Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Thái (1650 - 1691) và vương phi Tống Thị Lĩnh. Ông được đình thần tôn lên kế vị chúa Nguyễn Phúc Thái vào năm 1691, trở thành vị chúa Nguyễn thứ sáu trị vì Đàng Trong. Lên ngôi lúc mới 17 tuổi, ở ngôi 34 năm, Nguyễn Phúc Chu là một trong những vị chúa Nguyễn tạo dựng nhiều công nghiệp ở Đàng Trong.
Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Thái (1650 - 1691) và vương phi Tống Thị Lĩnh. Ông được đình thần tôn lên kế vị chúa Nguyễn Phúc Thái vào năm 1691, trở thành vị chúa Nguyễn thứ sáu trị vì Đàng Trong. Lên ngôi lúc mới 17 tuổi, ở ngôi 34 năm, Nguyễn Phúc Chu là một trong những vị chúa Nguyễn tạo dựng nhiều công nghiệp ở Đàng Trong.
Chúa Nguyễn Phúc Chu còn là tác gia lớn của văn học Đàng Trong. Ông sáng tác nhiều thơ văn, hiện vẫn còn lưu truyền. Chúa quy y Phật, lấy pháp danh là Thiên Túng đạo nhân, nên khi sáng tác thi văn thường ghi ba chữ Hán Đạo nhân thư ở cuối các tác phẩm.
Chúa Nguyễn Phúc Chu là người say mê ký kiểu đồ sứ ở Trung Hoa để đưa về dùng trong vương phủ. Những món đồ sứ ký kiểu của chúa Nguyễn Phúc Chu thường đề các thi phẩm do chúa trước tác, kèm theo hình vẽ minh họa nội dung các thi phẩm ấy. Đáng chú ý là những chiếc tô sứ hiệu đề Thanh ngoạn, có viết những bài thơ của chúa ca tụng những danh lam thắng tích ở Thuận Hóa - Quảng Nam xưa như: Thuận Hóa vãn thị (vịnh cảnh chợ chiều ở xứ Thuận Hóa), Thiên Mụ hiểu chung (vịnh cảnh chùa Thiên Mụ vào buổi sáng), Hà Trung yên vũ (vịnh cảnh chùa Hà Trung bên đầm Cầu Hai), Ải lĩnh xuân vân (vịnh cảnh mưa xuân trên núi Hải Vân), Tam Thai thính triều (vịnh cảnh núi Non Nước và chùa Tam Thai)… Bên cạnh mỗi bài thơ là một bức tranh sơn thủy, vẽ cảnh sắc của địa danh mà bài thơ miêu tả.
Chiếc tô sứ ký kiểu vẽ cảnh núi Hải Vân,
minh họa bài thơ Ải Lĩnh xuân vân của chúa Nguyễn Phúc Chu
Bài thơ Ải Lĩnh xuân vân trên chiếc tô sứ do chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu
Trong số đó, có hai chiếc tô đề bài thơ Ải lĩnh xuân vân viết về núi Hải Vân và bài thơ Tam Thai thính triều vịnh cảnh núi Tam Thai (núi Non Nước), là những bài thơ chúa Nguyễn Phúc Chu vịnh về hai danh thắng nổi tiếng của xứ Quảng ngày trước.
* Ải lĩnh xuân vân
Bài thơ viết trên những chiếc tô sứ hiệu đề Thanh ngoạn vẽ cảnh núi Hải Vân. Ải lĩnh là tên cũ của dải núi Hải Vân ở tây nam kinh đô Huế. Xưa kia, trên đỉnh núi có xây một cửa ải nên gọi là Ải lĩnh, nhưng dân gian thường gọi là Ngải lĩnh, vì trên núi có mọc nhiều cây ngải. Tương truyền, đến mùa cây ngải nở hoa, gió thổi cánh hoa bay xuống biển, cá ăn được sẽ hóa thành rồng. Năm 1826, vua Minh Mạng cho trùng tu cửa ải, xây làm hai cửa. Cửa trước có tấm biển đá khắc dòng chữ Hán Hải Vân quan. Cửa sau cũng có tấm biển đá, khắc dòng chữ Hán Thiên hạ đệ nhất hùng quan.
Phiên âm:(1)
Ải lĩnh xuân vân
Việt Nam xung yếu thử sơn điên
Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên(2)
Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh
Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên
Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết
Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền
Duy nguyện hải phong xuy tác vũ
Chính nghi thiên lý nhuận tang điền
Đạo nhân thư
Dịch thơ:
Mây xuân trên Ải lĩnh
Xung yếu về Nam có núi này
Khác chi đất Thục điệp non xây
Bóng giăng, chỉ thấy ba tầng lớn
Người ở, nào hay mấy đỉnh mây
Mi tóc lạnh, dù không tuyết rụng
Áo xiêm ngâm, dẫu chẳng nguồn vây
Chỉ mong gió bể đem mưa tới
Muôn dặm dâu xanh bát ngát
Đạo nhân viết
Bốn câu đầu của bài thơ này cũng được khắc in trong sách Ðại Nam nhất thống chí, bản in đời Duy Tân (1907 - 1916), nhưng trong các câu phá thừa có khác mấy chữ(3) so với bài thơ viết trên đồ sứ ký kiểu.
Bốn câu đầu của bài thơ Ải Lĩnh xuân vân viết trên chiếc tô sứ ký kiểu đời Minh Mạng
Ngoài ra, bài Ải lĩnh xuân vân còn được viết trên hai chiếc tô sứ ký kiểu khác: một chiếc mang hiệu đề Bính Tuất niên chế, ký kiểu vào năm 1826 đời vua Minh Mạng (1820 - 1841); một chiếc mang hiệu đề Chính Đức niên chế, ký kiểu vào giữa thế kỷ XIX, nhưng chỉ viết bốn câu đầu của bài thơ và không có hình vẽ minh họa.
* Tam Thai thính triều
Bài thơ này cũng viết trên những chiếc tô sứ hiệu đề Thanh ngoạn ký kiểu đời Nguyễn Phúc Chu. Đây là bài thơ vịnh núi Tam Thai, còn có tên là Thủy Sơn, một trong năm hòn núi thuộc Ngũ Hành Sơn ở trấn Quảng Nam xưa, dân gian thường gọi là núi Non Nước. Sách Đại Nam nhất thống chí khi viết về núi này, có đề cập một ngôi chùa ở trên núi, gọi là Tam Thai tự, cảnh sắc rất tráng lệ. Chùa này hiện vẫn tồn tại ở lưng chừng núi và đã được trùng hưng, trở thành một thắng địa của Ngũ Hành Sơn, thu hút đông đảo Phật tử và du khách thập phương đến hành hương, ngoạn cảnh.
Phiên âm:
Tam Thai thính triều
Kỳ tú Tam Thai tủng bích phong
Trung hư ngoại hữu bạch vân phong
Tự lai Việt hải văn xuân lãng
Như tại Phiên Dương(4) thính thạch chung
Bất đoạn phong thanh bôn bạch mã
Hoàn nghi vũ sắc khởi thương long
Dục tầm thanh mộng hà tăng khán
Hưởng triệt nham tiền kỷ thụ tùng
Đạo nhân thư
Dịch thơ:
Nghe sóng Tam Thai
Tam Thai kỳ ảo dựng non xanh
Động vắng ngàn mây trắng phủ quanh
Biển Việt dừng nghe lời sóng vỗ
Thành Phiên dõi ngóng ý chuông ngân
Liên hồi tiếng gió như vó trắng(5)
Từng trận màu mưa tựa vây xanh(6)
Ước tìm giấc mộng lành chưa thấy
Tùng biếc sườn trên mấy khóm xinh
Đạo nhân viết
Bài Tam Thai thính triều còn được viết trên những chiếc tô sứ mang hiệu đề Nhàn tâm lạc sự hay Nhật, là đồ sứ ký kiểu đời vua Minh Mạng.
Chiếc tô sứ ký kiểu vẽ cảnh núi Tam Thai,
minh họa bài thơ Tam Thai thính triều của chúa Nguyễn Phúc Chu
Bài thơ Tam Thai thính triều trên chiếc tô sứ do chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu
Như vậy, cả hai bài thơ Ải lĩnh xuân vân và Tam Thai thính triều của chúa Nguyễn Phúc Chu đều được triều đình Minh Mạng cho viết lại trên những món đồ sứ ký kiểu của vương triều Nguyễn. Điều này cho thấy ngoài việc hâm mộ giá trị văn chương của các thi phẩm này, vua Minh Mạng cũng tán dương các danh thắng Hải Vân và Tam Thai nên mới noi dấu tổ tiên cho tái hiện các danh thắng này trên đồ sứ ký kiểu để thưởng ngoạn.
Trải qua gần ba thế kỷ, những món đồ sứ ký kiểu đề thơ của chúa Nguyễn Phúc ca tụng các danh lam thắng cảnh vùng Thuận - Quảng nói chung, trong đó có Ải lĩnh xuân vân và Tam Thai thính triều, đã trở thành cổ vật quý giá.
Trên hành trình du lịch từ Huế đến Hội An và ngược lại, nhiều du khách mong muốn dừng chân trên đỉnh Hải Vân mờ ảo trong mây hoặc ghé núi Tam Thai vãn cảnh, để nghe sóng triều ru vỗ và chiêm ngẫm những tứ thơ trác tuyệt của vị chúa tài hoa viết về danh thắng xứ Quảng từ 300 năm trước.
TS.Trần Đức Anh Sơn
Chú thích
(1) Đây là những bài thơ “thất ngôn bát cú” (8 câu, 7 chữ), nhưng khi viết trên đồ sứ ký kiểu, mỗi bài thơ được viết thành 10 dòng, gồm 1 dòng là nhan đề bài thơ, 8 dòng nội dung và 1 dòng lạc khoản ở cuối bài thơ ghi ba chữ Hán Đạo nhân thư và được viết theo hàng dọc, từ phải qua trái. Tuy nhiên, để tiện cho việc in ấn, ở đây, chúng tôi trình bày các câu thơ theo hàng ngang, từ trái qua phải và chỉ in phần phiên âm và dịch thơ vì hạn chế font chữ. Nguyên văn chữ Hán xin quý độc giả xem trên ảnh chụp những chiếc tô sứ này.
(2) Thục đạo thiên nghĩa là “đường ngoằn ngoèo ở đất Thục”. Đất Thục xưa ở phía tây Trung Hoa, nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Muốn vào đất Thục phải vượt qua ba cửa ải rất hiểm trở. Chúa Nguyễn Phúc Chu hình thế của Ải Lĩnh trên con đường đi về phương Nam của nước Việt ngoằn ngoèo hiểm trở như con đường đi vào đất Thục của Trung Hoa xưa.
(3) Trong sách Đại Nam nhất thống chí, bản in đời Duy Tân (1907 - 1916) bốn câu đầu của bài thơ được viết như sau (phiên âm): “Việt Nam hiểm ải thử sơn điên. Hình thế hỗn như Thục đạo thiên. Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh. Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên”. Bản dịch sách Đại Nam nhất thống chí do Nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản năm 1992 (Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính), dịch bốn câu này như sau: “Núi này ải hiểm đất Việt Nam. Hình thế hệt như đường vào Thục. Chỉ thấy mây giăng ba đèo dốc. Biết đâu người ở mấy từng mây”.
(4) Phiên Dương là tên một tỉnh thành ở Quảng Đông (Trung Quốc). Trong thành có một chiếc hồ lớn mà khi thủy triều lên nghe âm vọng như tiếng đàn đá.
(5) Chữ trong bài thơ ghi là bạch mã, nghĩa là con ngựa trắng.
(6) Chữ trong bài thơ ghi là thương long, nghĩa là con rồng xanh. Thương là màu xanh thường chỉ sắc cỏ, nhưng cái gì có màu xanh thẫm cũng gọi là thương.