Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/04/2022 10:41 1440
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sơn phòng - Trường Lũy gắn với nhiều nhân vật nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc như Bùi Tá Hán, Nguyễn Cư Trinh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Tấn, Đỗ Đăng Đệ, Huỳnh Quang, Nguyễn Thân…

Dù vai trò, vị trí của mỗi người không giống nhau, được hậu thế đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược, nhưng tên tuổi của họ gắn liền với một thời đoạn lịch sử quan trọng của miền tây Quảng Ngãi, của Trung kỳ và của cả nước.

Không thể đánh giá đầy đủ về hành trạng của Lê Văn Duyệt, Nguyễn Cư Trinh, Đỗ Đăng Đệ… nếu không hiểu được những mối liên hệ của họ với Trường Lũy. Với Bùi Tá Hán, Nguyễn Tấn, Nguyễn Thân thì còn hơn thế. Phần quan trọng trong sự nghiệp của ba con người này gắn liền Trường Lũy - Sơn phòng và miền đất xứ Quảng Nam xưa, nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và TP.Đà Nẵng. Vì vậy, nghiên cứu về Trường Lũy, về lịch sử tỉnh Quảng Ngãi và vùng Nam Trung bộ cũng như lịch sử thời kỳ trung cận đại VN, không thể không tìm hiểu về lai lịch của họ.

 

Khai quật Trường Lũy
Người đầu tiên đốc thúc xây trường lũy 
Người đầu tiên phải được nhắc đến khi bàn về Trường Lũy, không ai khác Bùi Tá Hán. Ông sinh năm 1496 ở Châu Hoan, nay là tỉnh Nghệ An, một nhân vật đứng dưới cờ “Phù Lê diệt Mạc” của Nguyễn Kim.

Năm Ất Tỵ (1545), Nguyễn Kim giao cho Bùi Tá Hán nhiệm vụ bình ổn trấn Quảng Nam, nay là địa phận Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được phong chức Đô tướng dinh Quảng Nam, sau thăng Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự, tước Trấn Quận công.

Lúc bấy giờ Quảng Nam là vùng biên trấn, đồng thời là vùng bàn đạp trong công cuộc Nam tiến của người Việt. Trong suốt 13 năm quản lãnh nhiệm vụ, Bùi Tá Hán đã thực thi nhiều chính sách thích hợp, khuyến khích sản xuất, ổn định đời sống người dân, sửa đổi nếp sinh hoạt và phong tục theo hướng tiến bộ, phát triển giao thương, giữ sự giao hòa giữa miền xuôi và miền ngược. Từ thời kỳ trấn nhậm của Bùi Tá Hán, vùng đất Quảng Nam ngày càng thịnh vượng, trở thành chỗ dựa vững chắc của chúa Nguyễn sau này.

Bùi Tá Hán mất năm 1568. Mộ và đền thờ ông (tọa lạc tại P.Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia năm 1990. Đền thờ ông còn được người dân xây dựng nhiều nơi ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và vào tận TP.HCM.

 

Tượng ông Bùi Tá Hán hiện đang được thờ tại lăng Ông Trấn (P.Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi)

Đối với lịch sử Trường Lũy, Bùi Tá Hán chính là người đầu tiên đốc thúc binh dân xây đắp các “Đoạn Trường Lũy” và đồn bảo, đặt cơ sở cho việc hình thành hệ thống Trường Lũy về sau. Sách Phủ Man tạp lục do Nguyễn Tấn viết vào năm 1871, khi ông này giữ chức vụ Tĩnh Man Tiễu phủ sứ, chép về Bùi Tá Hán như sau: “Bấy giờ ông đối xử với người Thượng như đối xử với người Kinh, nên người Kinh, người Thượng đều được yên ổn làm ăn, không xảy ra việc xâm biên gây rối nhau. Có người cho rằng, người Thượng đều là nô bộc của ông, song chỉ nghe đồn thế thôi, chứ chẳng có chứng cứ gì. Ông qua đời vào năm Mậu Thìn (1568), được tặng hàm Thái bảo, được người Kinh, người Thượng lập đền thờ, chăm lo hương khói cho đến tận ngày nay. Đến bây giờ người ta còn thấy một vài phế tích bên cạnh núi, người Thượng bảo đó là đồn binh hoặc vườn rẫy ngày xưa của ông Trấn công Bùi Tá Hán. Chẳng biết có đúng không. Song thấy người Thượng, người Kinh thành khẩn cầu cúng ông thì chắc là thuở sinh thời ông là người có uy đức lớn” (Nguyễn Văn Chừng và những người khác; Trấn Quận công Bùi Tá Hán; NXB Bách Khoa Hà Nội, 2012, Tr. 268-269).

Liên quan lịch sử Trường Lũy, sách Quảng Ngãi tỉnh chí cho biết: Bùi Tá Hán đã “bắt lính và dân gian đắp ở Quảng Nam một cái thành dài, đầu này đến đầu kia”. Sau khi xong ở Quảng Nam lại “đắp tiếp ở Quảng Ngãi, đặt tên là Đoạn Trường Lũy, vì đắp từng bảo riêng, không phải liên tiếp nhau”. Đến thời điểm Quảng Ngãi tỉnh chí dâng lên vua Bảo Đại (1933) “vẫn còn thấy di tích” và “đôi nơi còn chuối mít, cam, quýt xanh tốt”, người miền Thượng gọi đó là “Bảo Ông Trấn”. Khi có việc cúng tế, tục người Thượng vái rằng “Thần Nông Hậu Tắc, Trấn Bắc xứ xang”. (Quảng Ngãi tỉnh chí số 132. Tr.368. Mục III. Sơn phòng).

Các kết quả khảo sát của nhà nghiên cứu Ngô Phú Thiện, trình bày trong bài viết Phát lộ lũy Đá Rồng, đăng trên báo Quảng Nam Online ngày 30.11.2013 cho thấy có sự hiện diện của các đoạn lũy và bảo còn sót lại từ thời Bùi Tá Hán: “Trong khi ở vùng Tây Trà (Quảng Ngãi) dãy Trường Lũy còn hiển lộ sự kết nối liên hoàn, thì nhiều đoạn lũy Đá Rồng, Truông Mua, Suối Đá, Ngọc Giáp... ở Phú Ninh vẫn còn xé lẻ theo từng đồn, bảo khác nhau…”.

Từ đó, Ngô Phú Thiện nhận xét: “Những đoạn lũy đá từ huyện Phú Ninh đến Tiên Phước, thuộc “nguồn Chiên Đàn” xưa là một mắt xích quan trọng, đầu tiên của hệ thống Trường lũy (Lũy dài Tĩnh Man)”. (còn tiếp)

Lê Hồng Khánh

https://thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4219

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Kỳ lạ Trường Lũy: Sơn phòng Quảng Ngãi

Kỳ lạ Trường Lũy: Sơn phòng Quảng Ngãi

  • 14/04/2022 10:34
  • 1290

Gắn với Trường Lũy là một tổ chức quản lý - quân sự có tên là Sơn phòng. Tập sách Quảng Ngãi tỉnh chí do Nguyễn Bá Trác (Tuần vũ Quảng Ngãi và cũng là một học giả thông tuệ cả cựu học lẫn tân học) chủ trương biên soạn và trình lên Hoàng đế Bảo Đại năm 1933, là một trong những tài liệu miêu tả khá cụ thể về Sơn phòng, như sau: Thời Bùi Tá Hán trấn nhậm đất Quảng Nam, ông cho đắp ở miền tây Quảng Ngãi các đoạn Trường Lũy để ngăn chặn xung đột đông tây. Sở dĩ có tên như vậy, vì lũy chỉ đắp từng đoạn, mỗi đoạn có một đồn/bảo trấn đóng.