Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/04/2022 10:34 1331
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Gắn với Trường Lũy là một tổ chức quản lý - quân sự có tên là Sơn phòng. Tập sách Quảng Ngãi tỉnh chí do Nguyễn Bá Trác (Tuần vũ Quảng Ngãi và cũng là một học giả thông tuệ cả cựu học lẫn tân học) chủ trương biên soạn và trình lên Hoàng đế Bảo Đại năm 1933, là một trong những tài liệu miêu tả khá cụ thể về Sơn phòng, như sau: Thời Bùi Tá Hán trấn nhậm đất Quảng Nam, ông cho đắp ở miền tây Quảng Ngãi các đoạn Trường Lũy để ngăn chặn xung đột đông tây. Sở dĩ có tên như vậy, vì lũy chỉ đắp từng đoạn, mỗi đoạn có một đồn/bảo trấn đóng.

Năm Canh Ngọ (1750), chúa Nguyễn cho đặt ở miền tây Quảng Ngãi 6 đồn binh để canh phòng. Đến năm Giáp Tý - 1804, thời Gia Long, Lê Văn Duyệt tâu xin lập 6 cơ binh, chia thành từng trấn để kiềm phòng. Đầu năm 1855, lựa lân dân, đinh tráng lập đội nghĩa dõng đến 800 người, được cấp phát lương bổng. Đội nghĩa dõng hoạt động theo phương thức “Động vi binh, tịnh vi dân”.

 

TS Andew Hardy (Trưởng chi nhánh Trung tâm Viễn Đông bác cổ - EFEO tại Hà Nội) phát biểu trong Hội nghị Báo cáo kết quả nghiên cứu về Trường Lũy tại Quảng Ngãi vào tháng 3.2009

Từ năm 1857, giao quyền quản lý miền tây cho quan Bố chính và quan Lãnh binh tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1863, đặt chức quan Tiễu phủ sứ coi việc ở Sơn phòng. Người đầu tiên đảm nhận chức vụ ấy là Nguyễn Tấn. Ông này về sau đem sự lịch duyệt miền Thượng của mình soạn bộ sách công phu có tên là Phủ Man tạp lục. Năm 1865, dưới thời Nguyễn Tấn trị nhậm, “Tĩnh Man Trường Lũy” đổi thành “Tĩnh Man quân thứ”.

Năm 1876, thời ông Đỗ Đăng Đệ giữ chức Tiễu phủ sứ, Sơn phòng kiêm quản cả vùng phía tây Bình Định, gọi là “Nghĩa Định quân thứ”. Năm 1881, Nghĩa Định quân thứ lại cải thành Nghĩa Định Sơn phòng. Nghĩa Định Sơn phòng cai quản Nghĩa phòng, Định phòng và 3 châu, mỗi châu có Tri châu và Bang tá cai quản.

Năm 1890 (Thành Thái thứ 2), triều đình thiết lập ở mạn thượng du Quảng Ngãi 3 châu (Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ) và giao cho Nghĩa Định Sơn phòng quản lý. Đến năm 1899 (Thành Thái thứ 11), Sơn phòng bị triệt bỏ, các châu Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ nhập với các tổng “thượng bạn” của các hạt Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức trở thành 3 huyện. Để quản lý người miền Thượng, người Pháp thiết lập các đồn Địa Lý, Ba Tơ và Minh Long, đưa các sĩ quan Pháp trực tiếp làm nhiệm vụ chỉ huy trấn áp, thu thuế. Từ giai đoạn này, Trường Lũy cơ bản chấm dứt vai trò của một thành lũy ngăn chặn xung đột đông - tây và bắt đầu mờ dần trong sương lam chướng khí miền sơn cước.

Về binh bị, thời Nguyễn Thân giữ chức Tiễu phủ sứ, Sơn phòng có số quân 6.000 người, trong đó Nghĩa phòng có 4.000, Định phòng có 2.000. Lính Sơn phòng được tuyển từ các làng duyên sơn; trước thời Nguyễn Thân, quan Tiễu phủ “tư” về Tỉnh để Tỉnh đường sức các làng đem dân lên Sơn phòng mà tuyển; đến thời Nguyễn Thân, thì quan Tiễu phủ sứ sai thuộc hạ về các làng duyên sơn lấy quân.

 

Một nhóm nghiên cứu Trường Lũy tại H.Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), năm 2009 L.H.K

Mỗi cơ lính có khoảng 500 người. Lính này mặc trang phục màu xanh có nẹp đỏ nên gọi là “lính khố xanh”. Riêng quan Tiễu phủ có khoảng 500 (về sau tăng lên thành 600) lính “chiến binh”, mặc nhung y sắc đỏ, nên gọi là “lính khố đỏ”.

Ngoài lính khố đỏ và lính khố xanh, các làng người Việt nằm cận Sơn phòng còn có các đội lân binh. Lân binh tuyển lựa từ dân làng và có số lượng tương đương lính khố xanh, khố đỏ. Như vậy, cả Nghĩa phòng có khoảng 4.000 lân binh. Lân binh cũng được cắt đặt thành cơ ngũ, đứng đầu là các Đội lân, Quản lân. Lân binh chủ yếu làm nhiệm vụ canh phòng ở làng mình, vận chuyển lương thực, vật dụng cho cơ binh, cũng có khi tham gia vào chiến trận (Nguyễn Bá Trác chủ trương; Quảng Ngãi tỉnh chí; Nam phong tạp chí XXXII, 183, 4/1933, tr.368 - 373). Ghi chép của Quảng Ngãi tỉnh chí và các tài liệu khác cũng cho thấy trong từng thời kỳ, tùy theo yêu cầu của việc phòng thủ, số lượng các đồn/bảo và quân số của Sơn phòng có thay đổi. Một số đồn/bảo về sau được giao hẳn cho lân binh cai quản, rồi trở thành các làng duyên sơn của người Việt, như trường hợp bảo Thiên Xuân, nay thuộc xã Hành Tín Đông, H.Nghĩa Hành.

Thời Bùi Tá Hán trấn nhậm, ở mỗi khu vực chung quanh đồn/bảo, ông cho binh lính và lân dân khai phá đất đai, hình thành nhiều thổ sơn có diện tích khá rộng, màu mỡ, trồng các giống cây ăn trái phù hợp với thổ ngơi từng vùng, nhiều nhất là cam, quýt, chuối, mít... Dân gian gọi các trang trại này là “vườn cây ông Trấn”, dấu tích còn lưu lại nhiều nơi, từ Trà Bồng, Sơn Tịnh đến Minh Long, Nghĩa Hành… Ở vùng rừng núi Trà Bồng hiện vẫn còn những rừng cây “hường” (một loại cây thuộc họ cam quýt) đến mùa cho nhiều quả thơm ngon mà đồng bào dân tộc vẫn hái để ăn, còn lại đem bán cho người vùng thấp. Đây chính là những quả hường hái từ các “vườn cây ông Trấn” khi xưa. (còn tiếp)

Lê Hồng Khánh

https://thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4277

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Kỳ lạ Trường Lũy: Quy mô ấn tượng

Kỳ lạ Trường Lũy: Quy mô ấn tượng

  • 12/04/2022 09:19
  • 1150

Khi nói đến lịch sử trung cận đại vùng đất Quảng Ngãi, các sử gia thường nhắc đến những vụ “nổi dậy” hoặc “bạo loạn” của người thượng Đá Vách. Đây là cách sử dụng từ ngữ theo quan điểm khác nhau, nói về những vụ đụng độ bằng vũ lực giữa người Kinh (chính xác là quân đội của triều đình phong kiến Việt Nam) và các nhóm vũ trang của các dân tộc thiểu số ở miền tây Quảng Ngãi, chủ yếu là người Hrê sống ở núi rừng thuộc khu vực núi Đá Vách (Thạch Bích) và lân cận.