Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/11/2020 15:36 1855
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chỉ sau hai năm, Vua Đinh Tiên Hoàng thành lập nước Đại Cồ Việt, Canh Ngọ, 970, ông cho đúc tiền Thái Bình hưng bảo, để khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc, đồng thời cũng là một sự tôn vinh quốc gia độc lập ấy với một ước nguyện Thái Bình.

Kể từ đó đến nay, lịch sử đồng tiền Việt Nam đã trải qua hơn một thiên niên kỷ và trở thành một đất nước có vị thế trong khu vực về lịch sử hình thành và phát triển đồng tiền, bên cạnh những vị thế khác mà nhân dân thế giới đã ngợi ca như một hiện tượng của châu Á.

Với lịch sử phát triển như thế của đồng tiền Việt Nam, với sự phong phú và đa dạng của những đồng tiền qua các triều đại và giai đoạn lịch sử của đất nước, và với sự sáng tạo trong hoạt động tài chính, tiền tệ của Đảng và Nhà nước ta trong 75 năm của nước Việt Nam mới…, tiền Việt Nam xứng đáng có một bảo tàng hấp dẫn để giới thiệu những giá trị di sản trên một lĩnh vực vô cùng chuyên sâu này.

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều công sức nghiên cứu và sưu tầm, nhưng đến nay, ở nước ta, mới chỉ có một số nhà trưng bày truyền thống của ngành Ngân hàng và Tài chính được thực hiện, trong đó, những sưu tập tiền của các triều đại và các giai đoạn lịch sử được trưng bày không gây được nhiều ấn tượng đối với khách tham quan. Gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có một dự án nghiên cứu "Lịch sử đồng tiền Việt Nam - Quá trình hình thành và phát triển", với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài ngành, cùng các nhà sưu tập tư nhân. Đây là một công trình khoa học cấp quốc gia đặc biệt, lần đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - một cơ quan quản lý hàng đầu về tiền tệ đứng ra tổ chức nghiên cứu, nhằm chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để tiến tới xây dựng một Bảo tàng Tiền Việt Nam. Lẽ đương nhiên, ngoài mục đích trên, dự án còn hướng tới nhiều mục đích khác, cũng vô cùng lớn lao và có ý nghĩa.

 

Tiền “Thái Bình Hưng Bảo”, chất liệu đồng, niên đại: Năm 968 - 979

Năm 2019, dự án đã được nghiệm thu xuất sắc và rồi đây sẽ là cơ sở để hình thành nên một đề cương trưng bày Bảo tàng trong tương lai.

Thế nhưng, từ một dự án nghiên cứu khoa học đến một đề cương trưng bày, hẳn còn một quãng khá dài, đòi hỏi thời gian và công sức. Tôi cứ nghĩ rằng, đề cương trưng bày của Bảo tàng Tiền Việt Nam nói riêng và tiền tệ nói chung, không chỉ là những sưu tập tiền qua các triều đại và giai đoạn lịch sử của đất nước, cho dù, chúng vô cùng phong phú và hấp dẫn về loại hình, chất liệu, thư pháp… Nhiều câu chuyện liên quan tới đồng tiền, nếu được thể hiện, thông qua những nghiên cứu tư liệu đầy đủ sẽ vô cùng cuốn hút người xem. Đó là những câu chuyện về đúc tiền kim loại, vẽ tiền giấy với bao bí mật về kỹ thuật đúc, nơi đúc, người họa sĩ vẽ tiền và những xưởng in tiền. Đó là những câu chuyện về đề tài được thể hiện trên tiền mang nhiều ý nghĩa và giá trị lịch sử, mỹ thuật của mỗi giai đoạn phát triển của tiền tệ đất nước. Đó là cách lưu trữ tiền trong kho, cách đếm tiền bằng dụng cụ chuyên biệt mà giờ đây giới trẻ chưa từng biết. Đó là những hũ tiền được cất giấu do chiến tranh loạn lạc, rồi bị quên lãng theo thời gian, nay được khảo cổ học phát hiện. Đó là những đồng tiền được dùng trong ma chay, bói toán mà các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trong các ngôi mộ của người xưa, hay các nhà dân tộc học còn nhìn thấy trong các thao tác của các thầy cúng hiện nay, nếu được tái hiện sẽ là những câu chuyện tín ngưỡng, tâm linh gắn với đời sống con người trong vòng đời sinh, tử. Đó là những đồng tiền vàng, tiền bạc được vua dùng trọng thưởng cho các quan lại có công. Đó là những đồng tiền kỷ niệm đánh dấu những sự kiện lịch sử trọng đại. Đó là những đồng tiền thể hiện sự bang giao của các vương triều, tình hình thương mại của các quốc gia trong quá khứ.

Đặc biệt, tiền Việt Nam trong thời kỳ đầu nước Việt Nam mới, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, với rất nhiều sự sáng tạo trong chính sách tiền tệ, tài chính của Đảng và Nhà nước, nhằm thích ứng với từng hoàn cảnh, lịch sử cách mạng, hẳn sẽ là một điểm sáng trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng Tiền Việt Nam với nhiều sưu tập, nhiều câu chuyện, nhiều sự kiện lịch sử có liên quan; được kể bằng những tư liệu có sức truyền cảm lớn lao.

Nội dung của Bảo tàng Tiền Việt Nam không chỉ là những gợi nghĩ trên đây. Nó sẽ vô cùng phong phú. Nội dung ấy phải được hệ thống với từng chặng mốc đi lên của lịch sử đất nước, đồng thời và minh họa cho hệ thống chính ấy là những chuyên đề mà những gợi nghĩ của tôi, hẳn chưa phải đã là đầy đủ và toàn diện. Tuy nhiên, đó phải chăng như một cách tiếp cận, để có một bảo tàng tương lai có nội dung hấp dẫn, mang tính trải nghiệm và khám phá cao, không quá hàn lâm và khô cứng giống như một số bảo tàng chỉ trưng bày những sưu tập tiền qua các thời ký lịch sử.

Hiểu và đi theo hướng suy nghĩ này, tôi cho rằng, Bảo tàng Tiền Việt Nam không nên quá chờ đợi lâu để có đầy đủ tư liệu, khi sưu tầm những đồng tiền của các triều đại phong kiến Việt Nam, các giai đoạn lịch sử cận - hiện đại Việt Nam là vô cùng khó khăn và lâu dài. Những tư liệu về những triều đại và giai đoạn lịch sử cũng là câu chuyện "tìm kim đáy bể", do bị thất tán quá nhiều trong dân gian và bị hủy hoại do thời gian và chiến tranh.

Hãy cứ bắt đầu bằng những tư liệu hiện vật, hình ảnh, văn bản hiện có trong các nhà truyền thống của ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Di tích Nhà máy Tiền Chi Nê Hòa Bình v.v. kết hợp với những kết quả nghiên cứu của dự án vừa được nghiệm thu, xây dựng một đề cương trưng bày và một dự án xây dựng bảo tàng để trình các cấp có thẩm quyền với một tinh thần khẩn trương và quyết liệt, để sớm có một bảo tàng tiền ra đời, đáp ứng được kỳ vọng của người dân, khi tiền Việt Nam xứng đáng có được vị thế như vậy. Để bảo tàng viên mãn như mong muốn, cần phải có những bước đi và bước đi ban đầu, theo tôi đã có sự chuẩn bị kỹ./.

TS Phạm Quốc Quân

 

http://thegioidisan.vn/

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4278

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Di tích Bãi Cọi: Hành trình khám phá

Di tích Bãi Cọi: Hành trình khám phá

  • 16/11/2020 10:43
  • 1713

Trong những năm gần đây, việc phát hiện và khai quật khảo cổ học tại Bãi Cọi được các nhà nghiên cứu khảo cổ học đặc biệt chú ý bởi nội dung văn hóa độc đáo của di tích này. Kết quả nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong các năm 2008, 2009 và 2012 đã cung cấp thêm những tư liệu khảo cổ học mới, cũng như những nhận thức mới về mối quan hệ giữa 2 nền văn hóa lớn Đông Sơn – Sa Huỳnh. Song, cũng tại đây, từ thập niên 70 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ học đã có những chương trình nghiên cứu về di tích này. Khi đó, di tích mang tên Bãi Phôi Phối.