Thứ Tư, 18/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/08/2018 10:22 8021
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Văn hoá Đông Sơn được phát hiện và nghiên cứu kể từ năm 1924, cho đến nay đã trải qua hơn 90 năm. Nhiều bảo tàng lớn ở Việt Nam, có sưu tập hiện vật phong phú thuộc văn hoá Đông Sơn, đặc biệt là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Văn hoá Đông Sơn là đỉnh cao của thời đại đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt ở Việt Nam. Đây chính là thời đại người Việt đã hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và công nghệ chế tạo đồng thau. Họ đã tạo ra bộ công cụ, vũ khí, đồ trang sức, nhạc cụ vô cùng độc đáo và tinh xảo. Thành tựu vĩ đại đó đã làm nên bức tranh hoành tráng của nghệ thuật Đông Sơn. Nhưng nghệ thuật Đông Sơn, trước hết là biểu hiện qua chất liệu gốm trải qua chặng đường phát triển từ giai đoạn Phùng Nguyên đến Đông Sơn, đồ gốm đã được người Việt sáng tạo ra các nhóm đồ đựng, đồ đun nấu như nồi, chõ, vò, bình, chậu, và nhiều biến thể khác nhau. Nhóm đồ dùng ăn uống như mâm bồng, bát, chén, cốc... và đặc biệt có loại "chạc gốm" với kiểu dáng thể hiện và kích thước khác nhau mà công dụng của chúng, đến nay còn chưa dứt luận bàn. Nhưng đáng lưu ý hơn là nhiều loại hoa văn được thể hiện trên đồ gốm. Từ những hình răng cưa, răng lược, chấm dải đơn giản cho đến các loại văn chữ S, vòng tròn tiếp tuyến, khuông nhạc, phức tạp... với rất nhiều biến thể, muôn vẻ muôn hình. Giáo sư Hà Văn Tấn đã rất thành công trong việc khảo cứu về "Người Phùng Nguyên và đối xứng". Tư duy đối xứng, có lẽ là một đặc trưng của người Việt cổ đã hình thành từ rất sớm và rồi tất cả vốn liếng thành quả của nghệ thuật gốm đã nhanh chóng chuyển giao cho nghệ thuật đồ đồng.

Văn hoá Đông Sơn được phát hiện và nghiên cứu kể từ năm 1924, cho đến nay đã trải qua hơn 90 năm. Nhiều bảo tàng lớn ở Việt Nam, có sưu tập hiện vật phong phú thuộc văn hoá Đông Sơn, đặc biệt là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Văn hoá Đông Sơn là đỉnh cao của thời đại đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt ở Việt Nam. Đây chính là thời đại người Việt đã hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và công nghệ chế tạo đồng thau. Họ đã tạo ra bộ công cụ, vũ khí, đồ trang sức, nhạc cụ vô cùng độc đáo và tinh xảo. Thành tựu vĩ đại đó đã làm nên bức tranh hoành tráng của nghệ thuật Đông Sơn. Nhưng nghệ thuật Đông Sơn, trước hết là biểu hiện qua chất liệu gốm trải qua chặng đường phát triển từ giai đoạn Phùng Nguyên đến Đông Sơn, đồ gốm đã được người Việt sáng tạo ra các nhóm đồ đựng, đồ đun nấu như nồi, chõ, vò, bình, chậu, và nhiều biến thể khác nhau. Nhóm đồ dùng ăn uống như mâm bồng, bát, chén, cốc... và đặc biệt có loại "chạc gốm" với kiểu dáng thể hiện và kích thước khác nhau mà công dụng của chúng, đến nay còn chưa dứt luận bàn. Nhưng đáng lưu ý hơn là nhiều loại hoa văn được thể hiện trên đồ gốm. Từ những hình răng cưa, răng lược, chấm dải đơn giản cho đến các loại văn chữ S, vòng tròn tiếp tuyến, khuông nhạc, phức tạp... với rất nhiều biến thể, muôn vẻ muôn hình. Giáo sư Hà Văn Tấn đã rất thành công trong việc khảo cứu về "Người Phùng Nguyên và đối xứng". Tư duy đối xứng, có lẽ là một đặc trưng của người Việt cổ đã hình thành từ rất sớm và rồi tất cả vốn liếng thành quả của nghệ thuật gốm đã nhanh chóng chuyển giao cho nghệ thuật đồ đồng.

Kết quả nghiên cứu đồ đồng Đông Sơn đã được trình bày trong một số bảo tàng Việt Nam cũng như trong nhiều cuốn sách và luận văn tiến sĩ. Từ công cụ, vũ khí, dụng cụ sinh hoạt, cho đến nhạc khí, tượng nghệ thuật Đông Sơn có thể xem là bức tranh toàn cảnh về đời sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đề tài trang trí trên đồ đồng Đông Sơn mà đỉnh cao là trống đồng với các đại diện tiêu biểu như Ngọc Lũ, Sông Đà, Hoàng Hạ, Cổ Loa đã phản ánh trình độ đúc đồng tuyệt vời của cư dân Việt cổ. Các loại hoa văn kể từ vòng tròn tiếp tuyến, vạch thẳng song song, hình răng cưa cho đến hình thuyền, hình người hoá trang lông chim đã được thể hiện trên rất nhiều chủng loại: trống đồng, thạp đồng, thố đồng, rìu đồng, khoá thắt lưng, tấm che ngực... điều đó cũng lý giải tính thống nhất của nghệ thuật Đông Sơn. Trong nhiều chủng loại đồ đồng thau chúng ta đều thấy lấp lánh những điểm sáng kỳ diệu. Bộ vũ khí Đông Sơn không chỉ gây những ấn tượng mãnh liệt về ngọn giáo thời dựng nước đầu tiên, mà còn có những lưỡi rìu chiến với hoa văn hình người hoá trang, cảnh đi săn; những dao găm có cán hình người đeo trang sức trên đôi tai và vòng cổ tay; những tấm che ngực (hộ tâm phiến) hình vuông hay chữ nhật phủ kín mặt ngoài hoa văn những hình người đội mũ lông chim, những cặp thú đuôi dài, chéo nhau, xen những băng vòng tròn tiếp tuyến. (Chẳng hạn: hộ tâm phiến đào được ở Phú Xuyên - Hà Tây dài 22,5cm, rộng 8,6cm).

Rìu đồng, văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay ( Hiện vật BTLSQG)

Hộ tâm phiến (giáp che ngực) - đồng, văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay

( Hiện vật BTLSQG)

Thạp, thố, bình, âu... là những loại thường dùng trong sinh hoạt. Cho đến nay, thống kê chưa đầy đủ đã có gần 90 chiếc thạp được phát hiện. Trong số đó, chiếc thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái) được xem là chiếc có kích thước và hoa văn đẹp nhất. Thạp có nắp cao 81cm, đường kính chỗ lớn nhất tới 70cm. Trên nắp thạp có 4 cặp tượng nam nữ giao cấu, khoảng cách đều nhau. Thân thạp có tất cả 25 băng văn hình học bao lấy 6 hình thuyền - thể thức tương tự hình thuyền trên trống đồng. Hình thuyền và hình người trên thuyền biến cách phong phú mà không trùng lặp. Những hình người hoá trang, tay khiên, tay giáo, những hình chim bay hướng lên trời, những hình cá sấu quanh thuyền... càng làm sinh động cho đề tài trang trí.

Thạp Đào Thịnh - đồng, văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay (Hiện vật BTLSQG)

Trong các loại nhạc cụ nổi bật nhất là trống, chuông, lục lạc. Ngoài ra còn có các nhạc cụ khác như khèn, chiêng, cồng... có thể quan sát trong phần trang trí trên trống, thạp hay tượng nhỏ. Trống đồng Đông Sơn - loại hình đặc sắc nhất, chẳng những thể hiện kỹ thuật, mỹ thuật tuyệt hảo mà còn là biểu tượng của quyền uy, góp mặt quan trọng trong đời sống tâm linh Việt cổ. Đã có rất nhiều sách vở ngợi ca về trống đồng Đông Sơn nhưng có thể cần nhận rõ tính "độc bản"của nó. Bởi vì, trống đồng được đúc bằng khuôn phá và vì vậy, ngày nay chúng ta không thể gặp những trống đồng giống hệt nhau. Hơn nữa, một nét đặc thù khác cần phải nói tới là loại trống đồng minh khí, được đúc phỏng theo kiểu dáng và hoa văn trống Đông Sơn. Và, đến nay, cũng chỉ có duy nhất loại trống minh khí Đông Sơn, không hề có loại minh khí của các kiểu trống khác. Chuông đồng Đông Sơn có loại to và nhỏ, khá đa dạng. Nhỏ nhất là loại lục lạc được đính vào vòng cổ, vòng tay, cán muôi và cả khoá thắt lưng nữa. Những vòng ống, vòng tay đính nhiều lục lạc gợi ra hình ảnh về "những bước đi có nhạc" đã xuất hiện cách ngày nay trên dưới 2000 năm.

Vòng gắn lục lạc - đồng, văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay

( Hiện vật BTLSQG)

Nghệ thuật Đông Sơn - đáng kể hơn nữa là những hình tượng con người với các cặp như pho tượng 2 người cõng nhau nhảy múa, chỉ cao 8,8 cm tìm được ở chính Đông Sơn; hình tượng người thổi khèn, tóc búi sau gáy, thể hiện trên cán muôi đồng tìm thấy ở mộ Việt Khê, dài 17,8 cm...

Muôi đồng trang trí hình người thổi kèn, văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay

( Hiện vật BTLSQG)

Nghệ thuật Đông Sơn đã phát triển và khẳng định một đỉnh cao trong tiến trình lịch sử dân tộc. Ở buổi đầu dựng nước, cách ngày nay trên 2000 năm. Sau ngót cả ngàn năm Bắc thuộc, những tín hiệu của nghệ thuật Đông Sơn chúng ta vẫn còn thấy phát quang, toả sáng mãi trong nghệ thuật thời Lý - Trần.

TS.Nguyễn Đình Chiến

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4232

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Những cây đèn thời cuối Nguyễn bảo lưu truyền thống và giá trị biểu tượng

Những cây đèn thời cuối Nguyễn bảo lưu truyền thống và giá trị biểu tượng

  • 30/07/2018 10:08
  • 2512

Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, phần trưng bày lịch sử giai đoạn cuối triều Nguyễn, có một sưu tập đèn kim loại hoành tráng, gây ấn tượng đối với người xem qua một không gianlung linh, huyền ảo với ánh sáng mờ tỏ, được tạo nên từ ý tưởng của người trưng bày. Dẫukhông quá cầu kỳ, tốn kém thì tự thân những cây đèn đã khiến người chiêm ngắm có cảm giác trên, dẫu rằng, chúng chưa được thắp sáng bằng chính những đĩa đèn gắn trên đó với ýtưởng vốn có mà chúng được sản sinh ra từ người xưa.