Thứ Tư, 29/03/2023
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/04/2022 09:35 525
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Việc đắp các đoạn Trường Lũy, dựng các “Bảo ông Trấn” dọc miền tây Quảng Ngãi dưới thời Bùi Tá Hán (1496 - 1568) trấn nhậm đất Quảng Nam (nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) được xem là sự khởi đầu của việc hình thành Trường Lũy.

Trường Lũy chạy dài từ địa giới phía nam tỉnh Quảng Nam kéo đến phía bắc tỉnh Bình Định, vượt qua bao nhiêu đồi núi, thung lũng, sông ngòi; thời gian xây dựng kéo dài nhiều thế kỷ với hàng vạn ngày công của biền binh, lân dân; chứng kiến bao nhiêu biến động của thời cuộc; dệt quanh mình bao nhiêu giai thoại, gợi nhớ đến nhiều tên tuổi mà lịch sử không thể không nhắc đến (ca ngợi hoặc chê trách, theo cách nhìn của thời cuộc và thế nhân) như Bùi Tá Hán, Nguyễn Cư Trinh, Lê Văn Duyệt, Đỗ Đăng Đệ, Nguyễn Tấn, Nguyễn Thân... Chính vì vậy, tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu về Trường Lũy là cần thiết đối với hậu thế.

 
Di tích một đoạn Trường Lũy chạy qua địa bàn xã Hành Dũng, H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi L.H.K

Quá khứ không thể thay đổi được, nhưng nhìn lại quá khứ một cách chân thực và khoa học, có thể rút ra từ đó những bài học, những kinh nghiệm quý báu cho hiện tại và tương lai. Tìm hiểu, nghiên cứu Trường Lũy và những mối liên quan của nó trong lịch sử hẳn sẽ góp phần vào việc hình thành chính sách dân tộc đúng đắn trong quá trình xây dựng một đất nước Việt Nam thống nhất, đa dân tộc, đa văn hóa, trong đó các thành phần dân tộc đều bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển.

 
Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa quốc gia Trường Lũy Quảng Ngãi (tháng 5.2011) L.H.K

Hệ thống đồn lũy liên hoàn

Trường Lũy được bắt đầu xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI, khi ông Bùi Tá Hán lãnh nhiệm vụ của triều Lê Trung hưng vào trị nhậm trấn Quảng Nam, nay là vùng đất thuộc Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Lúc bấy giờ, để ngăn chặn người thiểu số ở phía tây Quảng Ngãi, ông cho đắp các đoạn lũy đất ở những nơi hiểm yếu và đặt một số đồn/bảo để kiềm phòng. Sử nhà Nguyễn về sau gọi các lũy đất không liên tục này là “Đoạn Trường Lũy”. Tuy nhiên, những cuộc nổi dậy từ miền thượng và các hành động trấn áp từ phía các tập đoàn cai trị phong kiến vẫn kéo dài triền miên. Cuối thời Gia Long, đầu thời Minh Mạng, trong một nỗ lực ổn định vùng đất thượng du phía tây, triều đình Nguyễn đã thuận theo lời tâu của Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), một đại công thần và là một võ tướng tài năng, quê gốc ở làng Bồ Đề, phủ Mộ Hoa (nay là H.Mộ Đức), Quảng Ngãi, cho phép ông này huy động nhân lực gia cố và nối các “Đoạn Trường Lũy” lại với nhau, dựng thêm nhiều đồn/bảo, hình thành một hệ thống đồn lũy liên hoàn, vắt ngang miền tây tỉnh Quảng Ngãi, chạy từ H.Hà Đông, thuộc phủ Tam Kỳ (nay là vùng đất các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, một phần H.Bắc Trà My và TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam ngày nay) đến phía bắc phủ Bồng Sơn (nay là các huyện Bồng Sơn, An Lão của tỉnh Bình Định).

Nếu tạm xem năm Thành Thái thứ 11 (1899) - năm tổ chức quân sự có tên là Nghĩa Định sơn phòng bị triệt bỏ, 3 châu Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi được thành lập, là thời điểm Trường Lũy chấm dứt về cơ bản vai trò của một hệ thống phòng thủ, thì đã có hơn một thế kỷ lũy dài này chỉ còn là hiện thể của một mảnh nhỏ quá khứ lịch sử. Hay nói cách khác, bản thân cái vật thể đắp bằng đất mà chúng ta đang nói đến không còn giữ vị trí, ý nghĩa, công năng mà vì đó nó được tạo tác, cho dù đến nay chúng ta vẫn nhận biết qua thư tịch, tư liệu, giai thoại và vẫn nhìn thấy những dấu vết, những đoạn lũy đang nhòa dần hình hài trong không gian miền tây Quảng Ngãi vì tác động của thiên nhiên và dữ dội hơn là của con người.

Trường Lũy, tên gọi đầy đủ ghi trong chính sử là “Tĩnh Man Trường Lũy” (có thể đọc là “Tịnh Man Trường Lũy”), thi thoảng cũng được chép là “Bình Man Lũy”, trong dân gian gọi là Lũy Mọi, Lũy Trấn Man, Lũy Bình Man. Tất cả các tên gọi này đều mang nặng thành kiến phân biệt Kinh - Thượng và ít nhiều gợi lên ký ức về những năm tháng không yên lành trong quan hệ giữa người Kinh và các tộc người thiểu số miền tây Quảng Ngãi. Vì vậy, “Trường Lũy” hoặc “Trường Lũy Quảng Ngãi”, “Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định” là những tên gọi phù hợp hơn. Chúng tôi thống nhất gọi là Trường Lũy trong loạt bài viết của mình. (còn tiếp)

 Lê Hồng Khánh

https://thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 2679

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Có một kho báu “độc nhất vô nhị” của quốc gia

Có một kho báu “độc nhất vô nhị” của quốc gia

  • 04/04/2022 08:56
  • 544

20 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia là con số ấn tượng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Tính đến thời điểm này, chưa một bảo tàng nào đạt đến con số ấy.