Thứ Năm, 12/06/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

30/10/2016 21:23 6841
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Hơn 60 năm sau ngày nhà Nguyễn (1802 - 1945) cáo chung, Huế trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt khiến thành quách, lăng tẩm của kinh đô xưa bị hư hại nặng nề.

Vậy nhưng, khi bước chân vào những cung điện may mắn sót lại sau bao cơn binh hỏa, du khách cảm nhận cái “không gian xưa cũ” dường như vẫn tồn tại quanh mình. Hơi thở của du khách vẫn được bao trùm bởi một không khí đặc quánh chất cung đình: sang trọng, quý phái và thâm trầm. Ấy là nhờ sự hiện hữu của những vật dụng đang bày biện trong nội thất các cung điện cổ xưa ấy: chiếc ngai vàng sơn son thếp vàng lộng lẫy; bộ trường kỷ cẩn xà cừ lóng lánh; chiếc long sàng mặt mây trải tấm nệm lông bọc gấm vàng cùng đôi gối thêu hình long phụng; dăm ba chiếc bình sứ ký kiểu... Đó là những vật dụng từng gắn bó thân thiết với bao đời vua Nguyễn, xưa gọi là đồ ngự dụng, nay trở thành những cổ vật vô giá, được đưa ra trưng bày để du khách đến Huế có thể hình dung về những “không gian quá khứ” như đã từng tồn tại trước đây.

Ngai vàng trong điện Thái Hòa (Đại Nội).

Đồ ngự dụng là đồ dùng của vua, song đôi khi, nhà vua cũng ban tặng đồ ngự dụng cho các thành viên trong hoàng gia và những sủng thần. Thời Nguyễn, đồ ngự dụng ở Huế nhiều vô kể, bởi nhu cầu của vua thì phong phú vô cùng: đồ gỗ, đồ ngà, đồ vàng bạc châu báu, đồ pháp lam, lụa là gấm vóc… hiện diện khắp các cung vàng, điện ngọc ở Huế đô. Triều đình đã lập hơn 90 tượng cục (hay tượng ty), chuyên sản xuất các thứ vật dụng để cung đốn cho nhu cầu của hoàng đế, hoàng gia và triều đình. Trong số đó, có những tượng cục/tượng ty đặc trách sản xuất các vật dụng cao cấp cho vua và hoàng gia sử dụng như: Kim ngân tượng cục (chuyên chế tác đồ vàng bạc); Cẩm tượng cục (chuyên nghề dệt gấm lụa cao cấp); Pha lê tượng cục (chuyên làm pha lê); Pháp lam tượng cục (chuyên chế tác đồ pháp lam); Gia mộc tượng ty (chuyên làm đồ gỗ trong cung); Châm sàng tào tượng ty (chuyên làm giường, gối); Họa xà cừ tượng ty (chuyên làm đồ khảm xà cừ)… Thợ thuyền làm việc trong các ty/cục này đều là những bậc xảo thủ trong nghề, do triều đình chiêu mộ khắp cả nước, đưa về kinh hành nghề. Vật liệu dùng làm đồ ngự dụng đều thuộc hạng cao cấp, thường là sản vật nổi tiếng do các tỉnh thành dâng lên, hay do các hộ biệt nạp trong cả nước tiến dụng, hoặc mua từ ngoại quốc. Do vậy, mỗi món đồ ngự dụng đều xứng danh là những trân ngoạn, khiến người đời sau, mỗi khi có dịp chiêm ngưỡng, đều tấm tắc, ngưỡng mộ.

Bộ ghế mây hiệu Khải Định niên tạo (phục chế) trưng bày ở nội thất cung Diên Thọ (Đại Nội).

Bộ ghế bành kiểu Louis của vua Khải Định trưng bày trong nội thất cung Diên Thọ (Đại Nội).

Mỗi vị vua có tính cách, sở thích riêng. Do vậy, đồ đạc họ dùng cũng mang kiểu thức, thần thái riêng biệt. Vua Gia Long (1802 - 1820) là người cần kiệm, chuộng sự mộc mạc, giản đơn, nên đồ ngự dụng của ông không nhiều, lại ít sơn thếp hay chạm trổ. Đồ ngự dụng của vua Minh Mạng (1820 - 1841) thường là đồ sơn son thếp vàng; chạm khắc các đồ án tứ linh, tinh vân… như muốn thể hiện uy quyền của bậc quân vương. Đồ ngự dụng của vua Thiệu Trị (1841 - 1847), nhất là đồ gỗ, thường không sơn thếp; đề tài trang trí chủ yếu là cúc hóa vân, trúc hóa long, triền chi…; nét chạm tuy mảnh nhưng sâu và rất tinh tế. Sang đời Tự Đức (1848 - 1883), vua yêu văn chương, chuộng thi phú nên đồ vua dùng thường trang trí phong cảnh sơn thủy, nhân vật, hoa điểu; lại thích vẽ vời hơn chạm trổ; chuộng đan lát hơn đục khảm. Vua Khải Định (1916 - 1925) lên kế vị khi người Pháp đã thôn tính xong nước Việt, văn hóa phương Tây đã xâm nhập vào tận cung cấm triều Nguyễn, nên đồ ngự dụng của ông vua này có sự thay đổi về cả hình thức, chất liệu, lẫn đề tài trang trí: những chiếc ghế bành bọc nệm kiểu Louis thay thế cho bộ trường kỷ; tủ tường kiểu Pháp thay cho những chiếc kệ kiểu cuốn thư bày đồ trân ngoạn; nước sơn đen bóng hiện diện trên đồ gỗ chứ không là lớp sơn son thếp vàng truyền thống; các đề tài trang trí như nho sóc, hoa hồng, dây lá (floral)… lấn át các đề tài truyền thống như long vân, hoa thụ… Vua Bảo Đại (1926 - 1945) thì xài đồ sứ Sèvres đặt mua bên Pháp thay cho đồ sứ ký kiểu bên Tàu; dùng xe hơi thay vì đi kiệu; thích ngủ trên giường nệm mà không ưa nằm trên sập gụ… Thời thế đổi thay, đồ ngự dụng cũng biến chuyển theo sự xoay vần của con Tạo.

Một góc nội thất cung Diên Thọ (Đại Nội).

Những đồ tự khí do nghệ sĩ Trịnh Bách phục chế trong gian thờ vua Gia Long ở Thế Miếu.

Sau mấy mươi năm hoang phế, điêu linh, diện mạo cố đô xưa dần dần tái hiện nhờ việc trùng tu, phục dựng và chỉnh trang từng bước. Cung điện rêu phong một thuở nay lại lấp lánh ánh vàng son. Du khách tứ phương lũ lượt đổ về thăm Huế, ai cũng muốn tận mắt chứng kiến lầu son gác tía và đắm mình trong không khí cung đình xưa. Khổ một nỗi, chiến tranh và đạo chích đã tước đoạt khỏi Huế hàng ngàn món đồ ngự dụng quý giá. Những gì còn lại thì không đủ để bày biện cho tất cả cung điện, lăng tẩm, miếu vũ sau khi hoàn nguyên. Vậy là chỉ còn cách phục chế đồ ngự dụngcủa Huế xưa mà thôi.

Bộ bàn ghế do nghệ sĩ Trịnh Bách phục chế theo kiểu bàn ghế đời Tự Đức trưng bày phía sau điện Thái Hòa.

Ghế mặt mây và tủ đời Khải Định do nghệ sĩ Trịnh Bách phục chế trưng bày phía sau điện Thái Hòa.

Tủ đời Tự Đức do nghệ sĩ Trịnh Bách phục chế trưng bày phía sau điện Thái Hòa.

Chế độ quan xưởng như xưa đã chấm dứt; tượng ty/tượng cục chỉ còn là những cái tên trong các trang sử liệu. Vì thế, những chuyên gia trưng bày của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cơ quan quản lý quần thể di tích triều Nguyễn ở Huế, một mặt phải “xáo tung” Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, “càn quét” các kho tàng trong Hoàng Thành và lăng tẩm, săm soi nơi phủ đệ tìm những món đồ ngự dụng thiên sót, phủi chúng khỏi lớp bụi thời gian và khiến chúng tái hiện những “không gian quá khứ” trong các cung điện vừa phục hưng; mặt khác phải chạy đôn chạy đáo khắp cả nước, sang cả Trung Hoa hay Mỹ quốc để mời thầy, tìm thợ phục chế đồ ngự dụng cho Huế.

Kết quả thật khả quan. Năm 2001, nội thất cung Diên Thọ (nơi ở của Hoàng thái hậu) được tái hiện như khung cảnh của những năm 1925 - 1945, với quá nửa hiện vật là đồ phục chế như ghế bành, trường kỷ, y phục các bà. Năm 2001, nghệ sĩ Trịnh Bách từ Mỹ về tập hợp những người thợ dệt tài hoa của các làng La Khê, Vạn Phúc (Hà Đông), trong 5 năm đã tái sinh gần 20 bộ trang phục của vua, hậu, hoàng tử, công chúa nhà Nguyễn, mà theo đánh giá của giới chuyên môn là “thật hơn cả đồ thiệt”. Cũng Trịnh Bách, từ năm 2003 đến nay đã chiêu tập thợ mộc, thợ tre xứ Huế; thợ dệt Hà Đông; thợ bạc Hà Nội; thợ sơn Kinh Bắc… phục chế hoàn chỉnh hơn 60 món đồ ngự dụng và tự khí để tái hiện gian thờ vua Gia Long trong Thế Miếu. Từ năm 2002, có 3 nhóm chuyên gia ở Huế lập nên 3 “Tân pháp lam tượng cục”, chuyên tâm tìm tòi, nghiên cứu và phục chế thành công pháp lam Huế để phục vụ trùng tu di tích và tái sinh đồ “pháp lam ngự dụng” phục vụ du khách…

Giường mặt mây đời Đồng Khánh do nghệ sĩ Trịnh Bách phục chế, một món đồ rất được du khách ưa chuộng.

Sập trà đời Đồng Khánh do nghệ sĩ Trịnh Bách phục chế cũng là một mặt hàng được nhiều người đặt làm.

Đồ ngự dụng xưa được đưa ra trưng bày trong không gian nguyên gốc cùng với đồ “ngự dụng phục chế” đã làm sống lại nhiều ngành nghề và làng nghề thủ công truyền thống, không chỉ ở Huế mà cả những địa phương xa xôi, tưởng không có mối liên hệ nào với “ngự dụng cố đô” như Hà Đông, Bắc Ninh, Bắc Giang... Thú vị hơn, chính điều này đã làm nảy sinh trào lưu: phục chế đồ ngự dụng, để bày biện trong những ngôi nhà cất theo lối xưa như một kiểu hoài niệm quá khứ và cung đình hóa cuộc sống hiện đại. Nhiều ngôi nhà rường từ Huế và miền Trung “chảy” về Nha Trang, Sài Gòn; “chạy” ra Hà Nội để tái sinh trên những khuôn viên xinh xắn cuộc giới quý tộc hiện đại nhưng hoài cổ. Theo sau là những chiếc sập gỗ, tủ chè, những bộ tràng kỷ, những bức trấn phong, hoành phi, đối liễn… phục chế theo lối xưa để “vương giả hóa” nội thất những dinh thự phỏng cổ ấy.

Với tôi, đó là những cuộc chơi tuy tốn kém nhưng vô cùng ý vị. Thử hình dung giữa trưa nắng Sài Gòn với những khối nhà cao như những chiếc hộp thuốc tây, bỗng hiện ra một khu vườn xanh mát và thấp thoáng dưới tán cây là một mái nhà rường 5 gian 2 chái. Để rồi, khi bước qua ngạch cửa có những lá cửa bảng khoa xưa cũ, một “không gian cung đình” với long sàng, trấn phong, sập gụ, trường kỷ… điểm xuyết những chiếc bình sứ “tân ký kiểu” nơi góc nhà hay những chiếc chậu lung pháp lam lóng lánh cành vàng lá ngọc trong phòng khách…chợt hiện ra trước mắt bạn. Một cảm giác thú vị, khinh khoái hẳn sẽ òa đến với bạn trong chốc lát.

Trần Đức Anh Sơn

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 5201

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Công tác nghiên cứu khoa học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thời gian qua

Công tác nghiên cứu khoa học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thời gian qua

  • 18/10/2016 21:35
  • 3166

Nghiên cứu khoa học là một hoạt động của bảo tàng, là nền tảng và là động lực thúc đẩy toàn bộ các hoạt động của Bảo tàng.