Thứ Ba, 08/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/05/2018 00:00 7256
Điểm: 4.25/5 (4 đánh giá)
Sự quan tâm đến những hiện vật đồng thau trong lịch sử Việt Nam đó được ghi chép từ rất sớm. Việc sưu tầm những cổ vật giống như trống đồng, chuông đồng, tượng đồng của các vua chúa Việt Nam từng thấy ghi chép trong nhiều thần tích, thư tịch cổ. Trong thần tích của làng Thượng Lâm (Hà Tây) đó nói về việc vua Đinh Tiên Hoàng cho sưu tầm những trống đồng để tặng phong cho các làng xã. Đền Đồng Cổ ở Thanh Hóa có tấm biển gỗ khắc năm Bảo Hưng thứ 2 triều Tây Sơn (1802) ghi chép về việc phát hiện và đo đạc khảo tả chiếc trống đồng cổ đặt ở đền. Một số thư tịch cổ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn cũng từng nói đến các cổ vật bằng đồng.

Sự quan tâm đến những hiện vật đồng thau trong lịch sử Việt Nam đó được ghi chép từ rất sớm. Việc sưu tầm những cổ vật giống như trống đồng, chuông đồng, tượng đồng của các vua chúa Việt Nam từng thấy ghi chép trong nhiều thần tích, thư tịch cổ. Trong thần tích của làng Thượng Lâm (Hà Tây) đó nói về việc vua Đinh Tiên Hoàng cho sưu tầm những trống đồng để tặng phong cho các làng xã. Đền Đồng Cổ ở Thanh Hóa có tấm biển gỗ khắc năm Bảo Hưng thứ 2 triều Tây Sơn (1802) ghi chép về việc phát hiện và đo đạc khảo tả chiếc trống đồng cổ đặt ở đền. Một số thư tịch cổ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn cũng từng nói đến các cổ vật bằng đồng.

Trống Sao Vàng .Đồng. Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm

Thị trấn Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa

(Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Trong khoảng 80 năm dưới chính quyền bảo hộ Pháp cũng có nhiều cuộc sưu tầm những hiện vật bằng đồng thau. Hai sưu tập đồ đồng lớn được sưu tầm trong các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Sơn Tây là sưu tập Demange và sưu tập D Agence, sau này chúng đã được quy tập về bảo tàng của Trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO) như chiếc trống đồng Ngọc Lũ và những trống đồng khác vốn là niềm tự hào của EFEO.

Di tích Đông Sơn được phát hiện từ năm 1924, do một người nông dân đi câu cá đã tìm thấy một số đồ đồng lộ ra ở bờ sông Mã (Thanh Hóa) sau những cơn mưa to. Ngay sau khi được biết tin này Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp đã có những cuộc khai quật trong nhiều năm, từ 1925 đến 1932, do L. Pajot, một viên thương chính và cũng là người chơi đồ cổ ở Thanh Hóa tiến hành. Kết quả những cuộc khai quật này đó được V.Goloubew, một học giả của Trường Viễn Đông Bác cổ công bố trong tác phẩm Thời đại đồng thau ở Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ vào năm 1929. Trong tác phẩm này người ta gộp tất cả những đồ đồng thau đó được sưu tập trước đó ở vùng lưu vực sông Hồng vào thời đại đồng thau.

Những phát hiện ở Đông Sơn sau khi được công bố đã gây được sự chú ý của các học giả nghiên cứu Đông Nam Á và trên thế giới. Năm 1934 nhà nghiên cứu người Áo, R. Heine – Geldern đó đề nghị gọi thời kỳ đó là “Văn hóa Đông Sơn” (Heine – Geldern.R 1937).

Trống Phú Phương I. Đồng. Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm

Phát hiện tại xã Phú Phương, Ba Vì, Hà Nội năm 1973

( Bảo tàng Hà Nội)

Tiếp sau những cuộc khai quật của L.Pajot, ở địa điểm Đông Sơn, từ năm 1935 đến năm 1939 có ba cuộc khai quật của nhà khảo cổ học Thuỵ Điển O. Janse. Báo cáo về những cuộc khai quật này đã được công bố trong 3 tập Nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Dương ( Janse.O 1947, 1951, 1958).

Từ sau đề nghị của R. Heine- Geldern, thuật ngữ Văn hoá Đông Sơn được sử dụng rộng rãi, tuy nhiên nội dung của nền văn hoá này có nhiều điểm khác nhau giữa các học giả. R. Heine-Gelderne quan niệm rằng văn hoá Đông Sơn bao gồm tất cả các văn hoá thời đại đồng thau ở Vân Nam, Đông Dương và Inđônêxia. Quan điểm này đã được nhiều học giả chia sẻ. Nhưng có những người lại xếp văn hoá Đông Sơn vào thời đại đồng - sắt. Về niên đại của nền văn hoá Đông Sơn ý kiến cũng rất khác nhau. Những niên đại sớm nhất được đưa ra là vào khoảng thế kỷ VIII-VII tr CN (Heine-Gelderne.R 1951). Loại niên đại chung dung hơn là thế kỷ IV-III tr CN (Karlgren. B 1942). Niên đại muộn nhất được nêu ra là vào thời Hán (Goloubew V.1930). Những vấn đề về nguồn gốc của văn hoá Đông Sơn cũng được đặt ra. Với những học giả nước ngoài trong những năm 30,40 của thế kỷ trước thường đi tìm nguồn gốc văn hoá Đông Sơn ở bên ngoài, hay chịu sự ảnh hưởng của văn hoá ngoại lai. Nhưng tất cả đều thấy được tính phong phú, độc đáo của văn hoá Đông Sơn và nhận định rằng chủ nhân của nền văn hoá này là những người thuộc loại hình nhân chủng Indonesien hoặc Tiền Mã Lai.

Tuy còn nhiều hạn chế do trình độ của khảo cổ học đương thời, hay qui chiếu bởi quan điểm học thuật, nhưng các nhà khảo cổ học nước ngoài ở nửa đầu thế kỷ trước đã có những đóng góp đầu tiên vào việc phát hiện và nghiên cứu Văn hoá Đông Sơn.

Lưỡi cày. Đồng. Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2.500- 2.000 năm

Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội

(Bảo tàng Hà Nội)

Sau năm 1954, hoà bình mới được vãn hồi trên miền Bắc Việt Nam, tuy chưa có điều kiện khai quật nhiều, các nhà nghiên cứu trên cơ sở đánh giá lại những tài liệu cũ đã nhận thức được tầm quan trọng của văn hoá Đông Sơn và nghiên cứu nó gắn với tiến trình lịch sử dân tộc. Đó là những công trình như Văn hoá Đông Sơn hay văn hoá Lạc Việt, Văn hoá đồ đồng và trống đồng Lạc Việt (Đào Duy Anh.1954, 1957), Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thuỷ ở Việt Nam (Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn. 1960), Xã hội nước Văn Lang và Âu Lạc (Văn Tân. 1960). Trong công cuộc nghiên cứu về chế độ chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam, nội dung của văn hoá Đông Sơn luôn là những dẫn chứng được đề cập đến.

Mũi tên Đồng. Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm

Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội

(Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Khuôn đúc.Đá. Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm

Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội

(Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long)

Năm 1959 với việc phát hiện kho mũi tên đồng ở Cầu Vực, Cổ Loa (ngoài thành Hà Nội) đã mở đầu cho công cuộc nghiên cứu và khai quật của các nhà khảo cổ học Việt Nam. Năm 1960-1967 ở lưu vực sông Mã sông Chu (Thanh Hoá), các nhà khảo cổ đã có những cuộc khai quật lớn ở di tích Đông Sơn và Thiệu Dương, và đồng thời phát hiện hàng loạt di tích cùng tính chất Đông Sơn ở lưu vực hai con sông này. Ở khu vực sông Hồng rất nhiều di tích Đông Sơn đã được phát hiện. Những sưu tập đồ đồng tìm thấy được ven sông Hồng ở tỉnh Yên Bái đã đem lại những hiện vật vô cùng độc đáo của văn hoá Đông Sơn, điển hình như chiếc thạp đồng Đào Thịnh. Ngoài ra những sưu tập đồ đồng Đông Sơn ở Thanh Đình, Chính Nghĩa, Phú Hậu (Phú Thọ) đã báo hiệu cho những phát hiện di tích Đông Sơn quan trọng ở vùng đất quanh khu vực đền thờ các vua Hùng. Các tỉnh Hà Tây, Hải Phòng cũng phát hiện được những di tích rất đáng chú ý, nổi bật nhất là những ngôi mộ quan tài thân cây khoét rỗng Việt Khê (Hải Phòng), Châu Can (Hà Tây). Ở lưu vực sông Cả mới chỉ phát hiện được di tích Xuân An (Hà Tĩnh), nhưng đây là di tích vô cùng quan trọng, sau này người ta đã thấy được mối quan hệ của văn hoá Đông Sơn với văn hoá Sa Huỳnh rất rõ ở di tích này.

Mộ chum.Gốm. Văn hóa Sa Huỳnh, cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm

(Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Đèn. Gốm. Văn hóa Sa Huỳnh, cách ngày nay khoảng 2.000 năm

(Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Cùng thời gian phát hiện những di tích Đông Sơn kể trên, các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện và khai quật nhiều di tích có tính chất khác, sau này chúng được xác định là giai đoạn Tiền Đông Sơn. Một số di tích điển hình như Phùng Nguyên, Gò Mun (Phú Thọ), Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Văn Điển (Hà Nội), Đồng Dền (Hà Tây), Từ Sơn (Bắc Ninh) ở vùng sông Hồng. Đông Khối (Thanh Hoá) ỏ vùng sông Mã.

Kết quả khai quật, thám sát, phát hiện khảo cổ đã được viết thành báo cáo lưu lại trong thư viện của các cơ quan chủ trì khai quật như Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Một số báo cáo đã được xuất bản thành sách dưới dạng các báo cáo khai quật, hay là in trong tạp chí chuyên ngành. Một công trình tập hợp khá đầy đủ những kết quả nghiên cứu này là cuốn Những vết tích đầu tiên của thời đại đồng thau ở Việt Nam (Lê Văn Lan, Phạm Văn Kỉnh, Nguyễn Linh 1963). Chỉ trong vòng 10 năm di tích Đông Sơn đã được phát hiện và khai quật lên tới 80 địa điểm. Đó là cơ sở để cho những nhà khảo cổ học, sử học nghiên cứu về thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, một thời kỳ đã đi sâu vào tâm trí của mọi người Việt Nam: Thời kỳ Hùng Vương.

Trong ba năm nghiên cứu Thời kỳ Hùng Vương do Viện Khảo cổ học chủ trì 1968-1970, nhiều di tích Đông Sơn đã được các cơ quan ưu tiên khai quật. Viện Khảo cổ học trở lại khai quật một số địa điểm quan trọng của văn hoá Đông Sơn như địa điểm Đông Sơn, Vinh Quang. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khai quật và nghiên cứu Cổ Loa. Kết quả thời kỳ nghiên cứu này đã được tập hợp trong 4 tập kỷ yếu Hùng Vương dựng nước (Viện Khảo cổ học. 1970, 1973, 1974). Các kết quả nghiên cứu đã khẳng định văn hoá Đông Sơn là một nền văn hoá phong phú, phát triển cao mà truyền thuyết gọi là nước Văn Lang của các vua Hùng.

Tiếp sau giai đoạn 3 năm tập trung nghiên cứu Thời kỳ Hùng Vương, từ 1971 đến 1975 là thời kỳ mở đầu một chương trình nghiên cứu đa ngành, liên ngành. Việc nghiên cứu văn hoá Đông Sơn đi vào các mặt như luyện kim, nông nghiệp, đời sống tinh thần của con người thời Đông Sơn. Trong giai đoạn này một số vùng đã được tìm hiểu có hệ thống. Khu vực Cổ Loa với sự chủ trì của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã làm sáng tỏ hệ thống phát triển từ sơ kỳ thời đại đồng thau đến sơ kỳ thời đại sắt. Vùng ven biển Đông Bắc được nghiên cứu trong hệ thống có liên quan đến Tràng Kênh, Việt Khê. Vùng Bắc Ninh được nghiên cứu một hệ thống di tích ven những dòng sông cổ. Di tích Làng Vạc một di tích văn hoá Đông Sơn nổi tiếng của vùng sông Cả, đã được phát hiện ngay trong thời kỳ chiến tranh, những ngày máy bay Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc Việt Nam và được Viện Khảo cổ học khai quật ngay sau đó.

Mảnh khuôn đúc trống đồng, nồi nấu kim loại

Cách ngày nay 1.800 - 1.600 năm

(Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Giai đoạn từ 1976 cho đến nay, việc nghiên cứu văn hoá Đông Sơn vẫn được tiếp tục có hệ thống theo từng lưu vực các con sông. Lưu vực sông Hồng nổi bật có di tích Làng Cả (Phú Thọ) được khai quật hai lần. Di tích này cùng những di tích Gò De, và mới đây di tích Thanh Đình đã được khai quật đã là những bằng chứng vật chất cho một khu vực kinh đô Văn Lang. Nhiều nhóm hiện vật Đông Sơn có giá trị đã lộ ra từ lòng đất. Trống đồng Cổ Loa II cùng những hiện vật chứa trong lòng trống tìm được ở khu vực Mả Tre đã cho thấy vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị và hội tụ của kinh đô nước Âu Lạc. Phát hiện hơn hai chục chiếc trống Đông Sơn trên những quả đồi ven sông Hồng ở thành phố Lào Cai là đóng góp đáng kể cho sự hiểu biết về một trung tâm Đông Sơn ở đầu nguồn sông Hồng chảy vào đất Việt. Những phát hiện về các khu mộ thuyền ngày càng nhiều ở những khu vực trũng của đồng bằng sông Hồng góp phần nghiên cứu nhiều mặt của cư dân Đông Sơn trong quá trình chinh phục vùng này.

Tại lưu vực sông Mã di tích Đông Sơn được khai quật lần thứ ba. Những tư liệu từ các cuộc khai quật Núi Nấp, Quì Chử, Đông Tiến và cụm di tích Đông Lĩnh đã giúp các nhà khảo cổ học hiểu biết rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của nền văn hoá Đông Sơn ở khu vực này. Số lượng trống Đông Sơn được phát hiện trong thời gian này tăng vọt.

Khu vực sông Cả những di tích có tầm quan trọng như di tích Làng Vạc, Đồng Mỏm (Nghệ An) đã được khai quật lại hai, ba lần. Một số di tích mới được phát hiện ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương (Nghệ An), Đức Thọ (Hà Tĩnh). Đáng chú ý là những trống đồng phát hiện ở Rú Quyết (Nghệ An) cho thấy văn hoá Đông Sơn vùng sông Cả cũng rất phát triển.

Những phát hiện lẻ tẻ ở vùng Quảng Bình đã cung cấp những di vật Đông Sơn rất điển hình như trống, thố và rìu, giáo.

Trong thời kỳ này những nghiên cứu về văn hoá Đông Sơn vừa có những công trình mang tính tổng hợp, vừa có những công trình theo hướng chuyên sâu. Cuốn Văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam (Hà Văn Tấn 1994), cùng cuốn Khảo cổ học Việt Nam (Hà Văn Tấn 1999), là những tập hợp tương đối toàn diện về những quan điểm cập nhật của giới nghiên cứu về văn hoá Đông Sơn. Các nghiên cứu đều đi đến thống nhất nhận định văn hoá Đông Sơn là một nền văn hoá thống nhất trong đa dạng. Một nền văn hoá đã đạt đến đỉnh cao về mọi mặt trong khu vực. Trống đồng loại I Hêgơ, một di vật tiêu biểu cho đỉnh cao của văn hoá Đông Sơn, được các nhà nghiên cứu Việt Nam gọi là trống Đông Sơn, là đề tài cho nhiểu công trình nghiên cứu (Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh. 1987, Phạm Huy Thông 1990). Từ năm 1972 cho đến nay các báo cáo của Hội nghị thông báo khảo cổ học hàng năm được xuất bản thành kỷ yếu, với tiêu đề Những phát hiện mới về khảo cổ học đã làm cho những phát hiện và nghiên cứu về văn hoá Đông Sơn ngày càng sôi động.

Trong thời kỳ này nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã đến Việt Nam thăm các di tích Đông Sơn và trao đổi học thuật về những vấn đề của Văn hoá Đông Sơn. Việt Nam cũng có những chương trình khai quật, nghiên cứu hợp tác với những nhà khảo cổ đến từ Nhật Bản ở di tích Làng Vạc, Đồng Mỏm, diễn ra trong các năm 1990-1992. Mới đây báo cáo chính thức kết quả khai quật Làng Vạc đã được xuất bản (Chử Văn Tần, Imamura Keiji 2004).

Các nhà nghiên cứu nước ngoài cũng bắt đầu cập nhật những thành tựu nghiên cứu của khảo cổ học Việt Nam, trong đó có văn hoá Đông Sơn. Những người nghiên cứu khảo cổ học Đông Nam Á đều công nhận tính bản địa và độc đáo của văn hoá Đông Sơn, coi văn hoá Đông Sơn là một trung tâm phát triển ở Đông Nam Á. Đặt văn hoá Đông Sơn trong mối tương quan với các trung tâm phát triển khác trong khu vực, như trung tâm Đông Bắc Thái Lan, trung tâm Điền ở Vân Nam (Trung Quốc). Họ dùng những tư liệu văn hoá Đông Sơn khi đề cập tới các Lạc tướng ở thời Hùng Vương (Taylor K.W. 1983). Hoặc đặt văn hoá Đông Sơn ở vào cuối thời kỳ tự trị và kết thúc những hoạt động của các tù trưởng (Higham.C 1989).

Đến nay, Văn hoá Đông Sơn đã trải qua hơn 90 năm phát triển và nghiên cứu. Các nhà khảo cổ và lịch sử đã giải quyết nhiều vấn đề nhưng cũng gợi ra nhiều công việc phải làm. Và chính ở đây vẫn còn những chỗ bỏ ngỏ hoặc chưa được giải quyết sâu sắc, vì thế mọi vấn đề của văn hóa Đông Sơn vẫn còn thu hút được sự quan tâm và lòng say mê của những người nghiên cứu thời đại kim khí Việt Nam cũng như những người quan tâm đến lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Minh Huyền (Viện Khảo cổ học)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Chử Văn Tần, Imamura Keiji, (Co-editors) 2004. The Lang Vac sites. The Viet Nam Social Science Publishing House. Ha Noi (in tại Tokyo, Nhật Bản).

Đào Duy Anh, 1954. Văn hoá Đông Sơn hay văn hoá Lạc Việt. Tập san nghiên cứu Văn- Sử - Địa số 1.

Đào Duy Anh, 1957. Văn hoá đồ đồng và trống đồng Lạc Việt. Hà Nội.

Goloubew V, 1929. L Age du bronze au Tonkin et dans le Nord Annam. Bulletine de Ecole francaise d Extrême-Orient T. XXIL, Hanoi.

Hà Văn Tấn (Chủ biên) 1994. Văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Hà Văn Tấn (Chủ biên) 1999. Khảo cổ học Việt Nam Tập III Thời đại kim khí Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Heine-Geldern R., 1934. Vorgeschichtliche grundlangen der Kolnialindischen Kunt. Wienr Beitrage zur Kunst and Kulturgeschichtliche Asiens Vol. VIII.

Higham C, 1989. The Archaeology of Mainland Southeast Asia, Cambridge University Press, Cambridge.

Janse O, 1947, 1951. Archaeological Research in Indochina Vol. I, II, Harvard Yenching Institute, Cambridge.

Janse O, 1958. Archaeological Research in Indochina Vol. III.

Karlgren B, 1942. The date of the early Dong Son culture. Bulletin of the Museum of Far Eastern Antiquities.

Lê Văn Lan, Phạm Văn Kỉnh, Nguyễn Linh, 1963. Những vết tích đầu tiên của thời đại đồng thau ở Việt Nam. NXB Khoa học, Hà Nội.

Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh, 1987. Trống Đông Sơn. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Phạm Huy Thông (Chairman of Editorial Board), 1990. Dong Son Drums in Viet Nam. The Viet Nam Social Science Publishing House. Ha Noi (in tại Tokyo, Nhật Bản).

Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, 1960. Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thuỷ ở Việt Nam. NXB Giáo dục, Hà Nội.

Văn Tân, 1960. Xã hội nước Văn Lang và xã hội nước Âu Lạc. Nghiên cứu Lịch sử, số 2.

Viện Khảo cổ học, 1970, 1973, 1974. Hùng Vương dựng nước, tập I, II, III, IV. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Viện Khảo cổ học. Những phát hiện mới về khảo cổ học (kỷ yếu hàng năm). NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4286

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Táng tục mộ chum ở Đông Nam Á

Táng tục mộ chum ở Đông Nam Á

  • 27/04/2018 23:27
  • 9862

Táng tục mộ chum là hiện tượng phổ biến của cư dân cổ nhiều nơi trên thế giới. Nguồn gốc xuất hiện của táng tục này ở các khu vực văn hóa và trong các cộng đồng cư dân không cùng một thời điểm lịch sử, nhưng sự phát triển của nó lại có quan hệ mật thiết với nhiều vấn đề về tín ngưỡng tôn giáo, về thế giới quan và về những đặc trưng văn hóa của từng khu vực nói riêng và toàn vùng nói chung.