Thứ Ba, 08/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/07/2018 10:08 5071
Điểm: 4/5 (1 đánh giá)
Từ thời Jomon (10.000 - 300 trước Công nguyên), người Nhật đã biết làm đồ gốm. Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ XVII, thì gốm sứ Nhật Bản mới được thế giới bên ngoài biết đến. Theo sử sách, kỹ nghệ chế tác đồ sứ tráng men ở Nhật Bản do một người Triều Tiên tên là Li Sampei khởi xướng. Li Sampei là tù binh trong cuộc chiến tranh Nhật - Triều (1592 - 1598), bị bắt đưa về vùng Arita. Tại đây, Li Sampei đã tìm ra nguồn đất sét trắng và đã thử nghiệm thành công việc chế tác gốm sứ từ nguồn đất sét này vào năm 1610.

Từ thời Jomon (10.000 - 300 trước Công nguyên), người Nhật đã biết làm đồ gốm. Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ XVII, thì gốm sứ Nhật Bản mới được thế giới bên ngoài biết đến. Theo sử sách, kỹ nghệ chế tác đồ sứ tráng men ở Nhật Bản do một người Triều Tiên tên là Li Sampei khởi xướng. Li Sampei là tù binh trong cuộc chiến tranh Nhật - Triều (1592 - 1598), bị bắt đưa về vùng Arita. Tại đây, Li Sampei đã tìm ra nguồn đất sét trắng và đã thử nghiệm thành công việc chế tác gốm sứ từ nguồn đất sét này vào năm 1610.

Chóe bát giác, đồ Imari, thế kỷ XVIII, trang trí phụng hoàng - hoa mộc

Đĩa hình bông hoa, đồ Imari, thế kỷ XVIII, trang trí bát bửu

Sau này, đất sét chất lượng cao cũng được tìm thấy gần một bến tàu ở Izumiyama trong thung lũng Arita. Từ đó, đồ gốm sứ bắt đầu được sản xuất với số lượng lớn ở Nhật Bản. Đến năm 1637, do sản xuất gốm sứ phát triển nhanh khiến nhiều cây rừng ở vùng Saga đã bị chặt phá để làm củi đốt lò. Vì thế, Nabeshima, một lãnh chúa địa phương đã ra lệnh đóng cửa 11 lò làm đồ gốm, sát nhập thành 13 lò chuyên làm đồ sứ, tập trung ở vùng Arita (trên đảo Kyushu, phía tây Nhật Bản). Từ đây, Nhật Bản tập trung sản xuất đồ sứ, đặc biệt là đồ sứ màu, mà người Nhật gọi là bằng nhiều cái tên như: Iroemono, Iroekotō hay Iroejiki. Kể từ đây, kỹ nghệ chế tác gốm sứ của Nhật Bản đã có những phát triển vượt bậc, đặc biệt là các dòng đồ sứ màu, người Nhật gọi là Iroemono, Iroekotou hay Iroejiki. Đồ sứ màu Nhật Bản có bốn dòng sản phẩm lừng danh là: Kakiemon, Imari, Kutani Nabeshima.

Kakiemon lấy từ tên của Sakaida Kakiemon (1596 - 1666), biệt danh của một người thợ làm gốm tên là Kizoemon ở Arita. Có một giai thoại kể rằng, vào một buổi chiều, Kizoemon nhìn lên những quả hồng (kaki) trong vườn dưới ánh tà dương và nghĩ rằng thật tuyệt vời làm sao nếu có thể tái hiện được sắc màu này các món đồ gốm của mình. Cuối cùng, sau một quá trình nghiên cứu đến kiệt sức, Kizoemon đã thành công trong việc thực hiện khao khát này. Do đó ông tự gọi mình là “Kakiemon”, nghĩa là “đằng sau màu sắc đẹp đẽ của quả hồng”. Một câu chuyện khác được lưu truyền trong dòng họ Sakaida thì cho rằng, Kizoemon được một ông hoàng của gia tộc Nabeshima đề nghị thể hiện hình ảnh trái hồng lên trên một món đồ sứ. Và Kizoemon, với tất cả sự khéo léo đã làm điều này khiến hình ảnh trái hồng trên món đồ sứ trông giống như thật. Và như một sự tưởng thưởng, ông hoàng này đã ban cho người thợ gốm Sakaida Kizoemon cái tên “Kakiemon”. Đó là lý do tại sao Sakaida Kizoemon và con cháu ông sau này đều mang tên Kakiemon. Lò sứ Kakiemon tồn tại và phát triển qua 12 thế hệ, kể từ khi ông tổ Sakaida Kakiemon thành công trong việc tạo ra dòng đồ sứ vẽ màu đỏ (Akaemono) đầu tiên ở Nhật Bản cho đến khi kết thúc thời kỳ Kan’ei (1624 - 1643).

Tượng gà, đồ Imari, thế kỷ XVIII

Đồ sứ Kakiemon thường sử dụng các màu: đỏ, xanh lục, xanh dương, vàng, đen, tím, vàng và bạc bằng sự kết hợp khéo léo và sắc sảo, tạo nên vẻ đẹp duyên dáng và tao nhã cho sản phẩm. Đặc biệt, đồ sứ Kakiemon nổi danh với dòng đồ men đỏ (Akaemono), vẽ rồng phượng, chim hoa, nhân vật… theo bút pháp tả chân của hội họa Trung Hoa.

Imari là dòng đồ sứ được biết đến nhiều nhất ở bên ngoài xứ Phù Tang và rất gần gũi với đồ sứ Kakiemon. Imari là dòng đồ sứ mà vào buổi sơ kỳ rất gần gũi với những sản phẩm của lò Kakiemon. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, thì dòng đồ Kakiemon có thể bao hàm cả dòng đồ Imari. Tuy nhiên, nếu đồ sứ Kakiemon dùng màu sắc để diễn tả con người, động thực vật, phong cảnh thiên nhiên, thì trên đồ sứ Imari, màu sắc được dùng để tái hiện các hoa văn trang trí vốn chỉ có trên đồ dệt thời kỳ này. Trang trí trên đồ Imari còn phản ánh thị hiếu nghệ thuật của tầng lớp bình dân ở Nhật Bản bấy giờ. Chẳng hạn, hình ảnh nam nữ ái ân khá phổ biến trên dòng tranh khắc gỗ (Ukiyoe) thời kỳ Edo (1603 - 1868), rất được giới thương gia và tầng lớp bình dân ưa chuộng, cũng được tái hiện trên đồ sứ Imari. Đồ Imari được làm ra chủ yếu dành cho tầng lớp trọc phú. Vì thế chúng phải phục vụ cho thị hiếu của những người đặc biệt trong hàng ngũ thương gia này. Trong khi tại các lò Kakiemon luôn có những nghệ sĩ chuyên nghiệp đảm nhiệm việc thể hiện các đồ án trang trí hoàn chỉnh lên đồ sứ, thì tại các lò Imari, những người thợ ít quan tâm hoặc không quan tâm đến nghệ thuật cũng được tuyển dụng để vẽ những chi tiết trang trí trong những đồ án đã được tách rời thành nhiều phần. Vì vậy họ tiếp tục sử dụng những họa tiết trang trí lấy mẫu từ những kiểu hoa văn dễ dàng tìm thấy trên đồ dệt. Nhiều dấu hiệu của một nền “văn hóa bình dị” được khơi nguồn trong lãnh địa của Imari, thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa Kyoto. Người ta đã nhận diện một sức mạnh khởi phát từ những người không thuộc tầng lớp quý tộc phong kiến và một thị hiếu ngoại lai đang dần lớn lên trong vùng này, tách biệt với trung tâm văn hóa truyền thống ở Kyoto. Imari nằm ở vùng phụ cận thương cảng Nagasaki, vốn chịu ảnh hưởng mạnh từ Hà Lan. Cả dân chúng Nhật Bản và những người ngoại quốc làm việc nơi đây đều đánh giá cao dòng đồ sứ Imari, và đã hình thành một thị trường gốm sứ xuất khẩu lớn qua ngõ Imari.

Tô bát giác, đồ Kakiemon, thế kỷ XVIII, trang trí hoa mộc

Đồ sứ Kutani do Goto Saijiro, một thợ gốm ở làng Kutani thuộc vùng Kaga, sáng tạo nên sau khi ông học được kỹ thuật chế tác đồ sứ cao cấp từ Cảnh Đức Trấn (Trung Hoa). Đồ sứ Kutani nổi tiếng khắp Nhật Bản, cho dù thời gian tồn tại của nó chỉ khoảng 40 năm. Sản phẩm Kutani gồm nhiều chủng loại, đa dạng về dáng kiểu và trang trí. Cội nguồn của những thành công này có thể được giải thích là nhờ việc tổ chức và quản lý trong các lò sứ Kutani tương tự như cách tổ chức và quản lý trong quan xưởng Cảnh Đức Trấn của Trung Hoa. Đội ngũ thợ thuyền, từ những người đảm trách việc nghiền đá, tinh lọc đất sét, tạo cốt... cho đến các họa sĩ trang trí, thợ đốt lò... đều là những chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Ngoài ra, còn có những người thợ được trưng tập từ Triều Tiên, Trung Hoa hay từ các địa phương của Nhật Bản như Kyoto, Hizen... Những người này đã vận dụng những kỹ thuật truyền thống từ quê hương bản quán của mình vào việc chế tác đồ Kutani, nhờ vậy mà dòng đồ này đã phát triển thịnh đạt trong một thời gian ngắn.

Bầu rượu lệch quai, đồ Kutani, thế kỷ XVIII, trang trí đề tài hỉ thước hí hoa (chim ác là giỡn hoa)

Màu sắc trên đồ sứ Kutani không tươi sáng như màu sắc của dòng đồ Kakiemon. Song đồ Kutani có những dáng kiểu kỳ dị, được nhiều người ưa thích. Trang trí trên đồ sứ Kutani ảnh hưởng bởi nhiều phong cách của hội họa Trung Hoa, hội họa Nhật Bản và cả hội họa Ả Rập.

Đồ sứ Nabeshima xuất hiện từ năm 1722, thời kỳ Kyoho và kéo dài cho đến tận cuộc cải cách Minh Trị (1868). Đây là dòng đồ sứ tương đối thuần nhất, với những đặc trưng riêng biệt và là dòng đồ sứ cao cấp của Nhật Bản. Màu sắc đồ Nabeshima tinh tế, mượt mà nhờ lớp men bóng sáng và sự đều đặn tuyệt đối của lớp phủ bề mặt. Nếu đồ Kutani hấp dẫn bởi các chi tiết trang trí đầy màu sắc và dáng vẻ mộc mạc thì đồ Nabeshima lại cuốn hút bởi sự tao nhã, trau chuốt, giàu thẩm mỹ. Những họa sĩ của dòng đồ Nabeshima đã hoàn toàn thoát ly khỏi ảnh hưởng của hội họa Trung Hoa để tạo nên một dòng đồ sứ có lối trang trí “thuần” Nhật, chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi các trường phái hội họa của Nhật Bản.

Đĩa, đồ Nabeshima, cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, trang trí hồi văn hình bông hoa

Trong bốn dòng đồ sứ nói trên, đồ Nabeshima và đồ Kutani chỉ dành riêng cho giới quý tộc, ít được lưu dụng trong tầng lớp bình dân nên rất ít được biết đến ở bên ngoài Nhật Bản. Ngược lại, đồ Imari và đồ Kakiemon lại được xuất khẩu rất nhiều, nên được người nước ngoài, đặc biệt là người châu Âu ưa chuộng, coi đó như là những dòng đồ sứ đại diện cho kỹ nghệ gốm sứ cao cấp của Nhật Bản.

Ở Việt Nam, từ thời các chúa Nguyễn cầm quyền ở Đàng Trong (thế kỷ XVII - XVIII), quan hệ giao thương Việt - Nhật đã hình thành. Vì thế, đồ sứ Nhật Bản du nhập vào Việt Nam từ khá sớm. Nhiều bình chóe Imari; nhiều đĩa, bát, lọ hoa Kakiemon đã xuất hiện trong các cung điện ở Huế bên cạnh đồ sứ Trung Hoa và đồ sứ châu Âu. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện vẫn còn lưu giữ ba cái chóe Imari và một số đồ sứ Hizen có niên đại thế kỷ XVII - XVIII. Ngoài ra còn có những bộ đồ trà kiểu Shin-Kutani (Kutani mới) được nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Nhiều nhà sưu tập ở Hà Nội, Sài Gòn cũng đang sở hữu những bộ sưu tập đồ sộ gồm những bình, chóe, lọ, dĩa thuộc các dòng đồ: Imari, Kakiemon, Ko-Kutani. Song rất người có được một món đồ Nabeshima vì đây là dòng đồ cao cấp, hiếm khi xuất khẩu ra bên ngoài.

Trong trào lưu chung, đồ sứ Trung Hoa và đồ gốm Việt Nam cao cấp ngày càng khan hiếm, nhiều nhà sưu tập bắt đầu quay sang “chơi” đồ Nhật. Do đồ sứ Nhật ở chính quốc có giá rất đắt và rất khó đưa ra nước ngoài vì luật lệ Nhật Bản rất chặt, nên nhiều nhà sưu tập Việt Nam phải “lặn lội” sang châu Âu, tìm đến các cửa hàng đồ cổ, hoặc tham dự các cuộc đấu giá cổ vật ở Paris, London, Berlin… để “tầm” cho được những món đồ Nhật ưng ý với giá cả hữu hảo. Trên những tạp chí chuyên về cổ vật hay trên các website kinh doanh đồ cổ, đồ sứ Nhật Bản, đặc biệt là đồ sứ màu, được rao bán ngày càng nhiều và đã hình thành nên một thị trường chuyên cung cấp đồ sứ Nhật Bản do dân chơi. Một nhà sưu tập có tiếng ở Sài Gòn cho tôi hay: “Đồ Tàu, đồ ta bây giờ giá đắt quá, lại có nhiều đồ giả, đồ sửa, tay mơ nhảy vào là ‘ăn đòn’ ngay. Trong khi đồ sứ Nhật Bản giá mềm hơn, ít có đồ giả, lại rất tinh xảo, bắt mắt. Thôi thì chơi đồ Nhật cho nó ‘lành’!”.

Quả là nhận xét đáng giá, bởi lẽ, tôi tin là sau khi nhận xét này được công khai, giá của đồ sứ Nhật sẽ lên cao ngất ngưỡng cho mà coi. Vì rằng, người Việt mình làm cái gì cũng ưa theo “mốt”, kể cả sưu tầm đồ cổ.

TS.Trần Đức Anh Sơn

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4286

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Vài nét về văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam

Vài nét về văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam

  • 26/06/2018 10:56
  • 5414

Từ thông tin đầu tiên trong Niên giám 1909 của tập san Trường Viễn Đông Bác cổ về việc phát hiện “một kho chum khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu, trong một cồn cát ven vùng biển Sa Huỳnh” (huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi), đến nay hàng trăm di tích của nền văn hóa này đã được tìm thấy khắp các tỉnh ven biển miền Trung từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận. Diện mạo của văn hóa Sa Huỳnh, từ nguồn gốc đến các giai đoạn phát triển, từ loại hình di tích di vật đến đặc trưng văn hóa… ngày càng rõ nét.