Trong những năm gần đây, việc phát hiện và khai quật khảo cổ học tại Bãi Cọi được các nhà nghiên cứu khảo cổ học đặc biệt chú ý bởi nội dung văn hóa độc đáo của di tích này. Kết quả nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong các năm 2008, 2009 và 2012 đã cung cấp thêm những tư liệu khảo cổ học mới, cũng như những nhận thức mới về mối quan hệ giữa 2 nền văn hóa lớn Đông Sơn – Sa Huỳnh. Song, cũng tại đây, từ thập niên 70 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ học đã có những chương trình nghiên cứu về di tích này. Khi đó, di tích mang tên Bãi Phôi Phối.
Từ những phát hiện đầu tiên tại Bãi Phôi Phối
Trong chương trình nghiên cứu dấu vết thời kỳ Hùng Vương trên đất Nghệ Tĩnh, đầu năm 1974, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học đã đặt chân đến đất Xuân An (Hà Văn Phùng, Trịnh Dương, Đào Linh Côn 1974: 81-82). Họ đã phát hiện (trên bề mặt) một khuyên tai 2 đầu thú không nguyên vẹn. Đây là những tín hiệu đầu tiên cho biết văn hóa Sa Huỳnh hay sự ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh ở vùng đất Xuân An của huyện Nghi Xuân.
Khuyên tai 2 đầu thú phát hiện tại Xuân An năm 1974
(Nguồn: Hà Văn Phùng, Trịnh Dương, Đào Linh Côn 1976 và Nguyễn Thị Kim Dung, Hung Hsiao-chun, Yoshiyu Iizuka 2016)
Tháng 5/1974, Đoàn nghiên cứu khảo cổ học của Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phát hiện và thăm dò, thám sát Bãi Phôi Phối (Đỗ Đình Truật, Trịnh Dương 1974: 100-101). Theo nhận định lúc bấy giờ của đoàn nghiên cứu thì di chỉ Phôi Phối có niên đại Hậu kỳ Đá mới và mang nhiều nét tương đồng với di chỉ Cồn Lôi Mốt (Hà Văn Tấn, Trương Quang Liễn 1976: 51-53), thuộc loại hình cồn đất, không thuộc loại hình cồn sò điệp như nhiều di chỉ đã biết trên đất Hà Tĩnh.
Đến năm 1976, giảng viên và sinh viên khoa Sử trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội đã tiến hành khai quật ở khu vực phía đông nam di chỉ Bãi Phôi Phối (Vũ Quốc Hiền 1976; Lê Đình Phúc 1976). Kết quả khai quật cho thấy tầng văn hoá ở đây dày từ 36cm - 210cm. Về hiện vật, phát hiện nhiều đồ gốm, đồ đá, rìu mài ở lớp trên và công cụ ghè đẽo ở lớp dưới. Các nhà khai quật cho rằng, di chỉ Bãi Phôi Phối là một di chỉ Hậu kỳ Đá mới thuộc văn hoá Bàu Tró, ngoài ra cũng ghi nhận tại đây có cư dân thời đại đồng thau hoặc muộn hơn cư trú.
Mùa hè năm 1977, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đến khảo sát Bãi Phôi Phối, đoàn khảo sát đã mở một hố thám sát 2m2, phát hiện một số mảnh gốm, đặc biệt là 2 vòng thuỷ tinh màu xanh lục có đường kính khoảng 8 - 9cm. Những hiện vật này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Đây là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của một giai đoạn muộn hơn ở di chỉ Bãi Phôi Phối.
Trong 30 năm sau đó, các cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học đã vài ba lần phúc tra lại di chỉ Bãi Phôi Phối, chủ yếu khảo sát trên bề mặt chứ không tiến hành thám sát và khai quật.
Cảnh quan khu vực Bãi Cọi
Cho đến những cuộc khai quật lớn tại Bãi Cọi
Không rõ chính xác từ thời điểm nào khu vực Bãi Phôi Phối được người dân địa phương gọi là Bãi Cọi. Chỉ biết rằng, vào tháng 11 năm 2008, khi nhận được những thông tin báo dẫn về việc người dân đã đào được rất nhiều đồ cổ, đặc biệt là đồ đồng tại một địa điểm có tên Bãi Cọi ở huyện Nghi Xuân, đoàn khảo sát của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Hà Tĩnh tiến hành khảo sát kỹ khu vực này và xác định đây chính là địa điểm khảo cổ học Bãi Phôi Phối.
Nhận thấy đây là một di tích khảo cổ học quan trọng nhưng đang bị xâm hại nặng nề, nên ngay sau đợt khảo sát, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã phối hợp với Bảo tàng Hà Tĩnh tiến hành khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ nhất. Kết quả cho thấy đây là một di tích mộ táng rất phong phú, vừa mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, vừa thể hiện những sắc thái văn hóa Đông Sơn (Nguyễn Mạnh Thắng và nnk 2009). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề cơ tầng văn hóa của di tích này.
Khai quật di tích Bãi Cọi lần 1 năm 2008-2009
Cuộc khai quật lần thứ 2 đã được tiếp tục vào cuối năm 2009, đầu năm 2010 do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Hà Tĩnh tổ chức. Kết quả càng cho thấy tính chất nổi trội của văn hóa Sa Huỳnh ở di tích Bãi Cọi, nhưng có ảnh hưởng, giao lưu mạnh với văn hóa Đông Sơn (Nguyễn Mạnh Thắng và nnk 2010).
Khai quật di tích Bãi Cọi lần 2 năm 2009-2010
Cuối năm 2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc tiến hành khai quật Bãi Cọi lần thứ 3. Những tư liệu về cuộc khai quật này đã được chuyển sang Hàn Quốc tiếp tục nghiên cứu và xử lý. Tuy nhiên, qua những kết quả sơ bộ một lần nữa cho thấy địa điểm khảo cổ học Bãi Cọi mang đậm tính chất của văn hóa Sa Huỳnh có giao lưu mạnh với văn hóa Đông Sơn (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc 2012).
Khai quật di tích Bãi Cọi lần 3 năm 2012
Như vậy, do sự thay đổi cách gọi của người dân địa phương nên địa danh Bãi Cọi chính là tên gọi mới của Bãi Phôi Phối. Song, những nghiên cứu khảo cổ học trước đây với tên gọi Bãi Phôi Phối chủ yếu thuộc văn hóa Quỳnh Văn, là giai đoạn sớm, còn những nghiên cứu sau này với tên gọi Bãi Cọi lại phát hiện một nền văn hóa mới ở giai đoạn muộn hơn, rực rỡ hơn.
Di tích khảo cổ học Bãi Cọi cần được hiểu là bao gồm cồn cát Bãi Cọi và các điểm xung quanh như Bãi Lòi, Bãi Phôi Phối. Trong đó, cồn cát Bãi Cọi được coi là khu trung tâm của địa điểm này, nơi đầu tiên phát hiện và khai quật. Địa danh Bãi Phôi Phối tuy không còn được người dân sử dụng nữa, nhưng do đã được tồn tại trong các nghiên cứu khảo cổ trước đây nên các nhà khảo cổ học vẫn phân định khu vực riêng ngăn cách với Bãi Cọi bởi con đường liên xã chạy qua khu di tích.
Chu Mạnh Quyền
(Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc (2014), Di tích Bãi Cọi Hà Tĩnh Việt Nam, xuất bản tại Hàn Quốc.
2. Nguyễn Thị Kim Dung, Hung Hsiao-chun, Yoshiyu Iizuka (2016), “Ứng Dụng Phương Pháp Phân Tích Khoa Học Tự Nhiên Electron Probe Micro Analysis Trong Nghiên Cứu Đồ Trang Sức Thương Mại Văn Hoá Sa Huỳnh”, Thông báo khoa học, số 1, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tr. 38-55.
3. Vũ Quốc Hiền (1976), Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di tích Bãi Phôi Phối năm 1976 (Phần đồ đá). Luận văn tốt nghiệp. Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội.
4. Lê Đinh Phúc (1976), Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di tích Bãi Phôi Phối năm 1976 (Phần đồ gốm), Luận văn tốt nghiệp, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
5. Hà Văn Phùng, Trịnh Dương, Đào Linh Côn (1976), “Điều tra khảo cổ học ở Nghệ An - Hà Tĩnh”. Khảo cổ học (số 17), tr. 80 - 82.
6. Chu Mạnh Quyền (2018), Địa điểm khảo cổ học Bãi Cọi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Luận văn Thạc sĩ Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
7. Hà Văn Tấn (1976), “Xưởng làm đồ đá Núi Dầu Bãi Phôi Phối”, Khảo cổ học (số 17), tr. 51 - 53.
8. Nguyễn Mạnh Thắng, Lê Ngọc Hùng, Lê Văn Chiến, Chu Văn Vệ (2009), Báo cáo kết quả khai quật Bãi Cọi lần 1. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
9. Nguyễn Mạnh Thắng, Lê Ngọc Hùng, Chu Mạnh Quyền (2010), Báo cáo kết quả khai quật Bãi Cọi lần 2. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.