Văn hóa Óc Eo là tên gọi do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đề nghị đặt tên theo một địa điểm được phát hiện vào năm 1942, nằm ở phía nam huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đây là một nền văn hóa có nhiều loại hình di tích như: cư trú, mộ táng, đền tháp,… phân bố ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Văn hóa Óc Eo chính là nền tảng vật chất của vương quốc Phù Nam, tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Văn hóa Óc Eo có ảnh hưởng lớn trong khu vực Đông Nam Á và giao lưu mạnh mẽ với Ấn Độ, Trung Quốc và cả với khu vực Địa Trung Hải.
Nền văn hóa Óc Eo được hình thành từ các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, trong đó các yếu tố nội sinh được hiểu là cơ tầng văn hóa bản địa từ trước đó, tức là giai đoạn Tiền Óc Eo, còn yếu tố ngoại sinh được hiểu là các tác nhân kinh tế, văn hóa đến từ bên ngoài. Hiện nay, sưu tập hiện vật đang trưng bày tại BTLSQG thể hiện rất rõ quá trình phát triển từ giai đoạn Tiền Óc Eo tới văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ.
1. Sưu tập hiện vật Tiền Óc Eo
Đây là những hiện vật thuộc giai đoạn Tiền Óc Eo, có niên đại 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay.
Đầu tiên đó là sưu tập đồ gốm. Có thể nói, đồ gốm hiện diện trong hầu hết các di tích và là loại hình hiện vật thể hiện truyền thống bản địa rõ ràng nhất, trong đó phổ biến là đồ gốm gia dụng như: hũ, bình, nồi, nắp, bát, cốc, chai…
Một trong số những loại hình hiện vật tiêu biểu của giai đoạn này là bát bồng. Những chiếc bát bồng có chân đế cao hoặc choãi, miệng thường loe rộng liền với phần đáy hình lòng chảo, dáng miệng loe xiên hoặc khum nhẹ. Trong lòng bát bồng thường được tô một lớp áo mỏng đen bóng. Bề mặt ngoài của chân đế có dạng hình ống thường được trang trí văn vạch song song, kết hợp với văn vạch tạo nên đồ án hoa văn hình học ở bề mặt ngoài chân đế. Có thể nói bát bồng là loại đồ gốm có số lượng khá nhiều trong các di chỉ thuộc giai đoạn Tiền Óc Eo…Tiếp đến là loại hình nồi, hũ, chạc, vò với các loại hoa văn in thừng, văn khắc vạch, nắp đậy trang trí hình chim và một số loại hình nắp đậy khác được khai quật ở các di tích như: Giồng Cá Vồ, Gò Ô Chùa…
Ngoài các loại hình nói trên, không thể không nhắc tới cà ràng. Có thể nói, cà ràng là loại di vật rất phổ biến trong các di chỉ thuộc giai đoạn Tiền Óc Eo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Về cấu tạo: cà ràng có chân đế cao để cách nhiệt, có khay để đỡ nhiệt. Cà ràng thực sự là loại hình bếp di động, phù hợp với lối sống trên thuyền, luôn phải di chuyển trên sông nước, đầm lầy. Loại hình bếp này gắn liền với cuộc sống hằng ngày của cư dân nơi đây và là một vật dụng quan trọng. Chính vì vậy mà trong các di chỉ mộ táng, số lượng cà ràng minh khí được tìm thấy rất nhiều.
Cà ràng bằng đất nung
Sưu tập tiếp theo là đồ trang sức. Ngoài đồ gốm, trong các di chỉ còn tìm thấy nhiều hạt chuỗi thủy tinh, lá vàng mỏng giống hiện vật thu thập được ở các di chỉ Tiền Óc Eo. Ở các di chỉ Tiền Óc Eo, đồ trang sức có nhiều loại hình và kiểu dáng như: khuyên tai (hai đầu thú, ba mấu, hình vành khăn), các loại hạt chuỗi, vòng tay, vòng chân,…được làm từ nhiều loại chất liệu như: đá, vỏ nhuyễn thể, thuỷ tinh, mã não,...được chế tác bằng kỹ thuật ghè, mài, cưa, khoan tách lõi. Chất liệu đá, mã não và thủy tinh chủ yếu được dùng để chế tác các loại khuyên tai, vòng tay và hạt chuỗi nhưng chất lượng thủy tinh không cao nên thường bị mủn nát. Số lượng đồ trang sức bằng xương, ngà và vỏ nhuyễn thể cũng được tìm thấy với hai loại hình chính là vòng tay và hạt chuỗi. Chất liệu gốm cũng góp mặt ở loại hình khuyên tai. Ngoài ra còn phải kể đến chất liệu kim loại với các loại vòng tay bằng đồng và sắt. Đặc biệt là loại hạt chuỗi hình đốt trúc, lá vàng dập nổi hình mặt người bằng vàng. Đồ trang sức bằng vàng được làm bằng phương pháp dát mỏng, sau đó cuộn lại để tạo hình. Vì vậy, trọng lượng đồ trang sức bằng vàng rất nhẹ và thường bị móp, độ dày mỏng không đều nhau. Có thể nói những người thợ thủ công đã dùng đôi bàn tay khéo léo của mình với kỹ thuật điêu luyện để tạo ra những loại hình đồ trang sức độc đáo này. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì đây là những đồ trang sức bằng vàng có tuổi sớm nhất được tìm thấy ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Trên cơ sở nghiên cứu những đặc điểm về di tích, di vật thuộc giai đoạn Tiền Óc Eo đã cho chúng ta thấy sự tồn tại và phát triển liên tục của Văn hóa Óc Eo ở đồng bằng Nam bộ - một nền văn hóa cổ đặc sắc đã hình thành và phát triển rộng rãi trong khoảng thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ VII sau Công nguyên.
2. Sưu tập hiện vật văn hóa Óc Eo
Sưu tập hiện vật thuộc văn hóa Óc Eo rất phong phú, đa dạng, với các loại hình như:
- Vật liệu xây dựng và phù điêu trang trí kiến trúc bằng đất nung: là những di vật chủ yếu trong các di tích kiến trúc đền tháp của văn hóa Óc Eo, gồm có thỏi đất nung hình trụ vuông, trụ tròn, gạch, đầu sư tử được khai quật ở di chỉ Giồng Am (Cần Giờ, TP. HCM). Các hiện vật này đã thể hiện được trình độ cao trong kỹ thuật xây dựng cũng như phần nào nói lên được quy mô của những công trình kiến trúc thời kỳ này.
- Đồ gốm: gồm có các dụng cụ làm gốm, mảnh cà ràng, nồi nấu kim loại, chén chân cao, nắp đồ đựng... Các loại hình đồ đựng được trang trí văn tô màu đỏ, đỏ nhạt, màu nâu hay nâu đỏ... thành bằng ngay từ giữa thân lên đến miệng. Hoa văn thường được thể hiện theo các dạng: văn in đập, văn kẻ những đường song song, văn vạch những đường vòng cung nối tiếp nhau, văn kẻ khuông nhạc. Cách trang trí này không tìm thấy ở bất cứ loại gốm nào thuộc thời kỳ trước đó.
Một số nắp đồ đựng được chế tác bằng chất liệu gốm mịn. Những nắp đậy tương tự được tìm thấy ở nhiều địa điểm khảo cổ học trong văn hóa Óc Eo. Đồng thời, đây cũng là loại hình nắp đậy đặc trưng của nhiều di tích thuộc Văn hóa Óc Eo có niên đại khoảng thế kỷ II – VII với hình dáng đa dạng… Các loại nắp đậy bằng gốm này khá đặc biệt vì là loại nắp đậy ngửa (núm cầm trên mặt lõm của nắp). Loại nắp này đặc biệt thích hợp đậy nồi, bình, hũ phù hợp với việc sử dụng trên ghe xuồng, khi di chuyển.
Tiêu biểu nhất trong sưu tập đồ gốm thuộc Văn hóa Óc Eo, niên đại khoảng thế kỷ II - VII, có lẽ là những chiếc Kendi. Kendi là thuật ngữ dùng để gọi loại bình không có quai và tay cầm, có hoặc không có chân đế, cấu tạo gồm hai bộ phận cơ bản là bầu rỗng để đựng chất lỏng và một vòi. Vòi được gắn liền và thông với bầu để rót chất lỏng từ trong bầu ra. Kendi có hai loại bình vòi dài và vòi ngắn. Bình kiểu Kendi thường có vòi thân hình cầu, phình tròn ở giữa, thu nhỏ ở cổ và đáy bình. Miệng bình loe cong, rìa miệng dày và thường lõm hình lòng máng, một số có miệng tạo gờ nổi bản rộng thẳng xuống. Kích thước của bình khá lớn. Hoa văn trang trí rất đơn giản, thường chỉ có 1 hay 2 đường vạch chìm song song với nhau chạy vòng quanh ở giữa phần vai và thân kendi, đôi khi một số bình có hoa văn khắc vạch tam giác hay sóng nước ở thân. Kendi thường được làm từ loại đất sét mịn, không pha cát. Một số bình lại được tô màu đỏ (thổ hoàng) hay tô màu đen chì rất đẹp. Chức năng của những chiếc bình này khá đa dạng, được dùng trong: đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng tôn giáo, tùy táng...Những chiếc bình này thường được tìm thấy trong các phế tích đền tháp. Vì vậy nhiều khả năng cho thấy đây là di vật dùng trong các nghi lễ tôn giáo Bàlamôn, những chiếc vòi bình mang biểu tượng Linga (yếu tố phồn thực). Loại đồ gốm tương tự như vậy đã xuất hiện ở các nước lân cận. Có thể cư dân Óc Eo đã biết sử dụng những tiến bộ kỹ thuật phổ biến ở Đông Nam Á vào lúc bấy giờ, bắt đầu khoảng thế kỷ I trước Công nguyên vào việc chế tác đồ gốm và đã sáng tạo ra nhiều loại khác nhau.
Kendi là những hiện vật đặc trưng, rất phổ biến trong văn hóa Óc Eo. Với sưu tập kendi đang được trưng bày góp phần bổ sung nguồn tư liệu cho các nhà nghiên cứu về văn hóa Óc Eo cũng như làm phong phú thêm bộ sưu tập hiện vật văn hóa Óc Eo hiện có của BTLSQG.
- Tiền cổ: ngoài các sưu tập hiện vật trên, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện thấy nhiều loại tiền kim loại được trang trí hình mặt trời, ký tự Sanskrit… Những đồng tiền cắt tư, cắt tám đang được trưng bày tại đây chính là tiền lẻ đã được cư dân Óc Eo sử dụng lúc bấy giờ. Những đồng tiền này còn thấy được sử dụng khá phổ biến ở nhiều di tích ven Vịnh Thái Lan, bán đảo Mã Lai và Myanmar, đặc biệt là đồng tiền in chữ La Mã được phát hiện ở di chỉ Óc Eo, chứng tỏ văn hóa Óc Eo có mối giao thương rất rộng.
- Linga – yoni: trong Văn hóa Óc Eo, một trong những loại hình hiện vật mà chúng ta thường gặp đó là những bộ Linga - Yoni, biểu tượng của sinh thực khí (Linga biểu tượng cho dương, Yoni biểu tượng cho âm) và cũng là một hình thức biểu hiện của thần Shiva, tượng trưng cho năng lực sáng tạo vũ trụ. Với mong ước cầu sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp, do vậy, việc tiếp thu và thờ Linga – Yoni là điều tất yếu của cư dân văn hóa này.
Biểu tượng Linga - Yoni được thờ khá phổ biến ở Ấn Độ cũng như ở các nước tiếp thu và phát triển Ấn Độ giáo trong đó có nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, ở Việt Nam, loại hình di vật này đã được phát hiện khá phổ biến trong văn hóa Óc Eo và văn hóa Champa.
Bộ Linga - Yoni chất liệu đồng rất đẹp thuộc Văn hóa Óc Eo hiện đang trưng bày tại BTLSQG gồm 3 phần: phần bệ hay còn gọi là “tu di tọa” (biểu tượng của ngọn núi Meru, nơi trú ngụ của các vị thần), tiếp đến là bệ Yoni và trên cùng là Linga. Trong Ấn Độ giáo, thần Shiva là vị thần hủy diệt và hiện thân thiêng liêng nhất của thần Shiva là Linga. Cùng với thần Vishnu - vị thần được sùng bái và tôn thờ phổ biến trong văn hóa Óc Eo thì sự tồn tại của Linga - Yoni trong văn hóa Óc Eo không chỉ phản ánh ý nghĩa, vai trò của thần Shiva gắn với ước mong sinh sôi, phát triển mà còn phản ánh đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo của cư dân văn hóa Óc Eo.
Linga -Yoni bằng kim loại
Có thể nói, bên cạnh giá trị nghệ thuật, bộ Linga - Yoni còn cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn về đời sống văn hóa, tâm linh hết sức đặc sắc của cư dân Óc Eo với sự mong ước sinh sôi, phát triển, hòa hợp âm dương, của năng lực sáng tạo phản ánh thế giới biểu tượng cho sự chính thống, quyền uy và vĩnh cửu của một vương triều đã tạo dựng nên chúng.
- Đồ trang sức: gồm có khuyên tai, vòng tay, hạt chuỗi, mảnh vàng hình hoa, hình lá, dây chuyền được chế tác từ các loại chất liệu quý như vàng, đá ngọc, mã não, thạch anh, thủy tinh...với nhiều màu sắc, kích cỡ, hình dáng khác nhau. Đặc biệt là các lá vàng dập nổi, chạm khắc tạo hình hoa văn trang trí. Bộ sưu tập trang sức bằng vàng được giới thiệu ở đây, là những hiện vật có giá trị mỹ thuật cao, đã phần nào thể hiện trình độ thẩm mỹ cũng như thị hiếu về cái đẹp của cư dân Óc Eo. Song song với khía cạnh giá trị thẩm mỹ, qua các hiện vật mỹ nghệ này, chúng ta còn nhận thấy trình độ kỹ thuật, tay nghề của người thợ kim hoàn thời ấy đã tinh xảo, ngành thủ công này đã được chuyên môn hóa cao và phổ biến. Mỗi một hiện vật thực sự là tác phẩm nghệ thuật của nghệ nhân kim hoàn mà ngày nay chúng ta phải ngưỡng mộ.
Khuyên tai bằng vàng
Những minh văn trên lá vàng, đồ trang sức bằng vàng, đá quý mà đề tài chủ yếu là những biểu tượng, linh vật của đạo Bàlamôn hay những mảnh lá vàng khắc chạm nhiều loại hình cây cỏ, hoa lá, chim muông, rắn, rùa,…là những tư liệu rất quý để tìm hiểu đời sống vật chất và đặc biệt là đời sống tâm linh của cư dân Óc Eo.
- Sưu tập tượng thờ: cuối thế kỷ V đầu thế kỷ VI sau Công nguyên, kinh tế - văn hóa ở Đồng Tháp Mười mới bắt đầu phát triển. Các cuộc khai quật tại Gò Tháp (Đồng Tháp) từ năm 1984 đến năm 1991 đã thu thập được nhiều hiện vật có ý nghĩa lớn để minh chứng cho tình hình nói trên. Có thể ghi nhận là vào lúc này việc khai thác vùng Đồng Tháp Mười như mở đường giao thông thủy, bộ, đào kênh thoát nước để phục vụ nông nghiệp, phát triển kinh tế - văn hóa đã thật sự khởi sắc. Nhờ đó, vùng đất này với trung tâm quyền lực chính trị đặt tại Gò Tháp mới dần vươn lên ngang tầm với các khu vực khác trên toàn vùng Nam bộ, cộng đồng cư dân tại chỗ mới có cuộc sống phát triển đa dạng. Họ đã lập nên những “làng nổi” rộng lớn, quy tụ nhiều ngành thủ công cả truyền thống lẫn ngoại nhập có kỹ thuật cao; và những khu đền thờ linh thiêng, truyền bá những tư tưởng tôn giáo lớn - Hindu giáo và Phật giáo. Qua kết quả của quá trình phát hiện, nghiên cứu từ trước cho đến nay, chúng ta thấy rằng hệ thống tượng thờ thuộc văn hóa Óc Eo chủ yếu tập trung vào tượng Phật và Vishnu (Hindu giáo). Điều đó phần nào cho thấy, thời kỳ phát triển của văn hóa Óc Eo, hai tôn giáo này cùng tồn tại song song và phát triển.
Trước hết là tượng thần Vishnu.Văn hóa Óc Eo chịu sự ảnh hưởng rất lớn của Hindu giáo. Trong Hindu giáo thờ ba vị thần chính là Brahma (thần Sáng tạo) - Vishnu (thần Bảo tồn) và Shiva (thần Hủy diệt). Vishnu là tên một vị thần cùng với Brahma (Brahma) và Shiva (Shiva), được coi là bộ tam thần. Trong đó tượng Vishnu được tìm thấy khá phổ biến trong các di chỉ văn hóa Óc Eo với hình dáng khác nhau, trong tay thường cầm các vật quý như: tù và, bánh xe, quả cầu, vỏ ốc, đóa sen hoặc cây cung… Theo thần thoại, thần Visnu thể hiện chức năng che chở bảo vệ, cứu giúp mọi người, tế độ chúng sinh.
Mở đầu cho phần trưng bày về tượng thờ, bảo tàng giới thiệu bức tượng Vishnu bằng đá. Bức tượng này thể hiện thần Vishnu trong tư thế đang đứng, có bốn tay, tay cầm quả cầu, tay cầm con ốc (Sankha), tay cầm bánh xe và tay cầm gậy. Đây là những linh vật gắn liền với thần Vishnu. Ở giai đoạn này, cư dân Óc Eo rất tôn thờ thần Vishnu. Chính vì thế nên người nghệ nhân đã dồn tâm sức của mình để tạc một bức tượng đẹp đến như vậy.
Ngoài sự ảnh hưởng của Hindu giáo thì văn hóa Óc Eo còn chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo. Mở đầu cho sưu tập tượng thờ Phật giáo là pho tượng phật bằng đá (thế kỷ VI – VII), tượng được tạc với vẻ mặt từ bi, đôi mắt nhìn xuống, sống mũi thẳng, cao mà thanh, miệng hơi mỉm cười tạo cho vẻ mặt thêm thanh tú, trầm tư mà rạng rỡ. Tượng thể hiện đậm nét nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ tại Đông Nam Á vào khoảng thế kỷ thứ VII - VIII.
Tượng thần Vishnu bằng đá
Nói đến văn hóa Óc Eo, chúng ta không thể không nói tới các pho tượng Phật bằng gỗ. Ở đây, bảo tàng giới thiệu đến công chúng hai bức tượng phật bằng gỗ đứng trên đài sen, dáng thanh mảnh, tóc xoắn ốc, mặc áo choàng hở vai, tay trái nắm mép áo, tay phải trong tư thế ban phúc. Tượng Phật đứng bằng gỗ là một trong những đặc trưng của Văn hóa Óc Eo - Phù Nam, cho đến nay đã tìm thấy khá nhiều các pho tượng gỗ có phong cách như trên tại các tỉnh Nam bộ: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An,… Bên cạnh việc các tượng phật gỗ được phát hiện phong phú thì trong Thư tịch cổ Trung Quốc cho biết khá nhiều thông tin về Phật giáo Phù Nam như: những năm 484, 503, 519… các vua Phù Nam đã phái các nhà sư Ấn Độ hoặc sư Phù Nam mang cống phẩm và tượng Phật đi sứ Trung Quốc,...Có thể nói Phật giáo ở Phù Nam thời kỳ này được coi trọng và phát triển.
Thường các tượng gỗ thuộc Văn hóa Óc Eo có niên đại muộn hơn tượng đá. Tuy phần lớn tượng Phật gỗ được phát hiện ngẫu nhiên nhưng số lượng khá lớn, sự phong phú, đa dạng về kích thước và kiểu dáng vừa phản ánh sự tiếp thu các ảnh hưởng của nghệ thuật mới, thể hiện nét bản địa giản dị trong chất liệu tạc tượng. Nguồn nguyên liệu gỗ sao dồi dào làm nên các pho tượng này vừa bền vững đồng thời vẫn thỏa mãn được sự sáng tạo, tính đa dạng của nghệ nhân Óc Eo, tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo ở đây.
Có thể nói nghệ thuật Phật giáo và Ấn Độ giáo đến đồng bằng sông Cửu Long thông qua giao lưu trao đổi các vật phẩm chủ yếu bằng đường biển, chúng góp phần làm giàu thêm văn hóa bản địa và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự hình thành, phát triển các trung tâm tôn giáo - văn hóa - kinh tế - chính trị lớn ở vùng đất này trong những thế kỷ đầu Công nguyên.
Sưu tập hiện vật văn hóa Óc Eo – Phù Nam đang được trưng bày tại BTLSQG đã phần nào nói lên sự phát triển có tính kế thừa của văn hóa Óc Eo trên nền tảng của những nền văn hóa thời Tiền – Sơ sử trên vùng đất Nam Bộ Việt Nam, là cơ sở vật chất của một vương quốc cổ đại lớn nhất khu vực Đông Nam Á, góp phần hình thành văn hóa Việt Nam phát triển thống nhất và đa dạng.
Nguyễn Thảo