Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/07/2022 09:11 1435
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
'Xứ Quảng Nam xưa' trong loạt bài viết này cơ bản là vùng đất kéo dài từ phía nam đèo Hải Vân đến phía bắc đèo Cả, nay là TP.Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Nói “cơ bản”, vì từ thời Lê sơ, H.Điện Bàn (nằm ở phía bắc sông Chợ Củi) thuộc phủ Triệu Phong (dinh Thuận Hóa), đến thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng mới thăng làm phủ và cho thuộc về dinh Quảng Nam. Về phía nam, vùng đất nay là tỉnh Phú Yên, có thời thuộc vào trấn Quảng Nam, hoặc có lúc nhập chung với Bình Định. Tuy nhiên, dải đất có ranh giới tự nhiên là dãy núi Bạch Mã ở phía bắc và dãy núi Đại Lãnh ở phía nam, trong một thời gian khá dài cho đến trước khi hình thành các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay, có nhiều gắn bó sâu sắc và đa dạng về lịch sử - văn hóa.

 
TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định)
Sách Đất nước Việt Nam qua các đời của học giả Đào Duy Anh (NXB Thuận Hóa, Huế, 1996), dẫn cổ sử Việt Nam và Trung Quốc, cho biết: thời Trần, nước ta chia làm các đơn vị hành chính gọi là phủ, lộ. Sau cuộc cải cách hành chính do Hồ Quý Ly tiến hành, cả nước chia làm các đơn vị hành chính là lộ và trấn. Năm 1402, thời nhà Hồ, xuất hiện lộ Thăng Hoa ở biên giới phía nam, giáp với Chăm, gồm 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Lộ Thăng Hoa chính là tiền thân của đất Quảng Nam sau này. Cũng theo Đào Duy Anh, châu Thăng và châu Hoa kéo dài từ phía nam sông Chợ Củi đến phía bắc sông Bến Ván; châu Tư và châu Nghĩa từ phía nam sông Bến Ván đến phía bắc đèo Bình Đê.
Lấy cớ “phù Trần diệt Hồ”, nhà Minh đánh chiếm nước ta, đổi đặt là quận Giao Chỉ. Về địa lý hành chính, nhà Minh chủ yếu dựa vào tổ chức cũ có thay đổi ít nhiều. Sách Thiên hạ quận quốc cho biết: năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407) nhà Minh đặt các châu, huyện lệ thuộc vào 15 phủ và 5 châu lớn, trực thuộc vào Giao Chỉ Bố chính ty. Trong các lộ, châu ấy không có lộ Thăng Hoa và các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa vì người Chăm nhân các biến động của lân quốc phía bắc đã đem quân lấy lại các châu vốn bị sáp nhập vào năm 1402. Năm Vĩnh Lạc thứ 12 (1414), nhà Minh đặt 4 châu (Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa) thuộc vào lộ Thăng Hoa, nhưng thực ra đó chỉ là hư thiết.
Sau khi đánh đuổi quân Minh (1428), Lê Lợi chia cả nước làm 5 đạo, dưới đạo là các trấn, phủ, châu, huyện. Thời kỳ này, phủ Thăng Hoa là đất ky my, trên danh nghĩa thuộc về Đại Việt nhưng thực tế do người Chăm (còn gọi là Chiêm Thành, Chiêm, Chàm, Champa, Lâm Ấp, Hoàn vương...) cai quản. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), để tăng cường thống nhất hành chính trong quốc gia Đại Việt, vua Lê Thánh Tông chia cả nước làm 12 đạo thừa tuyên.
Đến tháng 6 năm 1471, sau khi đánh bại người Chăm, vua Lê Thánh Tông đã cho thiết lập đạo thừa tuyên Quảng Nam, đạo thừa tuyên thứ 13, bao gồm vùng đất phía nam đèo Hải Vân của Châu Hóa cùng 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa thời nhà Hồ và kinh đô Chà Bàn của vương quốc Chăm mà quân Đại Việt vừa chiếm được. Nhà sử học Phan Khoang viết: “Hồng Đức năm thứ hai (1471) tháng 6, ngày 10 vua Thánh Tông lấy đất Chiêm Thành vừa chiếm lại đặt làm đạo thừa tuyên Quảng Nam, cộng trong nước làm 13 đạo thừa tuyên. Danh xưng Quảng Nam bắt đầu từ đấy. Đạo thừa tuyên Quảng Nam thống lĩnh 3 phủ, 9 huyện. Phủ Thăng Hoa có 3 huyện Lê Giang, Hà Đông, Hy Giang; phủ Tư Nghĩa có 3 huyện là Bình Sơn, Mộ Hoa và Nghĩa Giang; phủ Hoài Nhân có 3 huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn” (Lịch sử Xứ Đàng Trong, NXB Khai Trí, 1967, trang 112, 113). Đây cũng là vùng đất mà trong bộ Dư địa chí, Nguyễn Trãi gọi là “Tiên nữ phú hà duy nam giới” và xếp vào phên giậu thứ 5” của nước ta. Lúc đầu có tên là đạo thừa tuyên Quảng Nam, sau đổi thành xứ Quảng Nam (1490), rồi trấn Quảng Nam (1520), lại đổi sang dinh Quảng Nam (1602).
 
Chùa Cầu Hội An (TP. Hội An, Quảng Nam)
Trong 13 đạo thừa tuyên của nước Đại Việt, 12 đạo có chức Án sát đứng đầu, riêng đạo thừa tuyên Quảng Nam đặt 3 ty (tam ty) là Đô ty, Thừa ty và Hiến ty cai quản. Lỵ sở của tam ty ban đầu đặt ở thành Châu Sa, vốn là một thành cổ của người Chăm, nay thuộc địa phận phía đông nam thành phố Quảng Ngãi. Vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định từ đây vĩnh viễn trở thành một bộ phận của quốc gia Đại Việt.
Cùng với việc xác lập bộ máy cai trị, việc khai khẩn cũng được xúc tiến. Đỗ Tử Quý và Lê Ỷ Đà được cử làm Tri châu Chiêm Động, Cổ Lũy, mộ dân Bắc bộ và Bắc Trung bộ ngày nay vào sinh cơ lập nghiệp. Có thể nói rằng, số dân này cùng với số quân lính được triều đình cho ở lại, các tội nhân bị lưu đày, những người vì nhiều lý do bỏ đất Bắc vào miền biên địa sinh cơ lập nghiệp và cư dân bản địa là những người mở đất, khai phá, xây dựng vùng Quảng Nam xưa. (còn tiếp)

Lê Hồng Khánh

https://thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4277

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Báo chí Nam kỳ đầu thế kỷ 20: Báo Thần chung của Diệp Văn Kỳ

Báo chí Nam kỳ đầu thế kỷ 20: Báo Thần chung của Diệp Văn Kỳ

  • 04/07/2022 10:17
  • 1613

Trần Huy Liệu rời Đông Pháp thời báo vào tháng 8.1927, lập trường của tờ báo sau đó là đối lập ôn hòa theo chủ trương của Nguyễn Kim Đính. Nhưng từ tháng 9.1927, với sự xuất hiện của vị tiến sĩ luật từ Paris về là Diệp Văn Kỳ, Đông Pháp thời báo chuyển hướng thành một tờ báo đa dạng thông tin.