I.Lời mở:
Thời Đinh - tiền Lê tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn so với các thời kỳ trước và sau như Đại La, Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Các loại hình vật liệu kiến trúc thời kỳ này ở khu di tích 18 Hoàng Diệu tìm thấy không nhiều, có thể thời kỳ này kinh đô đã chuyển về cố đô Hoa Lư, nên không có các công trình kiến trúc xây dựng ở vùng đất này nữa.
II.Các mô típ hoa sen trang trí trên đầu ngói ống:
Thời kỳ Đinh - tiền Lê có hai loại hình vật liệu kiến trúc chính là gạch và ngói với những đặc điểm, chức năng riêng biệt.
Những viên ngói ống lợp ở diềm mái gồm hai phần: phần đầu có trang trí hoa văn và phần thân hình ống nửa hình tròn, đầu ngói thường được gắn vuông góc với thân ngói. Phần đầu ngói và thân ngói được tạo bằng kỹ thuật ghép nối. Chất liệu ngói ống lợp diềm mái làm từ đất sét không chọn lọc kỹ, pha cát hạt thô. Đường kính của phần đầu viên ngói lớn hơn phần thân nên phần đầu ngói sau khi ghép nối với thân luôn luôn chờm ra ngoài. Trong lòng đầu ngói trang trí hoa văn hoa sen theo hướng nhìn chính diện, xòe nở hình tròn, các cánh hoa tròn tỏa đều xung quanh. Bông sen thường có các cánh đặc, mập mạp, nổi cao, đầu cánh nhọn, mềm mại. Đài sen là vòng tròn gờ nổi trong có 1 nhũ đinh tròn to, nổi cao hoặc các nhũ đinh tròn nhỏ. Hoa sen thể hiện trên đầu ngói ống gồm các mô típ sau:
- Bông sen có 6 cánh đơn mập, nổi cao, đầu cánh nhọn, đài sen là khung đường tròn gờ nổi, trong có 1 nhũ đinh tròn to (h1).
- Bông sen có 8 cánh đơn mập, nổi cao, đầu cánh nhọn, đài sen là vòng tròn gờ nổi, trong có 5 nhũ đinh tròn (h2).
- Bông sen có 12 cánh kép, 6 cánh chính to mập, nổi cao, 6 cánh phụ xen kẽ 6 cánh chính, đầu cánh nhọn, đài sen là đường tròn gờ nổi, trong có 1 nhũ đinh tròn to (h3).
- Bông sen có 16 cánh kép, 8 cánh chính mập, nổi cao, đầu cánh nhọn, 8 cánh phụ xen kẽ các cánh chính, đài sen là vòng tròn gờ nổi trong có 7 nhũ đinh tròn (h4).
- Bông sen có 16 cánh kép, 8 cánh chính mập nổi cao, đầu cánh nhọn, 8 cánh phụ xen kẽ các cánh chính, đài sen là vòng tròn gờ nổi, trong có 5 nhũ đinh tròn (h5).
- Bông sen có 8 cánh đơn mập, nổi cao, ngăn cách giữa các cánh sen là các đường gờ nổi mảnh, đài sen là khung tròn gờ nổi trong có 5 nhũ đinh tròn to (h6).
- Bông sen có 8 cánh đơn nhỏ, nổi cao, ngăn cách giữa các cánh sen là các đường gờ nổi, đài sen là khung tròn gờ nổi trong có 1 nhũ đinh tròn to (h7).
- Bông sen có 11 cánh đơn nhỏ, nổi cao, ngăn cách giữa các cánh sen là các đường gờ nổi, đài sen là vòng tròn gờ nổi trong có 7 nhũ đinh tròn. Bao quanh bông sen là vòng tròn các nhũ đinh nhỏ (h8).
- Bông sen có 8 cánh đặc nổi cao, rìa các cánh hoa khoét lõm sâu, đài sen là vòng tròn gờ nổi trong có các nhũ đinh nhỏ (h9).
III. Nhận xét:
- Về chất liệu: Đất sét thô pha cát hạt to, màu đỏ nhạt là màu chủ đạo.
- Về kỹ thuật: Ngói được tạo dáng trên khuôn định hình. Các đường diềm, rìa cạnh được tu chỉnh, cắt gọt trước khi nung. Trên ngói dấu vết khuôn in còn để lại rõ nét, lòng của đầu ngói có dấu vết vải lót khuôn in.
- Về hoa văn trang trí: Hoa văn trang trí trên đầu ngói ống có duy nhất một đề tài bông sen theo hướng nhìn trực diện. Đó những bông sen với các cánh nổi cao, to, thô, có bông sen cánh đơn, bông sen cánh kép khác với hoa sen trang trí trên đầu ngói ống thời Lý - nhỏ nhắn và tinh xảo hơn.
- Về chức năng: Các loại ngói có chức năng tạo nên bộ mái của kiến trúc. Những viên ngói ống lợp diềm mái với mô típ trang trí hoa sen là những viên ngói đỡ ở hàng cuối cùng trong mái đã tạo nên những nét đẹp của bộ mái kiến trúc.
- Nhận xét chung: Với một số hiện vật không nhiều và không có sự phong phú đa dạng về loại hình và kiểu dáng, các mô típ hoa văn trang trí chứng tỏ tại khu di tích này sau thời Đại La, đến thời Đinh - tiền Lê không có những công trình kiến trúc quy mô lớn mà thời kỳ này các công trình xây dựng đều tập trung chủ yếu ở kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình).
TS.Bùi Thị Thu Phương (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội)