Chủ Nhật, 15/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/02/2021 10:09 1640
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Thành bậc rồng thềm điện Kính Thiên vừa mang thần thái mỹ thuật Lý - Trần, vừa có sáng tạo đặc biệt của thời Lê Sơ.

 
Thềm điện Kính Thiên xưa

ẢNH: TƯ LIỆU

Dấu ấn trung tâm quyền lực

Những tháng năm, những triều đại đã trôi qua trên nền thềm điện Kính Thiên. Điện được vua Lê Lợi khởi dựng từ 1428 để làm nơi thị triều. Đây cũng là chính điện quan trọng nhất trong hệ thống cung điện tại Cấm thành Thăng Long thời Lê Sơ. Qua các thời Mạc, thời Lê Trung Hưng, điện bị hư hỏng và được trùng tu nhiều lần. Năm 1816, vua Gia Long nhà Nguyễn cho hạ giải toàn bộ công trình nhưng nền móng còn giữ nguyên. Nhà Nguyễn cũng dựng lại công trình mới trên nền điện và đổi là điện Long Thiên. Tới 1886, thực dân Pháp gỡ điện Long Thiên và dựng tòa nhà chỉ huy pháo binh trên nền điện cũ. Người Pháp gọi đây là nhà con rồng.

Dấu vết nền móng điện Kính Thiên hiện là một trong những dấu tích kiến trúc quan trọng nhất tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Còn dấu vết tiêu biểu và quan trọng nhất của điện đến nay chính là các bộ thành bậc bằng đá. Bằng chứng khảo cổ học cũng cho thấy, dù dưới thời Nguyễn mặt sân phía trước điện Kính Thiên đã được nâng cao hơn so với mặt sân thời Lê Trung Hưng, song các thành bậc và bậc vẫn được giữ nguyên. Sau này, các thành bậc cũng hầu như không thay đổi.

Hồ sơ bảo vật quốc gia của thềm rồng điện Kính Thiên cho biết, dù bộ thành bậc này có được dịch chuyển nâng cao lên dưới thời Lê Trung Hưng nhưng cấu trúc, hình dáng và họa tiết trang trí cho thấy bộ thành bậc này được tạo tác, lắp dựng thời Lê Sơ. Thậm chí, có nhà nghiên cứu còn cho rằng, đây chính là bộ thành bậc của điện Kính Thiên được vua Lê Thánh Tông cho tạo tác năm Quang Thuận thứ 8 (1467).

“Bộ thành bậc rồng điện Kính Thiên có thể nói là vô đối. Nó là di vật gốc gắn liền với công trình điện Kính Thiên thời Lê Sơ cũng là chính điện quan trọng nhất trong hệ thống cung điện trong hoàng cung Thăng Long thời Lê Sơ. Nó cũng gắn với các trung tâm quyền lực của đất nước qua nhiều thời kỳ”, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, nói.

Chống đồng hóa từ phương Bắc

Theo PGS-TS Tín, có nhiều lý do để bộ thành bậc đá thềm điện Kính Thiên trở thành bảo vật quốc gia. “Thứ nhất, thềm điện có độ hoành tráng rất cao. Thứ hai, tính nối tiếp truyền thống văn hóa Lý - Trần rất rõ. Thứ ba, đặc trưng mỹ thuật thời Lê Sơ cũng thể hiện rõ”, ông Tín phân tích.

Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết, rồng và hoa văn trang trí trên thành bậc chạm rồng rất đặc biệt. Tượng rồng tạo ở tư thế lượn từ trên xuống, đầu rồng ngẩng cao. Thân rồng tròn, uốn 7 khúc mềm mại. Các khúc uốn của rồng khá mềm mại nhưng đã chuyển sang cấu trúc hình chữ V, không còn giữ cấu trúc thân uốn khúc hình túi vải như rồng thời Lý - Trần.

Rồng ở Kính Thiên có mũi cao, tai to giống tai bò, sừng dài và có chạc giống sừng hươu. Rồng có 4 chân, mỗi chân được diễn tả ở một tư thế khác nhau nhưng đặc điểm chung là thể hiện hình khối săn chắc với các bắp cơ nổi cao. Khuỷu có lông dài, bàn chân có 5 ngón với 5 móng nhọn và sắc. Rồng cũng uốn khúc mạnh mẽ khiến những khối hoa văn mây hỗ trợ cuộn lên như sóng. Điều này cũng thể hiện những chuẩn mực Nho giáo cho hình tượng rồng.

Cũng ở bậc thềm rồng này có các hoa văn chủ đề mây hóa rồng - một đồ án phổ biến trên các sản phẩm thời Lê Sơ, đặc biệt là trên các bia đá và trên đồ gốm men trắng vẽ lam.

Thềm rồng còn có đồ án hoa sen dây, vốn là đề tài trang trí rất phổ biến thời Lý - Trần. Tuy nhiên, về chi tiết, hoa sen trong mảng chạm ở thành bậc Kính Thiên có khác so với thời Trần. Nếu sen Lý - Trần thường đơn giản, ít lớp cánh, đường nét rõ ràng kiểu tả thực thì sen Kính Thiên phức tạp hơn với nhiều lớp cánh, chi tiết cánh vừa có yếu tố sen vừa có yếu tố mẫu đơn. Chính vì thế, có người còn gọi đây là hoa bảo tiên. Lá sen ở thềm điện Kính Thiên cũng hiếm gặp, đã trở thành mảng chạm chính chứ không đơn điệu như lá sen Lý - Trần.

Theo PGS-TS Tín, những mảng chạm ở thềm điện Kính Thiên cho thấy sức sống mãnh liệt của văn hóa Lý - Trần. Điều đó cũng giúp cho Đại Việt không bị đồng hóa trong suốt thời kỳ thống trị 20 năm của nhà Minh. Diện tích 4,6 m2 của bức chạm sen dây cũng rất lớn. Đây có thể coi là bức chạm hoa văn cổ lớn nhất, đẹp nhất còn đến nay.

Bộ thành bậc điện Kính Thiên cũng là bộ thành bậc đá duy nhất của kiến trúc chính điện thời Lê Sơ hiện còn. Trong khi đó, thành bậc đá thời Lê Trung Hưng tuy còn khá nhiều song các bộ thành bậc đó là thành bậc của các công trình tín ngưỡng tôn giáo như bậc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Quỳnh Lâm. Giá trị nghệ thuật và ý nghĩa biểu trưng của các bộ thành bậc đó không thể so sánh với bộ thành bậc đá điện Kính Thiên.

 

 

thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4225

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Bí ẩn những kiệt tác bảo vật quốc gia: Bộ đĩa vàng hình hoa sen ẩn dật nửa thế kỷ

Bí ẩn những kiệt tác bảo vật quốc gia: Bộ đĩa vàng hình hoa sen ẩn dật nửa thế kỷ

  • 22/02/2021 14:29
  • 2242

Bộ đĩa vàng hình hoa sen Cộng Vũ cho thấy tài khéo của người thợ xưa, cũng như thẩm mỹ tuyệt vời thời Lý.