Thái Nguyên, địa bàn có nhiều ngôi chùa cổ gắn với vùng miền đặc trưng. Vùng núi đá có khá nhiều hang động, nhân dân “nhân thấy động đẹp làm chùa” phổ biến ở các huyện Đồng Hỷ (Chùa Hang, Động Linh Sơn, Hang Leo, Hang Chùa); Định Hóa (Chùa Hang, Hang Dơi), Đại Từ (động Núi Võ, Núi Văn, Hang Nung), Phú Lương (Hang Dơi, Hang Na Thỏi, Hang Thủng), Võ Nhai (Hang Nghè Yên, Hang Ốc, Hang Nà Lạng, ... Huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công các làng quê lại có đặc trưng: “ngôi chùa cột đá”, trong đó Cây hương đá, một loại hình “bia đá” mà chúng tôi sưu tầm được.
Vị trí phân bố:
Cho đến thời điểm hiện tại huyện Phú Bình tìm thấy 20 cây, còn lại như huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên mỗi địa bàn mới phát hiện 1 cây.
Đặc điểm:
Ở Thái Nguyên Cây hương đá có ở các ngôi chùa làng, tùy theo mức độ về cách thức yêu cầu, vị trí xã hội tính chất chủ nhân hoặc tập thể hưng công mà dựng “Thiên đài thạch trụ” hoặc “Thiên đài nhất trụ”. Cây hương đá là một thanh đá nguyên khối to nhỏ tùy nơi làm ra. Cây hương được người nghệ nhân đục đá tạo thành 4 cạnh gọi là tứ giác có chỗ 6 cạnh gọi là lục giác. Chiều cao từ 1,2- 1,5 m, các cạnh dao động từ 25 - 30 cm, có vát nhọn ở chân cây hương cắm xuống đất. Cạnh của cây hương được bào nhẵn. Trên cạnh đó có cây hương để trơn, có cây khắc hoa văn đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (đào, mai, cúc, tùng) hoặc sen, cúc, đào, mai hay thường gặp lại khắc hoa cúc liên hoàn từ trên xuống. Cạnh cây hương được khoét sâu vào thành rãnh, thành các ô vuông được mài nhẵn để khắc chữ Hán Nôm. Trên đỉnh cây hương được tạc một bông sen (biểu tượng của nhà Phật). Bông sen được tỉa thành nhiều cánh thường số cánh là số lẻ giữa bông sen đó đục rỗng để cắm hương. Về ý nghĩa của cây hương nó như một cột kỳ đài, một cột trụ trời được trồng trước của chùa để nhân dân thắp hương cầu trời khấn Phật, “Kính thiên đài chúc”, “Thiên đài thạch trụ” ... là những tiêu đề thường thấy ở cây hương. Trong số 24 cây hương đá đã tìm được ở tỉnh Thái Nguyên về hình dáng đặc điểm có 4 cạnh, có một số cây có từ 5 - 6 cạnh (chùa Túc Duyên, xã Úc Kỳ, chùa An Châu, xã Nga My, chùa làng Thượng, xã Bảo Lý, chùa Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn huyện Phú Bình) còn đa phần là cây hương có 4 cạnh.
Cây hương đá Chùa Túc Duyên, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, niên đại 1714
Văn khắc trên cây hương:
Bài ký ghi lại việc xây dựng, tân tạo, công đức tu bổ di tích chùa chiền. Các bài ký ngắn hay dài tùy theo. Có bài ký ghi hàng trăm gia đình, họ tên người công đức (cây hương chùa Sam (Sam Linh tự tu tạo thiên đài cúng thạch ngũ giáp đẳng), cây hương chùa Xuân La (Thiên đài thạch trụ phần hương hưng công), cây hương chùa Phú Mỹ (Thiên đài thạch trụ Phượng Linh tự ký), ... có cây hương lại chỉ ghi một dòng tộc công đức mua cây hương công đức vào chùa như chùa Hanh, chùa Cầu Muối, chùa Hoa Báng.
Cây hương chùa Xuân La, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, niên đại 1712
Qua nghiên cứu nội dung các bài ký khắc trên các cây hương có chung một đặc điểm là ghi công đức như văn bia. Cách thể hiện hành văn đều theo một thể lệ; Thời gian, địa điểm, sự kiện, nhân vật, lý do dựng cây hương. Cũng có bài ký có câu Luận về đạo nhà Phật việc giáo hóa chúng sinh bằng việc làm Thiện, làm Phúc, sùng đạo Phật như câu: “Thiên khai lộ thượng tác phúc vi tiên đạo Phật lâm chung ...” (Cây hương đá chùa Lảo, An Châu, xã Nga My, huyện Phú Bình).
Cây hương đá Chùa An Châu, xã Nga My, huyện Phú Bình, niên đại 1709
Nội dung các bài ký nói chung đều có điểm chung là hướng chúng sinh làm việc Thiện, lấy ngôi chùa làm nơi giáo hóa. Khi ghi họ tên người công đức có ghi cả chức vị, phẩm hàm từ các vị quan lại, chức sắc, giám sinh, sinh đồ, đỗ đạt đến các vị tăng ni, Phật tử đã quy y đạo Phật, thiện nam, tín nữ, các dòng họ, thậm chí ghi từ các vị tổ đến con, cháu, quê gốc, nơi sống hiện tại, công đức bao nhiêu. Nói chung qua rất nhiều thông tin trong nội dung các bài ký trên cây hương đá cho chúng ta tìm hiểu nhiều lĩnh vực về xã hội, con người. Đặt biệt trong số cá nhân, tập thể gọi là “Hội chủ công đức, hưng công hoặc tùy duyên công đức” có phần nhiều là phụ nữ là đối tượng xuyên suốt trong hàng loạt những bài văn khắc, chứng tỏ đây là lực lượng lớn tham gia tích cực trong việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo chùa làng thời phong kiến. Bài ký trên cây hương đá khắc bằng chữ Hán Nôm chữ viết chân phương mang phong cách thời đại có giá trị nguyên cứu về Văn bản học, Ngôn ngữ và Hán Nôm học.
Niên đại:
Trong số 24 cây hương đá được phát hiện tính đến thời điểm hiện tại (2021), có 21 cây hương thuộc thời Lê, 2 cây hương thời Nguyễn và một cây hương không rõ niên đại. Cây hương có niên đại sớm nhất được lập vào năm Chính Hòa thứ 23 (1702) thời Lê. Trong niên hiệu Chính Hòa có 3 cây hương (1702- 1705), niên hiệu Vĩnh Thịnh có 6 cây hương (1707 - 1719), niên hiệu Bảo Thái có 6 cây hương (1722 - 1728), niên hiệu Vĩnh Khánh có 2 cây hương (1732), niên hiệu Vĩnh Hựu có 4 cây hương (1732 -1738), niên hiệu Minh Mệnh thứ 21 có 1 cây hương, niên hiệu Tự Đức có 1 cây hương. Qua sưu tầm tra cứu có một cây hương đá chùa Cơ Phi (Long Sào tự) thuộc xã Vạn Phái, thị xã Phổ Yên, văn bản khắc trên cây hương cho biết là lập vào niên hiệu Chính Hòa Ất Hợi (1705) nhưng ở diềm cạnh của cây hương lại ghi khắc lại văn bản vào năm Thành Thái thứ 4 “Thành Thái tứ niên tam nguyệt trung lưu trung tu”. (1892)
Cây hương đá chùa Cơ Phi (Long Sào tự) xã Vạn Phái, thụ xã Phổ Yên, lập năm 1705
Qua sưu tầm nghiên cứu cây hương đá trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho thấy, loại hình cây hương đá được lập nở rộ nhất vào thời nhà Lê Trung Hưng, tiêu biểu là giai đoạn niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705). Tiếp theo đó là vào nửa đầu thế kỷ XVIII, với các niên hiệu như: Vĩnh Thịnh (1705 - 1720), Bảo Thái (1720 - 1729), Vĩnh Khánh (1729 - 1732), Vĩnh Hựu (1735 - 1740) và một số ít được lập vào thời Nguyễn.
Các cây hương đá nói trên giúp cho chúng ta tìm hiểu vế quá trình phát triển của loại hình nghệ thuật điêu khắc đá. Mỗi một cây hương đá là một tác phẩm nghệ thuật. Trên đó người nghệ nhân xưa sử dụng các đề tài tứ linh, tứ quý và chạm khắc cả những sự vật, hiện tương, những cỏ cây, hoa lá gắn bó với cuộc sống đời thường của con người. Thông qua các bài ký được khắc trên cây hương có giá trị nhất định phục vụ cho việc nghiên cứu về lịch sử, chính trị, xã hội đương thời cuối thời Hậu Lê ở giai đoạn cuối thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII. /.
Bảng thống kê 24 cây hương đá thời Lê và thời Nguyễn tìm được trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2021.
TT | Tên nhan đề cây hương | Thuộc di tích | Niên đại |
1 | Sam Linh tự tu tạo thiên đài cúng thạch ngũ giáp đẳng | Chùa Sam, xã Dương Thành, huyện Phú Bình | Chính Hòa 23 - 1702 |
2 | Tân tạo thiên đài Am Ướt tự nhất hưng công | Chùa Mai Sơn, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình | Chính Hòa 24 - 1703 |
3 | Long Sào tự thạch đài kính thiên | Chùa Long Sào, xã Vạn Phái, thị xã Phổ Yên | Chính Hòa 26 - 1705 |
4 | Tân tạo thiên đài phụng cung nhất trụ | Chùa Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình | Vĩnh Thịnh 3 - 1707 |
5 | Kính thiên đài chúc | Chùa An Châu, xã Nga My, huyện Phú Bình | Vĩnh Thịnh 5 - 1709 |
6 | Thiên đài nhất trụ phần hương hưng công | Chùa Xuân La, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình | Vĩnh Thịnh 8 - 1712 |
7 | Tu tạo thạch đài trụ | Chùa Túc Duyên, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình | Vĩnh Thịnh 10 - 1714 |
8 | Thiên đài thạch trụ Linh Sơn tự | Chùa Cầu Muối, xã Tân Thành, huyện Phú Bình | Vĩnh Thịnh 15 - 1719 |
9 | Thiên đài thạch trụ Đại Lễ cổ tự | Chùa Đại Lễ, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình | Vĩnh Thịnh 8 - 1712 |
10 | Thiên đài thạch trụ | Chùa Cao Báng, xã Tân Kim, huyện Phú Bình | Bảo Thái 3 - 1722 |
11 | Cây hương đá (Vô đề) | Chùa Làng Vai (Na Mé), xã Thượng Đình, h. P. Bình | Bảo Thái 4 - 1724 |
12 | Hương đài trụ Hưng Phúc tự | Chùa Quan Tràng, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình | Bảo Thái 9 - 1728 |
13 | Linh Ứng thiền tự thiên đài thạch trụ | Chùa Làng Cả, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình | Bảo Thái 7 - 1726 |
14 | Cây hương đá (Vô đề) | Chùa Bàn Đạt, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình | Bảo Thái 7 - 1726 |
15 | Thiên đài nhất trụ | Chùa Phố Hương, phường Trung Thành, TP TN | Vĩnh Khánh 1 - 1729 |
16 | Thiên đài thạch trụ | Chùa Làng Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình | Vĩnh Khánh 1 - 1732 |
17 | Thiên đài thạch trụ Linh Sơn tự | Chùa Làng Lau, phường Cam Giá, huyện Phú Bình | Vĩnh Khánh 1 - 1732 |
18 | Thiên đài thạch trụ Phượng Linh tự ký | Chùa Phú Mỹ, xã Lương Phú, huyện Phú Bình | Vĩnh Hựu 1- 1735 |
19 | Cây hương đá | Chùa Triều Dương, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình | Vĩnh Hựu 1 - 1735 |
20 | Thủy tạo thiên đài nhất trụ phụng cung tam bảo | Chùa Làng Ca, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình | Vĩnh Hựu 3 - 1737 |
21 | Thiên đài thạch trụ | Xóm Làng Tràng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ | Vĩnh Hựu 4 - 1738 |
22 | Cây hương đá | Chùa Sơn Dược, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ | Minh Mệnh 21 - 1840 |
23 | Cây hương đá | Chùa Làng Cang, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình | Không rõ niên đại |
24 | Báo Ân bi ký | Chùa Phao Thanh, xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình | Tự Đức 6 - 1853 |
Nguyễn Đình Hưng
Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa
(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên)