Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/01/2021 14:32 1599
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong kho di vật tùy táng khu lăng Thoại Ngọc Hầu, có một chiếc hộp bằng bạc khá đặc trưng của văn hóa Chămpa tùy táng bên phần mộ bà Châu Vĩnh Tế - phu nhân Thống chế Thoại Ngọc Hầu. Chiếc hộp này được các nhà nghiên cứu rất quan tâm.

 

Hộp bạc Chămpa thuộc sưu tập di vật tùy táng trong lăng Thoại Ngọc Hầu (Châu Đốc, An Giang)

ẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG

Cách đây 10 năm, khi tu bổ lăng Thống chế Thoại Ngọc Hầu tại Châu Đốc, An Giang, công nhân đã phát hiện một lằn phui sụp xuống tại khu vực mộ ông và phu nhân. Sau đó, công cuộc khai quật được phép tiến hành hết sức khẩn trương trong 4 ngày, thu hơn 500 hiện vật và hàng trăm tàn tích đồ gỗ, đồ kim loại... Khi đó, các nhà khoa học đánh giá đây là kho di vật phong phú nhất từ trước đến nay mà một danh nhân để lại.

Ẩn sau sự xuất hiện của chiếc hộp bằng bạc là những vấn đề lịch sử nhiều bí ẩn, giữ vai trò như một nguồn sử liệu vật chất đương thời, phản ánh hiện thực lịch sử và vai trò của người “chăn dân” như Thống chế Thoại Ngọc Hầu tại Châu Đốc.

Di vật độc đáo

Chiếc hộp bằng bạc dạng hình bán cầu có nắp đậy, kích thước cao cả nắp 7,2 cm; đường kính miệng 6,6 cm; đường kính thân 8,1 cm; đường kính đế 5,9 cm. Nắp đậy tạo hình đài sen với các cánh sen kép đan xen, kết hợp chạm chìm hoa lá dây. Thân chạm chìm dải băng hoa văn hình thoi, kết hợp với các hoa văn hình học cách điệu, hoa lá thiêng, lá nhĩ cách điệu mang tính đặc trưng của văn hóa Chămpa và là vật thường được sử dụng trong tế lễ, sinh hoạt cao cấp của quý tộc Chăm, tìm thấy bên phần mộ bà Châu Vĩnh Tế.

Niên đại của di vật độc đáo này được các nhà nghiên cứu giám định vào khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

Quà tặng từ cộng đồng người Chăm 

Qua nghiên cứu các nguồn sử liệu thì đây có thể là một trong số vật dụng biếu tặng của cộng đồng người Chăm ở Châu Đốc đối với bà Châu Vĩnh Tế như một sự trả ơn đối với phu nhân của người đã có công chiêu dân lập ấp, tạo mọi điều kiện để các cộng đồng cư dân hòa hợp, đoàn kết khai phá vùng đất Châu Đốc tân cương - nơi địa đầu biên giới phía nam Tổ quốc.

Được biết, người Chăm ở An Giang là di duệ của những người Chăm đã rời quê hương sang Chân Lạp (nay là Campuchia) nhiều đợt, dưới tác động của nhiều nguyên nhân lịch sử. Theo đó, năm 1693 đánh dấu một bước quan trọng: vua Chămpa là Po - Thot (các sử liệu ghi là Bà Tranh) xâm lấn đất của chúa Nguyễn, chúa Nguyễn Phúc Chu cử quân đi đánh. Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh hạ được thành và bắt được vua Bà Tranh. Chúa Nguyễn đã đổi lãnh thổ Chămpa còn lại làm trấn Thuận Thành, sau đổi làm phủ Bình Thuận. Trải qua nhiều biến cố, người Chăm đã di cư về phía nam để tránh chiến tranh và chính quyền phong kiến Đàng Trong. Địa bàn di cư cuối cùng chủ yếu ở khu vực Campuchia, một phần Thái Lan, Lào. Tại các quốc gia này, người Chăm cũng rất đỗi cực khổ, bị tiêu diệt bởi các đợt xâm lấn nhau giữa các quốc gia. Thực hiện chiến lược xác lập và bảo vệ vùng đất phía nam, chúa Nguyễn đã có nhiều chính sách quan trọng, trong đó có việc đẩy mạnh hòa hợp dân tộc với người Chăm.

Đợt chuyển cư đầu tiên được biết vào khoảng giữa thế kỷ 18, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765). Nguyễn Cư Trinh đã đưa một số người Chăm từ Chân Lạp về núi Bà Đen - Tây Ninh (1755) và khu vực Châu Đốc ngày nay. Đây là đợt chuyển cư đầu tiên của người Chăm từ Chân Lạp về Nam bộ. Tiếp đó, Thống chế Thoại Ngọc Hầu tiếp tục sự nghiệp chiêu dân Chăm và người Chân Lạp thực hiện làm các đồn trú để đề phòng Xiêm La (Thái Lan) gây hấn với người Chân Lạp mà ông là người được triều đình giao nhiệm vụ Bảo hộ Cao Miên - Chân Lạp.

Cũng theo nghiên cứu của người Pháp, thời điểm năm 1880, tức 50 năm sau khi Thoại Ngọc Hầu qua đời, mặc dù có nhiều biến động, song số hộ gia đình người Chăm tại khu vực Châu Đốc vẫn có đến 1.100 hộ với khoảng trên dưới 10.000 người. Sử liệu, bi ký và nhiều nghiên cứu sau này cho biết bà Vĩnh Tế giữ một vai trò đắc lực với công việc tập hợp phụ nữ làm nhiệm vụ hậu cần cho hàng ngàn người đào kênh Vĩnh Tế - kênh từng được vua Gia Long ban cho lấy tên bà đặt tên ngay từ ngày mới bắt đầu khởi đào, đồng thời khắc chạm trên Cao đỉnh - bộ Cửu đỉnh bảo vật quốc gia hiện nay ở Đại nội - Huế.

Các nhóm cư dân thực hiện đào kênh Vĩnh Tế theo lệnh của vua và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của quan Thống chế, có rất nhiều người Chăm cùng thực hiện. Hiện nay, cộng đồng người Chăm vẫn còn ở khu vực Châu Đốc, Châu Phú... với những đặc trưng văn hóa riêng. Nhiều đền thờ, lễ hội và nghề truyền thống của người Chăm đã trở thành một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc. Có được điều đó, một phần là nhờ những công lao lớn của ông bà Thoại Ngọc Hầu - Châu Vĩnh Tế trong lịch sử. Vì thế, việc phát hiện cổ vật đặc trưng của văn hóa Chămpa trong kho tùy táng của bà Vĩnh Tế như một vật chứng cho thấy sự hiện diện của người Chăm ở vùng đất Châu Đốc tân cương ngày nay được ghi nhận ít nhất cách đây hơn 200 năm.

 

https://thanhnien.vn/

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4278

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Ngưu - Trâu và hình tượng con trâu trên đồ sứ ký kiểu

Ngưu - Trâu và hình tượng con trâu trên đồ sứ ký kiểu

  • 12/01/2021 08:50
  • 9661

Năm 2021, tương ứng với năm Tân Sửu trong âm lịch. Cầm tinh năm Sửu là con trâu, chữ Hán viết là 牛 (ngưu). Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng nghĩa của chữ 牛 (ngưu) trong Hán tự không phải là trâu, mà là bò; rằng 牛 (ngưu) là hình thức giản lược của 黃牛 (hoàng ngưu), là bò; còn trâu, chữ Hán viết đầy đủ là 水牛 (thủy ngưu).