Thứ Ba, 08/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/05/2018 00:00 3298
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Những tín hiệu Đông Sơn Văn hóa Đông Sơn, đỉnh cao là kỹ nghệ đúc đồng với những trống đồng nổi tiếng, cách ngày nay 2000 - 2500 năm. Có thể tìm thấy những mẫu hoa văn Đông Sơn hay những "cấu trúc" Đông Sơn trong các hiện vật bằng gốm, bằng đồng ở các thế kỷ tiếp sau? Hai mươi năm trước, trong hội nghị thông báo của ngành khảo cổ học tôi đã có bài giới thiệu "Những tín hiệu của nghệ thuật Đông Sơn sau một thiên niên kỷ".

Văn hóa Đông Sơn, đỉnh cao là kỹ nghệ đúc đồng với những trống đồng nổi tiếng, cách ngày nay 2000 - 2500 năm. Có thể tìm thấy những mẫu hoa văn Đông Sơn hay những "cấu trúc" Đông Sơn trong các hiện vật bằng gốm, bằng đồng ở các thế kỷ tiếp sau? Hai mươi năm trước, trong hội nghị thông báo của ngành khảo cổ học tôi đã có bài giới thiệu "Những tín hiệu của nghệ thuật Đông Sơn sau một thiên niên kỷ".

Hoa văn trang trí trên mặt trống đồng Ngọc Lũ (BTLSQG)

Bản vẽ mặt đứng trống đồng Ngọc Lũ (BTLSQG)

Hình thuyền chiến trên tang trống

Nhưng có lẽ, không phải đợi qua 1000 năm sau Đông Sơn, ngay trên một số hiện vật kiểu Hán chúng ta đã thấy rõ dấu ấn Đông Sơn.

Trên mặt chiếc mâm gốm 3 chân, thế kỷ 1 - 3, tìm thấy trong mộ gạch ở Lạch Trường (Thanh Hoá), chính giữa khắc hình 3 cá chụm đầu, bao quanh là 2 băng văn vòng tròn tiếp tuyến. Hay trên chiếc bình gốm con tiện có vòi hình đầu voi cùng thời, tìm thấy ở Bắc Ninh, bên cạnh băng hình thoi cũng có băng vòng tròn tiếp tuyến ở trên thân. Trên những chiếc chậu trống bằng đồng, một loại hình chỉ gặp ở Việt Nam, tuy là dáng chậu Hán trong lòng đúc nổi hình 2 cá ngược chiều nhau, nhưng mặt ngoài chậu là một trống đồng với ngôi sao nổi 8 cánh, bao quanh là một băng chim đứng mỏ dài và 1 băng 8 chim mỏ dài bay ngược chiều kim đồng hồ như trên đồ đồng Đông Sơn. Chậu trống có thể xem là một loại hiện vật biểu hiện của tinh thần chống đồng hoá trong 10 thế kỷ đầu công nguyên.

Trong số đồ gốm kiểu Đường, thế kỷ 9 -10, như trên loại ấm gốm men tạo dáng búp sen với các hoa văn đắp nổi: hình chữ S cuốn tượng trưng cho mây, những cặp mấu nhọn, tượng trưng cho các lớp sóng, 11 con chim nước đang bơi cũng được đặt theo vòng ngược chiều kim đồng hồ. Dù có chút ảnh hưởng về kiểu dáng gốm Đường thì những hoa văn vẫn là điều khẳng định yếu tố phương Nam chẳng còn phải luận bàn.

Phát hiện chiếc trống đồng Xóm Rậm I ở Hoà Bình năm 1997 cho ta nhiều thông tin đáng chú ý. Tuy không còn giữ nguyên dạng một trống đồng Đông Sơn nhưng trên mặt trống, bên cạnh những hoa văn hoa sen, hoa cúc, hình rồng tiêu biểu của thời Lý còn có băng vòng tròn kép có tiếp tuyến và băng văn hình chim bay.

Trên rất nhiều đồ gốm thời Lý - Trần chúng ta còn gặp các loại hoa văn trên trống Đông Sơn như hoa văn chấm dải, đường diềm hồi văn, vòng tròn chấm giữa, vạch thẳng song song và những hình chim...

Hoa văn chấm dải thấy làm đường diềm trên loại đĩa gốm men trang trí chìm một hình em bé đùa trong hoa lá. Trên thành ngoài bát gốm hoa nâu cùng với băng hoa dây lá thời Lý và trên thành ngoài âu gốm men ngọc thời Trần băng chấm dải thể hiện bằng những bông hoa nổi. Băng chấm dải làm đường viền trên các cánh sen nổi của bệ tượng Phật bằng gốm men. Và có thể nhận ra một biến thể chăng? của loại văn này ngay trên thạp gốm hoa nâu nổi tiếng với hình võ sĩ và voi đang luyện tập. Từ miệng thạp trở xuống đế có tới 3 băng mà mỗi băng có 2 đường chỉ nổi, trong có những bông hoa nổi cách đều.

Đường diềm hồi văn với các kiểu hồi văn chữ S gãy góc như trên mặt trống Sông Đà, trống Mật Sơn, trống Đông Sơn II… Trên đồ gốm Lý Trần thường thấy hồi văn chữ S tương tự, tuy cách thể hiện có phần đơn giản hơn trống đồng như: trong lòng bát gốm men ngọc, bát và đĩa gốm men xanh lục, đĩa gốm men nâu sẫm. Trên mặt những viên gạch vuông lát nền tìm thấy ở Thành Hoa Lư (Ninh Bình), loại in nổi hoa sen hay đôi phượng đều có đường viền bao quanh hình hồi văn chữ S gãy góc…

Hình mặt trời 14 tia giữa mặt trống.

Xen giữa mỗi tia là họa tiết lông đuôi chim công (BTLSQG)

Hình nhà sàn mái cong với một con chim đuôi dài đậu trên nóc (BTLSQG)

Văn vòng tròn chấm giữa là loại khá phổ biến trên trống Đông Sơn dưới dạng vòng tròn đơn hoặc kép, có hoặc không có tiếp tuyến.

Hình nhà cầu mùa mái vòm. Hai bên vách trang trí vòng tròn chấm giữa (BTLSQG)

Hình người hóa trang lông chim, tay cầm nhạc cụ hoặc vũ khí trong tư thế chuyển động về

phía trước (BTLSQG)

Nhạc công đầu đội mũ lông chim vừa chơi nhạc, thổi khèn, vừa nhảy múa (BTLSQG)

Trang trí ở gốm Lý Trần tuy không thấy loại vòng tròn có chấm giữa, có tiếp tuyến nhưng có thể nhận ra nhiều kiểu dạng nhất là trên gốm hoa nâu. Đó là các băng vòng tròn trên bệ gốm, trên bát, ấm hoa nâu đi cùng văn cánh sen, lá đề… Trên một chiếc lọ gốm hoa nâu cũng thấy trang trí một băng vòng tròn đơn liên tiếp ở phần vai, ngay trên lớp cánh sen nổi còn băng khác ở sát đế. Trên loại liễn hoa nâu có đế trang trí cánh sen nổi và những hình vũ nữ - hai người nghiêng mặt đối nhau - cũng thấy một băng vòng tròn trên gờ miệng và một băng sát diềm đế. Có trường hợp những vòng tròn được trang trí xen kẽ với những hình chóp nón trong cùng một băng như trên cạnh một bệ tam cấp bằng đất nung, một bệ đất nung độc đáo có cánh sen nổi và những hình vũ nữ xinh xắn.

Hình đôi nam - nữ giã gạo (BTLSQG)

Hình nhạc công với chim mỏ ngắn, đầu tròn bay ở phía trên (BTLSQG)

Hình người ngồi trên sàn cao đánh trống đồng, hoặc có thể đang phá khuôn sau khi đúc

trống đồng (BTLSQG)

Văn vạch thẳng song song và những hình chim:

Trên một mảnh thạp đất nung có gờ miệng đứng, phía ngoài hơi vát, trang trí nổi ở vai thạp có các băng cánh sen nổi to xen nhỏ, vạch thẳng song song, những bông hoa nổi 6 cánh cách đều nhau. Phần thân thạp chia múi hình cánh sen, cách đều nhau mà mỗi múi trang trí nổi 2 cặp chim, theo 2 hàng, xung quanh một bông hoa ở giữa múi. Chim ở hàng trên, mỏ nghểnh lên, đuôi và cánh xoè ra. Chim ở hàng dưới được miêu tả ở tư thế đứng, nhìn nghiêng. Như vậy, ước đoán thạp có 6 múi thì mỗi hàng có 12 con chim bao quanh thạp. Trên chiếc thạp hoa trắng nền nâu, ngoài băng cánh sen nổi trên vai, xung quanh thạp còn có 3 băng hoa văn: những bông hoa 6 cánh, hoa dây lá với các bông hoa có các cặp cánh đối xứng và một băng những hình gà nối đuôi nhau trong cùng một tư thế như đang nhẩy, đầu ngoảnh lại, đuôi vểnh lên.

Hình chim đầu tròn mỏ ngắn đang bay và cặp hươu đực – cái xen kẽ (BTLSQG)

Hình chim Lạc đang bay xen kẽ chim mỏ ngắn đang đậu (BTLSQG)

Đáng lưu ý hơn có 1 chiếc bát gốm men ngọc, tuy đã vỡ ở phần miệng nhưng còn đủ nhận ra dáng cong quen thuộc thời Lý. Bát men dày màu xám đục, các hoa văn trang trí chìm dưới men. Kể từ trong ra, giữa lòng bát là một bông sen nhỏ 6 cánh. Bao quanh bông hoa là băng 4 chim mỏ dài, cổ cao, cánh xoè và 2 chân dài duỗi thẳng đang bay ngược chiều kim đồng hồ. Xen kẽ bốn hình chim có 4 dải mây hình khánh. Ngoài cùng là băng đường diềm hoa dây uốn lượn hình sin có nhiều tay xoắn.

Trên các đồ gốm thời Lê - Mạc, chúng ta cũng còn thấy các tín hiệu Đông Sơn truyền thống thể hiện trong cả việc tạo dáng và trang trí.

Những đồ gốm tiêu biểu nhất là các chân đèn và lư hương gốm men lam xám của tác giả Đặng Huyền Thông người thợ tài hoa ở cuối thế kỷ 16, quê tại xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Xem những chiếc lư gốm lam xám của Đặng Huyền Thông chúng ta thấy rõ hình bóng của chiếc trống đồng Đông Sơn với 3 phần cân đối hài hoà. Trên lư có các hoa văn trang trí nổi, ngoài những loại đồ án rồng, cánh sen, mặt hổ phù ta còn gặp các băng văn hình học: răng cưa, vạch thẳng song song và đặc hiệt là băng ngôi sao 8 cánh ở trên bụng lư như tia sáng đồng pha với ngôi sao trên trống Đông Sơn.

Những băng văn vòng tròn, vạch thẳng song song, răng cưa vẫn còn thấy xuất hiện trên loại chân đèn, lư hương gốm men nhiều màu, thế kỷ 16 - 17. Đó là những loại văn được sử dụng kết hợp với các hoa văn của thời đại mới: rồng, hạc, nghê, hoa cúc, hoa sen…

Hoa văn Đông Sơn, dẫu chỉ là một vài mẫu dáng nhưng dường như cũng đủ cho ta soi suốt hành trình lịch sử dân tộc. Phải chăng đó là bằng chứng sinh động chứng minh sức sống diệu kỳ của nghệ thuật Đông Sơn trong những thế kỷ chống Hán Đường đồng hoá? và phải chăng đó là ký ức hồi sinh trong tâm thức Việt những tín hiệu Đông Sơn vang xa vọng mãi góp phần tạo nên một bản sắc riêng, một truyền thống riêng biệt của nghệ thuật Việt Nam.

TS.Nguyễn Đình Chiến

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4286

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Lịch sử phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam

Lịch sử phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam

  • 09/05/2018 00:00
  • 7253

Sự quan tâm đến những hiện vật đồng thau trong lịch sử Việt Nam đó được ghi chép từ rất sớm. Việc sưu tầm những cổ vật giống như trống đồng, chuông đồng, tượng đồng của các vua chúa Việt Nam từng thấy ghi chép trong nhiều thần tích, thư tịch cổ. Trong thần tích của làng Thượng Lâm (Hà Tây) đó nói về việc vua Đinh Tiên Hoàng cho sưu tầm những trống đồng để tặng phong cho các làng xã. Đền Đồng Cổ ở Thanh Hóa có tấm biển gỗ khắc năm Bảo Hưng thứ 2 triều Tây Sơn (1802) ghi chép về việc phát hiện và đo đạc khảo tả chiếc trống đồng cổ đặt ở đền. Một số thư tịch cổ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn cũng từng nói đến các cổ vật bằng đồng.