Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/08/2022 14:47 3227
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Những năm 1937 - 1944, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã phát hiện 5 pho tượng thuộc cả nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở địa bàn Trà Vinh, tập trung ở Lũng Cú. Còn trong lòng đất Duyên Hải, khảo cổ học còn tìm thấy nhiều vết tích vật chất của thời kỳ vương quốc Phù Nam - văn hóa Óc Eo từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7 - 8 sau Công nguyên.

Trà Vinh nằm ở vùng cửa sông, giữa hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, nơi hạ lưu với hàng loạt các phân nhánh đổ ra các cửa Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên… Địa hình đặc trưng của tỉnh Trà Vinh gồm các giồng cát xen lẫn những dải đất bằng thấp ven giồng, là một phần cấu thành của phân vùng địa lý giồng cát duyên hải ở miền Tây Nam bộ.

5 pho tượng thuộc cả nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở địa bàn Trà Vinh do Louis Malleret phát hiện, cả 5 pho tượng đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Đáng chú ý, 3 trong 4 pho tượng đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
 
Khai quật Hố thờ di tích Chùa Lò Gạch - Trà Vinh (TƯ LIỆU BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH TRÀ VINH)
Những dấu tích của vương quốc Phù Nam và văn hóa Óc Eo ở Trà Vinh được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện và nghiên cứu cụ thể tại hai di tích bên cạnh hàng chục di chỉ khảo cổ khác, tiêu biểu trong đó là di tích Lưu Cừ và Cụm di tích Bờ Lũy - Chùa Lò Gạch.
Di tích Lưu Cừ thuộc địa phận Ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, H.Trà Cú (Trà Vinh) là một gò nhỏ hình bầu dục trên vùng đất giồng cát dài 11 km theo hướng đông tây, rộng trung bình từ 200 m đến 400 m theo hướng bắc nam; cao từ 3,6 m - 4,0 m so với mực nước biển (Hà Tiên), cao hơn mặt ruộng xung quanh từ 1,4 m - 2,0 m, được phát hiện năm 1985 sau khi có những người tìm vàng đào bới ở đây, sau đó được các nhà khảo cổ học khảo sát các năm 1986 - 1987 và tổ chức khai quật.
Kết quả cho thấy tại đây còn lại dấu vết của một công trình kiến trúc có quy mô lớn, mặt bằng hình chữ nhật chạy theo hướng đông tây dài 31,2 m, rộng 17,2 m, chiều cao còn 1,5 m gồm 18 hàng gạch xây hiện còn. Mặt nền kiến trúc cao 1,5 m hình chữ nhật, phân thành 3 phần, bên ngoài có hành lang bao quanh 3 mặt, riêng phía đông là sàn nền lát gạch nối với bậc lên xuống, bên trong có 14 ô vuông nằm cách quãng nhau. Kiến trúc trung tâm hình chữ nhật dài 11,3 m rộng 3,6 m, chính giữa có một trụ tròn được xếp bằng gạch vỡ có đường kính 1,65 m, sâu 2 m được coi là chính tâm của kiến trúc, lấp bằng cát trắng mịn, trong lòng trụ phát hiện các di vật gồm: bệ thờ 4 chiếc, Yoni, Linga, Linga - Yoni thạch anh, ly đồng, cánh tay tượng, 3 lá vàng chạm dập hoa văn hình mặt trời cùng nhiều mảnh lá vàng nhỏ khác… Trong đó, đáng chú ý là ngẫu tượng Linga - Yoni bằng chất liệu đá thạch anh với những giá trị độc bản, quý hiếm, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2016.
Cụm di tích khảo cổ học Bờ Lũy - Chùa Lò Gạch
Cụm di tích khảo cổ học Bờ Lũy - Chùa Lò Gạch nằm về phía tây trong phạm vi TP.Trà Vinh, thuộc ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, H.Châu Thành (Trà Vinh).
Di tích phân bố trong không gian tập trung nhiều di tích văn hóa, lịch sử, tôn giáo tiêu biểu và độc đáo của tỉnh Trà Vinh, gồm di tích Bờ Lũy, di tích văn hóa - lịch sử Ao Bà Om, các ngôi chùa đặc trưng của người Khmer như chùa Âng (Angkorajaborey), chùa Có (Kohkevsiri)...
 
Tượng Bồ Tát Avalokitesvara - Bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (LƯƠNG CHÁNH TÒNG)
Cụm di tích được khảo sát nhiều lần bởi cán bộ Bảo tàng tỉnh Trà Vinh và Trung tâm khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ).
Năm 2014, Trung tâm khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh khai quật quy mô lớn với 7 hố khai quật và 3 hố thám sát, tổng diện tích là 923 m2, đồng thời tiến hành công tác điều tra tổng thể đối với di tích Bờ Lũy. Qua khai quật đã phát hiện được nền móng của 6 kiến trúc xây bằng gạch phân bố trong một không gian thống nhất với nhau, trên khu vực đỉnh gò có thế đất khá bằng và cao hơn so với xung quanh.
Sưu tập di vật khảo cổ học phát hiện ở di tích Chùa Lò Gạch gồm các loại hình vật dụng sinh hoạt, cấu kiện kiến trúc, vật thờ... bằng các loại chất liệu gốm, đất nung, đá, kim loại (đồng thau, vàng) như: bệ thờ, những nguyên bản bệ yoni bằng sa thạch, vàng lá (phát hiện trong các hố thờ của các kiến trúc tôn giáo) có đặc điểm chất liệu, kích thước, hình dáng cũng như đặc điểm kỹ thuật chế tác... Niên đại di tích được xác định vào khoảng thế kỷ 7 - 8 sau Công nguyên.
Cùng với những phát hiện về các loại hình tượng thờ gắn với Phật giáo và Hindu giáo trước đó, qua kết quả khai quật và nghiên cứu di tích Lưu Cừ, cụm di tích Chùa Lò Gạch và hàng chục di chỉ khác trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, các nhà nghiên cứu xác định Trà Vinh là một địa bàn, một trung tâm quan trọng của cư dân Phù Nam và văn hóa Óc Eo ở Nam bộ, đặc biệt các di tích này phân bố trên hệ thống giồng thuộc duyên hải miền Tây Nam bộ và vùng đất cao trên các thềm phù sa cổ phân bố ven rìa của đồng bằng châu thổ Cửu Long. (còn tiếp)

Lương Chánh Tòng

https://thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4219

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Vương quốc Phù Nam: 'Công xưởng' chế tác trang sức cổ

Vương quốc Phù Nam: 'Công xưởng' chế tác trang sức cổ

  • 17/08/2022 10:44
  • 2077

Niên đại di tích khảo cổ học Nhơn Thành được các nhà khảo cổ học xác định nằm trong khoảng từ thế kỷ 4 đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên - một giai đoạn phát triển đỉnh cao của văn hóa Óc Eo và giai đoạn hưng thịnh nhất của vương quốc Phù Nam.