Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/05/2023 12:19 1043
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Kỳ trước, tôi đã kể về hai loại hiện vật dụng trong lễ cúng shaman thời Đông Sơn, đó là chiếc khánh đồng và chiếc cốc có hai tay kéo dài. Kỳ này, tôi muốn nhắc đến loại chuông lớn (trong dân gian gọi chung là chuông voi) và những lục lạc gắn trên các muôi múc đồ cúng trong các nghi lễ Đông Sơn cổ truyền.

Trong các nghi lễ Đông Sơn cổ truyền, nhịp đi và nhảy chính được tạo bởi âm rền vang của trống, chiêng và chuông lớn bằng đồng. Âm thanh nhẹ như thì thào sâu lắng do các nhạc chuông nhỏ tạo ra theo sát từng cử động của người dâng lễ.

Từ chuông voi
Trước mắt chúng ta là một chuông lớn mặt cắt ngang thân hình bầu dục. Chuông cao 28cm, rộng ngang 15cm, dày chừng 8cm. Đặc trưng không thể lẫn với các chuông khác là ở phần cuống thắt có hình như hai sừng cong chĩa ra, khiến cả bản chuông như đầu một con dê sừng mới nhú. Chuông này thường được tìm thấy gắn với các đồ vật mang tính lễ nghi và xếp cặp đôi.
 
 “Chuông voi” Đông Sơn – dụng cụ tạo thanh âm phổ biến trong nghi lễ shaman xưa (Sưu tập Mai Sĩ Tất Thắng, TP.HCM)
Nhiều thầy cúng dân tộc Mường, Tày, Thái, Dao… đôi khi vẫn dùng chuông này trong các nghi lễ. Bảo tàng Tiền sử ở Kim Bôi hiện đang bảo lưu một chiếc chuông Đông Sơn như vậy lấy từ sưu tập của một thầy mo quá cố để lâu ngày trên bàn thờ. Chúng ta có lý do để gắn loại chuông này với các lễ nghi mang ý nghĩa tâm linh truyền thống Đông Sơn với tư cách dụng cụ hành lễ của một thầy cúng.
Đôi "chuông voi" Đông Sơn phát hiện ở đầu cầu Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) có hàng chữ Hán đúc nổi với nội dung trừ tà, cầu "cát vận", giúp khẳng định sự gắn bó loại chuông này với các thầy cúng xưa.
Những chiếc chuông voi đa số thuộc dạng văn hóa Đông Sơn phía Bắc, không có quả lắc kêu bên trong, thường trang trí mặt người, tượng nổi cá sấu hai bên hay lớp thảm hoa văn dày hình người hóa trang như trên thân trống. Chiếc chuông voi này thuộc loại cuối, trên thân phủ kín các đồ án trang trí hình lông chim cách điệu đặc trưng, cho thấy niên đại chuông ở khoảng thế kỷ I TCN. Khi dùng, thầy cúng nắm một tay ở phần chuôi chuông nơi có hai tai chĩa ra, tay kia dùng dùi gõ phát ra âm thanh.
 
Kiểu gõ này khiến tôi liên tưởng đến dạng chuông hình trống đồng nhỏ có quai treo chính giữa mặt mà nhiều người nhầm là trống minh khí (miniature). Rất hiếm khi loại chuông này có quả lắc ở trong. Khi được treo lên, người hành lễ sẽ dùng dùi nhỏ gõ vào vành chân trống để tạo tiếng vang cho chuông. Các móc treo bằng đồng đều bị mòn vẹt chứng tỏ mức độ sử dụng của trống.
Chuông loại sớm, thế kỷ III - II TCN, thuộc nhóm chủ nhân Đông Sơn Tây Âu, thường đúc nổi hình mặt thần có hai sừng trên bản chuông. Chính nhờ những hình mặt người hai sừng kiểu anten trên các chuông này mà về các hình mặt người trong vách hang Đồng Nội có cơ sở để cho là chúng được tạo ra cho một lễ shaman trên đường rút về phía Nam của quý tộc Âu Lạc, sau khi bất lợi trước sức ép của Nam Việt.
Đến chuông nhạc nhỏ trên muôi đồng
Vật dụng thầy cúng thứ hai tôi muốn kể ở đây là các loại muôi múc bằng đồng có treo chuông nhạc nhỏ. Có nhiều kiểu muôi giả ống tre, giả quả bầu, thậm chí giả hình vỏ ốc nhồi, gáo dừa… nhưng đều thống nhất loại nhạc chuông Đông Sơn hình đầu ngón tay, như dáng thu nhỏ của loại chuông voi lớn.
Loại nhạc chuông này cũng không có quả lắc bên trong. Âm thanh vang ra nhờ va chạm giữa chúng với nhau hoặc với thành công cụ mà chúng gắn vào.
 
Chiếc muôi nghi lễ được thầy cúng Đông Sơn sử dụng dâng rượu, nước thậm chí máu hiến tế
Trong sưu tập của Mai Sĩ Tất Thắng (TP.HCM), ngoài chiếc chuông voi nói trên còn môt chiếc muôi giả quả bầu có phần chuôi hoa văn tinh vân sóng lượn, kèm theo hai móc gắn nhạc chuông nhỏ. Chức năng muôi khiến nhiều người liên tưởng đến dụng cụ dung trong yến tiệc, nhưng đôi nhạc chuông đã khiến tôi nghiêng về đồ vật dùng trong nghi lễ. Dung dịch được múc có thể là nước, rượu, mật, thậm chí máu hiến sinh. Cặp chuông không chỉ là vật trong trí mà là tiếng nhạc tạo âm thanh linh thiêng và khiến người dâng phải nhẹ nhàng, thận trọng, kính cẩn với đồ dâng của mình.
Những chiếc muôi như vậy từng nổi tiếng từ lâu với muôi hình ống tre có người thổi khèn ở chuôi phát hiện trong mộ Việt Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng), muôi có chuôi hình đầu trâu, gắn đôi khuyên có nhạc chuông ở cạnh tai trâu khai quật ở Làng Vạc (Thái Hòa, Nghệ An), muôi dạng quả bầu, nhưng trang trí hình đầu thuyền rất cầu kỳ kèm dãy 5 vành khuyên treo 5 nhạc chuông thuộc sưu tập của bảo tàng nghệ thuật quốc gia Singapore và sưu tập Nhà hàng Dong Son Drums ở Cầu Giấy, Hà Nội…
 
Hình ảnh một thày cúng trên một rìu đồng Đông Sơn, tay phải cầm chuông rung, tay trái cầm một thần trượng với nhiều chuông nhạc nhỏ treo. (Sưu tập Mai Xuân Trường, Hà Nội)
Âm thanh Đông Sơn từ hàng ngàn năm
Thanh âm kim loại Đông Sơn là một chủ đề chứa đầy hứng thú, là một mảng không thể tách rời khi nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, trước đây nhiều nhà nghiên cứu chỉ xếp chúng như đối tượng của thẩm mỹ âm nhạc. Nghiên cứu hệ thống của chúng tôi lại đặt chúng trước hết thuộc hệ thanh âm tâm linh, phục vụ các nghi lễ, tín ngưỡng tâm linh. Hoặc nói cách khác là "tiếng" dành cho thánh thần mà con người Đông Sơn đương thời mượn để tiếp cận, truyền đạt mong cầu của mình đến thế giới ma, quỷ hay thần, thánh đó.
Do thời gian, lại bị môi trường gây mọt gỉ, âm thanh Đông Sơn qua các dụng cụ tạo âm bằng kim loại gốc đó không còn nguyên bản. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp hiếm quý, những dụng cụ đó ngâm trong nước hàm lượng pH không cao, hay cất giữ trong hang đá… dù hàng ngàn năm vẫn giữ nguyên thanh âm cũ.
Sưu tập Đông Sơn mang tên CQK ở California (Mỹ) và của chúng tôi tại Bảo tàng tiền sử Phạm Huy Thông ở Kim Bôi (Hòa Bình) đang may mắn sở hữu những chiếc trống, chiêng đồng cổ như vậy. Một khách Singapore muốn thử đã đề nghị tôi treo gõ thẩm âm hai chiếc chiêng như vậy. Thật bất ngờ, khi tiếp chuyện một giáo sư âm nhạc ở Viện âm nhạc Việt Nam trong một hội nghị quốc tế về Mo Mường họp tại thành phố Hòa Bình, ông nói một cách nghiêm túc, khoa học, rằng ông vừa giúp thẩm định thanh âm hai chiếc chiêng và nhận ra hai âm vực đực - cái rất rõ rệt… Ông không hề biết đó là chiêng của tôi và tôi cũng hoàn toàn không biết âm thanh gõ và tôi thu lại gửi cho vị khách đó lại được gửi đến vị giáo sư nọ. Nhưng cũng là một cảm giác lạ kỳ khi được nghe chuẩn âm thanh từ ngàn xưa, khiến cho chúng ta gần gũi hơn với Chử Đồng Tử, Kim Dung, Lang Liêu, Mỵ Châu… trong huyền thoại.
Khảo cứu để phát hiện thế giới tâm linh Đông Sơn thông qua những đồ dùng và dấu vết để lại trong nghệ thuật tạo hình, trang trí là một đề tài khoa học lâu dài và lý thú. Trong số tiếp sau tôi sẽ kể với bạn đọc về những vành đai đầu kim loại trên trán các thày cúng shaman và các thủ lĩnh Âu Lạc thời Đông Sơn.   
"Các hình mặt người trong vách hang Đồng Nội có cơ sở để cho là được tạo ra cho một lễ shaman trên đường rút về phía Nam của quý tộc Âu Lạc sau khi bất lợi trước sức ép của Nam Việt" – TS Nguyễn Việt.

TS. NGUYỄN VIỆT

https://thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4207

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Hình ảnh thầy cúng và đồ thiêng từ 3.000 năm

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Hình ảnh thầy cúng và đồ thiêng từ 3.000 năm

  • 13/05/2023 08:51
  • 1108

Trong nhiều thảo luận về lịch sử trang sức trong và ngoài nước, từ 1978, tôi luôn chủ trương rằng các thầy cúng trong các xã hội nguyên thủy luôn là đối tượng được trang sức đầu tiên. Mục đích chưa phải tạo hình thẩm mỹ mà là để khác với đồng loại và gần giống để có thể tiếp cận với thế giới thần thánh, ma quỷ theo trí tưởng tượng của họ. Về hình thức, trang sức thầy cúng thường là: bôi mầu, cắm lông chim trên đầu, mặt và thân thể, đeo các vật lạ như răng nanh thú (hổ báo, gấu…), vòng đá, sừng, ngà voi trên cổ, tai, mũi và chân tay.