Thứ Tư, 09/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/10/2021 11:06 1786
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nhóm đồ gốm men trắng văn in từ khi phát hiện đến nay với kiểu, dáng đặc trưng và hoa văn trang trí tinh tế hình rồng, phượng, hoa cúc dây và văn sóng nước... được coi là những sản phẩm cao cấp của đồ gốm men Việt Nam.

Các hiện vật gốm men trắng văn in lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một phần trong bộ sưu tập hiện vật khai quật từ tàu cổ Cù Lao Chàm. Tàu cổ Cù Lao Chàm được Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước tiến hành khai quật từ năm 1997, 1998. Kết quả nghiên cứu thấy đây là con tàu chở gốm sứ Việt Nam xuất khẩu được sản xuất ở trung tâm Chu Đậu (Hải Dương) có niên đại thế kỷ 15. Các di vật thu được là nguồn tư liệu quí giá trên nhiều phương diện, nhất là về lịch sử gốm sứ Việt Nam trong quá trình phát triển.

 

Một số hiện vật men trắng văn in, tàu cổ Cù Lao Chàm

 

Bát, chén gốm văn in, tàu cổ Cù lao Chàm

Sưu tập đồ gốm sứ từ tàu cổ Cù Lao Chàm lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia bao gồm đầy đủ các nhóm loại hình di vật thu được từ con tàu cổ, trong đó, đồ gốm men trắng vẽ lam chiếm số lượng lớn nhất. Đồ gốm men trắng văn in chỉ có số lượng ít với 26 tiêu bản, trong đó có 4 hiện vật thuộc loại “độc bản”. Trong bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu về sưu tập hiện vật này, đồng thời trên cơ sở các phát hiện đồ gốm văn in trong thời gian qua, tìm hiểu các đặc trưng cơ bản, quá trình tồn tại và phát triển của dòng gốm men cao cấp, đặc biệt này.

 GIỚI THIỆU VỀ SƯU TẬP

Hiện vật trong sưu tập đều thuộc loại hình bát với dáng chung phổ biến ở loại gốm men trắng văn in. Bát có miệng loe, gờ cao men, thân cong đều, chân đế cao trung bình, đáy lõm phủ men. Trong và ngoài phủ men trắng đều, men trắng ngả xám và ngả vàng. Trong lòng trang trí bông hoa 6 cánh (hoa mai), với băng hoa văn chủ đạo là hình rồng, phượng và hoa dây xoắn móc được giới hạn bởi 3 đường chỉ nổi (1 đường ở dưới và 2 đường ở trên) xương gốm màu trắng xám, mỏng có thể nhìn “thấu quang”. Căn cứ vào kích thước và hoa văn trang trí có thể phân thành các nhóm sau:

 Bát to: 21 tiêu bản, đường kính miệng 12,5cm đến 12,8cm; đường kính đáy từ 6cm đến 6,2cm; cao từ 6,8cm đến 7,2cm, cao đế từ 1 đến 1,2cm. Có thể phân thành hai nhóm:

- Nhóm thứ nhất: có 2 tiêu bản, mang ký hiệu 7453 và 7454, bát men trắng văn in vẽ nhiều màu, màu đã bị bay chỉ còn nhận được màu xanh lục và đỏ. Màu được trang trí với các chấm chạy vòng quanh ở trong và ngoài sát gờ miệng, sát chân đế là băng văn cánh sen đơn, đầu cánh tù.

Trên tiêu bản ký hiệu 7453, trong lòng bát trang trí hoa cúc dây và hoa lá, đường nét in đều và “sắc”. Trên tiêu bản ký hiệu 7454, trang trí văn in hình bông hoa 6 cánh, băng văn chủ đạo trang trí chim phượng và mây. Chim phượng có 3 con bay trong 3 tư thế khác nhau, thuận chiều kim đồng hồ, nằm cách đều và ngăn bởi các dải mây nhỏ. Phượng được tạo với hình dáng khá khác biệt so với thời Lý - Trần trước đó, thân hình gầy, cổ dài, cánh mảnh song còn có phảng phất hình phượng thời Trần thấy trên gốm men “tiền lam” phát hiện ở di tích chùa Báo Ân (Gia Lâm - Hà Nội). Chính vì vậy có người cho đó là hình cò chứ không phải là chim phượng. Chúng tôi, trên cơ sở đối sánh tài liệu, xác định đó là hình phượng vì đi liền đó là trang trí hình rồng, là biểu tượng trang trí rồng - phượng đi liền với nhau.  

 

 Trang trí hoa mai, hoa dây trên đồ gốm tàu cổ Cù Lao Chàm

- Nhóm thứ hai: có 19 tiêu bản, men trắng văn in không vẽ màu, về cơ bản trang trí giống với nhóm trên, có thể phân thành hai loại:

+ Loại thứ nhất có 11 tiêu bản, men trắng ngả xám lòng có bông hoa 6 cánh, trang trí hoa dây, đường nét tinh tế, chi tiết tương tự trang trí kiến trúc thời Trần trước đó.

+ Loại thứ hai có 8 tiêu bản, trang trí văn in 3 hình chim phượng với các tư thế khác nhau, trong đó có 2 tiêu bản phượng kết hợp với hoa dây và 6 tiêu bản phượng kết hợp với văn mây. 

 Bát trung bình: có 1 tiêu bản duy nhất mang ký hiệu LSb24457, bát có đường kính miệng 9,5cm; đường kính đáy 3,8cm; cao 5,5cm, cao đế 0,8cm. Trong lòng trang trí hình 2 con rồng đuổi nhau xen kẽ là các dải mây nhỏ. Rồng có thân dài chạy quanh lòng bát, rồng hình gần yên ngựa, 5 móng, trang trí không được sắc nét như loại bát to với hình trí hoa dây và hình phượng.

 

Gốm men trắng văn in, trang trí hình rồng, tàu cổ Cù Lao Chàm

 

Gốm men trắng văn in, trang trí hình phượng, tàu cổ Cù lao Chàm

 Bát nhỏ: có 4 tiêu bản (có thể gọi là chén). Đường kính miệng 7,5cm đến 7,6cm; đường kính đáy 4,5cm đến 4,7cm; cao đế 0,4cm đến 0,6cm. Men trắng ngả xám, trang trí hoa dây và bông hoa 6 cánh trong lòng.

 TÌNH HÌNH PHÁT HIỆN GỐM VĂN IN: ĐẶC TRƯNG VÀ MỐI LIÊN HỆ

Tình hình phát hiện

Nhóm hiện vật gồm các loại hình chủ yếu như bát, đĩa, chén... men trắng, xương gốm mỏng như “vỏ trứng”, gờ miệng cạo men, trang trí văn in hình rồng, phượng, hoa cúc dây và mây nước, trong lòng có in nổi chữ Quan và bông hoa  mai 6 cánh được phát hiện từ những cuối những năm 1980 ở di tích Cậy, Hợp Lễ (Hải Dương). Trong thời gian gần đây các di vật này tìm được với số lượng lớn ở các di tích: Lam Kinh (Thanh Hoá), tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Di tích sản xuất gốm Cậy (Long Xuyên, Cẩm Bình, Hải Dương): Trong đợt thám sát năm 1989 do Viện Khảo cổ học tiến hành, trong hố đào I đã phát hiện được 3 chiếc bát miệng loe, thành vát, chân đế cao trung bình được cắt gọt cẩn thận. Bát khá mỏng, gờ miệng chỉ dày 0,2cm, xương gốm mịn, màu trắng xám, trong lòng bát in nổi băng văn sóng nước hình vẩy cá và 2 đường chỉ nổi. Đáng chú ý, trên chiếc bát ký hiệu 89.CĐ.HI.128, giữa lòng in nổi chữ Quan.

Di tích Hợp Lễ (Long Xuyên, Cẩm Bình, Hải Dương): Những đồ gốm men trắng văn in đều được tìm thấy ở tầng văn hoá I, trong hố thám sát do Viện Khảo cổ học tiến hành. Về hình dáng, ngoài loại bát to như ở địa điểm Cậy, trong di tích này còn thấy các loại bát nhỏ, xương gốm mỏng, trang trí hoa văn sóng nước (4 lớp sóng), trong lòng trang trí bông hoa nhiều cánh. Có thể nhận thấy mặc dù các đồ gốm ở đây khá mỏng, chất lượng cao, song không tinh tế như ở Cậy, đặc biệt chưa thấy các sản phẩm có chữ Quan in nổi trong lòng. Nhưng đáng chú ý, tại đây lại tìm thấy được 1 mảnh khuôn in. Mảnh khuôn được làm từ đất sét trắng, trong thấy rõ 5 lớp sóng nước hình cây cá, phía trên là 2 đường chỉ nổi.

Di tích Lam Kinh: Di tích Lam Kinh thuộc xã Xuân Lam (Thọ Xuân - Thanh Hoá). Lam Kinh vốn là Lam Sơn, nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, quê hương của Lê Lợi. Nơi đây được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt thời Lê với tên gọi là Tây Kinh hay Lam Kinh. Các vua Lê đã cho xây dựng nhiều công trình điện, miếu thờ cùng hệ thống lăng mộ có qui mô rất to lớn. Kết quả khai quật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong thời gian gần đây đã xác định được quá trình tồn tại của di tích kéo dài từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 với hai lớp kiến trúc nằm sâu trong lòng đất.

Các đồ gốm sứ thu được ở di tích Lam Kinh có số lượng lớn bao gốm đồ gốm Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản có niên đại tương đương với các lớp kiến trúc Lê sơ và Lê trung hưng. Thông qua các đồ gốm sứ, có thể tìm hiểu diện mạo kiến trúc cũng như sinh hoạt cung đình đã diễn ra ở Lam Kinh trong quá trình tồn tại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, 18.

 

Bát gốm men trắng văn in, trang trí rồng di tích Lam Kinh

 

Bát trang trí rồng văn in di tích Lam Kinh

 

 Gốm men trắng văn in, trang trí hình rồng, di tích Lam Kinh

Nhóm gốm men trắng văn in được phát hiện có số lượng khá lớn với các tiêu bản nguyên vẹn, tập trung ở các loại hình bát đĩa, chén nhỏ, nắp đậy... Ngoài các đặc điểm đã nhận thấy ở đồ gốm các di tích khác, có thể thấy gốm văn in ở Lam Kinh mô típ trang trí rồng chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối, phượng và văn sóng nước có số lượng rất ít, trong lòng bát đĩa đều thấy có chữ Quan in nổi, trang trí hoa mai 6 cánh ít xuất hiện (chỉ có 2 tiêu bản duy nhất). Điểm đáng chú ý, xương gốm cực kỳ mỏng, có tiêu bản chỉ dày khoảng 0,05cm. đây có loại gốm men trắng văn in và chữ Quan viết lam đè trực tiếp lên chữ Quan in nổi.

 

Trang trí văn mây và chữ Quan, di tích Lam Kinh

Đây là tiêu bản duy nhất mới chỉ tìm thấy ở Lam Kinh. Đáng chú ý, trên một số hiện vật, ngoài chữ Quan in nổi  còn có các chữ Hán khác vẽ lam đè lên trên như chữ: Quan, Lam, Tiên, Kính ... Màu lam tươi hoặc xám, nhoè. Các hiện vật này đã cho thấy, loại gốm văn in có cùng niên đại với dòng gốm men trắng vẽ lam. Tuy nhiên, nếu chỉ chữ Quan làm tiêu chí xác định chúng là đồ cao cấp thì loại hình di vật này còn kéo dài đến tận thế kỷ 16, 17.

Các di tích thuộc Hoàng thành Thăng Long: Trong khoảng các năm 1999 đến nay, trong chương trình tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều điểm di tích thuộc Hoàng thành Thăng Long đã được Viện Khảo cổ học tiến hành nghiên cứu và khai quật, trong đó đáng chú ý nhất là các phát hiện ở di tích 18 Hoàng Diệu. Nhóm đồ gốm men trắng văn in được phát hiện có số lượng cực kỳ lớn, loại hình vẫn là các đồ gốm sinh hoạt, song trang trí cực kỳ phong phú, cung cấp các tư liệu quan trọng đối với việc nhận thức về các dòng gốm men Việt Nam. Các hiện vật gốm men trắng văn in có đầy đủ các loại hình mà ở các di tích trước đó đã thấy, trong đó các đồ án trang trí tập trung chủ yếu là hình rồng, phượng và văn sóng nước. Đặc biệt, tại đây đã tìm thấy các dấu tích sản xuất trực tiếp của nhóm đồ gốm này như các mảnh khuôn in trang trí rồng, văn sóng nước... Duy nhất tại đây chưa thấy các đồ gốm men trắng văn in vẽ màu.

 

 Bát gốm men trắng, văn in rồng và chữ Quan, Hoàng thành Thăng Long

Trên đây là tình hình phát hiện về đồ gốm văn in, căn cứ vào đặc điểm loại hình và phân bố hiện vật, nhận thức ban đầu cho thấy chúng là các sản phẩm gốm men cao cấp, "ngự dụng” được sử dụng chủ yếu ở "cung đình","hoàng tộc" (như ở Thăng Long, Lam Kinh)... bên cạnh đó chúng cũng được xuất khẩu (như tàu đắm Cù Lao Chàm). Niên đại của nhóm hiện vật thuộc thế kỷ 15-16. Xung quanh nhóm hiện vật này còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, đặc biệt là vấn đề nguồn gốc và chức năng sử dụng. Hiện nay, với việc tìm thấy các dấu tích sản xuất trực tiếp có liên quan đến gốm văn in ở các trung tâm gốm sứ ở Hải Dương, ở Hoàng thành Thăng Long (ở Lam Kinh, dấu tích rất mờ nhạt, đó chỉ là mảnh con kê có mấu mới được phát hiện gần đây (7)). Vậy, liệu nhóm gốm cao cấp này ngoài việc được sản xuất ở Hải Dương ra, còn có những khu lò chuyên biệt ở Thăng Long hay Thanh Hóa không(?)

 Đặc điểm cơ bản và những mối liên hệ

Trên đây chúng tôi đã tập trung giới thiệu về các di vật gốm men trắng văn in ở tàu cổ Cù Lao Chàm hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Sưu tập di vật tuy có số lượng khá khiêm tốn, lại tập trung duy nhất ở loại hình bát, song về kiểu dáng cũng như trang trí lại thể hiện được các đặc trưng cơ bản và có phần “độc đáo”, bổ sung thêm nhận thức của chúng ta về loại hình di vật này đã được phát hiện ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Lam Kinh (Thanh Hoá) và các nơi khác.

Thứ nhất, qua các di vật này ta thấy chúng đều là các sản phẩm gốm men cao cấp với kiểu dáng và màu men thống nhất. Bát được tạo dáng cân đối, làm “kỹ” với xương mỏng, mịn, bát được nung đơn chiếc hoặc úp trực tiếp, trong lòng bát không thấy có dấu con kê có mấu, là đặc điểm kỹ thuật chung, phổ biến cho các di vật cùng loại đã được phát hiện. Hiện nay chỉ có một số được phát hiện tại di tích 18 Hoàng Diệu có dấu con kê 3 mấu. Căn cứ vào kỹ thuật này, đã có ý kiến cho đây là một đặc điểm của các lò gốm ở Thăng Long (?). Chính vì vậy, khi ở Lam Kinh tìm thấy loại con kê này nên có ý kiến cho rằng đồ gốm sứ ở Lam Kinh được vận chuyển từ các lò gốm Thăng Long vào?.

Về sắc độ men các di vật ở tàu đắm Cù Lao Chàm, có lẽ do bị ngâm lâu trong môi trường nước biển, hoặc cũng có thể chúng là các sản phẩm chưa được sử dụng do đó sắc độ men có phần khác biệt so với các di vật thu được từ lòng đất Thăng Long và Lam Kinh.

Thứ hai về hoa văn và phong cách trang trí trên các di vật có sự tương đồng và có tính thống nhất cao. Trong các di vật ở tàu đắm Cù Lao Chàm thể hiện rõ điều đó. Đây cũng là đặc điểm thấy rất rõ ở gốm văn in ở di tích 18 Hoàng Diệu và Lam Kinh. Đó là các hoa văn trang trí đều thể hiện trong lòng bát với bông hoa 6 cánh và băng hoa văn chủ đạo cùng các đường chỉ nổi. Tuy nhiên, khi phân tích cụ thể ta cũng sẽ thấy có những sự khác biệt. Nếu các di vật thu được ở các di tích Hoàng thành Thăng Long và Lam Kinh, trong lòng trang trí bông hoa 6 cánh rất ít, chủ yếu lại là chữ Quan in nổi. Băng hoa văn trang trí chủ đạo ở trong lòng bát cho thấy sự khác biệt giữa các di vật “tàu đắm” với các di tích Hoàng thành Thăng Long và Lam Kinh. Các di vật thu được ở Thăng Long và Lam Kinh, mô típ trang trí hình rồng, phượng chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối thể hiện rõ tính chất cung đình, trong khi đó các di vật “tàu đắm” trang trí hoa lá lại chiếm tỷ lệ lớn, trang trí hình rồng ít, hình phượng phong phú hơn, song chủ yếu kết hợp với hoa dây. Hơn nữa, bên cạnh đó ta còn thấy các di vật men trắng văn in vẽ lam là các chữ Hán như Tiên, Lam, Lam Trù (ở Lam Kinh), Trường Lạc cung, Trường Lạc khố (ở Hoàng thành Thăng Long) viết lam đè lên chữ Quan cũng là minh chứng thể hiện rõ tính chất ngự dụng của chúng. Các di vật ở di tích Hoàng thành Thăng Long có đầy đủ các loại thấy ở tàu đắm Cù Lao Chàm, đồng thời còn thấy khá phổ biến các di vật trang trí văn mây, sóng nước (vây cá). Sự phong phú của sưu tập hiện vật gốm văn in ở Thăng Long và Lam Kinh so với hiện vật ở “tàu đắm” còn được thể hiện ở loại gốm văn in vẽ lam qua một vài di vật được phát hiện. Hiện nay, loại gốm men trắng văn in vẽ lam mới thấy xuất hiện ở hai nơi duy nhất đó là Thăng Long và Lam Kinh. Trong khi đó, ở sưu tập gốm văn in ở tàu cổ Cù Lao Chàm, đáng chú ý là sự xuất hiện của các tiêu bản gốm văn in vẽ màu, đã cho thấy sự đa dạng trong cách thức thể hiện của loại hình di vật này. Đây là hai di vật duy nhất mới được phát hiện đầu tiên, trong tương lai, có thể sẽ tìm thấy ở khu vực Thăng Long và Lam Kinh.

Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu và so sánh về loại gốm men trắng văn in ở tàu cổ Cù Lao Chàm hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cùng với hiện vật ở các di tích Hoàng thành Thăng Long và Lam Kinh, tìm hiểu những đặc trưng cơ bản và những khác biệt giữa các sưu tập này. Căn cứ vào kiểu dáng cũng như kỹ thuật (xương mỏng như vỏ trứng) và trang trí (hình rồng, phượng, hoa dây xoắn móc) trong lòng có chữ Quan chúng được coi là các đồ gốm men cao cấp, “ngự dụng”. Có ý kiến cho rằng, cùng với các loại hình di vật khác, gốm men trắng văn in do được phát hiện ở Hoàng thành Thăng Long (Đông Đô, kinh đô thứ nhất) và Lam Kinh (Tây Kinh, kinh đô thứ hai), nên chúng có thể được coi là các đồ gốm “ngự dụng” dành riêng cho Hoàng tộc. Qua so sánh với các đồ gốm văn in ở các trung tâm sản xuất ở Hải Dương (Cậy, Hợp Lễ và tàu cổ Cù Lao Chàm) và Hoàng thành Thăng Long, chúng ta cũng có thể nhận thấy có những khác biệt trong cách thức và môtíp trang trí. Sự khác biệt đó đã chứng minh khá rõ, chúng thuộc về các lò gốm cao cấp, ngự dụng và các lò gốm với sản phẩm cao cấp, nhưng phục vụ nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu.

TS. Nguyễn Văn Đoàn

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4296

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Sưu tập 24 cây hương đá tìm được trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Sưu tập 24 cây hương đá tìm được trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

  • 07/10/2021 10:58
  • 1566

Thái Nguyên, địa bàn có nhiều ngôi chùa cổ gắn với vùng miền đặc trưng. Vùng núi đá có khá nhiều hang động, nhân dân “nhân thấy động đẹp làm chùa” phổ biến ở các huyện Đồng Hỷ (Chùa Hang, Động Linh Sơn, Hang Leo, Hang Chùa); Định Hóa (Chùa Hang, Hang Dơi), Đại Từ (động Núi Võ, Núi Văn, Hang Nung), Phú Lương (Hang Dơi, Hang Na Thỏi, Hang Thủng), Võ Nhai (Hang Nghè Yên, Hang Ốc, Hang Nà Lạng, ... Huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công các làng quê lại có đặc trưng: “ngôi chùa cột đá”, trong đó Cây hương đá, một loại hình “bia đá” mà chúng tôi sưu tầm được.