Biển Đông có vị trí quan trọng về địa kinh tế, địa chính trị, văn hóa, địa quân sự trong khu vực. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã khẳng định một chân lý trường tồn “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”, chân lý đó đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc, là nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.
Trong những thập niên qua, biển
đảo là chủ đề ngày càng được thế giới và Việt Nam quan tâm trong việc định
hướng và xây dựng chiếc lược phát triển kinh tế biển, khẳng định chủ quyền của
các quốc gia liên quan. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”
đã xác định: Phấn đấu đưa nước ta trở
thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền,
quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, làm cho đất nước giàu mạnh.
Sơ đồ vị trí khai quật các con tàu đắm.
Việt Nam là quốc gia biển nằm trên bán đảo Đông Dương, có đường bờ biển dài hơn 3.000 km với nhiều đảo và quần đảo lớn nhỏ... có vị trí đặc biệt quan trọng trong giao thương, giao lưu kinh tế - văn hoá. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, với quá trình lao động sáng tạo hướng biển, các thế thệ người Việt Nam đã tạo nên một kho tàng di sản văn hóa biển đa dạng với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, những lễ hội, tập tục, tín ngưỡng, hệ thống thương cảng cổ, đô thị cổ, công trình tín ngưỡng cổ, giao lưu văn hóa và thương mại, truyền thống chống ngoại xâm...
Ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam bắt đầu vào năm 1990, sau sự kiện khai quật di tích tàu cổ Hòn Cau thế kỷ 17 ở vùng biển gần kể đảo Hòn Cau, Bà Rịa, Vũng Tàu. Đến nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã trực tiếp khai quật, phối hợp khai quật 7 con tàu đắm và thu thập được hàng trăm nghìn hiện vật quý.
Những thành quả đáng chú ý trong khai quật các con tàu đắm ở Việt Nam là tàu cổ Châu Tân thế kỷ 8-9, 5 tàu cổ ở quần đảo Phú Quốc thế kỷ 12-15, tàu cổ Bình Châu thế kỷ 13-14, tàu cổ Quảng Ngãi và Hà Ra thế kỷ 13-14, tàu cổ Cù Lao Chàm thế kỷ 15, tàu cổ Hòn Dầm thế kỷ 15, tàu cổ Bình Thuận thế kỷ 16-17, tàu cổ Hòn Cau và tàu cổ Cà Mau I thế kỷ 17… Ngoài ra còn khai quật được nhiều hiện vật trên tàu Cà Mau II chở đồ gốm sứ của Trung Quốc thế kỷ 14, tàu cổ Vũng Tàu chở đồ gốm sứ De Pole từ Paris - Pháp thế kỷ 19-20. Những con tàu cổ này phần lớn là các thương thuyền trên hành trình giữa Châu Á và Châu Âu trong giai đoạn từ thế kỷ 8 đến đầu thế kỷ 20. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được đồ gốm sứ và hàng hóa có xuất sứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp; các đồ dùng sinh hoạt trên thuyền; tiền tệ Ả Rập; đồ thủy tinh… Từ những mẫu vật khai quật được, chúng ta có thể thấy Việt Nam giữ vị trí quan trọng ở Châu Á trong thời kì hoàng kim của con đường tơ lụa trên biển.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là cơ quan đang lưu giữ, bảo quản khá nhiều tư liệu, hiện vật quý có liên quan đến di sản văn hóa biển qua các cuộc khai quật tàu đắm trên lãnh hải Việt Nam. Đây cũng là một trong những đơn vị tham gia sớm nhất vào các chương trình nghiên cứu trên các đảo và các di tích ven biển, các thương cảng cổ (phối hợp với Viện nghiên cứu Di sản biển Quốc gia Hàn Quốc) cũng như tham gia vào những cuộc khai quật tàu đắm tại Biển Đông.
Việc giới thiệu những sưu tập hiện vật quý hiếm này đến với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia đặc biệt quan tâm. Ngoài những phần trưng bày cố định trong hệ thống trưng bày bảo tàng, có thể kể đến các cuộc trưng bày và xuất bản về di sản biển Việt Nam ở trong nước và nước ngoài như: sách “5 con tàu đắm ở biển Việt Nam” hay “Gốm sứ trong 5 con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam” phối hợp với Trung Quốc, trưng bày “Di sản văn hóa biển Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia năm 2012, “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam” tại Hàn Quốc năm 2017…
Bìa sách giới thiệu trưng bày đặc biệt “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam”
Trưng bày chuyên đề đặc biệt “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam” là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa về thành tựu của sự hợp tác hiệu quả giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Viện nghiên cứu Di sản văn hóa biển quốc gia Hàn Quốc. Các đoàn công tác của hai cơ quan cũng đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát, nghiên cứu tại hiện trường về những thương cảng cổ, làng nghề truyền thống và chuẩn bị cho hướng hợp tác khai quật khảo cổ học trong tương lai.
TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia phát biểu khai mạc trưng bày “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam” tại Hàn Quốc
Trưng bày đã lựa chọn 309 hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất trong sưu tập hiện vật khai quật từ 5 con tàu đắm trong vùng biển Việt Nam đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, được thể hiện theo sưu tập của từng con tàu và loại hình hiện vật. Kho tàng di sản văn hóa biển được hình thành, phát triển qua hàng nghìn năm trong bối cảnh lịch sử, thiên nhiên luôn thách thức ngặt nghèo, nhưng cuộc sống của người Việt luôn gắn với biển, mang trong mình niềm tự hào lớn lao về biển, về chủ quyền lãnh thổ, bản sắc văn hóa Việt Nam. Cuộc trưng bày cũng là dịp để Việt Nam - Hàn Quốc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, xuất bản ấn phẩm, đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, khai quật khảo cổ học dưới nước.
Đến nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã, đang khai quật và phối hợp khai quật 7 con tàu cổ như: Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hòn Dầm (Kiên Giang), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Cà Mau (Cà Mau), Bình Thuận (Bình Thuận), Bình Châu (Quảng Ngãi), Dung Quất (Quảng Ngãi). Kết quả nghiên cứu khai quật đã xác định quy mô kích thước, kỹ thuật làm nên những con tàu này, và đây là những con tàu chở hàng hoá gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Đặc biệt trong cuộc khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm đã thu được một số lượng lớn đồ gốm Việt Nam có nguồn gốc từ Chu Đậu (Hải Dương) và Thăng Long (Hà Nội), phần nào cho thấy vị trí, vai trò của Việt Nam trong lịch sử giao thương quốc tế thời Cổ - Trung đại, trong đó mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam là đồ gốm.
Các loại đồ gốm men ngọc khai quật từ tàu cổ Hòn Dầm, thế kỷ 15
Đồ sứ men trắng vẽ lam và vẽ nhiều màu khai quật từ tàu cổ Hòn Cau, thế kỷ 17
Trên đây là một số nét cơ bản tóm tắt quá trình nghiên cứu khai quật các con tàu đắm ở lãnh thổ Việt Nam và con đường tơ lụa trên biển. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Khảo cổ học, các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác này, xây dựng nền khảo cổ học dưới nước Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Có thể thấy việc khai quật những di tích tàu đắm cổ và di tích trong lòng biển được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam chứng minh cho việc đã từng có sự phát triển rực rỡ trong giao lưu văn hóa, thương mại đường biển. Việc nghiên cứu, khai quật những con tàu cổ đem lại cho Bảo tàng những tài liệu, hiện vật quý giá, phát triển ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam. Biển Việt Nam hiện còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa và những “bí ẩn” lịch sử, chờ đợi sự hợp tác sâu rộng hơn nữa của các cơ quan, tổ chức trong những năm tới./.
TS. Nguyễn Văn Cường
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia