Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/06/2022 15:10 1158
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nguyễn Cát Tường hay Le mur Cát Tường là cái tên nổi tiếng, gắn liền với những mẫu áo dài cách tân ở Hà Nội vào những năm 1930 của thế kỉ trước. Nhưng ít ai biết đến, Nguyễn Cát Tường còn là ông chủ của một doanh nghiệp cho thuê xe nhỏ mang thương hiệu “Lux” ở Hà Nội. Hãng xe Lux có trụ sở đặt tại số 14 phố Hàng Da - cũng là địa chỉ nhà ở ông Nguyễn Cát Tường thời kì đó.

Xe kéo tay

Theo danh sách các chủ sở hữu xe kéo tay đầu năm 1942, ông Nguyễn Cát Tường đã được chính quyền cấp giấy phép lưu thông 15 chiếc xe kéo tay. Các danh sách chủ sở lữu xe kéo tay ở Hà Nội trong hồ sơ liên quan đến quản lí và quy định hoạt động xe kéo tay những năm trước đó chưa có tên Nguyễn Cát Tường.
 
Danh sách các chủ xe kéo tay cho thuê ở Hà Nội năm 1942. Nguồn: TTLTQG1
Xe xích lô 
 
 
Bản thiết kế mẫu xe xích lô kèm theo đề nghị cấp phép lưu thông xe của ông Nguyễn Cát Tường. Nguồn: TTLTQG1
Tuy nhiên, theo trình bày của ông Nguyễn Cát Tường tại thư ngày 30 tháng 4 năm 1942, do vật liệu sản xuất xe kéo tay lúc đó đang khan hiếm ở Hà Nội nên ông đã đề nghị thay cho 15 chiếc xe kéo tay, ông xin cấp phép lưu thông 15 chiếc xích lô. Hình ảnh và bản vẽ loại xe này được gửi kèm theo thư trình lên Đốc lí.
 
Thư của ông Nguyễn Cát Tường gửi Đốc lí Hà Nội xin phép cho lưu thông 15 xe xích lô thay cho 15 xe kéo tay đã được cấp phép trước đó. Nguồn: TTLTQG1
 
Bản thiết kế mẫu xe xích lô kèm theo đề nghị cấp phép lưu thông xe của ông Nguyễn Cát Tường. Nguồn: TTLTQG1
Từ ngày 16 tháng 6 năm 1942 ông Nguyễn Cát Tường chuyển về địa chỉ số 14 phố Hàng Da. Mọi công văn giấy tờ liên quan đến 15 chiếc xích lô từ đó sẽ được giao dịch theo địa chỉ chính thức này.
 
Ảnh chụp mẫu xe xích lô. Nguồn: TTLTQG1
 
Thư thông báo thay đổi địa chỉ của ông Nguyễn Cát Tường về số 14 phố Hàng Da. Nguồn: TTLTQG1
 15 chiếc xích lô theo thiết kế trên phải đặt hàng sản xuất tại Sài Gòn vì thời điểm đó, theo ông Cát Tường, Hà Nội không có vật liệu để sản xuất loại xe này. Hơn nữa, xe vận chuyển hàng đến Hà Nội không kịp. Cho đến ngày 22 tháng 6 năm 1942, mới chỉ có 7 chiếc xe sản xuất xong được chuyển đến Hà Nội. 8 chiếc còn lại chưa được chuyển đến do tuyến đường sắt xuyên Đông Dương lúc đó đang bị gián đoạn vì mưa lũ lớn.
 
Ảnh chụp mẫu xe xích lô. Nguồn: TTLTQG1
Ngày 30 tháng 6 năm 1942, ông Nguyễn Cát Tường được cấp phép lưu thông 15 chiếc xích lô trong 5 năm. Thời gian hết hạn là ngày 01 tháng 4 năm 1947. Xe được mang biển số Luxe từ 340 đến 354.
 
Nghị định số 276 ngày 30 tháng 6 năm 1942 của Đốc lí Hà Nội về việc cấp phép cho Nguyễn Cát Tường lưu thông 15 chiếc xe xích lô. Nguồn: TTLTQG1
Theo Nghị định, 7 chiếc xích lô đầu tiên được lưu thông kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1942. 8 chiếc còn lại sẽ được cho lưu thông sau khi có ý kiến đồng ý của Ban khám xe của thành phố.
Xe Ngựa kéo
 
Phác thảo thiết kế xe ngựa kéo của Nguyễn Cát Tường. Nguồn: TTLTQG1.
Đến ngày 4 tháng 3 năm 1943, nhà thầu Nguyễn Cát Tường lại xin phép lưu hành thêm 20 chiếc xe ngựa kéo (voiture à cheval). Lúc đó Hà Nội đang hạn chế lưu thông xe hơi và được chính quyền thành phố đồng ý với mức giá cho thuê đề xuất và 5 điểm dừng đỗ tại Ga, Nhà hát, phố Destenay[1], đoạn giữa Lycée[2] và đại lộ Carnot; Quảng trường Négrier[3] (trước quán cà phê Du Lac), bệnh viện và kè Clémenceau[4] phía trên Cầu Doumer[5]). Sau đó, nhà thầu Nguyễn Cát Tường xin chính quyền được dừng đỗ tại các điểm: Chợ lớn[6], Quảng trường phố Hàng Da, Sân vận động Mangin và Sân quần ngựa.
 
Đơn ngày 4 tháng 3 năm 1943 của nhà thầu Nguyễn Cát Tường lại xin phép lưu hành thêm 20 chiếc xe ngựa kéo. Nguồn: TTLTQG1.
.
Phác thảo thiết kế xe ngựa kéo của Nguyễn Cát Tường. Nguồn: TTLTQG1
Mẫu thiết kế xe ngựa kéo cũng được ông chủ Nguyễn Cát Tường trình lên chính quyền thành phố. Xe 6 chỗ, dành cho 5 khách và một người đánh xe ngựa. Mái bằng gỗ che tôn. Vành xe bằng gỗ, lốp bằng cao su đặc. Ghế ngồi có đệm chần. Mui xe bằng vải che khi trời mưa.
Ông chủ Nguyễn Cát Tường đã kí chấp thuận các điều khoản để lưu hành xe ngựa kéo năm 1943. Trong đó, có các quy định và cam kết về an toàn, cấu tạo xe, phí thuế. Ngoài ra còn có quy định về độ tuổi của người đánh xe ngựa. Theo đó, người hành nghề đánh xe ngựa phải từ 18 đến 45 tuổi. Xe chỉ được chở 4 người, trường hợp đặc biệt là 5 người không tính người đánh xe v..v…
Tuy nhiên, đến ngày 2 tháng 1 năm 1944, ông Nguyễn Cát Tường đã gửi thư cho Đốc lí Hà Nội về việc chưa thể khai thác xe ngựa kéo như đã kí kết.
 
Thư ngày 2 tháng 1 năm 1944 của ông Nguyễn Cát Tường gửi Đốc lí Hà Nội về việc chưa thể khai thác xe ngựa kéo như đã kí kết. Nguồn: TTLTQG1.
Với 15 xe xích lô hoạt động từ năm 1942, nhưng trong quá trình khai thác cho thuê xe, Hãng Lux gặp nhiều khó khăn do xe bị hư hỏng cần sửa chữa thay thế khá nhiều để đảm bảo an toàn giao thông và đáp ứng các quy định về khai thác cho thuê xe của thành phố. Tháng 5 năm 1944, trong tổng số 15 chiếc xe, chỉ có 5 chiếc hoạt động được. 10 chiếc còn lại cần mang đi sửa chữa. Đến tháng 5 năm 1945, vì không có phụ tùng thay thế cho 15 chiếc xe của mình, ông chủ Nguyễn Cát Tường đã xin tạm dừng hoạt động và đề nghị chính quyền tạm thời thu hồi giấy phép lưu thông xe, đồng thời trả lại biển số xe cho chính quyền thành phố. Đề nghị của ông được chính quyền thành phố chấp thuận tại Công văn ngày 5 tháng 6 năm 1945 của Đốc lí Hà Nội.
 
Thư của ông Nguyễn Cát Tường gửi Đốc lí Hà Nội về việc xin dừng hoạt động xe xích lô và trả lại biển số xe từ số 342 đến 356. Nguồn: TTLTQG1

[1] Phố Nguyễn Cảnh Chân

[2] Đoạn giữa Trường Trung học Albert Sarraut xưa và phố Phan Đình Phùng

[3] Quảng trường Négrier nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

[4] Phố Trần Quang Khải

[5] Cầu Long Biên

[6] Chợ Đồng Xuân

Đỗ Hoàng Anh

https://www.archives.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4278

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Những chiếc xích lô đầu tiên ở Hà Nội

Những chiếc xích lô đầu tiên ở Hà Nội

  • 16/06/2022 13:16
  • 2283

Đầu năm 1936, xe xích lô có mặt đầu tiên ở Phnom Pênh (Campuchia) và du nhập vào Sài Gòn ngay sau đó. Tuy nhiên, phải sau 2 năm, xe xích lô mới được lưu thông ở Hà Nội. Xe xích lô, một sáng chế của ông Pierre Morice Coupeaud, là kiểu xe đạp 3 bánh, làm bằng chất liệu nhẹ, có dáng vẻ thanh lịch và tiện nghi nên đã rất thịnh hành những năm sau đó ở Đông Dương.