Con trâu đối với người Việt luôn có vị trí hết sức quan trọng. Đó là "đầu cơ nghiệp" của tám mươi phần trăm cư dân làm nông nghiệp lúa nước, để rồi, gần đây, cơ cấu này mới có ít nhiều thay đổi. Đó cũng là con vật linh thiêng của hầu hết cái quốc gia đồng văn, khi nó là một biểu tượng trong 12 con giáp, mà năm 2021 này, những ai ở tuổi Tân Sửu đều hướng tới như một dấu mốc quan trọng của cuộc đời. Đó cũng là con vật biểu tượng cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á, tổ chức ở Việt Nam, như một sức mạnh thể chất và giá trị văn hóa truyền thống của quốc gia chủ nhà, được cả thế giới ngợi ca như một ý tưởng độc đáo. Con vật ấy cũng vô cùng ấn tượng đối với giới nghệ sĩ nói chung, họa sĩ nói riêng luôn lấy cảm hứng sáng tạo để sinh ra những tác phẩm mang thông điệp truyền thống và biểu tượng văn hóa Việt Nam.
Tất cả những lý do ấy, và chắc chắn còn nhiều lý do khác nữa, mà người viết bài này chưa có điều kiện thống kê, khi con trâu đã xuất hiện trong đời sống của cư dân Việt cổ từ rất lâu rồi. Những nhà khảo cổ học đã tìm thấy xương trâu trong các di chỉ khảo cổ học thuộc thời đại đồng thau Việt Nam cách đây vài nghìn năm, mà rất có thể, đó là tàn tích còn lại của thức ăn cộng đồng, hay đó là di tồn của "người bạn" nhà nông bị chết đi do già nua không còn đủ sức lao động trên ruộng đồng? Cũng rất có thể, đó là những con vật được thực hiện trong những nghi lễ hiến sinh mà ngày nay chúng ta còn thấy những vết sót trong lễ hội đâm trâu của một số dân tộc Tây Nguyên, hay ngay ở những lễ hội chọi trâu trên nhiều địa phương miền Bắc, ảnh xạ nhiều thông điệp của tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước? Những nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy nhiều lưỡi cầy đồng trong văn hóa Đông Sơn, mà nổi bật nhất là bộ lưỡi cầy phát hiện ở Cổ Loa, chứng minh sức kéo của trâu trên ruộng nước, hoặc của bò trên đồng bãi, giống như vài chục năm trước, chúng ta thường nhìn thấy "con trâu đi trước, cái cầy theo sau" trên đồng ruộng ở khắp các làng quê đất Việt, được coi là một trong những hình ảnh thanh bình nhất, đặc trưng nhất của truyền thống văn hóa làng quê Việt Nam.
Mấy nghìn năm làm bạn với trâu và con trâu đã sớm gần gũi với người Việt, nhưng dường như, hình ảnh ấy quá hiếm hoi đối với người đương thời, dù cho, nghệ thuật tạo hình thời đó – thời Đông Sơn, đặc biệt là trên trống đồng và những công cụ bằng đồng, theo tôi là đỉnh cao chói sáng trên bầu trời nghệ thuật cổ đại, so với khu vực và nhiều phần còn lại của thế giới. Đó là vấn đề lớn, cần sự lý giải của các nhà nghiên cứu, và cũng là để trả lời cho hiện tại, khi đề tài này, biểu tượng này, quá hiếm hoi lúc khởi phát, nhưng lại được hôm nay khai thác với nhiều cảm hứng tiếp cận như một di sản văn hóa truyền thống, mang đậm chất dân gian.
Hiếm hoi, nhưng khi xuất hiện, hình ảnh con trâu lại vô cùng sống động, mà giờ đây, chúng ta thấy trên trống đồng Động Xá thuộc thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Đó là chiếc trống thuộc nhóm C, kiểu HI theo cách phân loại của một số nhà nghiên cứu Việt Nam, với khung niên đại khoảng thế kỷ 2-1 trước Công nguyên, cách ngày nay khoảng 2100 năm đến 2200 năm.
Trống đồng Động Xá
Trống Động Xá, về cơ bản có dáng hình và hoa văn giống như những trống Đông Sơn nhóm C đã biết ở Việt Nam, với những tổ hợp hoa văn hình học, hoa văn hình ngôi sao, hoa văn chim bay, chim đứng, hình người chèo thuyền… trên mặt, trên tang. Sự khác lạ của Động Xá chính là những khối tượng chẫu tràng được bố trí xung quanh rìa mặt trống, thay vì những khối tượng cóc phổ biến trên nhóm này. Tuy nhiên, sự khác biệt nhất trên trống Động Xá là ở tổ hợp hoa văn hình trâu, được bố cục tại 4 ô trên thân trống. Ô duy nhất là đôi trâu, một đực, một cái đang giao phối. Đó là một dạng đề tài thường thấy trên nghệ thuật Đông Sơn, nhưng ở con người hay những động vật hoang dã khác, mà nhiều nhà nghiên cứu coi đây là tín ngưỡng phồn thực, rất phổ biến trong cộng đồng cư dân nông nghiệp lúa nước. Đó cũng là quan niệm âm - dương, đực - cái, mang đậm triết lý Đạo giáo, vốn cũng được khơi nguồn, bắt mối từ tín ngưỡng bản địa tại hầu hết các dân tộc Đông Phương.
Hình trâu trên trống đồng Động Xá
Ba ô còn lại trên thân trống Động Xá cũng là hình ảnh trâu, nhưng mỗi ô chỉ có một, với dáng hình mập mạp, to khỏe, dũng mãnh của chú trâu lồng, trong tư thế động, khá chuẩn mực về hình thể. Thân trâu dài, trên mình điểm chấm cách điệu lông. Hai sừng trâu cong như cánh cung, tai lộ rõ phía dưới sừng. Đuôi trâu dài gần sát đất. Đậu trên lưng và vai trâu là những con chim, đã thấy nhiều trên những trống đồng Đông Sơn đã biết ở nước ta.
Trong ấn phẩm "Trống đồng Việt Nam" - công trình hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với Bảo tàng Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây và Viện Nghiên cứu Văn vật khảo cổ Quảng Tây, Trung Quốc, những nhà nghiên cứu hai nước gọi tổ hợp hoa văn trên trống Động Xá là hình bò, hẳn có sự liên tưởng tới hình bò trên những trống đồng Đồi Ro, Làng Vạc… ở Việt Nam và ít nhiều liên quan tới những trống đồng ở Thạch Trại Sơn, Vân Nam (Trung Quốc). Đó là motip khá phổ biến, thường thấy trên tổ hợp trống đồng cùng niên đại ở hai khu vục nêu trên, khiến đã có những giả thiết về mối quan hệ hai chiều giữa hai trung tâm trống đồng nổi tiếng, thông qua hai dòng sông chuyển tải văn hóa, đó là Sông Hồng và Sông MeKong. Câu chuyện giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa những trung tâm, đặc biệt là những trung tâm có tần số phát sóng mạnh như Đông Sơn và Thạch Trại Sơn là không thể phủ nhận, khi những trung tâm ấy có lợi thế liền kề về địa lý và có những dòng sông chuyển tải văn hóa vô cùng thuận lợi.
Bò trên trống đồng Việt Nam
Thế nhưng, sau hơn mười năm ấn phẩm ra đời và cũng sau hơn mười năm so sánh, đối chiếu từ tổ hợp hoa văn trên trống Động Xá với những trống có trang trí hình bò đã phát hiện ở Việt Nam và Thạch Trại Sơn, tôi thấy, chúng có sự khác biệt đáng kể, để nhận ra hoa văn trên trống Động Xá là hình trâu.
Sự khác biệt trước hết, đó là bộ sừng dài, cong, rất giống với hình ảnh con trâu quen thuộc của Việt Nam. Trâu trên trống Động Xá có bộ mặt dài, miêu tả rất thực: mắt, mũi, tai, trong khi, bò trên trống đồng, hoàn toàn là cách điệu với bộ mặt ngắn, sừng ngắn và mắt được diễn tả bằng hoa văn hình tròn có chấm giữa. Bò trên trống đồng thường có u nổi, lưng võng, thân ngắn, chân cách điệu bằng 4 đường song song, trong khi, Động Xá là hình ảnh khác, chân thực và sống động của những con trâu nhà thuần dưỡng. Bò trên trống đồng chủ yếu ở dạng tĩnh tương đối, trong khi trâu ở Động Xá có dáng rất động, qua hình ảnh đực, cái giao phối, hình ảnh trâu lồng và ngay cả hình ảnh của dáng đi khoan thai, chậm chạp, nặng nề.
Có thể nói, những phân tích để rút ra sự khác biệt giữa trâu trên trống Động Xá với bò trên khá nhiều trống đồng đã biết ở Việt Nam, sẽ còn nhiều chi tiết, do đó, thay vì những câu chữ, xin đưa ra những hình ảnh so sánh, độc giả sẽ nhận ra ngay sự khác biệt này (xem hình).
Có một điều, hơn mười năm trước, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã từng đặt trống Động Xá vào phả hệ trống đồng Việt Nam và xếp nó vào trống loại I Heger, theo phân loại của học giả Áo, cách đây hơn một thế kỷ. Nó cũng đã từng được nhiều công trình nghiên cứu văn hóa Đông Sơn nói chung và trống đồng nói riêng đưa vào tư liệu khảo cổ học thời Đông Sơn, nhưng cho đến nay, cũng còn những ý kiến băn khoăn về nguồn gốc, xuất xứ của nó, khi thấy những hình ảnh này, đâu đó không hẳn là Đông Sơn điển hình của đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Đó là những băn khoăn, thận trọng cần thiết của nhà khoa học. Với quan điểm của cá nhân, tôi cho rằng, Động Xá được phát hiện, dù rằng ngẫu nhiên, nhưng cũng nằm trong không gian phân bố của những di tích Đông Sơn ở Kim Động, với cả một khu mộ thuyền, vốn được coi là hình thức mai táng phổ biến của cư dân thời đại ấy. Đông Sơn là đỉnh cao chói sáng của thời cổ đại, là một trong ba đỉnh tam giác nổi bật của thời đại Đồng và Sắt sớm với ba khu vực: Bắc Việt Nam, Vân Nam - Quý Châu, Quảng Đông - Quảng Tây, theo đó, những tần số thu phát của ba đỉnh nêu trên là cực mạnh, buộc chúng phải tiếp nhận và lan tỏa những giá trị văn hóa lẫn nhau, mà người nghiên cứu ngày nay gọi đó là sự giao thoa và tiếp biến. Việc xuất hiện những yếu tố Thạch Trại Sơn ở Đông Sơn hay ngược lại là rất bình thường, khi cơ tầng, bản lĩnh, trình độ của cư dân bản địa, có đủ khả năng và điều kiện tiếp thu. Trống Động Xá không hẳn là sự tiếp thu thụ động mà đó là sự tiếp thu sáng tạo trong bao sự sáng tạo được nhận ra từ tổ hợp hiện vật đồ đồng thời Đông Sơn.
Trống Động Xá là một hiện tượng lạ, không chỉ là trên trống đồng Đông Sơn, mà nó còn là hiện tượng lạ trên phức hợp đồ đồng thời đại này. Bài viết trên đây như một sự gợi mở cho những chuyến khảo sâu kỹ hơn, mà hình ảnh con trâu chỉ là một trong những chuyện lạ của Đông Xá, khi năm Tân Sửu sắp đến, tôi muốn mượn hình ảnh ấy để hối thúc sự quan tâm nhiều hơn của các nhà nghiên cứu tới chiếc trống đồng này.
TS.Phạm Quốc Quân