Dưới thời Lý, với sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo, rất nhiều ngôi chùa, tháp được xây dựng với quy mô lớn và kiến trúc đồ sộ như: chùa Diên Hựu (Hà Nội), Phật Tích (Bắc Ninh), Long Đọi Sơn (Hà Nam)…
Cùng với đó, các loại hình vật liệu trang trí kiến trúc cũng phát triển theo. Những vật liệu trang trí kiến trúc thời Lý còn lại cho đến ngày nay chủ yếu là những tác phẩm điêu khắc bằng đá và đất nung, tiêu biểu là sưu tập điêu khắc đá đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong đó tượng đầu người mình chim đánh trống - hay còn được gọi là Kinnari (ca thần) - là một trong những tác phẩm rất quý hiếm.
Hình tượng Kinnari là hình tượng phổ biến trong cả thần thoại Hindu và Phật giáo ở Ấn Độ. Trong một số truyện cổ của Ấn Độ, Kinnari được mô tả là nam thần, nhạc công nửa người nửa ngựa. Trong thần thoại Đông Nam Á, Kinnari được mô tả như một thiên thần nhạc công nửa chim, nửa người. Nổi tiếng với tài múa hát, thơ ca, chơi nhạc, nên trong nghệ thuật tạo hình, Kinnari thường được thể hiện có đầu, thân cánh tay của thiếu nữ, trong khi mang đuôi và đôi bàn chân của thiên nga hay chim và thường trong tư thế đang chơi các nhạc cụ.
Tuy nhiên, Kinnari còn có tên gọi, chức năng, biểu tượng khác nhau theo quan niệm của cư dân ở mỗi nước. Kinnari – Kinnara được gọi là Khẩn Na La, Ca Lăng Tần Già....
Ở các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản cũng ảnh hưởng hình tượng này từ Ấn Độ, khi thể hiện Nam thần nó có tên gọi là Kinnara, khi là Nữ thần thì được gọi là Kinnari. Cặp đôi Kinnara-Kinnari là đôi tình nhân bất diệt, rất được yêu quý không bao giờ tách rời nhau.
Ở Indonesia, hình ảnh cặp đôi Kinnara-Kinnari có thể được tìm thấy ở những điện thờ Borobudur, Mendut, Pawon, Sewu, Sari và Prambanan. Thông thường, chúng được miêu tả là những con chim đầu người hay con người với đôi chân chim. Cặp đôi Kinnara-Kinnari thường được thể hiện là linh vật canh gác cây đời Kalpataru đôi khi được mô tả là đấng bảo hộ vại châu báu. Phù điêu cặp đôi Kinnara-Kinnari ở điện thờ Sari là duy nhất, miêu tả Kinnara như là thiên thần với đôi cánh chim gắn trên lưng, khá tương đồng với hình tượng phổ biến của các thiên thần.
Ở Thái Lan, Kinnari (thường được phát âm là Kinnaree) được thể hiện dưới dạng một người phụ nữ trẻ đẹp nửa người nửa thiên nga với đầu và thân mình của nữ giới, đuôi và chân thiên nga trang phục giống như các thiên thần. Vì thế, Kinnaree có thể bay lượn giữa thế giới của loài người và các thế giới khác. Tuy nhiên, ở Thái Lan Kinnari còn được biết đến với tên gọi là Manora, tên gọi này có nguồn gốc từ Manohara trong tác phẩm Pali có tên là Pannas Jataka vào khoảng năm 1450-1470 kể về câu chuyện tình của Hoàng tử Sudhana và nàng Manora. Câu chuyện này cũng đã tạo ra điệu múa Manorah Buchayan và cũng trở thành vở vũ kịch Norah phổ biến ở miền Nam Thái Lan. Kinnaree nổi tiếng với vũ đạo, giọng ca tuyệt vời và hình dáng yêu kiều thường thấy trong điêu khắc, kiến trúc truyền thống và những bích họa trong các đền điện.
Ở Miến Điện, Kinnara được gọi là Keinnaya hay Kinnaya (tiếng Miến: kin-na-yi); con mái được gọi là Keinnayi hay Kinnayi. Loài chim huyền thoại Kinnari đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của cư dân. Giải thưởng học thuật dành cho những người có đóng góp to lớn cho quốc gia là một pho tượng nhỏ bằng vàng hình Kinnari. Lá cờ của bang Kayah ở Miến Điện có ba màu xanh, trắng, vàng với hình Kinnara ở trung tâm. Người Miến Điện cũng cho rằng, Kinnari là biểu tượng cho sắc đẹp nữ giới, sự hoàn hảo và còn là biểu tượng cho thơ văn, nghệ thuật ca hát và nhảy múa.
Ở Campuchia, Kinnara là con trống và Kinnari là con mái. Kinnari thường được miêu tả phổ biến trong mỹ thuật và văn học Campuchia hơn là Kinnara. Chúng thường được thể hiện dưới dạng những bức tượng chống đỡ cột trụ bên ngoài/ mặt tiền kiến trúc Angkor và hầu hết ở các kiến trúc Phật giáo, đặc biệt là các ngôi chính điện Preah Vihear và các tháp Chét-đây (chứa tro cốt chư Tăng hay tín đồ quá vãng). Chúng là biểu tượng của sắc đẹp và cũng là những vũ công khéo léo. Kinnari là nguyên mẫu trong tiết mục múa ba lê của hoàng gia Campuchia, xuất hiện như là nhóm tinh nghịch có một sức quyến rũ, lôi cuốn mạnh mẽ. Vở vũ kịch truyền thống robam kenar miêu tả những Kinnari nô đùa, vui chơi trên một ao sen cũng là vở diễn mà “nhân vật Kenar” là vai chủ đạo.
Kinnari trong văn hóa Việt được xác định như một loại chúng sinh có thuộc tính như tiên nữ và được hiểu như một dạng Ngọc Nữ dâng hoa cúng Phật và trong văn học một câu chuyện tình chung thủy đắm say của một người trần với nàng Kinnari như truyện Kinnari Manohara phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á. Hình tượng Kinnara/ Kinnari vừa múa hát vừa dâng hương hoa, quả thiêng hầu Phật phổ biến trong các đồ án trang trí thời Lý và các điêu khắc kiến trúc người Chăm.
Khi nói đến Kinnari trong văn hóa Champa, có ý kiến cho rằng biểu tượng chim thần Kinnari của người Chăm được lấy từ mô típ chim thần Garuda trong thần thoại Ấn Độ, đó là những ca sĩ, nhạc công thiên thần múa hát trên thiên đình, phục vụ cho thần Indra – thần sấm sét, vị Thiên hoàng trong thần thoại Ấn Độ gần với mặt trời và trung tâm vũ trụ. Khi thể hiện Nam thần, có tên gọi là Kinnara; Nữ thần gọi là Kinnari.Trong nghệ thuật điêu khắc người Chăm, hình tượng Kinnari được thể hiện rất phong phú đa dạng và có lẽ di tích Tháp Mẫm (Bình Định) là nơi phát hiện nhiều tượng Kinnari nhất. Những Kinnara và Kinnari tìm thấy ở Tháp Mẫm nửa thân trên phơi lộ da thịt với tạo hình đặc trưng phong cách mỹ thuật Chăm: chắc – nặng - tròn - đầy - đầm - ấm.
Hình tượng Kinnari còn được thể hiện trong các ngôi chùa Việt từ thời Lý đến thời Mạc với tượng Kinnari ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam), chùa Thái Lạc (Hưng Yên).… được trang trí với nhiều phong cách khác nhau như:
- Hoa văn chạm một tiên nữ đầu người mình chim dâng hoa và các tiên nữ đứng trên mây, được đóng khung vuông bằng các hoa văn dấu phẩy. Loại đồ án này gồm có hai đôi, mỗi đôi đều có hình tiên nữ quay mặt ngược chiều nhau chầu vào Phật điện.Tổng thể bố cục trang trí thể hiện các tiên nữ đều hướng vào giữa trung tâm của điện thờ. Phong cách này thấy trong bức chạm chùa Phật Tích (Bắc Ninh).
- Hoa văn chạm hình các tiên nữ đầu người mình chim hai tay dâng bình hoa to, cả hai cùng quay đầu về một phía như đang nối đuôi nhau trên đường bay về dâng hoa chầu Phật.... Phong cách này thấy trong bức chạm chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam).
- Hoa văn chạm hình hai tiên nữ đầu người mình chim cùng dâng hoa chầu Phật trong khung hình lá đề. Hai tiên nữ ở đây trong một bố cục quay đầu vào nhau cùng dâng hoa cúng Phật. Cả hai đều đứng trên đài sen cao quý, một tay để trước ngực còn tay kia giơ cao nâng đỡ các chùm hoa dâng Phật hay trịnh trọng đưa cả hai tay đỡ một bình đựng hoa to. Đôi cánh được thể hiện như cánh chim dang rộng trong tư thế sẵn sàng vỗ cánh bay. Đặc biệt, đuôi dài đang cuộn lại uốn lượn bay ngược nối lên phía đỉnh đầu. Phong cách này thấy trong bức chạm chùa Thái Lạc (Hưng Yên).
Đặc biệt, tượng Kinnari phát hiện ở chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vào năm 1057 hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia là hiện vật được thể hiện rất độc đáo. Tượng thể hiện một nhân vật thần linh với nửa trên hình người, hai tay bưng chiếc trống cơm đeo ngang trước ngực, nửa dưới hình chim, có cánh, có móng và đuôi dài cong nối với đỉnh đầu. Tượng được tạc với khuôn mặt trầm tư, dịu dàng, đôi lông mày thanh, mũi thẳng cao thể hiện khá rõ nét nhân chủng Ấn.
Tượng Kinnari chùa Phật Tích (Bắc Ninh).
Khi nói đến nhạc cụ mà các Kinnari sử dụng, có rất nhiều loại khác nhau như: đàn, trống Phong Yêu (còn gọi là trống Tầm Bông), chũm chọe, ống tiêu.... Từng có ý kiến cho rằng, loại trống của Kinnari chùa Phật Tích là trống cơm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, trống của Kinnari chùa Phật Tích là trống Phong Yêu (còn gọi là trống Tầm Bông). Phần viết về nhạc khí màng rung vỗ trong Nhạc khí truyền thống Việt Nam của Lê Huy và Minh Hiển biên soạn, hình dạng trống phong yêu được mô tả như sau: “Tang trống bằng gỗ, dài khoảng 45 cm, giữa tang trống thắt lại, một đầu hình cầu, đầu kia loe ra như miệng phễu”. Căn cứ vào sự mô tả và hình minh họa các loại trống trong cuốn sách này, có thể thấy loại nhạc cụ của Kinnari mà một số tài liệu vẫn cho là trống cơm, thực ra là trống Phong Yêu. Cũng theo tài liệu này, trống Phong Yêu được dùng trong dàn Nhã nhạc cung đình, trong ban nhạc “ả đào cổ”. Trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, phần bàn về âm nhạc cũng nhắc đến trống Phong yêu cổ, giống như trống cơm, nhưng một mặt hơi to, giữa thắt lưng ong; tiếng kêu nhẹ là “tầm”, nặng là “bông”, tục gọi là “trống tầm bông”.
Cách tạo hình các tượng thiên thần Kinnari ở chùa Phật tích về tổng thể mang đặc điểm chung là nửa thân trên là người, mình chim, hai cánh xòe xuôi theo thân, chân có móng chắc, khỏe. Chi tiết tạo hình các tượng không giống nhau: có những tượng được thể hiện trau chuốt, trang phục, chi tiết mắt, mũi, miệng rõ, nhưng cũng có những tượng lại tạo hình lược giản chủ yếu là những tượng nhỏ. Tượng càng nhỏ, tạo hình càng đơn giản, các tượng Kinnari nhỏ trang trí ở vị trí cao chỉ cần tạo hình dáng chung miễn là hài hòa với tổng thể kiến trúc và trang trí của tháp.
Đầu tượng tiên nữ chùa Phật Tích (Bắc Ninh).
Hay bức phù điêu ở chùa Long Đọi Sơn thể hiện yếu tố văn hóa Champa rất rõ. Phù điêu thể hiện Kinnari có bộ mặt giống con người hiện thực, thể hiện sự trầm tư, vẻ đẹp dịu dàng nhưng lại rất rạng rỡ, phảng phất hình bóng của người Chăm với chiếc khăn quấn đầu rủ từ thái dương xuống vai, phía sau có đôi cánh như cánh chim, hai tay đưa ra phía trước, một tay giơ lên cao, một tay thấp, thân hình uốn lượn mềm mại trong tư thế đang múa, xung quanh là những đám mây, tạo cho người xem một cảm giác lung linh huyền ảo.
Qua hình tượng Kinnari phát hiện trong các ngôi chùa Việt Nam và điêu khắc đá Champa không chỉ cho thấy những nét chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ dưới đôi bàn tay khéo léo cũng như kỹ thuật chạm khắc đá tuyệt vời của những nghệ nhân, tác phẩm điêu khắc đá đã trở nên vô cùng sống động như một tiểu thiên thần đang bay lượn ca hát trong tiếng nhạc du dương như hướng con người về với cõi Tây phương cực lạc mà còn thể hiện sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật Phật giáo thời Lý đạt đến đỉnh cao trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, cũng như vai trò quan trọng của Phật giáo trong đời sống xã hội cũng như sự tiếp thu, giao lưu văn hóa Việt – Champa thời kỳ này.
Với những gá trị về nghệ thuật cũng như ý nghĩa lịch sử văn hóa đó mà tượng Kinnari là một trong những hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia luôn được lựa chọn trong các cuộc trưng bày trong và ngoài nước.
Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan
CN. Phạm Thị Huyền