Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/05/2023 15:00 1282
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Một ngày lập Xuân năm Mão, sau Tết (2023), mở Facebook tôi ngạc nhiên khi thấy đăng tải một dao găm thời Đông Sơn gỉ xanh quen thuộc mang đặc trưng kỹ thuật dao găm vùng Cửu Chân, nhưng phần tay cầm là đôi hổ đỡ chân con voi mà trên lưng nó có tới hai tượng khối ngồi xổm chễm chệ xoay cùng chiều nhìn ngang…

Tôi đã liên hệ ngay với chủ trang Facebook đó và được biết anh vừa mua được từ Thanh Hóa. Tôi nói sẵn sàng giúp giám định và bình luận về phát hiện mới này. Vì nhờ hữu duyên mà tôi đã chứng kiến trước đó 3 con dao găm mang phong cách nghệ thuật hiếm có này, trong đó đã trực tiếp nghiên cứu kỹ một con dao khai quật ở vùng Thanh Nghệ và lưu lạc sang châu Âu từ những năm 1990. Khi tôi tiếp xúc với con dao găm này (2008), nó đang thuộc sưu tập Gallery Hioco (Paris, Pháp).

Từ con dao găm hiếm có
Chủ nhân con dao cán tượng đôi trên đăng Facebook là một chàng trai còn rất trẻ, dáng thư sinh, đã bay từ TP.HCM mang theo con dao quý đó đến Bảo tàng Tiền sử của tôi ở Kim Bôi, Hòa Bình. Nhờ đã nghiên cứu rất kỹ con dao tượng đôi của sưu tập Hioco tôi nhận ra ngay chất thực toát ra từ con dao găm mới này.
 
Tượng Hai Bà Trưng thờ trong hậu cung đền thờ Hai Bà (Mê Linh, Hà Nội)
Tuy nhiên, theo thói quen và trách nhiệm nghề, tôi vẫn từng bước xem xét kỹ hiện vật để vừa phát hiện thêm những điều mới mẻ, vừa loại bỏ nguy cơ gặp phải đồ làm giả cổ.
Con dao găm có tổng chiều dài cả phần tay cầm và phần lưỡi là 38cm, trong đó phần lưỡi hình lá tre cân xứng dài 24cm, phần tay cầm dài 14cm. Đây là loại dao găm Đông Sơn mang đặc trưng vùng sông Mã, sông Chu, sông Cả (Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh), khác hẳn với loại dao găm miền trung và thượng du sông Hồng. Điểm dễ nhận nhất là ở phần chắn tay ngăn giữa tay cầm và lưỡi hình lá tre có hai sợi "râu" đồng vê cong tròn về phía lưỡi như hình sừng trâu. Trong khi lưỡi dao găm Đông Sơn vùng sông Hồng có hình đỉnh tháp và chắn tay thẳng.
 
Con dao găm Đông Sơn mang đặc trưng vùng sông Mã, sông Chu, sông Cả vừa được phát hiện
Sự khác biệt nhỏ hơn trong loại hình dao găm Thanh Nghệ là ở phần đốc tay cầm. Loại phổ biến và giản đơn nhất là tay cầm trơn, nhỏ, đốc ngang hình chữ "T" ngược. Loại cầu kỳ hơn một chút là phần đốc phình ra như củ hành, trên đó cũng có khi được đúc trổ lỗ dọc thành các ô hẹp hình chữ nhật.  Loại trang trí phức tạp nhất là tạo khối tượng người, thú… thay cho phần tay cầm đó.
Chúng ta đã bắt gặp trong các cuộc khai quật chính thức ở khu mộ táng Làng Vạc (Thái Hòa, Nghệ An) năm 1973 tượng đôi rắn quấn đỡ chân voi mang trống đồng trên lưng, tượng khối đôi hổ nâng chân voi mang bành trên lưng… và nhiều tượng nữ thủ lĩnh mặc áo váy dài tận mắt cá chân, thắt lưng có búi thả cả trước, sau. Cổ và tai đeo chuỗi, vòng khuyên, hai tay chống nạnh đeo vòng đơn. Những dao găm hay kiếm ngắn Đông Sơn mang phong cách nữ chúa Núi Nưa mang đặc trưng tiêu biểu của loại hình Thanh Nghệ này.
 
Chi tiết biểu tượng Hai Bà Trưng trên cán dao găm
Dùng tượng khối thể hiện hình ảnh thủ lĩnh trên cán dao găm đồng trở thành một phong cách nghệ thuật độc đáo thời Đông Sơn.
Cho đến nay chúng ta có khoảng trên dưới 100 tiêu bản dao găm Đông Sơn dùng tượng khối thay tay cầm đơn. Kiểu thức phổ biến nhất là tượng nam tết đuôi sam đôi, cởi trần, đóng khố thêu ngắn, đeo vòng cẳng tay trên và nhiều vòng ở tai. Không đeo vòng chuỗi cổ. Đây là loại phát hiện nhiều ở đồng bằng thấp sông Hồng, có nhưng ít thấy ở vùng Thanh Nghệ. Loại tượng nam này trong một số trường hợp đặc biệt được gắn thêm rìu chiến, dao găm, đầu lâu…
Trong khi ở vùng Thanh Nghệ chủ yếu thấy tượng nữ mặc áo váy như đã nêu ở phần trên, thảng hoặc có tượng nữ chúa mang rìu chiến. Cả hai loại đều có kiểu đứng thẳng hai tay chống nạnh đặc trưng Đông Sơn, đồng thời tạo ra độ rộng dễ cho tay cầm khi sử dụng. Các loại cán dao găm độc, lạ cũng xuất hiện như khối tượng nữ công kênh nhau trên vai, khối tượng đôi đứng dâng nhĩ bôi nước thánh, tượng mẹ cạo đầu cho con, tượng đứng thổi sáo ngang nhiều ống, tượng nam nữ giao duyên, tượng hai người cưỡi voi và tượng hai chị em sinh đôi cưỡi voi như chiếc dao găm chúng ta đang bàn ở đây…
Cuối cùng, tôi xúc động chúc mừng chủ nhân đã có con dao găm Đông Sơn thứ tư mang phong cách tôn thờ biểu tượng Hai Bà Trưng vốn rất hiếm có.
Tới câu chuyện về biểu tượng Hai Bà Trưng
Câu chuyện tôi muốn kể hôm nay nhân phát hiện thêm mới con dao găm thứ tư mang biểu tượng Hai Bà Trưng sẽ xoay quanh một số chủ đề mang tính lịch sử rất đáng chú ý toát ra từ kiểu dao găm/kiếm ngắn này.
 
Kiểu cán dao người thổi kèn môi Đông Sơn (sưu tập CQK, California, USA)
Trước tiên tôi muốn nói đến chiếc kiếm ngắn Đông Sơn có cán tượng đôi song sinh ngồi trên lưng voi thuộc sưu tập Hioco ở Paris mà tôi được mời sang nghiên cứu vào năm 2008 trên đường sang dự Đại hội Khảo cổ học Thế giới lần thức 6 (WAC  6 - World Archaeological Congress VI)  ở Dublin (Ireland). Đây là một trong số di vật Đông Sơn tiêu biểu của Pham's Collection ở Paris và Geneva mới chuyển giao cho Hioco Gallery. Trước khi tôi trực tiếp nghiên cứu thì lưỡi kiếm ngắn này đã được gửi đến phòng thí nghiệm chuyên môn giám định cổ vật mang tên viết tắt là CIRAM ở Paris. Khá dễ dàng nhận thấy độ tin cậy cao của hiện vật bên cạnh những đo lường X-quang, định lượng quang phổ và cấu trúc rễ của gỉ hợp kim đồng mà CIRAM đã thực hiện.
 
Phần cán một bó dao găm Đông Sơn cắm trong một vòng ốp tay, khai quật ở vùng Làng Vạc (Nghệ An)
Điểm thú vị ở chỗ, tôi phát hiện kiểu đầu và trang phục của "nữ chúa Núi Nưa" trên cặp tượng song sinh này để kết luận đây là hai nữ chúa hai tay ôm gối ngồi xổm quay ngang mặt ở trên lưng voi. Ngay lập tức tôi có liên tưởng đến hình ảnh Hai Bà Trưng đã được sử sách ghi từ rất sớm. Tất nhiên, niên đại của loại dao găm hay kiếm ngắn  này chỉ có thể từ cuối những năm 30 sau Công nguyên trở về sau.
Chúng ta đều biết rằng khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã có tới 3 năm lập quốc và nhiều thủ lĩnh Thanh Nghệ đã tham gia bộ máy nhà nước non trẻ này. Tiêu biểu là Đô Dương, thủ lĩnh Cửu Chân với trung tâm họ Dương ở Làng Giàng, Tư Phố (Thiệu Dương hiện nay), nơi mà 1.000 năm sau Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền tiếp nối phất cờ lập quốc. Con đường rút lui của các cừ súy Hai Bà Trưng theo đường thượng đạo vào Thanh Nghệ chống truy sát của Mã Viện đã từng bước được chúng tôi làm rõ bằng khảo cổ học.
 
Hình tượng Hai Bà Trưng trên cán kiếm ngắn Đông Sơn trong sưu tập Hioco Gallery (Paris)
Rất nhanh chóng, bài viết về khối tượng cán dao găn Đông Sơn mang hình tượng Hai Bà Trưng của tôi đã được đăng trên nhiều báo chí trong và ngoài nước cũng như chính thức đưa vào công trình sách Hà Nội thời Tiền Thăng Long nhân kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Gần đây, truy ngược lại con đường "xuất ngoại" của kiếm ngắn Đông Sơn đến Gallery Hioco, chúng tôi được biết nó đã xuất thổ từ một khu mộ táng Đông Sơn ở vùng miền núi Thanh Nghệ nước ta. Cũng khoảng đó tại vùng núi sát đền Bà Triệu (Thanh Hóa) cũng xuất lộ con dao găm thứ hai mà tôi có may mắn quen biết chủ nhân đầu tiên của nó. Dao găm này đã được trưng bày trang trọng trong tủ kính của Bảo tàng Hà Nội nhân dịp 1.000 năm Thăng Long, thuộc sưu tập rất giá trị của Nguyễn Đình Sử. Cho đến gần đây, ngày 24/4/2022, một dao găm tương tự vớt từ đáy sông cũng được một nhà sưu tầm quen biết đưa lên trang Facebook. Cả hai đều chung một kiểu có hai con hổ đỡ voi, trên đó là tượng hai nữ chúa giống nhau như một cặp song sinh ngồi xổm nhìn ngang.
 
Loại hình cán dao găm Đông Sơn tượng người được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn sớm khoảng thế kỷ 2 - 3 trước Công nguyên thể hiện khá giống nhau mô típ thủ lĩnh nam và nữ chung chứ chưa đi vào mô tả đặc trưng con người cụ thể. Giai đoạn sau vào khoảng sau Công nguyên, các thủ lĩnh mang đặc trưng riêng ám chỉ những vị anh hùng cụ thể, như Bà Trưng, Bà Triệu… Phát hiện những dao găm mang biểu trưng Hai Bà Trưng giúp khẳng định tính xác thực và tầm ảnh hưởng lâu dài của Hai Bà trong tâm linh cư dân đất Việt. Hai Bà Trưng và tướng lĩnh theo Hai Bà thuộc những vị được thờ cúng vào loại nhiều nhất ở miền Bắc Việt Nam, thậm chí ở cả Nam Trung Quốc, Indonesia…   
"Phát hiện những dao găm mang biểu trưng Hai Bà Trưng giúp khẳng định tính xác thực và tầm ảnh hưởng lâu dài của Hai Bà trong tâm linh cư dân đất Việt" - TS Nguyễn Việt.

TS.NGUYỄN VIỆT

https://thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4278

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Tiền và hoạt động tiền tệ tại Việt Nam trước năm 1945 (Kỳ 2: Quản lý tiền tệ và hoạt động ngân hàng trước năm 1945)

Tiền và hoạt động tiền tệ tại Việt Nam trước năm 1945 (Kỳ 2: Quản lý tiền tệ và hoạt động ngân hàng trước năm 1945)

  • 07/04/2023 09:55
  • 1230

Thời quân chủ Việt Nam không có khái niệm “ngân hàng”, đại bộ phận người dân làm nghề nông như ở An Nam thì việc tích lũy tài sản thường được quy bằng thóc và các sản phẩm nông nghiệp. Chỉ đến khi những người phương Tây xuất hiện tại Đông Dương, đặc biệt sau Hiệp ước Giáp Tuất 1874, vùng đất Nam kỳ chính thức trở thành xứ thuộc địa của Pháp, hoạt động tiền tệ bắt đầu thay đổi toàn diện tại đây.