Những con voi trên sưu tập vàng lá chạm khắc hình voi Gò Thành là các vị thần canh giữ các phương ánh sáng theo quan niệm văn hóa Ấn Độ.
Sưu tập vàng lá khắc voi nhiều nhất
Cuộc khai quật khảo cổ năm 1989 tại di tích Gò Thành (ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, H.Chợ Gạo, Tiền Giang) đã mang lại toàn bộ bảo vật quốc gia sưu tập vàng lá chạm khắc hình voi. Tất cả đều được phát hiện trong các di tích kiến trúc hố thờ. Bộ sưu tập gồm 18 hiện vật, chia thành 3 nhóm dựa trên đặc điểm hình dáng, kỹ thuật chế tác và đặc điểm hình khắc.
Nhóm hiện vật vàng thứ nhất gồm 4 vàng lá được cắt tạo hình vuông hoặc gần vuông, có kích thước rất đều nhau, khoảng 7 cm. Những lá vàng trong nhóm này rất dày so với những lá vàng thuộc các nhóm còn lại. Lá vàng có màu nhạt hơn, bề mặt lỗ rỗ thô ráp hơn nhóm còn lại. Trên bề mặt của mỗi lá vàng có chạm - khắc hình một con voi trong tư thế đứng nhìn chính diện với thân hình to tròn, mập mạp, được thể hiện rất chi tiết với các đặc điểm giải phẫu học chính xác chặt chẽ.
Hình voi với mô tả tư thế chuyển động sống động
Các hình voi trên lá vàng nhóm một này được thể hiện theo tỷ lệ tương ứng giữa các bộ phận rất hài hòa, xác thực với các chi tiết giải phẫu cơ thể học của loài voi. Hình voi có phần đầu to nổi cao hai gồ đặc thù ở hai bên của khối sọ. Vòi voi dài vươn về một bên, đầu vòi thể hiện tả thực phần mũi nhô dài ra mềm mại, mỏng và sinh động. Hai bên vòi là hai ngà cong, dài cân đối và cong gập đều vào trong ôm lấy vòi… “Hiện vật tiêu biểu của nhóm này là hình con voi có thể hiện một vành vắt ngang trán, trước ngực cũng có hai nếp xếp lớn tương tự hình các con voi được trang trí trong các nghi lễ tôn giáo ở Ấn Độ”, hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết.
Nhóm thứ hai gồm 8 hiện vật. Cạnh lá vàng khoảng 7,4 cm. Trên một bề mặt của mỗi lá vàng được chạm - khắc hình một con voi trong tư thế đứng nhìn thẳng với phương nhìn chính diện. Hình voi được thể hiện đơn giản, có tính cách điệu cao. Hình voi đôi thể hiện bằng những đường nét cơ bản biểu hiện đặc điểm đầu, vòi, đôi tai nhỏ, hai mắt, chân thể hiện tương đối rõ hai chân phía trước, hai chân sau chỉ là những nét ước lệ. Tỷ lệ giải phẫu cơ thể học (tiếu tượng) không cân xứng, tính trang trí trong tạo hình rất cao.
Nhóm thứ ba gồm 6 hiện vật. Hai lá vàng thuộc nhóm hiện vật này dát mỏng, cắt thành hình chữ nhật vuông vắn, có kích thước khá đều nhau, cạnh chỉ khoảng 3,2 - 4,8 cm. Trên một mặt của các lá vàng có chạm khắc hình một con voi có dáng to mập được thể hiện rất chi tiết với đầy đủ các đặc điểm hình dáng, hai ngà lớn, vòi voi vươn về bên phải. Đầu quay nghiêng như đang lúc lắc. Các chân trong tư thế di chuyển nhẹ nhàng với chân trước co lên, hai chân sau hơi khuỵu xuống theo nhịp nhún nhẹ, đuôi dài hơi cong và nâng nhẹ lên, rất sống động.
Hình voi đơn giản với cách điệu cao
Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, trên bình diện văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng đã có những hiện vật tương tự tại các di tích Giồng Xoài (Kiên Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp), chùa Lò Gạch (Kiên Giang), Gò Xoài (Long An). Tuy nhiên, đây là sưu tập hiện vật vàng lá có chạm khắc hình voi có số lượng nhiều nhất với 18 tiêu bản. “Có thể thấy, chưa có di tích nào có số vàng lá chạm khắc hình voi được tìm thấy nhiều, mức độ nguyên vẹn và mức độ tập trung cao như ở Gò Thành”, hồ sơ cho biết.
Những vị thần canh ánh sáng
Bảo tàng Tiền Giang cho biết đây là sưu tập hiện vật thuộc văn hóa Óc Eo có tính chất tiêu biểu cao, tính độc đáo nổi bật. Tính độc đáo không chỉ thể hiện ở số lượng nhiều mà còn ở sự đa dạng trong hình thức thể hiện, kỹ thuật chế tác.
Sưu tập vàng lá ở di tích Gò Thành sử dụng kỹ thuật dát mỏng và cắt tạo hình (vuông, hình chữ nhật), các hình voi được chế tác bằng kỹ thuật chạm - khắc kết hợp khắc miết. Hình voi đơn giản có tính cách điệu cao với hai phong cách. Một, chạm khắc hình voi bằng nét đơn giản, có phần ngô nghê song mang tính biểu tượng hóa với kỹ năng trang trí cao. Phong cách thứ hai thể hiện hình tượng voi bằng những nét khắc tỉ mỉ, tả thực đến từng chi tiết, tuân thủ chặt chẽ các quy tắc của tỷ lệ giải phẫu cơ thể học của loài voi. “Các hình thức thể hiện này đều được tìm thấy trong các sưu tập vàng lá có chạm khắc hình voi ở di tích chùa Lò Gạch, Gò Xoài, song không ở di tích nào có đầy đủ các hình thức đa dạng như ở di tích Gò Thành”, hồ sơ bảo vật nêu.
Theo hồ sơ bảo vật, tại hiện trường các hình voi được thể hiện đều có định hướng, cho thấy khả năng chúng được bố trí nhìn tập trung vào một điểm ở trung tâm. “Đặc điểm này phản ánh chức năng của những con voi này tương ứng với các vị thần canh giữ các phương ánh sáng theo quan niệm của văn hóa Ấn Độ”, hồ sơ nhận định.
Các loại hình di tích cư trú, các phế tích di tích kiến trúc mang tính chất tôn giáo, các loại hình tượng thờ, vật thờ… được phát hiện cho thấy Gò Thành từng là một trung tâm dân cư, kinh tế lớn của cư dân văn hóa Óc Eo từ thế kỷ 4 - 12. Trong đó, sưu tập hiện vật vàng lá có niên đại khoảng thế kỷ 6 - 8 cho thấy giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của văn hóa cũng như di tích này. Thêm vào đó, bộ sưu tập cũng cho thấy giao thoa văn hóa với Ấn Độ. Đó là kết quả của quá trình trao đổi, giao lưu giữa cư dân văn hóa Óc Eo và nền văn hóa Ấn Độ. (còn tiếp)
Trinh Nguyễn