Trong gần 20 năm qua chúng tôi chú ý tập hợp tài liệu về các loại hình đồ gốm Việt Nam có minh văn. Ngoài cuốn sách Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn, xuất bản năm 1999, chúng tôi còn có một số bài viết bổ sung qua những phát hiện mới (Nguyễn Đình Chiến, 1999, 2007a,b). Nhân dịp tham quan phòng trưng bày của Hội cổ vật Tràng An (Ninh Bình), tháng 11 năm 2017, chúng tôi lại thấy một cặp phần dưới chân đèn gốm Bát Tràng thời Mạc. Xem lại hồ sơ tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam về đình Mai Phúc ở quận Long Biên (Hà Nội) chúng tôi cũng thấy cặp phần dưới chân đèn có minh văn nhưng chưa được công bố đầy đủ. Bài viết này xin giới thiệu về những chân đèn này cùng một vài điều nhận xét mà chúng tôi cho rằng rất đáng chú ý.
Trong gần 20 năm qua chúng tôi chú ý tập hợp tài liệu về các loại hình đồ gốm Việt Nam có minh văn. Ngoài cuốn sách Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn, xuất bản năm 1999, chúng tôi còn có một số bài viết bổ sung qua những phát hiện mới (Nguyễn Đình Chiến, 1999, 2007a,b). Nhân dịp tham quan phòng trưng bày của Hội cổ vật Tràng An (Ninh Bình), tháng 11 năm 2017, chúng tôi lại thấy một cặp phần dưới chân đèn gốm Bát Tràng thời Mạc. Xem lại hồ sơ tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam về đình Mai Phúc ở quận Long Biên (Hà Nội) chúng tôi cũng thấy cặp phần dưới chân đèn có minh văn nhưng chưa được công bố đầy đủ. Bài viết này xin giới thiệu về những chân đèn này cùng một vài điều nhận xét mà chúng tôi cho rằng rất đáng chú ý.
1.Cặp phần dưới chân đèn gốm hoa lam ở đình Mai Phúc.
Cặp phần dưới chân đèn này được giới thiệu lần đầu trong cuốn sách Cổ vật Long Biên do Ủy ban nhân dân quận Long Biên và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam xuất bản năm 2010.

Cặp chân đèn Bát Tràng tạo ngày 24/6 năm Diên Thành 3(1580).
Đây là loại phần dưới chân đèn thời Mạc có cổ nhỏ, vai phình, thân thuôn, chân đế choãi. Cao 53cm và 54,5cm (Cổ vật Long Biên, 2010, tr.38, 95,96). Trang trí trên cả hai phần dưới chân đèn đều giống nhau. Trang trí nổi để mộc gồm có băng lá đề kép trên vai, một hình rồng nổi quanh thân, mình chạm vảy cá, chân 4 móng, băng hoa cúc quanh viền chân đế, các vành đai nổi và viền đế. Trang trí vẽ lam là mây cụm hình khánh và mây dải quanh hình rồng. Dây lá cúc xen kẽ các bông cúc nổi và băng cánh sen nhọn quanh chân đế. Trước đầu rồng khắc một dòng chữ Hán trước khi nung: Diên Thành vạn vạn niên chi thất (Năm thứ 7 niên hiệu Diên Thành, 1584). Trong đó, chữ vạn khắc theo ký hiệu kiểu tắt, chữ thất theo thể kép.

Cặp phần dưới chân đèn tạo năm 1584.
Minh văn chữ Hán viết bằng men lam trong các ô chia theo cột dọc phần thân dưới xen kẽ với băng cánh sen dài, bên trong vẽ nửa bông hoa và các dải xoắn. Bài minh văn này khá dài ghi họ tên của các thiện nam tín nữ thuộc 8 dòng họ :Trần,Vũ, Đỗ, Lê, Đinh, Phạm, Nguyễn và Hoàng. Đặc biệt có dòng chữ : Bát Tràng xã Sinh đồ Bùi Khóa hưng công tạo tác cúng dường danh Trù Kính (Sinh đồ Bùi Khóa xã Bát Tràng, danh là Trù Kính hưng công tạo tác [Chân đèn] để cúng dường). Các đặc điểm về kiểu dáng, hoa văn, phong cách trang trí của cặp phần dưới chân đèn cho phép khẳng định là một sản phẩm gốm cổ Bát Tràng.
Như vậy, đây là một cặp phần dưới chân đèn gốm hoa lam do Sinh đồ Bùi Khóa ở xã Bát Tràng tạo tác vào năm 1584 hiện lưu giữ tại đình Mai Phúc, quận Long Biên..
2.Cặp phần dưới chân đèn gốm hoa lam trong sưu tập tư nhân ở Ninh Bình.
Như trên đã giới thiệu, cặp phần dưới chân đèn này hiện thuộc sở hữu của một thành viên Hội Cổ vật Tràng An (Ninh Bình). Vì cặp chân đèn đặt trong tủ kính trưng bày nên các bức ảnh chụp của chúng tôi không thật tốt. Khi mở trên máy tính chúng tôi thấy như sau:
Cặp phần dưới chân đèn này có thể thức tương tự với chân đèn tạo tác vào ngày 3 tháng 5 năm Đoan Thái 2 (1586), cũng như cặp phần dưới chân đèn tạo tác vào ngày 20 tháng 8 năm Đoan Thái 3(1587) hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Nguyễn Đình Chiến,1999, tr. 128-129).


Cặp phần dưới chân đèn tạo ngày 20/8 năm Đoan Thái 3(1587).
Chân đèn có cổ hình chóp nón cụt, vai và thân trên phình, thân dưới eo, chân đế choãi. Trang trí nổi để mộc có băng lá đề kép trên vai, hình rồng nổi ở thân trên và băng lá đề kép ở chân đế. Rồng kiểu yên ngựa, đầu ngẩng cao với bờm và râu dài, thân khắc vảy cá, chân 4 móng. Trang trí vẽ lam có các dải mây xung quanh hình rồng, băng cánh sen đứng ở thân dưới, trong có xoắn ốc và băng hoa dây giáp viền đế. Chân đèn bên phải, rồng có bờm uốn dài, đầu ngẩng cao, hướng vào viên ngọc phía trước và dòng chữ nổi: Hoàng thượng vạn vạn tuế, hai râu dài đặt dưới chữ Hoàng thượng. Chữ vạn thứ 2 thể hiện theo ký hiệu tắt. Trước đầu rồng bên trái khắc dòng chữ Hán: Đoan Thái tam niên bát nguyệt nhị thập nhật (Ngày 20 tháng 8 năm Đoan Thái 3(1587). Các chữ tam, bát, thập đều theo kiểu chữ kép. Xen kẽ các cánh sen đứng ở thân dưới khắc nhiều dòng chữ Hán: …phủ, Thanh Oai huyện, Quả Dương xã, Diên Phúc tự các sãi vi hưng công tạo tín thí bình hoa nhất tòa vi Tam bảo vật. Hội chủ Đông quân Đô đốc phủ, Thự phủ sự, Thái bảo Đà quốc công, … Bảo quốc phu nhân Mạc Thị Phúc …
Dịch nghĩa : Các sãi tín thí chùa Diên Phúc, xã Quả Dương, huyện Thanh Oai, phủ…cùng hưng công tạo tòa bình hoa (chân đèn) làm vật Tam bảo. Hội chủ là Đông quân Đô đốc phủ, Thự phủ sự, Thái bảo Đà quốc công, [cùng vợ là] Bảo quốc phu nhân Mạc Thị Phúc..
Như vậy, cặp chân đèn này được tạo tác vào ngày 20 tháng 8 năm Đoan Thái 3(1587). Đứng đầu các tín thí là vợ chồng Phò mã Mạc Ngọc Liễn và Công chúa Phúc Thành. Cặp chân đèn này được cung tiến cho chùa Diên Phúc ở xã Quả Dương, huyện Thanh Oai, phủ…
3.Mấy điều nhận xét:
1.Về tác giả tạo tác cặp phần dưới chân đèn đình Mai Phúc.
Trước đây 18 năm khi xuất bản sách Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn, chúng tôi đẫ dẫn về 13 tác giả làm gốm ở Bát Tràng trên tổng số 31 tác giả ký tên trên đồ gốm Việt Nam thế kỷ XV - XIX (Nguyễn Đình Chiến,1999, tr. 6). Như thế, tác giả Bùi Khóa ghi danh trên phần dưới chân đèn gốm Bát Tràng ở đình Mai Phúc là người thứ 14.
Nhưng ở đây đặt ra vấn đề tác giả họ Bùi này có liên quan gì với các tượng nhân gốm họ Bùi đã biết? Theo tài liệu gốm có minh văn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trong số các tượng nhân gốm Bát Tràng thời Mạc và Lê Trung Hưng có khá nhiều người họ Bùi. Trong nhóm 7 người lưu danh trên cặp phần dưới chân đèn tạo tác vào niên hiệu Diên Thành (1578-1585) đời vua Mạc Mậu Hợp có Bùi Thị Đỗ và Bùi Huệ. Cặp phần dưới chân đèn tạo tác ngày 25 tháng 11 năm Diên Thành 3(1580) cũng do Bùi Thị Đỗ và Bùi Huệ. (Nguyễn Đình Chiến, 1999, tr. 55, 62,119, 125)
Phần dưới chân đèn tạo tác vào năm Hoằng Định 2 (1601) đời vua Lê Kính Tông do Bùi Duệ, xã trưởng xã Bát Tràng. 18 năm sau trên phần dưới chân đèn tạo vào năm Hoằng Định 18 lại thấy lưu danh Bùi Duệ và Lê Thị Cận. (Nguyễn Đình Chiến, 1999, tr. 83, 84,158)
Phần dưới chân đèn tạo vào tháng Quý Hạ (tháng 6) năm Phúc Thái 2(1644) đời vua Lê Thần Tông có lưu danh Bùi Phú Đa. (Nguyễn Đình Chiến, 1999, tr. 91, 169)
Cặp phần dưới chân đèn, xưa kia ở chùa Hương Tích, có minh văn cho biết do Bùi Phú tạo tác vào ngày 16 tháng 11 năm Giáp Ngọ (1654) đời vua Lê Thần Tông. (Nguyễn Đình Chiến, 1999, tr.92,168 ).
Trên chiếc lọ gốm hoa lam hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) do tượng nhân họ Bùi ở châu Nam Sách vẽ vào năm Đại Hòa 8(1450) là trường hợp rất nổi tiếng về trung tâm gốm Nam Sách. Nhưng các tài liệu trên đây đã cho thấy dòng họ Bùi ở xã Bát Tràng có nhiều người lưu danh trên các sản phẩm gốm thờ, từ thời Mạc sang thời Lê Trung Hưng. Vậy có phải chăng, điều này chứng minh thế hệ tổ tiên của họ đã từng chuyển cư từ dòng họ Bùi ở châu Nam sách (Hải Dương) ra Bát Tràng phát triển nghề gốm vào thế kỷ XVI-XVII?
Lịch sử làng gốm Bát Tràng còn lưu danh 364 vị đỗ đạt từ Tam trường- tức hạng Sinh đồ trở lên. Làng khoa bảng này có 8 vị Tiến sỹ triều Lê và 1 vị tiến sỹ triều Nguyễn hiện còn lưu danh trên văn bia ở Văn miếu Hà Nội và Thừa thiên Huế. (Đỗ Thị Hảo,1989,tr.38-39). Về tác giả Bùi Khóa, chúng ta còn biết ông đã thi đỗ Tam trường nên gọi là Sinh đồ. Theo tài liệu gốm minh văn, ở Bát Tràng có Sinh đồ Vũ Xuân thấy lưu danh trên cặp phần dưới chân đèn chùa Trùng Thái, tạo tác vào năm Hoằng Định 13 (1612) (Nguyễn Đình Chiến,1999, tr.67,159 ). Như vậy, tượng nhân có đỗ đạt Tam trường lưu danh trên đồ gốm ở Bát Tràng mới chỉ thấy 2 người.
Ở xã Hùng Thắng huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách (nay là xã Minh Tân, huyện Nam sách, tỉnh Hải Dương) cũng có Sinh đồ Đặng Mậu Nghiệp tự là Huyền Thông hiện còn lưu danh trên 45 tác phẩm gốm men lam xám và vàng nâu mang phong cách và nét riêng của ông. Qua minh văn trên gốm Đặng Huyền Thông chúng ta biết rõ khoảng thời gian làm gốm của ông liên tục từ 1580 đến 1592 trong đời vua Mạc Mậu Hợp (Nguyễn Đình Chiến,2017,tr. 16-17).
2 .Về Thái Bảo Đà Quốc Công Mạc Ngọc Liễn
Theo ghi chép của sách Đại Nam nhất thống chí. Mạc Ngọc Liễn: “Người xã Di Nậu, huyện Thạch Thất, là con Tây Kỳ Vương Nguyễn Kính nhà Mạc, vì là Phò mã, nên được mang họ là Mạc, làm đến Thái úy Đà Quốc công Chưởng phủ sự. Lúc ấy Mạc đã bị Lê dánh bại, Liễn bèn lập Mạc Kính Cung nối ngôi, đặt niên hiệu Càn Thống, sau chiếm cứ châu Vạn Ninh. Lúc mắc bệnh gần chết, Liễn để lại bức thư cho Mạc Kính Cung rằng: “Khí số nhà Mạc đã hết, họ lại Trung hưng, đấy là số định từ trời, dân ta có tội gì nỡ lòng nào mà làm cho họ hàng ngày sa vào mũi tên, mũi giáo? Bọn ta nên lánh đi ở nước khác, dấu tiết để đợi thời cơ, rình xem lúc nào mệnh trời giúp mình mới có thể hành động được, không nên dùng sức đấu chọi với họ, vì hai con hổ đánh nhau, tất có một con bị thương, không ích gì cho công việc cả. Nếu họ lại kéo quân đến, thì bọn ta chỉ nên lánh đi, chớ nên đánh nhau. Lại nên nhớ kỹ rằng chớ rước người Minh vào nước, làm cho dân ta phải lầm than, đấy là tội to lắm đấy!” (Viện sử học, 1971.T.IV: tr.239-240).
Thông qua tìm hiểu minh văn trên đồ gốm thời Mạc, chúng tôi đã thấy nhiều thông tin về nhân vật lịch sử này. Mạc Ngọc Liễn và vợ là Công chúa Phúc Thành đã lưu danh trên nhiều tác phẩm gốm thờ như chân đèn và lư hương. Đây là đại diện cao nhất của tầng lớp quý tộc trong xã hội Mạc thường đứng Hội chủ của các thiện nam tín nữ đặt hàng gốm cung tiến vào các ngôi chùa Phật giáo và quán Đạo giáo. Chúng ta có thể theo dõi qua các tài liệu gốm có minh văn như sau:
Cặp chân đèn 2 phần do Nguyễn Phong Lai và Hoàng Ngưu, người xã Nghĩa Lư huyện Cẩm Giàng tạo tác vào ngày 24 tháng 6 năm Diên Thành 3 (1580) có khắc minh văn cho biết Đại sỹ Ngạn Quận công, pháp hiệu Đức Quảng [Mạc Ngọc Liễn] và Phúc Thành Công chúa trưởng cùng các sãi ở xã Quách Xá đặt mua cặp chân đèn này để cung tiến vào quán Linh Tiên - một quán Đạo giáo ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức ngày nay. (Nguyễn Đình Chiến,1999. tr.58,59,122,123 ).
Trên lư hương gốm hoa lam Bát Tràng tạo tác vào khoảng trước năm 1584 có khắc bài minh , chúng tôi dịch nghĩa là: Nam quân Đô đốc phủ,Tả đô đốc, Thự phủ sự, Phò mã Đô đốc Ngạn Quận công Mạc Ngọc Liễn [và vợ] Thái trưởng Phúc Thành Công chúa. (Nguyễn Đình Chiến,1999. tr.59,124 ).

Lư hương Bát Tràng tạo vào trước năm 1584.
Phần dưới chân đèn do gia đình Đỗ Phủ cùng vợ là Nguyễn Thị Bản, con trai là Đỗ Xuân Vy, con dâu là Lê Thị Ngọc ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An tạo tác ngày 3 tháng 5 năm Đoan Thái 2 (1586) có minh văn ghi; Thái bảo Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn và Công chúa Phúc Thành cùng nhiều người khác. (Nguyễn Đình Chiến,1999. tr.68,128 ).
Cặp phần dưới chân đèn ở sưu tập tư nhân Ninh Bình giới thiệu trên đây: tạo tác vào ngày 20 tháng 8 năm Đoan Thái 3(1587). Hội chủ Đông quân Đô đốc phủ, Thự phủ sự, Thái bảo Đà quốc công, [cùng vợ là] Bảo quốc phu nhân Mạc Thị Phúc. Cặp chân đèn này được cung tiến cho chùa Diên Phúc ở xã Quả Dương, huyện Thanh Oai…
Trong số 45 tác phẩm gốm của Đặng Huyền Thông, chúng tôi thấy xuất hiện Tín chủ, Hội chủ Thái bảo Đà Quốc công ở 3 chiếc chân đèn gốm men lam xám cung tiến cho chùa Tô Lai, thôn Thanh Kiếu, xã Thượng Ốc, huyện Từ Liêm. (2 chiếc hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và 1 chiếc trong sưu tập tư nhân ở Hoa Kỳ). Đây là 3 chân đèn đều do Đặng Huyền Thông tạo tác vào tháng 2 năm Hưng Trị (1589). (Nguyễn Đình Chiến, 1999. tr.72,73,154,155).
Như vậy, qua minh văn trên đồ gốm chúng ta biết vào khoảng năm 1580, Mạc Ngọc Liễn đã được phong chức tước Nam quân Đô đốc phủ, Tả đô đốc, Thự phủ sự, Phò mã Đô đốc Ngạn Quận công nhưng tới năm 1586 được phong Thái bảo Đà Quốc công. Năm 1587 lại được đổi làm Đông quân Đô đốc phủ, Thự phủ sự, Thái bảo Đà Quốc công. Đây là phẩm tước bậc cao nhất, bậc Thượng trật của Triều đình (Đỗ Văn Ninh, 2006,tr.635). Cho đến năm 1589, các chân đèn gốm của Đặng Huyền Thông đều chỉ thấy ghi Thái bảo Đà Quốc công và không thấy cùng vợ là Thái trưởng Công chúa Phúc Thành? Những thông tin này đã bổ sung thêm tài liệu cho chính sử vẫn còn thiếu vắng.

Phần dưới chân đèn tạo vào tháng 2 năm Hưng Trị 2 (1589).
TS.Nguyễn Đình Chiến
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Nguyễn Đình Chiến,1999. Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn thế kỷ XV - XIX -Handbook of Vietnamese Ceramics with Inscriptions from the fifteenth to Nineteenth Centuries. Bảo tàng lịch sử Việt Nam xb, Hà Nội.
Nguyễn Đình Chiến, 2007a. “Chân đèn gốm lam xám của nghệ nhân Đặng Thiện Sỹ năm 1592”. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Thông báo khoa học, tr. 155-163.
Nguyễn Đình Chiến, 2007b. “Gốm lam xám Hải Dương thế kỷ XVI”. Cổ vật tinh hoa. Số 1 (18), tháng 8-207, tr. 23-27.
Nguyễn Đình Chiến, 2017. Đặng Huyền Thông - Tượng nhân gốm tài hoa thời Mạc. Nxb Thanh niên.
Nguyễn Đình Chiến & Trịnh Căn,1992. “Thông tin mới về tác giả làm gốm Đặng Huyền Thông thế kỷ XVI”. Những phát hiện mới về khảo cổ học tr. 272-273.
Viện sử học, 1971. Đại Nam Nhất thống chí, T.IV: 239-240
Ủy ban nhân dân quận Long Biên- Bảo tàng lịch sử Việt Nam, 2010. Cổ vật Long Biên.
Đỗ Văn Ninh, 2006. Từ điển chức quan Việt Nam Nxb. Thanh niên.
Đỗ Thị Hảo, 1989. Quê gốm Bát Tràng. Nxb. Hà Nội.