Thứ Ba, 08/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/06/2018 09:20 2207
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Với những giá trị văn hóa đặc sắc cùng việc bảo tồn trọn vẹn những tinh hoa mà cha ông để lại, “Hoàng hoa sứ trình đồ” đã chính thức được vinh danh, góp phần đưa di sản của dòng họ vươn ra thế giới.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc cùng việc bảo tồn trọn vẹn những tinh hoa mà cha ông để lại, “Hoàng hoa sứ trình đồ” đã chính thức được vinh danh, góp phần đưa di sản của dòng họ vươn ra thế giới.

Hoàng hoa sứ trình đồ. Nguồn: thuonghieucongluan.com.vn

Tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 8 Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã nhất trí ghi danh hồ sơ “Hoàng hoa sứ trình đồ” vào danh sách các di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là sự ghi nhận một tư liệu lịch sử nói về quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thế kỷ thứ 18, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc trong khu vực và thế giới.

Tư liệu lịch sử quý hiếm

“Hoàng hoa sứ trình đồ” thuộc về dòng họ Nguyễn Huy (xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Cuốn sách với phần chính là bản đồ ghi chép bằng nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của Sứ bộ Đại Việt thế kỷ 18 do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.

Cuốn sách có chiều dài 30cm, rộng 20cm, dày 2cm, in bằng bản mộc trên giấy dó, được vẽ bằng 3 loại màu với kết cấu gồm 7 phần: 1. “Hoàng hoa dịch lộ đồ thuyết” (Thuyết minh về bản đồ đường đi và trạm dịch trên đường đi sứ) có chép (biên tập, hiệu chỉnh năm Ất Dậu-1765); 2. Bài “Lưỡng kinh trình lộ ca” (Bài ca về hành trình từ Nam Kinh đến Bắc Kinh); 3. Bài “Sứ trình bị khảo” (Khảo luận đầy đủ về hành trình đi sứ); 4. Bản “Quốc tự thần kinh tiến hành lục lộ’’ (Đường bộ từ kinh đô lên đường); 5. Đồ bản: Từ trấn Nam Quan đến Bắc Kinh (có chú thích rõ ràng với hơn 100 trang trên tổng số 120 trang); 6. “Bắc sứ thủy lộ trình lý số” (Chiều dài đường thủy đi sứ phương Bắc), có ghi “nối tiếp, biên tập năm Ất Dậu”. Đây là phần do Nguyễn Huy Oánh có nhiều đóng góp, vì sách đã ghi rõ là ông “biên tập”, “nối tiếp”; 7. Kinh thành (Bắc Kinh), ghi chép về thành Bắc Kinh, Trung Quốc.

Một trang trong Hoàng hoa sứ trình đồ. Nguồn: TTVH

“Hoàng hoa sứ trình đồ” nhằm cung cấp tư liệu, hướng dẫn tiện lợi cho bản thân sứ bộ Nguyễn Huy Oánh và các sứ bộ sau. Cuốn sách thể hiện tài năng của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh trên tất cả các lĩnh vực lịch sử, địa lý, chính trị, ngoại giao và thơ ca. Trong đó, phần “Lưỡng kinh trình lộ ca” tuy không phải là phần chính của sách nhưng lại đậm dấu ấn cá nhân của tác giả nhất. Phần này gồm 26 câu thơ thất ngôn chữ Hán, viết khái quát về chặng mà sứ bộ đã đi qua. “Lưỡng kinh trình lộ ca” thể hiện nhãn quan chính trị, tài năng thơ ca, sự tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận về thiên nhiên, con người và thời cuộc của tác giả.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, “Hoàng hoa sứ trình đồ” là một công trình quan trọng, có thể nói là một trong những cuốn “sứ trình đồ” sớm nhất hiện còn, mở đầu cho hàng loạt cuốn “sứ trình đồ” sau này như: “Hoàng hoa đồ phả” (Ngô Thì Nhậm, đời Tây Sơn), “Sứ trình quát yếu biên” (Lý Văn Phức, năm 1841), “Như Thanh đồ” (Phạm Văn Trữ, năm 1882), “Yên sứ trình đồ” (Nguyễn Khắc Hoạt, năm 1876)...

Bước tiến trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản dòng họ

Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), là người làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan dưới triều Lê - Trịnh và trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Ông là nhà hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa thế kỷ XVIII. Nguyễn Huy Oánh đã có nhiều trước tác liên quan đến hành trình đi sứ, trong đó “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là di sản tư liệu đầy ắp thông tin về chuyến đi sứ Trung Hoa của các sứ thần Việt Nam năm 1766 - 1767, vì sách chưa được khắc in nên chưa được nhiều người biết tới.

Ông cũng để lại 40 tập sách về văn học, lịch sử, địa lý, y học… nổi bật là các tập: “Phụng sứ yên kinh tổng ca”, “Tiêu tương bát vịnh”; “Thạc Đình di cảo”, “Quốc sử toản yếu”, “Bắc dư tập lãm”, “Sơ học chỉ nam”, “Tính lý toản yếu”, “Dược tính ca quát”, “Huấn nữ tử ca”… đều là các tác phẩm có giá trị truyền đời. Ngoài ra, hơn 200 bản khắc gỗ, tất cả sách vở do ông tổ chức in ấn đều phục vụ cho việc học tập cùng hàng chục nghìn trang chữ Hán Nôm làm tài liệu tham khảo cho học trò và các văn nhân bạn hữu. Riêng cuốn “Hoàng Hoa sứ trình đồ” hiện được lưu giữ là bản chép tay duy nhất còn tồn tại của tác phẩm này, được con cháu dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu.

Một trang trong Hoàng hoa sứ trình đồ. Nguồn: UNESCO Việt Nam

Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu cho biết: Hành trình đưa “Hoàng Hoa sứ trình đồ” trở thành di sản tư liệu thế giới vô cùng khó khăn nhưng nhờ những nỗ lực từ tỉnh Hà Tĩnh, ngành văn hóa và đặc biệt là con cháu dòng họ đã giúp “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được bảo tồn và đến gần hơn với đời sống cộng đồng. Sau khi “Mộc bản trường học Phúc Giang” và “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được công nhận là di sản ký ức thế giới, con cháu dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu đã, đang và sẽ cố gắng nỗ lực bằng nhiều hình thức tuyên truyền tới đông đảo nhân dân về những giá trị bất biến mà Nguyễn Huy Oánh cùng dòng họ Nguyễn Huy để lại cho hậu thế.

Trong thời gian tới, “Hoàng Hoa sứ trình đồ” sẽ được in thêm nhiều sách và tổ chức giới thiệu về tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Con cháu dòng họ Nguyễn Huy cũng mong muốn phối hợp chính quyền địa phương xây dựng bảo tàng ngay tại quê hương để bảo tồn, giới thiệu các tư liệu quý của dòng họ đến với đông đảo nhân dân.

Có thể nói rằng, sự kiện “Hoàng hoa sứ trình đồ” được công nhận là Di sản tư liệu thế giới đã thêm một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí của dòng họ khoa bảng Nguyễn Huy - làng Trường Lưu (Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) trong lịch sử đất nước. Đó cũng là niềm tự hào vô cùng to lớn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và làm rạng rỡ thêm kho tàng di sản Việt Nam.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã có 7 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu bao gồm: Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê-Mạc (năm 2011), Châu bản triều Nguyễn (2017), Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm (2012), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Mộc bản trường Phúc Giang (2016) và sách cổ Hoàng hoa sứ trình đồ (2018).

Thủy Trịnh (t/h)

cinet.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4286

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Hai bài thơ của Chúa Nguyễn Phúc Chuvịnh danh thắng xứ Quảng xưa trên đồ xứ ký kiểu

Hai bài thơ của Chúa Nguyễn Phúc Chuvịnh danh thắng xứ Quảng xưa trên đồ xứ ký kiểu

  • 07/06/2018 03:58
  • 1920

Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Thái (1650 - 1691) và vương phi Tống Thị Lĩnh. Ông được đình thần tôn lên kế vị chúa Nguyễn Phúc Thái vào năm 1691, trở thành vị chúa Nguyễn thứ sáu trị vì Đàng Trong. Lên ngôi lúc mới 17 tuổi, ở ngôi 34 năm, Nguyễn Phúc Chu là một trong những vị chúa Nguyễn tạo dựng nhiều công nghiệp ở Đàng Trong.