Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa rực rỡ ở Đông Nam Á hình thành và phát triển trong khoảng đầu Công nguyên cho đến khoảng thế kỷ 7 sau Công nguyên.
Ngoài những dấu tích kiến trúc đền thờ Phật giáo và Hindu giáo cùng với hàng vạn di vật nghệ thuật đỉnh cao, nền văn hóa này còn được coi là trung tâm chế tác nghệ thuật kim hoàn và trang sức rực rỡ.
Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí cho biết vào năm 1816, khi đào đất trùng tu chùa Gò Cây Mai (còn gọi là Mai Khâu - Gò Mai, nay là góc đường Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ, P.15, Q.11, TP.HCM), người ta đã tìm thấy nhiều gạch ngói cỡ lớn và 2 miếng vàng hình vuông 1 tấc, nặng 3 đồng cân, ngoài mặt có chạm hình “yêu cổ cưỡi voi”, khi đó ông chưa nhận biết đó là những vết tích vật chất của vương quốc Phù Nam - văn hóa Óc Eo.
Trong những năm đầu thế kỷ 20, nhiều người dân khu vực thị trấn Óc Eo (H.Ba Thê, An Giang) đồn đoán về những cánh đồng “vàng”, đêm đến phát sáng như đom đóm trên nền ruộng mờ sương ở phía đông sườn núi Ba Thê. Nhiều người dân trong quá trình canh tác đồng ruộng Óc Eo đã vô tình nhặt được rất nhiều loại hình trang sức vàng, đá quý, đem ra thị trường trao đổi, thu hút sự tò mò của chính quyền và cả những người sưu tập thời kỳ đó. Nhẫn bò Nandi phát hiện tại di chỉ Giồng Cát - cánh đồng Óc Eo - hiện vật được Thủ tướng công nhận Bảo vật quốc gia năm 2021 (TƯ LIỆU VIỆN KHẢO CỔ HỌC)
Khi những hiện vật vàng, đá quý xuất hiện nhiều trên thị trường và thông tin đến với chính quyền, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã khảo sát, sưu tầm và tiến hành khai quật khảo cổ học tại 5 địa điểm: Gò Cây Thị, Gò Óc Eo, Giồng Cát và đào thám sát nhiều hố trên cánh đồng Óc Eo, sườn núi Ba Thê từ năm 1937 - 1944.
Trong những năm 1959 -1963 qua công trình nghiên cứu đồ sộ của ông: L’Archéologie du delta du Mékong (Khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long), các nhà nghiên cứu thế giới đã kinh ngạc về sự rực rỡ về văn hóa và giàu có của vương quốc Phù Nam xưa bị vùi lấp dưới bùn lầy. Theo thống kê công bố của Louis Malleret, tại cánh đồng Óc Eo, tổng số di vật vàng phát hiện là 1.311 di vật, chủ yếu thuộc loại hình trang sức: nhẫn, bông tai, hạt chuỗi, lá vàng và các biểu tượng thờ khác. Bên cạnh đó là những công bố liên quan đến các loại hình khuôn đúc kim hoàn cũng như dụng cụ kích thước nhỏ, đá thử vàng và một số nồi nấu kim loại.
Ông còn cho biết, sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9.3.1945, cảnh tượng đào bới tự do đã diễn ra ở khu vực Óc Eo - Ba Thê, nhiều người đã tìm đến ông để bán các di vật đào được.
Louis Malleret còn có một nhận xét xác đáng khi cho biết đồ vàng cổ ở Đồng bằng sông Mekong (Cửu Long) khá độc đáo, với những đặc điểm điển hình. Tìm hiểu một cách gián tiếp qua các pho tượng và các bức chạm chìm, chúng ta có thể thấy nghệ thuật chế tác đồ kim hoàn ở đây mang một phong cách khác hẳn nghệ thuật Angkor. Một số mô típ trang trí và hình thức kỹ thuật độc đáo chứng tỏ đấy là những biểu hiện riêng biệt của nền văn hóa Óc Eo, thể hiện đậm nét trên các đồ trang sức bằng vàng, khác hẳn các hiện vật tương tự tìm thấy ở Angkor Borei và ở Khbal Romeas Campuchia. Nhẫn vàng tìm thấy trên cánh đồng Óc Eo - hiện vật Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (LƯƠNG CHÁNH TÒNG)
Năm 2001, Trung tâm Khảo cổ học - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp Bảo tàng Kiên Giang khai quật di tích Giồng Xoài (ấp Sơn Hòa, xã Mỹ Hiệp, H.Hòn Đất, Kiên Giang) nằm kế liền với hệ thống các di tích trên cánh đồng Óc Eo thuộc An Giang, đã phát hiện gần 100 hiện vật vàng và đá quý, thêm một minh chứng xác nhận về một “cánh đồng vàng” đồn thổi trong nhân dân là có thực. Trong chương trình nghiên cứu hệ thống các di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa - Kiên Giang (2017 - 2020) của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tại di tích Giồng Cát, Viện Khảo cổ học cũng đã tìm thấy 1 nhẫn bò Nandi bằng vàng cùng hàng ngàn di vật quý liên quan đến trang sức Óc Eo. Năm 2021, di vật nhẫn bò Nandi đã được Thủ tướng công nhận là Bảo vật quốc gia. Nghiên cứu về văn hóa Óc Eo, Giáo sư Hà Văn Tấn đã nhận định tính chất bản địa cơ bản của nền văn hóa này bên cạnh các yếu tố giao thương với thế giới bên ngoài: Trên một vùng dân cư đã tập trung từ cuối thời đại đá mới hay sơ kỳ thời đại kim khí, được nuôi dưỡng bằng phù sa sông Hậu và được kích thích bằng sự ra đời của luyện kim, sức sản xuất phát triển nhanh chóng, các cuộc phân công lao động được đẩy mạnh, Óc Eo dần dần xuất hiện như một trung tâm kinh tế - văn hóa của đồng bằng sông Cửu Long. Rồi với vị trí quan trọng trên đường giao thông biển ở khu vực Đông Nam Á, Óc Eo đã trở nên nơi tập trung thợ thủ công và thương nhân, nghĩa là có đủ điều kiện để thành thị hóa. (còn tiếp) Lương Chánh Tòng