Thứ Tư, 18/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/02/2022 15:36 1227
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chiếc nhẫn vàng Nandin Giồng Cát cho thấy kỹ thuật làm đồ trang sức siêu hạng của cư dân văn hóa Óc Eo.

Chiếc nhẫn duy nhất trong địa tầng

Cuộc khai quật khảo cổ di tích Óc Eo - Ba Thê (TT.Óc Eo, H.Thoại Sơn, An Giang) kéo dài từ tháng 8.2017 - 6.2020. PGS-TS Nguyễn Gia Đối, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết chiếc nhẫn có hình bò Nandin ở Giồng Cát là một phát hiện quan trọng của cuộc khai quật này. “Nhẫn kim loại màu vàng được đúc nguyên khối, phía trên là hình ảnh bò thần Nandin (vật thiêng để cưỡi của thần Shiva) được tạo hình theo phong cách tả thực tai, mắt, sừng, móng, chùm lông ở đuôi. Hai bên thành nhẫn phía sau và phía trước của bò Nandin được trang trí hoa văn cánh hoa sen hay hình lá cây trông như hình chiếc đinh ba”, thông tin từ Viện Khảo cổ học cho biết.

 

Chiếc nhẫn hình bò Nandin Giồng Cát (TL Viện Khảo Cổ)

Hồ sơ bảo vật quốc gia nhẫn có hình bò Nandin mô tả đây là chiếc nhẫn vàng hình tròn trơn. Mặt nhẫn là hình tượng bò đúc khối rất hiện thực, trong tư thế nằm xếp chân. Hình tượng bò được tạo hình nằm hơi nghiêng về bên phải, sống lưng hạ thấp, mông co lại, u vai nổi cao. Đầu ngẩng cao, nhìn thẳng khá thoải mái nhưng trang nghiêm. Cặp sừng cong nhọn hướng lên trên, đôi tai mở rộng, hai mắt to; lớp da phần gáy và cổ cũng tạo nhiều nếp tả thực…

PGS-TS Bùi Chí Hoàng, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho biết khi được phát hiện chiếc nhẫn nằm ở lớp văn hóa thuộc giai đoạn thế kỷ 3 - 5, sâu khoảng 1,5 m so với lớp đất mặt. “Nhẫn không có nhiều. Trước đây chúng ta từng phát hiện khoảng 8 chiếc trong dân. Trong khi đó, chiếc nhẫn này lại phát hiện trong địa tầng. Đây là nhẫn duy nhất được phát hiện trong địa tầng văn hóa, đấy là giá trị đặc biệt của nó”, PGS-TS Hoàng nói.

Trong khi đó, hồ sơ bảo vật quốc gia nêu: “Tính hiện vật gốc độc bản thể hiện ở chỗ chiếc nhẫn này là duy nhất phát hiện trong địa tầng khảo cổ cho đến nay. Địa tầng khảo cổ ổn định, không bị xáo trộn. Điều này giúp cho việc làm tăng giá trị của hiện vật cũng như có thể xác định niên đại hiện vật một cách tương đối chính xác”. Hồ sơ cũng cho biết một số nhẫn vàng khác thu thập được ở Óc Eo - Ba Thê không phải là hiện vật khai quật được nên chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trình độ chế tác điêu luyện

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, nhẫn Nandin Giồng Cát được chế tác với kỹ thuật kết hợp đúc và chạm, là loại hình có số lượng tìm thấy không nhiều trong văn hóa Óc Eo, đặc biệt là nhẫn có mặt hình động vật. “Hiện vật được chế tác với những chi tiết nhỏ, tinh tế, đòi hỏi trình độ chế tác rất cao, thuần thục. Người thợ kim hoàn thời kỳ này đã rất thành thục các kỹ thuật chế tác phức tạp và đạt tới trình độ điêu luyện từ luyện vàng đến khâu đúc hay dát mỏng, kéo thành sợi, cắt, giũa”, hồ sơ viết.

Các thành viên Hội đồng Di sản quốc gia còn cho rằng đặc điểm hình dạng và cấu trúc tổng thể của hiện vật cho thấy đây là hiện vật thuộc loại đẹp nhất trong khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê. Không có bất cứ hiện vật nào trong số các hiện vật cùng loại đã được biết có cùng kiểu thể hiện như hiện vật tìm được tại Giồng Cát.

Cũng theo hồ sơ này, nhẫn Nandin Giồng Cát có giá trị mỹ thuật cao nhất so với các nhẫn Nandin cùng loại trong văn hóa Óc Eo. “Nhẫn được thể hiện khá chi tiết, có đầy đủ chân, mắt, mũi, trong tư thế nằm được đúc, chạm với dáng vẻ trang nghiêm nhưng không kém phần sinh động. Nhẫn được tạo tác trong sự kết hợp hài hòa giữa nội dung tôn giáo với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo để tạo ra sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, vừa thỏa mãn yêu cầu nội dung tôn giáo, trở thành loại hình vật dụng có giá trị kinh tế cao đủ sức chinh phục được mọi đối tượng khách hàng”, hồ sơ viết.

PGS-TS Bùi Chí Hoàng chia sẻ: “Nó thể hiện trình độ nghề kim hoàn rất cao, rất nghệ thuật. Đúc được tượng nằm trên mặt nhẫn, tượng bò ở tư thế đó rất là khó. Thế kỷ thứ 4 - 5 mà làm được như vậy trình độ kim hoàn của cộng đồng ở vùng này cực kỳ xuất sắc. Đó là cái giá trị nhất”. Nó cũng cho thấy cộng đồng cư dân ở Óc Eo - Ba Thê là một cộng đồng có trình độ làm sản phẩm thủ công, đặc biệt là đồ trang sức. Khối lượng đồ thủy tinh rất lớn, và các trang sức ở Óc Eo - Ba Thê cho thấy cư dân ở đây trong thế kỷ thứ 4 đã đạt đỉnh cao của các nghề thủ công mỹ nghệ như tạc tượng, đồ trang sức, thổi thủy tinh…”.

“Nhẫn Nandin cùng với nhiều hiện vật và vàng lá tìm được trong văn hóa Óc Eo, minh chứng Óc Eo có một nền kinh tế rất phát triển và có giao lưu thương mại với nhiều nước trên thế giới qua con đường tơ lụa trên biển”, hồ sơ nêu rõ. Bên cạnh đó, nhẫn Nandin Giồng Cát được một số nhà khoa học đánh giá là hiện vật được các quý tộc sử dụng.

PGS-TS Bùi Chí Hoàng phân tích, chiếc nhẫn vàng bò Nandin Giồng Cát không chỉ là chỉ báo về giao lưu thương mại. Chiếc nhẫn cũng không chỉ là đồ trang sức đơn thuần mà nó còn là vật thiêng. “Về giao lưu không chỉ là giao lưu thương mại mà còn là giao lưu văn hóa và tôn giáo của cả vùng đất Nam bộ Việt Nam và các vùng xa hơn như Trung Cận Đông, Ấn Độ… Đó là những quan hệ giao thương cực mạnh của cộng đồng cư dân vùng Óc Eo, vùng Nam bộ. Ngoài những sản phẩm xuất đi từ Óc Eo còn có từ vùng khác đến. Điều đó chứng tỏ thương cảng Óc Eo đã rực rỡ thế nào”, ông Hoàng nói. (còn tiếp)

Trinh Nguyễn    

https://thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4232

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Những bảo vật quốc gia mới: Bát sứ ngự dụng tinh mỹ Hoàng thành Thăng Long

Những bảo vật quốc gia mới: Bát sứ ngự dụng tinh mỹ Hoàng thành Thăng Long

  • 03/02/2022 07:29
  • 1279

Hai chiếc bát được sản xuất bằng kỹ thuật cao, thấu quang và có chữ quan. Các nhà khảo cổ cho rằng đây là bát ngự dụng.