(Phần 1) Trong khoảng thời gian 1990-2002 ở vùng biển Việt Nam đã khai quật khảo cổ học 5 con tàu cổ chở hàng hoá gốm sứ của Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, niên đại từ thế kỷ XV– XVIII. Năm 2008, chúng tôi đã xuất bản cuốn sách giới thiệu kết quả nghiên cứu bước đầu về các chủng loại đồ gốm sứ trong 5 con tàu cổ này (Nguyễn Đình Chiến - Phạm Quốc Quân, 2008).
(Phần 1)
Trong khoảng thời gian 1990-2002 ở vùng biển Việt Nam đã khai quật khảo cổ học 5 con tàu cổ chở hàng hoá gốm sứ của Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, niên đại từ thế kỷ XV– XVIII. Năm 2008, chúng tôi đã xuất bản cuốn sách giới thiệu kết quả nghiên cứu bước đầu về các chủng loại đồ gốm sứ trong 5 con tàu cổ này (Nguyễn Đình Chiến - Phạm Quốc Quân, 2008).
Trong bài viết này, chúng tôi muốn bàn tới vấn đề gốm sứ tàu cổ Hòn Cau và Cà Mau với giao thương quốc tế Đông Tây. Do nhu cầu thị trường Châu Âu mà các lò sứ xuất khẩu của Trung Quốc phải đáp ứng mẫu mã mới với kiểu dáng và hoa văn của mỗi món đồ theo yêu cầu đặt hàng. Bên cạnh các chủng loại và đề tài hoa văn truyền thống Trung Hoa, xuất hiện chủng loại mới với hoa văn theo phong cách Châu Âu.
1.Tàu cổ Hòn Cau - Bà Rịa - Vũng Tàu (1690)
Tháng 6 năm 1990, tàu cổ Vũng Tàu, cách đảo Hòn Cau 15 km, chìm sâu dưới cát biển từ 0,6 m đến 1m, ở độ sâu 40 m đã được khai quật. Công ty Visal đã được phép hợp đồng với Công ty Hallstrom Holdings Oceanic của Thụy Điển, dùng thiết bị lặn sản xuất tại Mỹ cùng các chuyên gia lặn người Mỹ, Anh, Canada tham gia khai quật. Cho đến tháng 7 năm 1991, công việc khai quật đã hoàn thành. Các chuyên viên lặn đã đo vẽ hình dáng con tàu với chiều dài 32,71m và chiều rộng gần 9m. Hiện vật trong tàu trục vớt được trên 60 nghìn chiếc, tập trung nhất là số lượng đồ gốm sứ Trung Quốc có niên đại sản xuất vào năm 1690. Cuộc khai quật này có thợ lặn của Việt Nam và nước ngoài, chuyên gia khảo cổ học là. M. Flecker.
Từ nhiều mẫu hình trang trí như thiếu nữ, trẻ thơ, nhiều cấu trúc trang trí bổ ô, phân tầng cho đến các loại dấu hiệu lấy trong đề tài bát bảo như chữ Vạn, đồng tiền, loa ốc, song ngư, bình ngọc, cỏ linh chi thường thấy vẽ dưới đế món đồ... là những cứ liệu so sánh để định niên đại chung cho sưu tập gốm sứ Hòn Cau là đời Khang Hy nhà Thanh. Điều thú vị hơn là, một số hiện vật có minh văn trong tàu như tiền đồng Vạn Lịch, Thuận Trị, Khang Hy đã cho phép chúng ta khép lại theo năm Canh Ngọ in nổi trên rìa cạnh thoi mực nho bị cháy là năm 1690. Niên đại này tương ứng với năm thứ 27 của niên hiệu Khang Hy (Fig1).
- Đồ gốm sứ tàu cổ Hòn Cau thuộc dòng sứ men trắng sản xuất ở lò Đức Hóa tỉnh Phúc Kiến gồm các loại bát, đĩa, thìa, hộp, bình, chén của. Trong đó, đáng chú ý là loại tượng Quan Âm tống tử, cao 13,5cm, mô tả Phật Bà ngồi trên toà sen, một tay ôm đồng tử, một tay cầm bình nước Cam Lộ. Ngoài ra là những tượng nhỏ như hài đồng, thỏ trắng, kỳ lân, cua...(Fig3)
- Đồ gốm sứ thu mua trực tiếp của những lò gốm dân gian miền Nam Trung Quốc không qua đặt hàng như bát đĩa sứ hoa lam có xương dày, men vẽ màu xanh thẫm hay xanh chì, men phủ trắng xám, trang trí đề tài sư tử, phong cảnh sơn thuỷ, rồng phượng và hoa lá..(Fig5).
Lại có những bát men trắng xám và men trắng vẽ nhiều màu... chế tạo kém tinh xảo cùng một số đồ sành như hũ, lọ, ấm có tay cầm, đĩa đèn hình lòng chảo..(Fig4).
- Đồ sứ hoa lam trong tàu này biểu hiện rõ nét những đề tài truyền thống Trung Hoa như hoa cúc, hoa lan, hoa mẫu đơn, phong cảnh sơn thuỷ nhân vật, thiếu nữ, trẻ thơ...(Fig2)
Nhưng được bố cục hết sức tài khéo và sống động. Hoa cúc, hoa mai, hoa sen, hoa lan như là biểu tượng cho 4 mùa. Hoa lá cúc trên bình sứ, choé sứ hay lọ sứ hoa lam được sắp xếp trong các dải chéo, dải đứng hay phân ô từng lớp. Trên nhiều bình, lọ sứ còn thấy vẽ cây hoa lá trong chậu đặt trên kỷ vuông, đế tròn như giữ lại một lối chơi hoa cổ xưa. Hoa lá sen xoè nở trong lòng đĩa. cánh hoa sen như được ngắt ra rồi chắp lại thành đường diềm đan cài vào những băng trang trí của lọ, của bình. Đề tài động vật có các loài ngựa, thỏ, cá, chim... Nhiều hình chim nhỏ xíu vẽ trên đĩa, chén, lọ, bình với các tư thế khác nhau. Đề tài con người xuất hiện trong nhiều cảnh trí. Đây là cảnh người cưỡi ngựa dừng chân bên rặng liễu, kia là kẻ bắn cung khom mình trên lưng ngựa đang phi. Đây là cảnh người chèo thuyền trong bức tranh sơn thuỷ, ghềnh đá, đầu non như hiện trên nền khói sương, mờ ảo của sắc men xanh nhạt; kia là ông già câu cá có chú tiểu đồng... Từ những thiếu nữ với tà áo dài nhiều nếp thướt tha bên một hiên lầu có lan can cho đến những em bé cởi trần mang trên tay một cành hoa lá như đã thu lại một góc thiên nhiên hùng vĩ của đất nước Trung Hoa (Fig6-7).
- Đồ gốm sứ sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của phương Tây nên hình dáng, sắc màu và lối bố cục trang trí có nhiều loại, khác lạ hẳn với phong cách truyền thống. Nhiều chủng loại mang đường nét mỹ thuật Baroque, phỏng theo mẫu các đồ dùng hàng ngày như ấm rượu, ly chân cao bằng bạc, nhôm hay pha lê quen thuộc của người châu Âu (Fig8).
Đồ gốm sứ trong tàu cổ Hòn Cau, niên đại 1690, với nhiều mẫu bình, choé, cốc có nắp, chén chân cao (stemp - cup), dường như là kết quả của sự hôn phối giữa mẫu mã Châu Âu và công nghệ chế tạo đồ sứ Trung Quốc (Nguyễn Đình Chiến - Phạm Quốc Quân, 2008, tr.254-256, 279, 281,282). Đặc biệt là loại hoa văn cây lá thể hiện bằng các vạch đan chéo trong các ô hình cánh hoa, hay dải chéo, tương tự lối in hoa cuả Châu Âu, xuất hiện trên các loại hình choé, lọ, ca, chén có nắp, bình, chén, đĩa, chén chân cao cũng thấy nhiều trong tàu cổ Hòn Cau (Nguyễn Đình Chiến - Phạm Quốc Quân, 2008, tr.300-305).
Kiểu dáng và hoa văn trang trí trên đồ gốm sứ trong tàu cổ Hòn Cau phổ biến là các loại choé, lọ có nắp, bình, nậm rượu, cốc, ly, ấm, chén, bát, đĩa... Rất đáng chú ý một số chủng loại hiện vật gốm sứ được sản xuất theo nhiều kích cỡ khác nhau, từ to đến nhỏ, nhưng hoa văn được vẽ rất giống nhau. Một số chủng loại mang tính chất "bộ đồ" hay từng cặp như lọ và ống bút, choé có nắp và ống bút, bình và choé có nắp... Tuy kiểu dáng khác nhau nhưng đề tài vẽ và màu men trang trí rất giống nhau. Tất cả những dụng ý tạo dáng và trang trí đó, chính là nhằm mục đích sử dụng tô điểm cho các bệ cửa, bệ lò sưởi, trên tường những căn phòng của người châu Âu thời ấy.
Đề tài mang dấu ấn châu Âu thể hiện ở lối vẽ hoa lá bằng các vạch đan chéo. Người ta vẽ cây lá trong các dải ô chéo trên bình, choé theo cách phác họa lên hình bên ngoài sau đó tô ngang dọc nét carô bên trong. Đây có lẽ là bút pháp đặc biệt chưa hề có ở phương Đông được vẽ theo mẫu in nổi hoa trên vải của Hà Lan thế kỷ XVII (Fig9-13).
Có loại đĩa và chén trà sứ hoa lam, chia 10 ô cánh hoa, trong ô vẽ cành hoa lá, giữa lòng vẽ 3 cành hoa có bướm lượn nằm trong vòng tròn, theo lối trang trí trên đồ sứ Kraak.
Đề tài châu Âu còn biểu hiện ở loại nắp cốc vẽ hình ông hoàng bà chúa Tây phương, tay cầm vương trượng, xung quanh viền chia 10 ô, 5 ô vẽ một hình người quỳ, xen kẽ 5 ô khác vẽ cành hoa lá.
Trên loại choé cao 59cm, hay bình dáng cốc cao 46,5cm cũng giống như trên loại choé và ống bút (cao 33cm), thể hiện rõ sự pha trộn của 2 loại đề tài Trung Quốc và châu Âu. Dọc theo chiều cao của món đồ, nửa bên này ta thấy chia các ô mạng lục giác, bên trong ô vẽ cảnh nhà nhiều mái nhọn bên kênh đào kiểu Hà Lan thế kỷ XVII, còn nửa bên kia vẽ các chậu hoa lá cúc, lan theo phong cách Trung Quốc.
TS. Nguyễn Đình Chiến
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Christie's Amsterdam, 1992. The Vung Tau cargo, Chinese export porcelain. Auction Catalogue.
Jorg, Christian & Michael Flecker,2001.Porcelain from the Vung Tau wreck. The Hallsrom Excavation, Sun Tree publishing, UK.
Nguyễn Đình Chiến ,2002a. Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học dưới nước tàu đắm cổ Cà Mau (1998-1999). Hà Nội. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Đình Chiến ,2002b .Tàu cổ Cà Mau - The Camau Shipwreck (1723-1732). Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội (in Vietnamese and English).
Nguyễn Đình Chiến ,2005. Khai quật khảo cổ học tàu cổ Cà Mau. Trong Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam. Nxb KHXH, Hà Nội, tr. 309-313.
Nguyễn Đình Chiến ,2006a. “Ceramics on shipwrecks off Viet Nam”. Viet Nam Social Sciences, No 3 (113), p. 63 – 74.
Nguyễn Đình Chiến ,2006b. “Underwater Archaeological Excavations in Viet Nam’. Fisyhing the Interrupted Voyage, paper of UNESCO Asia – Pacific workshop on the 2001 Convension on the protection of the Underwater Cultural Heritage. Ed. by Lyndel V. Prott, p. 55-58.
Nguyễn Đình Chiến ,2007a. “Excavation Archaeology of Ca Mau shipwreck”. Catalogue Auction Sotheby’s Amsterdam, p.11-13.
Nguyễn Đình Chiến ,2007b. “Ceramics on shipwrecks off Viet Nam” paper of Exchange of Material culture over the sea: Contacts between Europe and East Southeast Asia in the 16th – 18th centuries (31 october – 2 November 2007, Institute of History and Philology, Academia Sinica, Taipei, Taiwan)
Nguyễn Đình Chiến & Phạm Quốc Quân,2008.Gốm sứ trong năm con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam- Ceramics on five shipwrecks off the coast of Việt Nam. BTLSVN xb, Hà Nội (in Vietnamese and English).
Nguyễn Đình Chiến & Phạm Quốc Quân,2013. Khai quật tàu đắm cổ Bình Châu-con tàu cổ thứ 6 trong vùng biển Việt Nam . Trong BTLSVN, Thông báo khoa học,số 2, Hà Nội, tr. 83-87.
Nguyễn Đình Chiến & Lê Công Uẩn,2002 .Ph¸t hiÖn tµu ®¾m cæ ë vïng biÓn Cµ Mau chë ®å gèm ViÖt Nam thÕ kû XIV-XV. Nh÷ng ph¸t hiÖn míi vÒ kh¶o cæ häc. . Nxb KHXH. Hµ Néi. Tr.416 – 418
Flecker, Michael, 1992.” Excavation of an Oriental of c. 1690 off Con Dao, Viet Nam”. International Journal of Nautical Achaeology (1992), Vol 21, 3, pp 221-244.
Gyorgyi Fajcsa'k, Nguyen Dinh Chien, Ja'nos Jelen, 2009. The Ca Mau Shipwreck Porcelain from the collection of Dr. Zelnik. Jelnet Ltd. Volume 1. Budapest.
Kleinen, John,2004. "Con tàu đắm ở Cà Mau có liên quan gì với Hà Lan". Xưa và nay, số xuõn 2004, tr 61-67.
Idemitsu museum of Arts, 1984. Inter-influence of ceramic art in East and West (in Japanese and English)
Jog, J.A. Christiaan - Michael Flecker, 2001. Porcelain from the Vung Tau wreck: The Hallstrom Excavation. Sun Tree publishing, Uk.
Sotheby’s Amsterdam ,2007. Made in imperial China, 76,000 pieces of Chinese export porcelain from the Camau Shipwreck, circa 1725. Auction Catalogue.