Thứ Hai, 09/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/08/2022 10:44 2507
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Niên đại di tích khảo cổ học Nhơn Thành được các nhà khảo cổ học xác định nằm trong khoảng từ thế kỷ 4 đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên - một giai đoạn phát triển đỉnh cao của văn hóa Óc Eo và giai đoạn hưng thịnh nhất của vương quốc Phù Nam.

Di tích có giá trị đặc biệt quan trọng

Trong hệ thống các di tích thuộc văn hóa Óc Eo - những dấu tích vật chất của vương quốc Phù Nam, bên cạnh việc tìm thấy các phế tích kiến trúc gắn với tôn giáo - tín ngưỡng; các loại hình di tích cảng thị - hoạt động giao thương; di chỉ cư trú…, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy những dấu tích văn hóa chứng minh cho yếu tố bản địa - sản xuất tại chỗ của nền văn hóa Óc Eo, đó là các loại hình di tích thủ công chế tác đồ trang sức kim hoàn được phát hiện ở nhiều nơi như Gò Hàng (Long An), Gò Tháp (Đồng Tháp), Óc Eo - Ba Thê (An Giang), Nhơn Thành (Cần Thơ), Cạnh Đền (Kiên Giang)… Trong đó Nhơn Thành (Cần Thơ) là một trong những di chỉ có tính chất công xưởng quan trọng.
 
Di tích Nhơn Thành - Cần Thơ - TƯ LIỆU TRUNG TÂM KHẢO CỔ HỌC
Di tích Nhơn Thành còn có tên gọi khác là Nhơn Nghĩa (thuộc địa phận ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ), nằm ở hữu ngạn sông Hậu với hệ thống lung, rạch và đầm trũng thấp. Di tích được phát hiện vào năm 1990, sau đó được khảo sát và thám sát vào năm 1991, 1998, 2001, 2002, 2003, 2012 - 2014. Đáng chú ý là năm 1998, trong đợt khảo sát Nhơn Thành, các nhà khoa học đã phát hiện được một bộ khuôn đúc đồ trang sức kim loại có hai mang, trong đó một mặt còn gần như nguyên vẹn, mặt còn lại bị vỡ 1/2.
Kết quả nghiên cứu khảo cổ học cho biết di tích Nhơn Thành là một di tích thuộc loại hình tổng hợp gồm cả di chỉ cư trú, phế tích kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng, kiến trúc cư trú và đặc biệt là di chỉ xưởng chế tác đồ trang sức kim hoàn, kim loại, đá quý...
Qua các đợt khảo sát, thám sát và khai quật di tích Nhơn Thành, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng ngàn hiện vật gồm vật liệu kiến trúc đền thờ, tượng thờ, đồ gốm, các dấu tích công xưởng chế tác như dụng cụ uốn kim loại, các loại hình nêm tách khuôn, dấu tích giọt chì, xỉ kim loại, nồi nấu kim loại và đặc biệt là sưu tập khuôn đúc trang sức với 16 khuôn đúc được tìm thấy - đây là bộ sưu tập khuôn đúc có số lượng nhiều nhất và những giá trị đặc trưng nhất trong tổng số 36 khuôn đúc đồ trang sức được khảo cổ học phát hiện toàn bộ ở Nam bộ. Đặc điểm chung của nhóm khuôn đúc này đều có hình dáng vật đúc: có dạng khuyên tai hình con đỉa, khuyên tai hình trái bí, nhẫn, trâm cài tóc, tiền (hoặc huy hiệu) hình tròn có mặt người, đồ trang sức hình chữ nhật, hình hươu; các vật đúc đều thuộc đồ trang sức nhỏ. Ở mỗi vật đúc đều có đậu rót, tức chỗ để rót kim loại.
Ngoài ra còn có các sản phẩm trang sức như khuyên tai, vật đeo bằng vàng, bạc, hợp kim chì thiếc… khá trùng khớp với một số hình mẫu được khắc trên khuôn đúc cùng với một số loại hình lá vàng trang trí hình linh vật được tìm thấy trong nhân dân quanh khu di tích
 
 
 Một số bộ khuôn đúc trang sức Nhơn Thành - Bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Cần Thơ (TƯ LIỆU BẢO TÀNG CẦN THƠ)
Niên đại di tích khảo cổ học Nhơn Thành được các nhà khảo cổ học xác định nằm trong khoảng từ thế kỷ 4 đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên.
Cho đến nay, Cần Thơ đang lưu giữ 4 bảo vật quốc gia, và toàn bộ số bảo vật quốc gia này đều là những di vật được tìm thấy tại di tích khảo cổ Nhơn Thành: sưu tập khuôn đúc bằng đá, tượng gỗ, bình gốm Kendi, linga - yoni gỗ. Trong đó, đáng chú ý là bộ sưu tập khuôn đúc độc đáo, phong phú, với 16 khuôn đúc được tìm thấy tại một di tích.
Tổng thể di tích Nhơn Thành được các nhà khoa học đánh giá là một trong những khu di tích có quy mô lớn và có giá trị đặc biệt quan trọng ở vùng Ô Môn - Phụng Hiệp và của cả văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam bộ.
Nghiên cứu trực tiếp di tích Nhơn Thành, PGS-TS Bùi Chí Hoàng và TS Nguyễn Quốc Mạnh (Viện KHXH vùng Nam bộ) còn cho biết: bên cạnh Óc Eo - Ba Thê thì Nhơn Thành là trung tâm chế tác đồ trang sức và các vật đeo mang tính chất tôn giáo theo hình mẫu ngoại nhập lớn nhất được tìm thấy. Quy mô sản xuất đồ trang sức tại đây cho thấy các sản phẩm làm ra không chỉ để đáp ứng nhu cầu của cư dân tại chỗ, mà chủ yếu phục vụ trao đổi như một loại sản phẩm thủ công quan trọng trong hệ thống thương mại của Nam bộ thời kỳ này. (còn tiếp)

Lương Chánh Tòng

https://thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4492

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Vương quốc Phù Nam: Đền thần mặt trời ở Gò Tháp

Vương quốc Phù Nam: Đền thần mặt trời ở Gò Tháp

  • 15/08/2022 10:17
  • 2268

'Tháp Mười đẹp nhất bông sen' gợi mở hình dung về một vùng đất có ngôi tháp nhiều tầng, thuộc loại hình di tích kiến trúc gắn với tôn giáo và tín ngưỡng. Ít ai biết rằng, địa danh đó là một ngôi tháp nhiều tầng thuộc thời kỳ sau này xây dựng trên nền phế tích của ngôi đền thờ trung tâm tôn giáo văn hóa Óc Eo - vương quốc Phù Nam xưa.