Thứ Năm, 12/06/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/11/2016 02:05 3738
Điểm: 5/5 (3 đánh giá)
Di tích Động Bà Hòe thuộc thôn 5, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Di tích này có nhiều tên gọi khác nhau như Bà Què, Bàu Hòe hay Hòa Vinh..., trong đó tên gọi Động Bà Hòe được sử dụng với tư cách là địa danh chính thức trong các văn bản hành chính của Nhà nước.

Di tích này được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích cấp Quốc gia vào tháng 11/2000 theo Quyết định số 30/2000 QĐ-BVHTT.

Cảnh quan di tich Động Bà Hòe.

Động Bà Hòe thực chất là một đồi cát nằm trong dãy đồi cát ven biển, có diện tích khoảng 30 ha, trong đó di tích của người cổ phân bố chủ yếu ở sườn phía tây của động. Tuy nhiên, ngoài phần chân động đã bị cắt bởi QL1A, thì nửa phía tây của động đã bị san bạt đi nhiều để lập khu dân cư, làm ruộng trồng thanh long và các hoạt động dân sinh khác. Phạm vi phân bố cua di tích hiện nay, theo ước đoán của chúng tôi, chỉ còn khoảng hơn 1 ha.

Về mặt địa - văn hóa, Động Bà Hòe là một di tích trong hệ thống các di tích phân bố trong vùng sinh thái cồn cát ven biển. Về phía bắc, cách Động Bà Hòe khoảng 1 km là di tích Bàu Vịt, xa hơn khoảng 2 km là di tích Sa Ra, khoảng 8 km là di tích Hồng Sơn. Nơi đây, các cán bộ Bảo tàng tỉnh của đã đào được một số chum gốm và hiện vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Về phía nam, cách Động Bà Hòe chỉ khoảng 1 - 2 km là các di tích như Động Trũng, Phú Trường, là các địa điểm đã phát hiện được những mộ chum lớn giống với Sa Huỳnh.

Toàn cảnh công trường khai quật.

Di tích Động Bà Hòe được phát hiện từ những năm 1920, khi người Pháp thi công Quốc lộ 1. Trong một bài viết của H.Parmentier trên BEFEO năm 1924, ông cho biết A.Sallet đã thông báo với ông về khả năng có một di tích đồng dạng với văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực gần Phan Thiết. Sau đó, năm 1961, O.Janse cung cấp những thông tin cụ thể hơn, khi cho biết đã tìm được những hạt chuỗi mã não tại một địa điểm cách Phan Thiết khoảng 12 km và sát với Quốc lộ 1. Janse cũng nhận định có khả năng tồn tại một bãi mộ chum tại động cát này. Năm 1971, H.Fontaine đã phát hiện được rất nhiều mảnh gốm tại địa điểm Hòa Vinh và xác định đây chính là di tích mà Parmentier đã nói tới từ năm 1924. Sau đó, đầu năm 1975, H.Fontaine, J.Davidson và Hoàng Thị Thân đã đến khai quật địa điểm này. Tuy bị gián đoạn bởi các sự kiện chính trị, nhưng trong đợt khai quật này các nhà khảo cổ đã tìm ra dấu vết cư trú, mộ táng và một số di vật tiêu biểu của di tích. Đây chính là cơ sở cho các đợt nghiên cứu về sau này.

Sau khi đất nước thống nhất, di tích Động Bà Hòe được các nhà khảo cổ Việt Nam quan tâm nghiên cứu. Di tích này đã được đào thám sát 3 lần trong các năm 1979, 1980 và 1982. Năm 1984 được khai quật lớn, với diện tích 300m2. Kết quả các đợt thám sát và khai quật cho thấy ở đây có cả lớp cư trú và mộ táng, trong đó lớp cư trú sớm hơn và thuộc thời đại đồng thau, còn lớp mộ táng muộn hơn và thuộc thời đại đồ sắt. Di tích này có những mối quan hệ văn hóa rộng rãi với các khu vực khác, đặc biệt là với Dốc Chùa ở lưu vực sông Đồng Nai. Đợt khai quật năm 2016 của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia không chỉ góp phần củng cố cho các nhận định trước đây mà còn có thêm nhiều phát hiện mới, đồng thời bổ sung thêm một khối tư liệu đồ sộ về di tích quan trọng này.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu từ gần một thế kỷ qua đã góp phần cho chúng ta thấy được diện mạo của di tích Động Bà Hòe, từ không gian phân bố cho tới tính chất, niên đại hay các mối quan hệ văn hóa của di tích, qua đó thấy được tầm quan trọng của di tích này trong bối cảnh tiền - sơ sử của vùng Nam Trung Bộ.

Về không gian phân bố: dựa trên những báo dẫn của người Pháp từ trước năm 1975 cũng như kết quả khảo sát, khai quật của các nhà khảo cổ Việt Nam từ sau 1975, có thể thấy di tích có phạm vi phân bố khá rộng lớn, với diện tích lên tới gần 10 ha.

Về tính chất di tích: qua tổng thể di tích và di vật, có thể thấy Động Bàu Hòe là một nơi cư trú của người xưa. Tuy nhiên, không chỉ là nơi cư trú đơn thuần mà ở đây còn diễn ra hoạt động chế tác đá rất rõ. Do vậy, có thể khẳng định đây là một di chỉ xưởng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện phổ biến của các cụm mộ trong tầng văn hóa còn cho thấy đây là một di chỉ - mộ táng. Như vậy, có thể thấy đây là một di tích có tính chất khá đa dạng: cư trú - sản xuất - mộ địa.

Di tích mộ táng trong hố khai quật.

Về mối quan hệ giữa tầng văn hóa và mộ táng: như trên đã nói, Động Bàu Hòe vừa là một di chỉ cư trú, vừa là một khu mộ táng. Nhưng giữa tầng văn hóa và mộ táng có mối quan hệ như thế nào. Theo suy luận logic, nếu mộ táng chôn tách biệt nơi cư trú, thì mộ táng và cư trú là cùng thời; nếu mộ táng chôn trong nơi cư trú, thì mộ táng muộn hơn cư trú. Ở đây, ta thấy các cụm mộ Động Bà Hòe được chôn trong tầng văn hóa, vì thế có thể thấy rằng mộ táng muộn hơn cư trú và nơi cư trú dần trở thành khu nghĩa địa.

Trong các mộ táng tìm được, có thể bước đầu nhận ra hai giai đoạn mộ táng khác nhau, dựa trên độ sâu xuất lộ cũng như đồ tùy táng tìm được. Theo nhận định ban đầu của chúng tôi, nhiều khả năng những mộ đất chôn sâu bên dưới các mộ nồi thuộc về giai đoạn sớm, có thể là hậu kì Đá mới, trong khi đó một số mộ nồi có niên đại muộn hơn, nhiều khả năng thuộc giai đồ Sắt, ví dụ như những mộ nồi có đồ đồng phát hiện năm 1984 hay mộ nồi có hạt chuỗi thủy tinh năm 2016.

Về niên đại chung của di tích: qua kết quả khai quật mới nhất, chúng tôi thấy yếu tố Đá mới ở đây khá đậm nét. Theo đó, lớp cư trú và lớp mộ sớm có thể thuộc Hậu kì Đá mới, nằm trong khung 3500 - 3000 năm BP, còn lớp mộ muộn có thể thuộc thời đại Kim khí, niên đại khoảng trên dưới 2500 năm BP.

Hiện vật nồi gốm và rìu đá tại di tích Động Bà Hòe.

Về các mối quan hệ văn hóa: bước đầu có thể thấy di tích Động Bàu Hòe có một số nét gần gũi với các di tích ở Đông Nam Bộ như Dốc Chùa, Đa Kai hay An Sơn, Lộc Giang. Những yếu tố của văn hóa Xóm Cồn ở miền Trung cũng hiện diện trong di tích này, ví dụ loại gốm màu hay việc chôn theo ốc tai tượng. Các đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh như táng tục mộ chum, gốm tô màu, tô chì, các đồ tùy táng điển hình như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu,... không thấy xuất hiện. Như vậy, có thể thấy trước khi văn hóa Sa Huỳnh lan tỏa đến cực nam Trung Bộ, ở đây đã tồn tại một cộng đồng cư dân cổ với một cơ tầng văn hóa khá ổn định và gần gũi với không gian văn hóa Đông Nam Bộ hơn. Sau này, dù có chịu ảnh hưởng bởi sự lan tỏa của văn hóa Sa Huỳnh, thì các nhóm cư dân ở đây vẫn phát triển theo một sắc thái riêng. Có lẽ chính vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất gọi các di tích ở Ninh - Bình Thuận như Mỹ Tường, Hòn Đỏ hay Động Bà Hòe là Sa Huỳnh Nam, để phân biệt với các di tích Sa Huỳnh cổ điển ở trung Trung Bộ.

Những vấn đề đặt ra và giải pháp

Bên cạnh những kết quả nói trên, vẫn còn đó những vấn đề đặt ra yêu cầu phải giải quyết:

- Tình trạng xâm hại di tích vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ, cụ thể là hoạt động khai thác cát trái phép và mở rộng diện tích khu dân cư lấn vào đất di tích.

- Dù là di tích cấp Quốc gia nhưng chưa có Ban quản lý di tích độc lập; về mặt hành chính vẫn do chính quyền xã Hàm Đức quản lý.

- Thiếu định hướng chiến lược trong quy hoạch và bảo vệ tương xứng với giá trị của di tích và phù hợp với tính chất và hiện trạng của di tích.

- Các giá trị đích thực của di tích chưa có điều kiện để phát huy đầy đủ.

Một số giải pháp đề xuất:

- Nhanh chóng thực hiện khảo sát tổng thể để đánh giá đầy đủ về phạm vi phân bố và tính chất văn hóa của di tích, trên cơ sở đó nhanh chóng xây dựng hệ thống tường bao để bảo vệ di tích.

- Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích phù hợp với điều kiện nhân sự và cơ sở vật chất của tỉnh.

- Phối hợp với các nhà nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học của di tích, tập hợp lại tư liệu của các đợt khảo sát, khai quật trước đây.

Di tích Động Bàu Hòe: giá trị cần khai thác và đối tượng hướng đến

Những tư liệu thu thập được từ Động Bàu Hòe có tầm quan trọng to lớn, không chỉ trong việc nghiên cứu giai đoạn Tiền Sa Huỳnh mà còn cả trong việc nghiên cứu sự lan tỏa và hòa nhập, hợp thành văn hóa Sa Huỳnh ở miền Nam Trung Bộ. Có thể coi đây là một di tích gốc, một dạng key site, để từ đó tham chiếu diễn trình văn hóa thời tiền - sơ sử ở Bình Thuận.

Nghiên cứu dấu vết công xưởng góp phần cho chúng ta nhận biết được quy trình chế tác đá ở đây, nguồn nguyên liệu từ đâu, sản phẩm là gì, kỹ thuật chủ đạo là gì? Nghiên cứu dấu vết tầng cư trú cho phép chúng ta hình dung về đời sống hàng ngày của người xưa. Họ dùng đồ gốm gì để đun nấu, ăn uống, có se xợi dệt vải không, có làm nông, săn bắn đánh cá không? Nghiên cứu dấu vết mộ táng cho chúng ta biết được phong tục mai táng của người xưa. Họ chôn người chết trong mộ đất hay mộ nồi/vò, đồ tùy táng đặt ở đâu, gồm loại hình và chất liệu gì? Nghiên cứu di tích Động Bà Hòe trong hệ thống các di tích Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh ở Bình Thuận nói riêng và Nam Trung Bộ nói chung như Đa Kai, Sa Ra, Hồng Sơn, Phú Sơn, Phú Trường, Xóm Cồn, Mỹ Tường, Hòn Đỏ... góp phần phục dựng bức tranh toàn cảnh giai đoạn Đá mới - Kim khí ở miền Nam Trung Bộ.

Việc diễn giải các giá trị văn hóa nêu trên bằng các hình thức sinh động, đa dạng sẽ có sức hấp dẫn to lớn không chỉ với nhà nghiên cứu mà còn cho đông đảo tầng lớp dân chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thực tế cho thấy việc tiến hành khai quật bài bản kết hợp với công tác tuyên truyền tốt đã góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân địa phương, khiến người dân tham gia trực tiếp việc bảo tồn, bảo vệ di tích khảo cổ./.

Nguyễn Văn Đoàn

Trương Đắc Chiến

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 5201

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Đồ ngự dụng xứ Huế

Đồ ngự dụng xứ Huế

  • 30/10/2016 21:23
  • 6842

Hơn 60 năm sau ngày nhà Nguyễn (1802 - 1945) cáo chung, Huế trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt khiến thành quách, lăng tẩm của kinh đô xưa bị hư hại nặng nề.