Bãi Cọi là một di tích khảo cổ học thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Di tích này được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từ năm 2011) và Bảo tàng Hà Tĩnh phát hiện và khai quật vào cuối năm 2008. Kết quả của cuộc khai quật lần thứ nhất tại Bãi Cọi đã gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu và đưa đến một cuộc tranh luận sôi nổi về cơ tầng văn hóa của di tích này, đó là: Đông Sơn hay Sa Huỳnh?. Các cuộc khai quật tiếp theo vào năm 2009 và 2012 đã cung cấp thêm nhiều tư liệu mới, nhưng cuộc tranh luận vẫn chưa đi đến hồi kết. Tuy nhiên, có một điều mà các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng, những tư liệu khảo cổ học ở Bãi Cọi đã cung cấp những nhận thức mới về 2 nền văn hóa lớn Đông Sơn và Sa Huỳnh, đặc biệt là mối quan hệ giữa hai nền văn hóa này tại khu vực Bắc Trung bộ.
Vị trí địa lý và cảnh quan di tích
Di tích Bãi Cọi là một cồn cát lớn chạy dài theo hướng tây bắc – đông nam, nằm kẹp giữa hai sườn núi của dãy Hồng Lĩnh, có độ cao khoảng 6 – 7m so với mực nước biển. Di tích được bao bọc 3 mặt bắc, đông, nam là những dải ruộng trũng, phía đông của cồn cát là dòng chảy Rào Vực – thượng nguồn của sông Mỹ Dương. Con sông chảy men theo sườn phía đông nam của dãy Hồng Lĩnh rồi đổ ra cửa biển Cương Gián cách Bãi Cọi chừng 10km. Bãi Cọi cũng chỉ cách sông Lam (sông Cả), con sông lớn của Bắc Trung Bộ, khoảng 5km về phía bắc. Bãi Cọi là tên gọi được công nhận chính thức để chỉ di tích khảo cổ học này, tuy nhiên trên thực tế cồn cát mênh mông này còn có các tên khác như Bãi Phôi Phối, Bãi Lòi hay Trảng Vạn.
Vị trí địa điểm Bãi Cọi nhìn từ Google Earth
Về mặt địa văn hóa, Bãi Cọi nằm trong vùng giáp ranh giữa hai nền văn hóa lớn thời Sơ sử, đó là văn hóa Đông Sơn ở phía bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở phía nam. Cách Bãi Cọi khoảng 80km về phía bắc là địa điểm Làng Vạc (Nghệ An) – một di tích tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn loại hình sông Cả. Về phía nam, Bãi Cọi cách Cương Hà, Cổ Giang (Quảng Bình) - nơi đã phát hiện cả di tích mộ chum và đồ đồng Đông Sơn, khoảng 120km; cách Cồn Dài, Cồn Ràng (Thừa Thiên - Huế) – những di tích mộ chum điển hình của văn hóa Sa Huỳnh, khoảng 300km.
Nhìn chung, với đặc điểm phân bố gần nguồn nước, có đất canh tác, vừa có rừng - núi lại vừa gần sông – biển, tiện giao thông thủy bộ, Bãi Cọi quả thực là địa điểm sinh tụ lý tưởng của cư dân mọi thời. Do đó, không ngạc nhiên khi tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết cư trú và mộ táng của nhiều lớp cư dân thuộc nhiều thời đại khác nhau, kéo dài từ Đá mới cho tới thời kì quân chủ.
Quá trình phát hiện và nghiên cứu
Đầu năm 1974, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khảo sát trên địa bàn xã Xuân An và phát hiện 1 khuyên tai 2 đầu thú. Tháng 5 năm đó, Khoa Lịch sử thuộc Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội đã phát hiện và thăm dò, thám sát địa điểm Bãi Phôi Phối. Theo nhận định lúc bấy giờ của đoàn nghiên cứu, di chỉ Phôi Phối có niên đại Hậu kỳ Đá mới và mang nhiều nét tương đồng với di chỉ Cồn Lôi Mốt.
Đến năm 1976, Khoa Lịch sử chính thức tiến hành khai quật di tích Bãi Phôi Phối. Kết quả khai quật cho thấy đây là một di chỉ hậu kỳ Đá mới, thuộc văn hoá Bàu Tró.
Mùa hè năm 1977, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từ 2011) đến khảo sát Bãi Phôi Phối, phát hiện một số mảnh gốm, đặc biệt là 2 vòng thuỷ tinh màu xanh lục, cho thấy sự tồn tại của một giai đoạn muộn hơn ở khu vực này.
Trong 30 năm sau đó, các cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học đã vài ba lần phúc tra lại di chỉ Bãi Phôi Phối, chủ yếu khảo sát trên bề mặt, không tiến hành bất cứ một cuộc thám sát và khai quật nào.
Tháng 11 năm 2008, các đồng nghiệp Bảo tàng Hà Tĩnh và cán bộ xã Xuân Viên đã thông báo về việc người dân ở đây đã đào được rất nhiều đồ cổ, đặc biệt là đồ đồng trong khu Bãi Cọi, liền kề với Bãi Phôi Phối. Nhận được thông tin trên, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Hà Tĩnh tiến hành khảo sát kỹ khu vực này. Qua khảo sát, nhận thấy đây là một di tích khảo cổ học rất quan trọng nhưng đang bị xâm hại nặng nề, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã nhanh chóng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh tiến hành 3 đợt khai quật quy mô lớn, nhằm làm rõ tính chất và nội dung văn hóa của di tích, cũng như thu thập những thông tin quý giá trước khi di tích bị phá hủy:
Cán bộ khảo cổ xử lý di tích xuất lộ trong hố khai quật
- Cuộc khai quật lần thứ nhất được tiến hành từ giữa tháng 12 năm 2008 và kết thúc vào cuối tháng 1 năm 2009. Đoàn khai quật đã mở 7 hố khai quật với tổng diện tích 164,2m2. Những hố khai quật này đều được mở ở khu vực trung tâm của di tích Bãi Cọi. Trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 14 mộ đất, 1 mộ chum và 1 mộ bình – nồi. Sự xuất hiện của mộ chum, dù số lượng ít, cộng với việc phát hiện những nắp chum hình nón cụt trong đợt khảo sát trước đó, đã gây không ít ngạc nhiên trong giới nghiên cứu, bởi trước nay khu vực này vẫn được coi là địa bàn của văn hóa Đông Sơn. Từ đó, những người khai quật đã đi đến nhận định rằng, Bãi Cọi là một di tích hội tụ trong mình những yếu tố văn hoá chủ đạo của cư dân Sa Huỳnh - Đông Sơn.
- Cuộc khai quật lần thứ hai được tiến hành từ giữa tháng 12 năm 2009 đến cuối tháng 1 năm 2010. Ngoài các hố khai quật tại khu vực trung tâm Bãi Cọi, các nhà khảo cổ học đã mở rộng phạm vi thám sát, khảo sát ra các khu vực Bãi Phôi Phối, Bãi Lòi, Trảng Vạn, Đền Phúc Đa… với tổng diện tích khai quật và thám sát là 199,5m2. Kết quả đợt khai quật này đã phát hiện được 8 mộ chum, 1 mộ nồi và 4 mộ đất. Việc phát hiện thêm các mộ chum không còn bất ngờ nữa, và điều đó là cơ sở để các tác giả khai quật đi tới khẳng định đây là di tích có cơ tầng văn hóa Sa Huỳnh, chịu ảnh hưởng ít nhiều của văn hóa Đông Sơn.
- Cuộc khai quật lần thứ ba được tiến hành cuối năm 2012, với sự tham gia của các nhà khảo cổ đến từ Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc. Đoàn khai quật đã mở 4 hố khai quật, cụ thể: 3 hố tại Bãi Lòi và 1 hố tại Bãi Phôi Phối. Tổng diện tích các hố khai quật lần 3 là 107,25m2. Trong đợt khai quật này đã phát hiện thêm 8 mộ chum, 1 mộ nồi, 1 mộ bình - nồi và 4 mộ đất. Cho đến thời điểm này, nhận định về tính chất và cơ tầng văn hóa của Bãi Cọi về cơ bản không thay đổi.
Như vậy, qua ba đợt khai quật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đã có 21 hố khai quật được mở với tổng diện tích là 470,95m2. Di tích xuất lộ trong các hố đào chủ yếu là mộ táng, vết tích cư trú rất mờ nhạt. Có thể khu vực cư trú ở ven sông, đã bị sạt lở vào mùa lũ nên không còn dấu vết nữa, trong khi đó mộ táng chôn ở khu vực cao hơn trên cồn cát nên vẫn còn giữ được. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giả thiết, bởi không loại trừ khả năng tầng cư trú đã bị phá hủy bởi hoạt động khai thác cát diễn ra mạnh mẽ tại khu vực này trong nhiều năm.
Các loại hình mộ táng
Qua 3 lần khai quật tại Bãi Cọi, đã phát hiện 44 mộ, với hai loại hình chủ đạo là mộ đất và mộ chum, ngoài ra còn có mộ nồi và mộ bình - nồi.
- Mộ huyệt đất: có 22 mộ (chiếm 50% tổng số mộ táng). Các mộ đất được xác định trên cơ sở sự tập trung các cụm gốm cũng như những đồ tuỳ táng khác trên cùng một bình độ. Bên cạnh đó, mộ đất Bãi Cọi còn có thể được nhận biết qua hiện tượng những dải gốm vỡ kè thành hàng, một kiểu kè biên mộ giống với ở Làng Vạc. Mộ đất Bãi Cọi chủ yếu nằm theo trục đông - tây, một số ít có trục tây bắc - đông nam. Kích thước mộ dao động trong khoảng trên dưới 2m dài, 0,6 - 1,0m rộng. Đồ tùy táng trong mộ đất khá phong phú, với các loại hình như đồ sinh hoạt, đồ trang sức, công cụ, vũ khí, làm từ các chất liệu như gốm, đá, đồng, sắt hoặc hợp kim chì – thiếc. Các loại đồ tùy táng này thường được đặt tập trung ở phía đầu và chân của tử thi, một số đồ gốm được đập vỡ rồi chèn quanh di cốt.
Mộ đất song táng phát hiện năm 2012
- Mộ chum có: 17 mộ (chiếm khoảng 38%). Chum táng thường có dáng hình trái đào hoặc hình trứng, vai nở, có gờ vai, thân thuôn dần về đáy, đáy chỏm cầu. Kích thước chum dao động trong khoảng: đường kính 50 – 60cm, cao 50 – 70cm. Nắp chum thường có hình nón cụt hoặc hình lồng bàn, đôi khi tận dụng phần thân dưới của chum khác hoặc đáy bình, nồi để làm nắp. Đồ tùy táng bằng gốm như bình, nồi… có thể được đặt ở trong hoặc ngoài chum, riêng đồ tùy táng bằng đá trang sức, đồng, thủy tinh thường được đặt bên trong chum.
Mộ chum phát hiện năm 2012
- Mộ nồi và mộ bình - nồi : có 5 mộ, chiếm khoảng 12%.
+ Mộ nồi: có 2 mộ, gồm một nồi lớn và một nồi nhỏ đặt úp miệng vào nhau, chôn nằm ngang theo trục đông – tây hoặc đông bắc – tây nam, không có đồ tùy táng.
+ Mộ bình – nồi: có 3 mộ, gồm một bình gốm ở dưới, úp phía trên là nồi hoặc bát, chôn theo tư thế thẳng đứng. Hầu như không có đồ tùy táng.
Mộ bình – nồi phát hiện năm 2008
Đồ tùy táng
Qua 3 lần khai quật và thám sát, các nhà khảo cổ học đã thu thập được một bộ sưu tập hiện vật khá phong phú, với 217 tiêu bản, làm từ các loại chất liệu đá, gốm, thủy tinh và kim loại.
Đồ đá: chủ yếu là đồ trang sức, với các loại khuyên tai ba mấu, khuyên tai hình vành khăn, khuyên tai “con đỉa” và hạt chuỗi.
Đồ trang sức bằng đá và thủy tinh
- Đồ đồng: gồm có vòng ống, rìu, mũi và mũi chĩa. Ngoài ra, trong quá trình khảo sát trước, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 1 rìu đồng lưỡi xoè cân có họng tra cán hình chữ nhật và 1 lưỡi cày hình cánh bướm.
Vòng ống bằng đồng
- Đồ sắt: gồm cuốc chữ U, mũi giáo, lao, dao có vòng khuyên.
Cuốc sắt chữ U
- Hợp kim chì – thiếc: được tìm thấy trong các mộ đất 12.BLo.H2.M2 và 12.BLo.H3.M5. Dựa vào hình dạng và kích thước, chúng tôi cho rằng đây là những mảnh khuyên tai.
- Đồ thủy tinh đều là khuyên tai, trong đó có 1 chiếc khuyên tai 3 mấu và 1 khuyên tai hình vành khăn.
- Đồ gốm là nhóm hiện vật có số lượng phong phú nhất và tạo nên diện mạo đặc trưng của địa điểm khảo cổ học Bãi Cọi. Đồ gốm tùy táng gồm có các loại nồi, bình, bát bồng và chõ. Các loại bình, nồi Bãi Cọi thường có phần vai gãy góc, trang trí hoa văn khắc vạch với các mô típ sóng nước, răng cưa hoặc hoa văn hình chữ S, kết hợp với kĩ thuật miết láng. Chõ gốm cũng chiếm số lượng lớn trong sưu tập đồ gốm tùy táng, góp phần làm nên đặc trưng văn hóa của Bãi Cọi. Đây là một loại hình đặc trưng của văn hóa Đông Sơn và Tiền Đông Sơn.
Ngoài ra còn có loại thố (hình lẵng hoa) miệng loe, có chân đế. Ngoài các loại hình gốm tùy táng trên, ở Bãi Cọi còn thấy xuất hiện dọi se chỉ, gốm hình quả nhót, gốm có chân… và đáng chú ý là có cả đồ trang sức bằng gốm - khuyên tai ba mấu bằng đất nung.
Tạm kết
Kết quả khai quật đã cho thấy tính chất văn hóa phong phú, đa dạng của di tích Bãi Cọi. Không phải chỉ có yếu tố của văn hóa Sa Huỳnh, mà các yếu tố của văn hóa Đông Sơn cũng có mặt rất đậm, cho thấy người Đông Sơn đã thực sự tiến vào khu vực này. Bên cạnh đó, một số yếu tố của văn hóa đồ sắt của Trung Quốc cũng được ghi nhận. Có thể nói, với vị thế đặc biệt của mình, Bãi Cọi chính là một điểm hẹn, là nơi gặp gỡ của các nền văn hóa lớn thời Sơ sử ở Việt Nam.
Nhận thấy tầm quan trọng cũng như những giá trị đặc biệt của di tích, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di tích Khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là Di tích cấp Quốc gia. Tuy nhiên, dù đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia, nhưng Bãi Cọi vẫn đang hàng hàng giờ đối mặt với sự xâm hại đến từ nạn săn tìm cổ vật và khai thác cát trái phép. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp bảo vệ kịp thời, chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, ngành khảo cổ cần tiếp tục triển khai những đợt khai quật và nghiên cứu để vừa có cái nhìn toàn diện hơn về di tích khảo cổ học đặc biệt quan trọng này, vừa góp phần cứu vớt những di sản văn hóa của tiền nhân để lại, góp phần vào việc phát huy giá trị, phục vụ nhân dân.
Trương Đắc Chiến, Chu Mạnh Quyền