Thứ Tư, 09/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/12/2021 09:48 1329
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Năm 1932, nữ tiến sĩ khảo cổ học người Pháp Madelein Colani đã trình bày các phát hiện của mình và đề xuất một nền văn hóa tiền sử quan trọng của loài người có tính phổ cập ở một vùng rộng lớn khắp Bắc Đông Dương và ngoại vi - đó là Văn hóa Hòa Bình, mang tên tỉnh Hòa Bình.

 

Tôi trở lại Xóm Rền (Phú Thọ), một địa điểm khảo cổ học tiềm ẩn những đáp số cho lời giải về một trong những huyền thoại Việt cổ xưa nhất: Hùng Vương.
Từ đó, thuật ngữ Hoabinhien (Hoabinhian) song hành với các nền văn hóa tiền sử nổi tiếng khác trên thế giới. Tiến tới 90 năm Văn hóa Hòa Bình được thế giới công nhận, vinh danh, chúng ta hãy cùng trở lại với những phát hiện đầu tiên của bà Colani, và suy nghĩ về những việc cần phải làm trong dịp trọng đại này.
Vào khoảng những năm 20-30 của thế kỷ 20, công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp ở Đông Dương bước vào giai đoạn phát triển rầm rộ nhất. Chính quyền thực dân tiến hành hàng loạt công cuộc làm đường nhằm tiến sâu vào các vùng rừng núi để vừa đạt mục tiêu khai thác khoáng sản, vừa nắm giữ các vùng đất trọng yếu của Đông Dương.
 

Tiến sĩ Madeleine Colani (1866 – 1943)

Công cuộc khai thác thuộc địa này đã tạo điều kiện cho các nhà địa chất, khảo cổ Pháp tiến hành các cuộc điều tra nghiên cứu và đã phát hiện hàng loạt di tích tiền sử, trong đó tiêu biểu nhất là việc phát hiện ra Văn hóa Hòa Bình gắn với tên tuổi nữ tiến sĩ khảo cổ học người Pháp Madelein Colani.
Kể từ năm 1927, sau mấy năm làm trợ lý cho tiến sĩ địa chất học Mansuy điều tra phát hiện loạt hang động thuộc sơn khối Bắc Sơn, bà Colani đã nhận nhiệm vụ độc lập của Sở Địa chất Đông Dương khi đó tiến hành một loạt cuộc điều tra thăm dò khảo cổ học ở vùng hang động đá vôi kéo dài từ Hòa Bình, qua Thanh Hóa vào đến tận Quảng Bình.
Ngay từ những cuộc điều tra đầu tiên, các phát hiện về tàn tích tiền sử dày đặc trong vùng núi đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình đã cuốn hút sự say mê của Colani. Bám theo trục đường QL6 và các tuyến đường từ Mẫn Đức đi Nho Quan Ninh Bình, từ Ba Hàng Đồi đi vào Kim Bôi... bà đã phát hiện hang Ốc (Lương Sơn), hang Chiềng Khến (Mẫn Đức, Tân Lạc), mái đá Làng Vành (Vụ Bản, Lạc Sơn), hang Đa Phúc, Phú Lương, Đồng Nội (Yên Thủy), hang Ốc, hang Sào Báy (Kim Bôi)...
Chỉ trong một thời gian ngắn, bà đã phát hiện và khai quật hàng chục hang động tiền sử và nhanh chóng nhận ra một nền văn hóa săn bắt hái lượm với tầng văn hóa ken dày vỏ ốc suối (melania), ốc núi (cyclophorus), xương răng động vật, tầng bếp cháy và công cụ ghè đẽo từ cuội suối basalt rất phổ biến trong vùng.
 
Mái đá Làng Vành
Những phát hiện giống như ở Hòa Bình do chính Colani mở rộng sang vùng núi Cẩm Thủy, Thạch Thành, Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Nghệ An, Lào... cũng như các thông tin rải rác về phát hiện tương tự ở Malaysia, Indonesia đã giúp bà vững tin hình thành một ý tưởng khoa học về một nền văn hóa khảo cổ tiền sử quan trọng có tính bao trùm cả khu vực mà cái lõi chính là các thung lũng xung quanh sơn khối Kim Bôi, nơi có đỉnh Cốt Ca, được coi như nguồn nguyên liệu basalt sừng hóa vô tận của người tiền sử Hòa Bình.
Được sự động viên của đồng nghiệp, nhân dịp Hội nghị Các nhà tiền sử Viễn Đông họp ở Hà Nội năm 1932, Colani đã trình bày các phát hiện của mình tại các hang động tiền sử ở tỉnh Hòa Bình và lân cận để rồi chính thức đề xuất một nền văn hóa tiền sử quan trọng của loài người có tính phổ cập ở một vùng rộng lớn khắp Bắc Đông Dương và ngoại vi - đó là Văn hóa Hòa Bình, mang tên tỉnh Hòa Bình - được coi như là nơi phát hiện đầu tiên và ủ chứa những địa điểm, bộ sưu tập quan trọng nhất của nền văn hóa này.
Đề xuất của bà đã được toàn thể Hội nghị tán thưởng và từ đó xuất hiện trên báo chí, các công trình nghiên cứu, sách giáo khoa, từ điển... thuật ngữ Hoabinhien (Hoabinhian) song hành với các nền văn hóa tiền sử nổi tiếng khác trên thế giới.
Đó là một nền văn hóa săn bắt hái lượm thời đại đá phân bố ở Bắc Đông Dương phát triển trong thời kỳ cuối cánh tân (Pleistocene, khoảng trên 10 ngàn năm) đến đầu thời Toàn tân (Holocene, khoảng 7-8 ngàn năm cách ngày nay). Cư dân văn hóa Hòa Bình có vóc dáng xương to thô mang đặc trưng Austroloid (gần với thổ dân châu Úc) có trộn lẫn một số yếu tố Mongoloid, người chết được chôn cất theo kiểu nằm co nghiêng như đang ngủ, được kè chặn đá và rắc thổ hoàng.
 
TS Nguyễn Việt, tác giả bài viết, đã có nhiều năm nghiên cứu về Văn hóa Hòa Bình
Họ sử dụng cuội suối basalt làm nguyên liệu ghè đẽo công cụ mảnh tước và hạch. Các loài thú nhỏ như rùa, nhím cũng như bọn nhuyễn thể, giáp xác sống trong các thủy vực suối, đầm vực và trên núi đá cùng các loại côn trùng, hạt quả củ là nguồn thức ăn chính của người văn hóa Hòa Bình. Thảng hoặc họ bắt bẫy được những loài thú lớn, như hươu nai, lợn rừng, tê giác... vừa lấy thịt làm thức ăn vừa lấy xương làm công cụ.
Họ sống chủ yếu dựa vào các mái đá hay cửa hang động, để lại những bếp lửa liên tục hàng ngàn năm và những vệt mòn đi lại ở cửa hang. Mỗi nhóm cư dân Hòa Bình như vậy chỉ khoảng 10-30 người di động trong một vùng khai thác thức ăn rộng chừng vài chục cây số vuông.
Thời kỳ thịnh đạt của nền văn hóa này trùng với thời kỳ tối ưu khí hậu với nhiệt độ trung bình thấp hơn ngày nay chừng 5-7 độ C, mưa nhiều, thảm thực vật sồi dẻ chiếm ưu thế khiến dân cư Hòa Bình có điều kiện tăng trưởng, mở rộng sang các vùng rừng núi phụ cận của các thung lũng vàng.
 Kể từ 1932, đã gần 90 năm trôi qua, thế giới đã nhiều lần kỷ niệm sự kiện văn hóa trọng đại này. Madeleine Colani đã qua đời vào cuối năm 1943 tại Hà Nội. Tiếp sau bà, nhiều nhà nghiên cứu khác trên toàn thế giới tiếp tục đi sâu khám phá nền văn hóa nổi tiếng này.
Chỉ sau thế chiến II ít năm, Mathiew (1960) đã trình làng luận văn tiến sĩ của mình về văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam và mở rộng trên toàn thể Đông Nam Á cổ đại, bao gồm cả những phát hiện ở nam Trung Hoa, Malaysia, Indonesia, Thái Lan...
Ở Việt Nam, vào khoảng 1960-1964 giáo sư người Nga là Boricopski cũng hướng dẫn những học trò thế hệ khảo cổ học đầu tiên của Việt Nam tiến hành khai quật, phúc tra nhiều hang động văn hóa Hòa Bình, như hang Tằm, hang Muối, hang Bưng...
Liền sau đó, trong những năm 1960-1970 chương trình nghiên cứu có tính đột phá do tiến sĩ người Mỹ là Chester Gorman đã tiến hành một loạt khai quật ở vùng núi Mea Hong Son thuộc Tây Bắc Thái Lan như Spirit Cave (Hang Ma), Banyan Valey Cave (Hang Thung Cây Đa)... đã đẩy nhận thức và tiếng vang của văn hóa Hòa Bình nên một bước mới, trở thành hiện tượng toàn cầu với hy vọng nơi đây là một trung tâm trồng trọt sớm vào loại nhất trên thế giới.
 
Hiện vật văn hóa Hòa Bình

Vào giữa những năm 1970, Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật hang Con Moong gây ra một tiếng vang đáng kể khi đưa ra một nhận thức, cho dù là chưa chuẩn xác, về diễn tiến Sơn Vi - Hòa Bình - Bắc Sơn trong khoảng niên đại cuối cánh tân đầu toàn tân.

Tiếp theo những chấn động do Chester Gorman tạo ra từ Thái Lan, nhiều nhà khảo cổ học khác ở khu vực cũng mạnh dạn tiến hành các cuộc khai quật bằng sàng lọc như Gorman vào đầu những năm 1980, tiêu biểu là cuộc khai quật thí nghiệm của Nguyễn Việt ở hang Xóm Trại (1982, 1986), của Surin Pokajorn ở Thái Lan (1983) và của các chuyên gia Bulgaria ở Động Can (1987) mở ra khả năng khai thác loại hình di vật là tàn tích hạt quả trong Văn hóa Hòa Bình, cung cấp một loại vật liệu định tuổi carbon phóng xạ có độ tin cậy cao hơn là vỏ ốc và xương động vật trước kia.
Phòng thí nghiệm định tuổi carbon phóng xạ ở Berlin (CHDC Đức cũ) đã giúp định tuổi gần 50 mẫu bằng cả vỏ ốc lẫn than hạt quả các địa điểm Văn hóa Hòa Bình, xác nhận tuổi của Văn hóa Hòa Bình điển hình như Làng Vành, Xóm Trại lên đến 20 ngàn năm cách ngày nay.
Kết quả xác định bằng chuỗi niên đại AMS do Hàn Quốc tiến hành ở các hang Trổ, hang Muối cũng khẳng định tuổi trên dưới 20 ngàn năm của Văn hóa Hòa Bình cổ điển, bên cạnh chuỗi niên đại cuối Pleistocene đầu Holocene có xu hướng muộn hơn của hệ thống mở rộng cư trú, khai thác Văn hóa Hòa Bình ra những vùng ngoại vi. Việc xem xét lại những địa điểm hang động có niên đại sớm như Thẩm Khương (Sơn La) cho phép mở rộng niên đại sớm hơn của lối sống Hoabinhian lên đến trên 30 ngàn năm cách ngày nay.
Từ năm 2000 loạt bài của tiến sĩ Nguyễn Việt đã công bố lõi trung tâm sớm (homeland) của văn hóa Hòa Bình là hệ thung lũng xung quanh sơn khối basalt /cranite Kim Bôi, trong đó tiêu biểu nhất là thung lũng Mường Vang với các hang, mái đá tiêu biểu như Xóm Trại, Làng Vành. Chính từ đây, khi biển tiến holocene trung tác động đến thủy vực Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn đã lôi cuốn một bộ phận cư dân Hòa Bình thấp khai thác nhuyễn thể nước lợ, trở thành một bộ phận của nền văn hóa đá mới Đa Bút theo tuyến trục sông Bưởi.
Văn hóa Hòa Bình được kỷ niệm trọng thể với một hội thảo quốc tế lớn nhân 60 năm xác nhận toàn cầu nền văn hóa này vào năm 1992 tại Hà Nội, sau đó đã tiếp tục được đẩy thêm một bước nghiên cứu mới hơn từ đầu thiên kỷ mới với chương trình mang tên Further Studies on Hoabinhian (Nghiên cứu sâu hơn về Văn hóa Hòa Bình) của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á Việt Nam, Chương trình nghiên cứu về hai lớp nhân chủng học trong văn hóa Hòa Bình của các chuyên gia nhân học Nhật Bản, Úc, Chương trình điều tra khai quật toàn diện vùng núi đá vôi Mea Hong Son của Đại học Bangkok, Chương trình nghiên cứu người Hòa Bình ở Pesak (Malaysia) và một số cuộc khai quật ở Lào.
Kết quả Văn hóa Hòa Bình được nhận thức có niên đại bắt đầu cổ xưa hơn nhiều, tới trên 30 ngàn năm và tồn tại muộn hơn nhiều, thậm chí tới thiên niên kỷ I sau Công nguyên. Cảm nhận và biểu hiện tư duy mỹ thuật của cư dân Văn hóa Hòa Bình cũng được ghi nhận từ những hình khắc trên đá khoáng từ 20 ngàn năm trước, gắn với việc khai thác các lớp muối khoáng mềm bám trên các lõi đá cứng lấy từ các đồi đất đưa về nơi cư trú. Các khoáng chất như vậy có thể sử dụng như một nguyên liệu tạo màu, đồng thời có khả năng cấp các khoáng chất có lợi cho cơ thể.
Việc phát hiện và nghiên cứu tàn tích thực vật bằng phương pháp dân tộc thực vật học đã vén mở bức tranh sử dụng thực vật hữu hiệu trong Văn hóa Hòa Bình. Các nghiên cứu sâu hơn dựa trên sinh thái ốc, hạt quả và vòng sinh trưởng ốc, cá đã cho phép khẳng định tính chất cư trú và di động theo mùa Đông Xuân, Hè Thu của các nhóm săn bắt hái lượm Hòa Bình.
Kết quả phân tích xương cốt người khai quật được trong Văn hóa Hòa Bình cho phép xác nhận 2 lớp dân cư đan xen trong quá trình phát triển của Văn hóa Hòa Bình với lớp nền Australoid và lớp phủ muộn hơn Mongoloid...
 Dù đã tồn tại từ hàng chục ngàn năm trước, nhưng sự hiện hữu của nền văn hóa này vẫn còn ở khắp nơi trên đất Hòa Bình, là niềm tự hào của nhân dân nơi đây và là di sản quý hiếm của dân tộc có giá trị quốc tế cao.
Năm 2022 sắp tới sẽ là dịp kỷ niệm 90 năm tròn từ thời điểm Văn hóa Hòa Bình được thế giới vinh danh, công nhận. Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình phối hợp cùng Viện Khảo cổ học Wroclaw (Ba Lan) đã khởi động một chương trình khai quật nghiên cứu mới về Văn hóa Hòa Bình để chuẩn bị cho một Hội nghị mang tính quốc tế về nền văn hóa này vào 2022.
Hy vọng toàn cầu sẽ vượt nhanh qua thời kỳ trì trệ của Covid-19 để chúng ta đủ thời gian chuẩn bị cho một sự kiện có ý nghĩa lớn về Văn hóa Hòa Bình vào năm 2022.

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

https://thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4296

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Làng thủ lĩnh và ngôi mộ của thủ lĩnh thời Hùng Vương

Làng thủ lĩnh và ngôi mộ của thủ lĩnh thời Hùng Vương

  • 01/12/2021 15:15
  • 1332

Gần nửa thế kỷ trước, vào năm 1968, tôi cùng đoàn sinh viên khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội theo các giáo sư Hà Văn Tấn và Hán Văn Khẩn đi thực tập khảo cổ học ở Xóm Rền.