một mâm đồng mang phong cách phương Bắc (Sưu tập Bảo tàng Phạm Huy Thông, Hòa Bình)
"Linh điểu trên các nóc nhà sàn nghi lễ Đông Sơn chính là loài Công hoặc tiền thân của loài linh điểu Công Giao Chỉ sau đó vài thế kỷ. Đó cũng là con đường giúp ta tiếp cận hình tượng bà mẹ Âu Cơ - giống chim sinh trăm trứng!" - TS Nguyễn Việt.

TS NGUYỄN VIỆT

https://thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4311

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn

  • 05/06/2023 10:35
  • 1234

Trước hết, chim là động vật thấy xuất hiện nhiều nhất trong nghệ thuật Đông Sơn. Trong đó, theo trật tự thống kê từ gần một ngàn tiêu bản tôi đã gom được, ta sẽ thấy ưu thế tuyệt đối thuộc về các loài chim gắn với lối sống ăn bắt thủy sinh ở các thủy vực đầm lầy ven sông, biển với đặc trưng cổ dài, mỏ cả ngắn lẫn dài và chân cao. Chúng được nghệ nhân Đông Sơn đặc tả khiến người xem rất dễ nhận ra như các loài cò, bồ nông, cốc.