Trong số hàng vạn đồ gốm Chu Đậu được khai quật trong con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm, có nhiều hiện vật đẹp, điển hình là chiếc bình gốm có hình con Thiên Nga, đã được nhà nước xếp hạng Bảo vật quốc gia từ đợt 1 năm 2012. Còn nhiều đồ gốm đẹp nữa, cũng xứng đáng là Bảo vật. Một trong những số đó là chiếc ấm gốm có hình chim Phượng.
Chiếc ấm có chiều cao 26cm; đường kính miệng 1,4cm. Ấm có hình chim Phượng đang đứng, mỏ ngắn quặp lại như mỏ vẹt, mắt nổi rõ, có mào và hình chòm lông dài sau gáy. Cổ chim dài. Chim có thân thon, lông chim hình lá phủ đầy trên mình. Chân chim được vẽ, cao và có cả 4 móng với vuốt nhọn. Phần đáy của ấm được làm phẳng cho việc để ấm không bị nghiêng đổ. Cái khéo của người thợ gốm Chu Đậu là tạo hình chiếc ấm này có sự kết hợp nhuần nhuyễn cả hai phương pháp: tạo tượng (ở phần đầu chim và thân chim) và tạo văn (ở phần chân chim được vẽ), tức là cho người xem cả không gian ba chiều và cả không gian hai chiều đặc tả cùng một chủ thể.
Chiếc vòi ấm cũng cong vút, uốn theo chiều cong của cổ chim và cũng có dáng thanh thoát hình đầu chim. Trên thân vòi còn có hoa văn hình mây cuốn. Phần đuôi chim cong dài được cách điệu thành bộ phận của quai ấm để cầm trong khi rót nước. Quai có hình cong tròn và cũng được trang trí hình mây xoắn, hoa.
Về mặt tạo hình, người Chu Đậu đã khéo léo kết hợp cái dáng thanh thoát của chim Phượng để làm chiếc ấm, tạo ra tác phẩm vừa là tượng chim, lại vừa là ấm với bố cục có cả vòi ấm đặt trước ngực chim và quai ấm ở phía sau đuôi chim.
Chiếc ấm có công dụng đựng chất lỏng. Người Chu Đậu đã khoét lỗ trên đỉnh đầu chim để đổ nước vào và vòi dài để rót nước ra. Có thể chiếc ấm này là để đựng rượu hơn là để đựng nước trà.
Cái cách tạo hình như vậy được gọi là mỹ thuật ứng dụng, đã được nghệ nhân thời văn hóa Đông Sơn áp dụng cách thời đại ấm Chu Đậu gần 2.000 năm. Họ đã thể hiện các đồ vật khéo léo kết hợp với tạo hình dáng của động vật hay người khá đẹp. Ví dụ, họ đã tạo ra được chiếc ấm đồng có vòi là hình đầu chim khá dài, trên cổ chim lại có tượng 3 người đàn ông ngồi vắt vẻo, hay trên cán muôi đồng lại có tượng voi, trên chuôi dao găm đồng lại có tượng người…
Ấm gốm hình chim Phượng được khai quật từ con tàu đắm Cù Lao Chàm, niên đại thời Lê Sơ, thế kỷ 15
Dường như không phải ngẫu nhiên mà phong cách tạo hình của ấm Chu Đậu lại khá giống phong cách nghệ thuật Đông Sơn. Có thể nghệ thuật Đông Sơn đã thấm sâu vào bản sắc văn hóa Việt trong nhiều năm sau đó. Tạo ra các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng này, người Việt phải có trình độ thẩm mỹ cao, giàu sự tưởng tượng phong phú giữa hình dáng đồ vật thực dụng với các khối tượng ghép vào một cách nhuần nhuyễn. Điều đó đã thể hiện tài năng của các nghệ sĩ tạo hình người Việt đã có truyền thống lâu đời và ngày nay cũng để lại di sản nghệ thuật quý giá cần phải phát huy trong nghệ thuật hiện đại.
Chiếc ấm gốm Chu Đậu còn có chất liệu men khá đẹp, phổ biến trong thời Lê Sơ: men xanh lam trên nền men trắng. Các nghệ nhân Chu Đậu đã có nhiều nét vẽ trên men tinh tế. Cho đến nay, các cơ sở sản xuất ở chính làng nghề Chu Đậu cũng lấy chất men cổ xanh lam để làm màu men chủ lực làm hàng gốm xuất khẩu càng chứng tỏ vẻ đẹp trường tồn của nghệ thuật và kỹ thuật gốm Chu Đậu xưa.
Trong số những chiếc ấm gốm có tượng chim ở sưu tập Cù Lao Chàm, có những chiếc ấm có tượng mang rõ nét của loài vẹt với đặc điểm cái mỏ quặp vào. Vì thế, có thể ấm chim Phượng cũng là cách điệu từ hình dáng của loài vẹt chăng? Vả lại, trong văn hóa Việt Nam và thế giới, chim Phượng là loài vật thiêng trong phạm trù “Long, ly, quy, phượng”, trong đó có thể con rồng và con phượng đều là con vật truyền thuyết. Con Phượng trong nghệ thuật phải chăng là sự ghép lại của hình tượng con Phượng hoàng, con công và cả con vẹt nữa?
Chiếc tàu biển phục vụ cho việc trục vớt cổ vật ở tàu đắm Cù Lao Chàm
Lại nói, chiếc tàu buôn chở chiếc bình gốm hình chim Phượng trong số 240.000 cổ vật, đã không may bị chìm ở độ sâu 70-72m và nằm im trong khoảng 500 năm dưới đáy Biển Đông. Nhờ có cuộc khai quật khảo cổ của nhiều quốc gia mà nước chủ nhà là Việt Nam, đã giải mã được nhiều vấn đề lịch sử: Thế kỷ 15 là thế kỷ thương mại nhộn nhịp ở Biển Đông. Đây là tuyến đường biển giao lưu từ Đông Bắc Á, Việt Nam đến tận vùng Trung Cận Đông. Trong số hàng hóa chủ lực của thời Lê Sơ là đồ gốm. Từ các đồ gốm được khai quật, các nhà khoa học đã lần ra được quê hương của nó chính là làng Chu Đậu, nay là một thôn của xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Kho di sản khổng lồ từ con tàu đắm quả là quý giá, chứa đựng trong đó nhiều đồ gốm đẹp mà chúng ta chưa khai thác và phát huy giá trị cho đúng tầm. Vẻ đẹp của chiếc ấm gốm có hình chim Phượng khá độc đáo, hy vọng sẽ được xếp vào Bảo vật quốc gia như chiếc bình gốm cũng nằm trong con tàu đắm là bình gốm có hình Thiên nga mà nay đã được chính thức là Bảo vật quốc gia rồi.
Giáo sư Trịnh Sinh