Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/01/2022 21:26 1242
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Theo PGS-TS Bùi Văn Liêm, trống đồng Gia Phú là ngôi mộ của người có vị trí cao trong xã hội. Nó cũng cho thấy cương vực của văn hóa Đông Sơn.

 

Trống đồng Gia Phú (Bảo tàng Lào Cai)

Chiếc trống dưới chân núi Fansipan

Tháng 3.2019, cuộc san gạt đất làm nhà của gia đình bà Hoàng Thị Vắng (thôn Tả Thàng, xã Gia Phú, H.Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đã phải tạm dừng khi chạm vào một vật cứng. Đó là chiếc trống đồng và một số di vật xương, rìu đồng, khuyên tai đá… bên trong. “Bảo tàng tỉnh Lào Cai phối hợp với H.Bảo Thắng, các cơ quan chuyên môn vận động gia đình giao nộp, vận chuyển về bảo tàng quản lý”, hồ sơ bảo vật quốc gia Trống đồng Gia Phú cho biết.

Chiếc trống được phát hiện ở một gò cao nằm bên tả ngạn con ngòi lớn đổ vào sông Hồng. Gò này nằm dưới chân dãy Fansipan. Theo vết tích để lại và chỉ dẫn của chủ nhà, trống được phát hiện ở trạng thái nằm ngửa như một cái nồi đứng lớn bằng đồng. “Mặt trống cũng chính là đáy mộ, cách bề mặt đất bên trên gò khoảng 4 m. Sàng lọc phần đất còn lại đã tìm được dấu vết xương, răng người và một số đồ đồng cùng trang sức đá”, PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho biết.

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia Trống đồng Gia Phú, hiện vật có nguồn gốc xuất xứ rất rõ, được chôn trong lòng đất, ở độ sâu gần 4 m; công cụ, đồ trang sức chôn theo có niên đại tương đồng văn hóa Đông Sơn.

Theo Bảo tàng tỉnh Lào Cai, trống bị nứt một đường từ chân lên thân dài khoảng 29 cm. Thân bị thủng một miếng nhỏ. Chân trống bị vỡ 2 miếng nhỏ. Trong trống đồng Gia Phú này có một số đồ tùy táng chôn theo. Trong đó có một phần di cốt người gồm nhiều mảnh xương có kích cỡ to, nhỏ khác nhau. Hầu hết các mẩu xương đã bị mủn, vỡ. Bước đầu có thể nhận dạng được một số xương ngón chân, ngón tay và 27 chiếc răng. Dựa trên kích thước răng hàm có thể đoán người chết là một phụ nữ khoảng 25 - 30 tuổi.

Các hiện vật còn lại gồm: 5 chiếc khuyên tai đá ngọc đều màu xanh lá mạ đậm, hình vành khăn có khe hở để đeo vào tai; 1 rìu có họng dài, mũi nhọn, gót gần như vuông; mảnh đồng rời có thể của chân trống vỡ, vết vỡ còn mới. “Căn cứ vào hình dáng, kích thước, kỹ thuật chế tạo và hoa văn trang trí có thể nhận định trống Gia Phú và những hiện vật chôn theo có niên đại văn hóa Đông Sơn, 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay”, bảo tàng cho biết.

 

Trống đồng Gia Phú khi mới đưa về Bảo tàng Lào Cai

Vẽ bản đồ văn hóa Đông Sơn

Cũng theo hồ sơ, đây là lần đầu tiên ở Lào Cai phát hiện được trống đồng bên trong có xương cốt, răng, rìu đồng, khuyên tai đá và than tro… Những tư liệu này khẳng định trống Gia Phú là ngôi mộ chôn cất người chết, bản thân trống đồng là quan tài. “Những hiện vật phát hiện bên trong trống Gia Phú minh chứng chủ nhân là người có vị trí cao trong xã hội đương thời”, PGS-TS Bùi Văn Liêm nói.

Trước đây, các nhà khảo cổ cũng từng phát hiện loại hình mộ có quan tài là trống đồng ở Quảng Thắng, Quảng Xương và Nga Văn, Nga Sơn (Thanh Hóa). Tuy nhiên, trống trồng Gia Phú khác biệt ở chỗ còn gần nguyên vẹn, hoa văn trang trí rõ nét. Các hiện vật xương răng cũng rất khác biệt ở chỗ còn có thể nghiên cứu được về đặc điểm nhân chủng, tuổi tác và giới tính, hiện vật chôn theo phong phú. Đặc biệt, sưu tập

5 khuyên tai hình vành khăn, chế tác từ đá ngọc, loại nguyên liệu quý hiếm và rất có giá trị.

Các hoa văn trên mặt, tang và thân trống trang trí rất phong phú: chim xòe cánh rộng, thuyền, bò, hoa văn hình học… Đây đều là những hoa văn điển hình của văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, chúng còn mang những nét độc đáo của loại hình trống Đông Sơn miền núi. Đó là việc đặc tả được đời sống thực tại và những sinh hoạt thường nhật của cư dân miền núi, sông nước…

Theo PGS-TS Bùi Văn Liêm, trống Gia Phú góp phần chứng minh quá trình cư trú ổn định, lâu dài của người Việt cổ thời Đông Sơn cách ngày nay trên 2.000 năm tại khu vực Lào Cai. “Trống Gia Phú biểu trưng tinh thần, khí phách Đông Sơn ở vùng biên viễn với những sắc thái văn hóa khác nhau. Trống thể hiện một bộ phận của văn hóa Đông Sơn hiện hữu ở vùng núi, chân núi phía bắc. Cùng với trống Pha Long, trống Quảng Chính (2 bảo vật quốc gia), trống Gia Phú chứng minh cương vực của văn hóa Đông Sơn kéo dài trên một khu vực rộng lớn từ núi cao đến ven biển”, ông Liêm nói.

Thêm vào đó, trống Gia Phú cùng với 3 bảo vật quốc gia khác (trống Pha Long Lào Cai, thạp đồng Đào Thịnh Yên Bái, thạp đồng Hợp Minh Yên Bái) và hệ thống các di tích, di vật Đông Sơn khác ở Lào Cai, Yên Bái, đã tạo nên một trung tâm Đông Sơn thịnh vượng ở vùng núi, chân núi phía bắc VN. “Chúng khẳng định cương vực nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng, tô đậm nét son nơi cội nguồn nền văn minh sông Hồng, văn minh Âu Lạc mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn, văn minh Việt cổ”, PGS-TS Liêm cho biết. (còn tiếp)

Trinh Nguyễn    

https://thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4235

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Những bảo vật quốc gia mới: Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long

Những bảo vật quốc gia mới: Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long

  • 25/01/2022 10:21
  • 1673

Bảo vật quốc gia Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long không chỉ cân đối và tuyệt đẹp. Biểu tượng chim phượng còn được cho là báo điềm lành.