Theo quan niệm của người Tây Nguyên, chết không phải là hết mà đó là sự trở về với núi rừng, nơi con người đã được sinh ra.
Khi người thân ra đi, để tiễn đưa, họ có những món quà là những bức tượng sinh động về con người, động vật và những đồ dùng sinh hoạt. Đó là sự phản ánh những gì mà khi còn sống, mỗi người đều phải trải qua.
Nhà mồ và Tượng nhà mồ là nét đặc sắc của văn hóa cổ truyền Tây Nguyên. Tuy nhiên, thời gian trở lại đây, truyền thống này chỉ còn tập trung ở các dân tộc: Ba na, Ê đê, Gia rai, Mnông, Xơ đăng. Trong đó, đặc sắc và phong phú hơn cả là Tượng Nhà Mồ của hai dân tộc Ba na và Gia rai.

Nhóm tượng nhà mồ Tây Nguyên tại BTLSQG.
Ở Tây Nguyên, vào tháng Mười sau khi mùa màng thu hoạch xong, thời tiết bước vào mùa khô thuận tiện cho các lễ hội, vui chơi được diễn ra. Đó là lễ hội mùa của người Gia rai và người Ba na, hội mừng năm mới của người Ê đê, người Xơ đăng, lễ đâm trâu…
Với những nghi lễ và hội lễ tạ ơn các thần thì sau đó người Tây Nguyên bắt tay vào làm lễ bỏ mả (bỏ ma) cho những người đã khuất. Theo tập tục của họ, bỏ mả là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong vòng đời của một con người.
Khi người thân quá cố được đặt trong áo quan làm bằng một khúc cây to có đục lỗ, phía trên bịt kín bằng tấm ván và trát nhựa cây rừng rồi hạ huyệt, chôn xong mộ thì lập một nhà mồ tạm cho tới khi làm lễ bỏ mả.
Lễ hội bỏ mả là phá bỏ nhà mồ tạm, san phẳng ngôi mộ, sau đó xây dựng một ngôi nhà mồ to, vững chãi và bền hơn trên đó. Ngôi nhà mồ này mới thực sự là của người quá cố.
Lễ hội bỏ mả thường diễn ra từ 3 - 7 ngày. Trung tâm của lễ là dựng nhà mồ và việc đầu tiên của người chủ hộ là đẽo tượng mồ. Với những ngôi nhà mồ to đẹp, bề thế thì cột tượng phải làm bằng loại gỗ tốt như gỗ cây hương, cây cà chít.
Người ta đưa gỗ đẽo tượng về dựng tại nghĩa địa của làng cạnh ngôi nhà mồ sắp bỏ mả. Thông dụng và hữu hiệu nhất trong dụng cụ đẽo tượng là chiếc rìu, một đầu sắc, một đầu lưỡi tù và cán được tra bằng một thanh gỗ dài. Loại dụng cụ tiếp theo là cây chà gạc (loại dao đa năng của người Gia rai) để sửa lại các chi tiết trên mặt tượng. Ngày nay, phong cách tượng nhà mồ đã có những nét thay đổi, do đó kỹ thuật đẽo tượng cũng có biến đổi theo. Theo truyền thống là không quan tâm đến các chi tiết tỷ mỉ, chỉ sử dụng mảng khối trên một thân cây gỗ cố định, thì đến nay người đẽo chuyển sang xu thế thể hiện đại thiên về tả thực, gọt đẽo các chi tiết như: mắt, mũi, miệng, chân, tay. Loại tượng cũng đa dạng hơn trước, mất đi tính mộc mạc nguyên sơ của kiểu tượng truyền thống.
Tượng hầu như không có thước đo chuẩn, ví dụ người Gia rai lấy đơn vị đo là sải làm ước lượng. Khoảng một sải rưỡi là chiều cao của một bức tượng, ½ sải được chôn dưới đất là cột chính, một sải còn lại là cột chính nhô lên với phần thân tượng.
Khi đẽo tượng cũng có nguyên tắc nhất định, với mỗi bức tượng được làm ra, ngoài phản ánh nghệ thuật điêu khắc dân gian đem đến những thông tin mang tính chất xã hội của cộng đồng người dân tộc Tây Nguyên, thì còn phải đảm bảo tính vững chắc về kết cấu cho hàng rào nhà mồ (giữa các khe hở 2 chân người, chân đuôi chim, chân trước và sau của tượng thú để xuyên một thanh gỗ chạy dài thành mộng giằng giữ các cột với nhau tạo thành hàng rào).
Người đẽo tượng để làm ra một bức tượng là cả một quá trình làm việc miệt mài và tự do sáng tác thực hiện tác phẩm của mình. Điển hình nhất trong các bức tượng là tượng người ôm mặt (kra - kôm), loại tượng được coi là lớp tượng cổ nhất có quá trình thực hiện như sau: người thợ trước tiên dùng rìu đẽo phần ngực bức tượng, phần bị đẽo lõm còn lại của khúc gỗ chính là ngực tượng. Tiếp đó người thợ dùng rìu tạc hai tay của bức tượng người ôm mặt, hai mảng nối tiếp nhau là chỗ khuỷu tay và đầu gối tạo thành một hình thể của người ôm mặt. Khuôn mặt tượng được phạt phẳng, trán tượng nhô hơn so với mặt tượng, phần mắt được khoét đơn giản, sống mũi của tượng nhô lên, hai tai được đẽo bằng đường bổ lượn vòng của rìu. Bức tượng trước khi hoàn chỉnh được dựng lên để người đẽo quan sát kỹ sau đó dùng cây chà gạc nhỏ chỉnh sửa các phần mắt, mũi, miệng, tai của tượng. Qui trình này cũng áp dụng cho các bức tượng khác như: tượng người đánh trống, tượng chim, thượng thú…
Nếu quan sát những bức tượng mồ, chúng ta cảm nhận được ngay hình thể của từng bức tượng. Từ đôi bàn tay của nghệ nhân với thân gỗ tròn, bằng thủ pháp dùng mảng khối, họ chỉ phác họa một vài chi tiết trên cơ thể đã làm cho bức tượng bỗng trở nên sống động như có hồn. Các bức tượng làm ra từ thiên nhiên, đặt trong khung cảnh thiên nhiên và rồi hòa vào thiên nhiên cho dù nắng mưa, sương gió làm ảnh hưởng. Mặc dù những bức tượng với muôn hình muôn vẻ, tạo thành hàng rào bao quanh lấy ngôi nhà mồ ở chính khu nghĩa địa, nhưng khi xem chúng ta lại không cảm thấy sợ hãi, không có gì cách biệt với cả một quần thể các tượng mồ. Không những thế ta lại cảm thấy rất đỗi quen thuộc như vẫn tồn tại, có gì đó quen thuộc hàng ngày như tại môi trường sống của họ, tất cả từ người đi lấy nước, người chia cơm lam, người đánh trống… đều được nghệ nhân sáng tạo nên với cảm giác đem lại sự gần gũi giữa hai thế giới người sống và người chết thông qua bởi biết bao nhiêu những bức tượng mồ nhưng lại làm tan biến nỗi sợ hãi của người sống với sự khác biệt của cõi âm.
Một điểm nữa ở tượng nhà mồ Tây Nguyên là họ sử dụng màu sắc để trang điểm cho bức tượng trở nên ấn tượng. Với những màu như: trắng, đen, vàng, xanh, đỏ… lấy từ thiên nhiên trong môi trường sống của họ tạo thành bảng màu cho y phục, thân tượng, các bộ phận tay, chân, tóc, mắt, miệng… của tượng mồ.
Độc đáo hơn nữa, trong nghệ thuật tượng mồ còn bắt nguồn từ bản thân sự sống động của mỗi bức tượng, hầu hết các bức tượng đều diễn tả các trạng thái động của con người. Họ tạc những bức tượng và làm nó trở nên sinh động như có hồn, đem đến sự gần gũi và rất đời thường vào trong tác phẩm nghệ thuật một cách tự nhiên, chân thực. Ví dụ các đề tài tạc tượng gồm có: người mẹ mang bầu, bức tượng thể hiện tình cảm thiêng liêng của hai bà cháu, tượng người chồng không có áo mặc với ý nghĩa vì nhà đông con nên người cha phải nhường áo cho các con, người mẹ cho con bú, tượng chim đưa thư gắn với mùa màng của người Tây Nguyên báo thời gian cho bà con làm vụ mùa, bực mình giận dỗi là bức tượng thể hiện chồng đang giận vợ vì con ốm…
Tóm lại, quan điểm về tượng nhà mồ của người dân tộc rất triết lý: Khúc gỗ vốn đã có cái hồn của nó. Việc họ làm chỉ đẽo đi những cái thừa trên khúc gỗ và giữ lại phần hồn.
Hiện nay, nghệ nhân tạc tượng nhà mồ ngày càng ít đi, chỉ còn ít người già trong làng biết tạc tượng, thế hệ trẻ rất ít người học nghề này. Để nghề không bị mai một, rất cần các lớp truyền dậy cho thế hệ tương lai của người dân tộc thiểu số để giữ gìn, bảo tồn một nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên.
Nhóm tượng nhà mồ Tây Nguyên hiện Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ gồm tượng người và tượng thú, khoảng 07 tượng, với kích thước cao từ 75cm đến 145cm. Số lượng hiện vật này tuy không nhiều nhưng cũng đã làm phong phú, đa dạng hơn các loại hình hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng.
Quỳnh Hoa (Phòng QLHV)