Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/08/2018 10:31 21249
Điểm: 3/5 (9 đánh giá)
Ngay từ đầu TK 20 những cổ vật đầu tiên của văn hóa Óc Eo đã được phát hiện trên cánh đồng Óc Eo- Ba Thê thuộc xã Vọng Thê - huyện Thoại Sơn - tỉnh An Giang. Do sự phong phú cuả loại hình, sự độc đáo của chất liệu và vẻ đẹp rực rỡ của mỹ thuật chế tác nên ngay từ lúc bấy giờ, các di vật của văn hóa Óc Eo đã lôi cuốn sự chú ý của nhiều học giả nổi tiếng người Pháp như: G.Coedès, L.Malleret, H.Parmentier…Tuy nhiên công cuộc nghiên cứu văn hóa này chỉ thực sự bắt đầu bằng cuộc khai quật của L.Malleret tại di tích Óc Eo vào năm 1944 và những năm sau đó. L.Malleret đã công bố kết qủa khám phá và nghiên cứu của mình trong bộ sách có nhan đề “Khảo cổ học ở đồng bằng sông Cửu Long” (L Archeologie du delta du Mekong) lần lượt xuất bản từ 1959- 1964. Công trình này được coi là thành tựu Khảo cổ học chủ yếu về Văn hóa Óc Eo cho đến trước năm 1975.

Ngay từ đầu TK 20 những cổ vật đầu tiên của văn hóa Óc Eo đã được phát hiện trên cánh đồng Óc Eo- Ba Thê thuộc xã Vọng Thê - huyện Thoại Sơn - tỉnh An Giang. Do sự phong phú cuả loại hình, sự độc đáo của chất liệu và vẻ đẹp rực rỡ của mỹ thuật chế tác nên ngay từ lúc bấy giờ, các di vật của văn hóa Óc Eo đã lôi cuốn sự chú ý của nhiều học giả nổi tiếng người Pháp như: G.Coedès, L.Malleret, H.Parmentier…Tuy nhiên công cuộc nghiên cứu văn hóa này chỉ thực sự bắt đầu bằng cuộc khai quật của L.Malleret tại di tích Óc Eo vào năm 1944 và những năm sau đó. L.Malleret đã công bố kết qủa khám phá và nghiên cứu của mình trong bộ sách có nhan đề “Khảo cổ học ở đồng bằng sông Cửu Long” (L Archeologie du delta du Mekong) lần lượt xuất bản từ 1959- 1964. Công trình này được coi là thành tựu Khảo cổ học chủ yếu về Văn hóa Óc Eo cho đến trước năm 1975.

Theo L.Malleret, nền văn hóa này có phạm vi phân bố chủ yếu ở vùng trũng miền Tây sông Hậu gồm điạ bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu… và một phần đất Đông Nam Campuchia. Các di tích cuả nền văn hóa này có quy mô khá lớn, trong đó có hai thị trấn Trăm Phố và Óc Eo. Riêng Óc Eo có diện tích rộng tới 450 ha, là một đô thị mang đặc điểm cuả một thành phố ven biển với tiền cảng Tà Keo (Cạnh Đền) cách đấy 15km. Xã hội Óc Eo là một xã hội phát triển nhiều ngành nghề thủ công như nghề gốm, nghề luyện đồng, luyện sắt, luyện thiếc, nghề kim hoàn. Đặc biệt nông nghiệp và thương nghiệp lúc này đã khá phát triển với một loạt chứng cứ như những công trình thuỷ lợi cổ, kênh rạch vừa tưới tiêu vừa là đường giao thông, sản phẩm thủ công thể hiện sự chuyên hoá, những đồng tiền bằng vàng, bạc, thiếc còn nguyên hay cắt làm tư làm tám, các loại trang sức, con dấu bằng đá quý, thuỷ tinh, nhiều sản phẩm có nguồn gốc ngoại nhập. Nền văn hoá này còn để lại nhiều kiến trúc khác nhau như vết tích nhà sàn, những kiến trúc đồ sộ bằng gạch đá lẫn lộn thể hiện trình độ cao trong kỹ thuật xây dựng. Nghệ thuật tạc tượng điêu luyện gồm hai nhóm tượng Ấn Độ giáo và Phật giáo. Ngoài ra còn tìm thấy chữ viết trên các con dấu, mặt nhẫn, bia đá… đó là dạng chữ Phạn (Brami ) thế kỷ V thời kỳ Gúpta của Ấn Độ cổ đại. L.Malleret cho rằng nền văn hóa này là sản phẩm của một nhà nước cổ đại tồn tại từ thế kỷ II đến thế kỷ VI ở Đông Nam Á, từng được sử Trung Quốc ghi chép nhiều lần, đó là Vương quốc Phù Nam.

Nhẫn vàng, chạm khắc chữ Phạn – đặc trưng của văn hóa Óc Eo (BTLSQG)

Tượng thần Visnu, đá, thế kỷ 7 – 9 – văn hóa Óc Eo (BTLSQG)

Tính chất cảng thị thể hiện qua vị trí địa lý của thành thị Óc Eo và các di vật có nguồn gốc từ Ấn Độ, Điạ Trung Hải, Trung Đông, Trung Hoa làm cho văn hóa Óc Eo mang đậm yếu tố “ngoại sinh”, được những nhà nghiên cứu trước đây coi là nguyên nhân chủ yếu của sự phát triển văn hóa này.

Từ sau năm 1975, nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và các văn hóa cổ ở đồng bằng sông Cửu Long là một nhiệm vụ trọng yếu của khảo cổ học Việt Nam.Những phát hiện mới đã làm cho số lượng di tích và di vật tăng gấp nhiều lần trước đây. Diện mạo văn hoá Óc Eo ngày càng rõ nét, nhất là tính chất và truyền thống phát triển cuả nó trong khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên và trong không gian từ lưu vực sông Hậu, sông Tiền đến lưu vực Vàm Cỏ - Đồng Nai. Cư dân văn hóa Óc Eo cư trú trên những tiểu vùng sinh thái khác nhau nên có những đặc điểm khác nhau về lối sống, thể hiện trên các di tích và di vật khảo cổ học. Đó là các tiểu vùng: tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, ven biển Tây Nam (vùng Bạc Liêu- Cà Mau), hạ lưu sông Tiền, Đông Nam bộ và khu vực rừng ngập mặn ven biển Đông Nam bộ. Điạ bàn sinh tụ cuả cư dân văn hóa Óc Eo rất rộng lớn nhưng họ đã thích ứng được với mọi hoàn cảnh, tạo lập cuộc sống ổn định và phát triển nền văn hoá đặc sắc cuả mình. Các cuộc khai quật quan trọng là tại các di tích Nền Chùa (Kiên Giang), Óc Eo (An Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp), Đá Nổi (An Giang), Cây Gáo (Đồng Nai), Lưu Cừ (Trà Vinh), Bình Tả - Gò Xoài (Long An), Gò Thành (Tiền Giang), Phụng Sơn Tự-Chùa Gò (TP.HCM)… Đây cũng là những Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia được bảo tồn và tôn tạo thành những bảo tàng ngoài trời phục vụ cho nghiên cứu, học tập và du lịch. Di tích kiến trúc trong văn hóa Óc Eo gồm di tích cư trú, kiến trúc đền tháp và mộ táng. Vật liệu xây dựng gồm gỗ, gạch, đá: dấu tích các cọc nhà sàn và một số cấu kiện trang trí hoa văn, phế tích hay nền móng đền tháp thờ hoặc đền tháp-mộ táng. Gỗ và đá là nguyên vật liệu cư dân bản điạ quen dùng từ thời tiền sử còn gạch là vật liệu mới do tiếp thu kỹ thuật cuả Ấn Độ từ đầu Công nguyên. Vật liệu đá có kích thước rất lớn, tham gia vào các công trình là bộ phận cuả kiến trúc chứ không chỉ là các chi tiết trang trí, được lắp ghép - kết nối bằng kỹ thuật chốt mộng. Hầu hết phế tích cho biết đây là đền tháp theo kiểu Ấn Độ có bình đồ hình vuông, nền móng dày đến hơn 1m xây bằng gạch, đất sét và đá sỏi để có thể chịu lực của công trình đồ sộ bên trên. Đặc biệt, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được loại hình mộ táng mà trước đây các học giả Pháp chưa biết đến. Đó là các huyệt mộ hình vuông, hình chữ nhật hay hình phễu, bên trên ốp gạch hay lát đá tạo thành bề mặt khá bằng phẳng. Trong các huyệt mộ có cát trắng lẫn nhiều hiện vật quý giá như các mảnh vàng chạm khắc những biểu tượng cuả Bàlamôn hay Phật giáo, đồ trang sức, một số đồ tuỳ táng khác.

Việc phát hiện và khai quật những di chỉ có niên đại sớm hơn văn hóa Óc Eo như Gò Cây Tung (An Giang ), Gò Cao Su, Gò Ô Chùa ( Long An), Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt ( Cần Giờ- TP.HCM ) đã mang lại “ điều lý thú và cực kỳ quan trọng là từ những di tích tiền Óc Eo này, chúng ta đã nhận ra những mầm mống cuả văn hóa Oc Eo, nghiã là những yếu tố sơ khai mà sau này phổ biến và định hình trong văn hóa Óc Eo”.

Bếp gốm (cà ràng) minh khí trong mộ chum ở di chỉ Giồng Cá Vồ

Chai và bình gốm ở di chỉ Giồng Lớn – Bà Rịa Vũng Tàu

Các khám phá mới về giai đoạn “tiền Óc Eo” ở Nam bộ ngày càng làm rõ hơn nguồn gốc bản địa cuả văn hóa này, đồng thời cũng cho thấy yếu tố văn hóa Ấn Độ đã xuất hiện ngay từ giai đoạn tiền sử ở đây. Vì vậy ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ đến văn hoá Óc Eo từ đầu Công nguyên trở về sau chỉ là sự tăng cường các ảnh hưởng đã có từ trước đó. Hàng ngàn hiện vật nguyên vẹn làm bằng các chất liệu như vàng, bạc, đồng, thiếc, chì, thuỷ tinh, đá, gỗ, gốm và hàng trăm ngàn mảnh hiện vật đang được bảo quản và trưng bày tại bảo tàng các tỉnh Nam bộ là nguồn tài liệu chủ yếu giúp các nhà khoa học nghiên cứu về nhiều mặt đời sống cư dân văn hóa Óc Eo. Nổi bật là các loại đồ trang sức, tượng thờ và đồ gốm gia dụng. Đây cũng là sản phẩm của các nghề thủ công phát triển cao, đa dạng và tinh xảo. Nhiều di chỉ - xưởng chế tạo đồ gốm, đồ trang sức được tìm thấy ở khu di tích lớn như Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa, Cạnh Đền, Gò Tháp, Gò Hàng…

Gốm, nồi gốm ở di chỉ Gò Ô Chùa - Long An

Hiện vật bằng vàng có nhiều kiểu dáng như nhẫn, bông tai, hạt chuỗi, các lá vàng chạm khắc chế tác bằng nhiều kỹ thuật khác nhau mà đặc sắc nhất là kỹ thuật khắc miết tạo ra hình và chữ trên lá vàng. Đồ trang sức bằng đá ngọc, mã não, thạch anh, thuỷ tinh với nhiều màu sắc, nhiều kích cỡ, nhiều hình dáng. Đặc biệt là những con dấu, mặt nhẫn khắc hình người, động vật, khắc chữ Phạn cổ và các loại tiền vàng, bạc, hợp kim thiếc. Sản phẩm từ kim loại màu phổ biến hợp kim thiếc - đến mức nhiều người coi văn hóa Óc Eo là “văn hóa đồ thiếc”. Nếu kỹ thuật sản xuất thuỷ tinh, vàng, nguyên liệu và sản phẩm mã não được người Óc Eo tiếp thu từ Ấn Độ thì có thể cho rằng, nguyên liệu và kỹ thuật sản xuất đồ thiếc tại Óc Eo là đến từ bán đảo Malaixia - khu vực có trữ lượng thiếc vào loại nhiều lớn thế giới và nghề truyền thống chế tạo đồ thiếc còn nổi tiếng đến ngày nay. Bán đảo Malaixia cũng là một trong những trung tâm quan trọng cuả Vương quốc cổ Phù Nam, tương tự trung tâm Óc Eo - Ba Thê - Cạnh Đền ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trang sức vàng ở di chỉ Giồng Lớn – Bà Rịa Vũng Tàu

Trang sức trong mộ chum ở di chỉ Cần Giờ

Tượng thờ Bàlamôn và Phật giáo bằng đá và bằng gỗ, một số ít bằng đồng, được tìm thấy trong nhiều di tích và rải rác trên khắp vùng Nam bộ cả miền Tây và miền Đông. Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất cuả nghệ thuật điêu khắc Hindu giáo và Phật giáo ở đây là từ TK 5 đến TK7. Sự đa dạng về loại hình và hình thức thể hiện đã phản ánh sự phức tạp và đan xen của các nguồn gốc ảnh hưởng trong đó chủ yếu là nghệ thuật Ấn Độ, đồng thời vẫn thể hiện rõ xu hướng hiện thực - bản điạ hóa các hình tượng tôn giáo Ấn Độ. Về loại hình không phải chỉ có tượng và biểu tượng thần phật mà còn có nhiều hình tượng linh thú, thần thoại trong điện thờ Ấn Độ giáo và Phật giáo. Đặc biệt trong văn hóa Óc Eo có những pho tượng Phật bằng gỗ khá lớn và độc đáo như sưu tập tượng gỗ ở di tích Gò Tháp. Truyền thống nghệ thuật tượng cổ ở Nam bộ còn được duy trì và phát triển trong giai đoạn sau, từ TK 8 trở đi mà nhiều nhà nghiên cứu tạm gọi là “giai đoạn hậu Óc Eo”. Nghệ thuật Phật giáo và Ấn Độ giáo đến đồng bằng sông Cửu Long thông qua giao lưu trao đổi các vật phẩm chủ yếu bằng đường biển, chúng góp phần làm giàu thêm văn hóa bản điạ và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự hình thành, phát triển các trung tâm tôn giáo- văn hóa- kinh tế- chính trị lớn ở vùng đất này trong những TK đầu Công nguyên.Đồ gốm có mặt trong hầu hết các di tích khảo cổ và là loại hình hiện vật thể hiện truyền thống bản địa nhất. Sản phẩm gồm các loại bình, hũ, nồi, nắp, bát, cốc, chai… Đặc biệt là loại bếp lò làm bằng gốm (“cà ràng” theo cách gọi của người Khmer hiện nay ở đồng bằng sông Cưủ Long). Đây là vật dụng quen thuộc và rất cần thiết cuả cư dân sống ở vùng ven biển và sông rạch, trên nhà sàn hay trên ghe xuồng. Bếp lò gốm đã xuất hiện trong các di tích cư trú và cả trong mộ táng (với chức năng là đồ tuỳ táng) từ thời tiền sử trước đó ở lưu vực sông Vàm Cỏ - Đồng Nai và đến văn hóa Óc Eo đã trở thành di vật đặc trưng của văn hóa này. Hiện nay bếp lò gốm phổ biến ở nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á. Ngoài đồ gốm gia dụng, vật liệu xây dựng bằng đất nung như gạch ngói, phù điêu trang trí cũng là di vật chủ yếu trong các di tích kiến trúc đền tháp cuả văn hóa Óc Eo.Căn cứ vào sử liệu ghi chép về quốc gia cổ Phù Nam, vào tài liệu cổ văn tự trên các tấm bia đá, mảnh vàng, căn cứ vào đặc điểm của hiện vật, của nghệ thuật điêu khắc và nhất là vào kết quả các mẫu niên đại C14 của các di tích khảo cổ, các nhà khoa học đã định niên đại cho nền văn hóa Óc Eo từ TK I đến TK VII. Giai đoạn “hậu Óc Eo” từ thế kỷ VIII đến khoảng thế kỷ X – XII, truyền thống văn hoá Óc Eo vẫn được cư dân cổ nơi đây bảo lưu và có sự phát triển nhất định trong hoàn cảnh lịch sử – xã hội có nhiều biến đổi.

Sau hàng ngàn năm bị hoang phế bởi thiên nhiên (lũ lụt, sự bồi lấp cuả phù sa), bởi những nguyên nhân xã hội như chiến tranh, sự phá hoại vô thức cuả con người, dấu tích văn hoá Óc Eo chỉ còn là những phế tích và “các mảnh vụn” của nghệ thuật, kỹ thuật chế tạo sản phẩm phục vụ mọi mặt đời sống xã hội. Việc sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu và bảo tồn di tích - di vật văn hóa Óc Eo sẽ góp phần làm sáng tỏ quá trình khai phá, mở mang và phát triển vùng đất Nam bộ một cách xác thực nhất. Nội hàm của Văn hóa Óc Eo chứa đựng những giá trị lớn về vật chất và tinh thần, có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ngày nay ở Nam bộ- một vùng đất giàu tiềm năng.

TS.Nguyễn Thị Hậu

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Văn hóa Óc Eo và các văn hóa cổ ở đồng bằng sông Cửu Long. Sở Văn hóa Thông tin An Giang. Long Xuyên, 1984.

2.Văn hoá Óc Eo những khám phá mới. Lê Xuân Diệm - Đào Linh Côn - Võ Sĩ Khải. NXB Khoa học xã hội, 1995.

3.Văn hoá đồng bằng Nam bộ (di tích kiến trúc cổ). Võ Sĩ Khải. NXB Khoa học xã hội, 2003.

4.Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cưủ Long trước TK10. Lê Thị Liên. Luận án TS Lịch sử.Viện Khảo cổ học, 2003.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4207

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Nghệ thuật Đông Sơn

Nghệ thuật Đông Sơn

  • 06/08/2018 10:22
  • 7951

Văn hoá Đông Sơn được phát hiện và nghiên cứu kể từ năm 1924, cho đến nay đã trải qua hơn 90 năm. Nhiều bảo tàng lớn ở Việt Nam, có sưu tập hiện vật phong phú thuộc văn hoá Đông Sơn, đặc biệt là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Văn hoá Đông Sơn là đỉnh cao của thời đại đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt ở Việt Nam. Đây chính là thời đại người Việt đã hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và công nghệ chế tạo đồng thau. Họ đã tạo ra bộ công cụ, vũ khí, đồ trang sức, nhạc cụ vô cùng độc đáo và tinh xảo. Thành tựu vĩ đại đó đã làm nên bức tranh hoành tráng của nghệ thuật Đông Sơn. Nhưng nghệ thuật Đông Sơn, trước hết là biểu hiện qua chất liệu gốm trải qua chặng đường phát triển từ giai đoạn Phùng Nguyên đến Đông Sơn, đồ gốm đã được người Việt sáng tạo ra các nhóm đồ đựng, đồ đun nấu như nồi, chõ, vò, bình, chậu, và nhiều biến thể khác nhau. Nhóm đồ dùng ăn uống như mâm bồng, bát, chén, cốc... và đặc biệt có loại "chạc gốm" với kiểu dáng thể hiện và kích thước khác nhau mà công dụng của chúng, đến nay còn chưa dứt luận bàn. Nhưng đáng lưu ý hơn là nhiều loại hoa văn được thể hiện trên đồ gốm. Từ những hình răng cưa, răng lược, chấm dải đơn giản cho đến các loại văn chữ S, vòng tròn tiếp tuyến, khuông nhạc, phức tạp... với rất nhiều biến thể, muôn vẻ muôn hình. Giáo sư Hà Văn Tấn đã rất thành công trong việc khảo cứu về "Người Phùng Nguyên và đối xứng". Tư duy đối xứng, có lẽ là một đặc trưng của người Việt cổ đã hình thành từ rất sớm và rồi tất cả vốn liếng thành quả của nghệ thuật gốm đã nhanh chóng chuyển giao cho nghệ thuật đồ đồng.