Thứ Năm, 20/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/01/2016 19:48 5899
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trải qua hàng ngàn năm, với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự khắc nghiệt của thời tiết, cho tới nay ở Việt Nam không còn một di tích kiến trúc thời Lý - Trần nguyên gốc. Nhưng những vật liệu kiến trúc trong đó có gạch đất nung thời Lý - Trần vẫn bền vững qua thời gian. Chúng tồn tại trong các phế tích kiến trúc được phát lộ qua các đợt khai quật khảo cổ học, hoặc được lưu giữ trong các bảo tàng, trong các nhà sưu tập tư nhân… Chúng là những bằng chứng lịch sử quan trọng mang dấu ấn của thời đại sản sinh ra nó.

BTLSQG hiện đang lưu giữ và trưng bày hàng trăm hiện vật chất liệu bằng đất nung thời Lý - Trần, trong đó đáng chú ý là loại gạch bằng đất nung với nhiều kiểu loại phong phú. Những hiện vật này được trường Viễn Đông Bác Cổ sưu tầm, thu thập vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 qua những cuộc khai quật ở Quần Ngựa, Ngọc Hà, Kim Mã, Cống Vị… thuộc khu vực thành Thăng Long. Năm 2002, cuộc khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ ra nhiều di vật quý cùng với các nền móng kiến trúc cung điện, nhà ở, hệ thống cống thoát nước, đều sử dụng các loại gạch lát nền, gạch xây, gạch ốp…

Sưu tập gạch bằng chất liệu đất nung thời Lý - Trần đang lưu giữ tại bảo tàng phong phú về kiểu dáng và loại hình. Trong bài viết này chúng tôi chỉ xin giới thiệu một số loại gạch tiêu biểu thời Lý - Trần hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam giúp bạn đọc tham khảo.

Sưu tập gạch này được chia thành 2 nhóm chính: gạch xây và gạch lát nền.

* Gạch xây

Loại gạch này đa phần không có hoa văn, có dáng hình chữ nhật, hình vuông với các kích thước khác nhau, được sử dụng để xây tường, xây giếng, cống thoát nước….Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long loại gạch này tìm thấy nhiều ở dưới các giếng và hệ thống cống thoát nước ở các hố khai quật như D3, A20, B16… Bên cạnh đó có những viên có minh văn, hoa văn trang trí mang đặc trưng của thời đại, qua đó ta có thể biết được niên đại của chúng.

Gạch thời Lý

- Gạch có kiểu dáng gần vuông và hình chữ nhật, Trên một mặt in nổi 2 dòng chữ Hán trong ô chữ nhật lõm “Lý gia đệ tam Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo” (chế tạo trong năm Long Thuỵ Thái Bình 4 đời vua nhà Lý thứ 3 (Lý Thánh Tông) năm 1057), màu đỏ tươi, đanh chắc, chữ trên bề mặt vẫn còn sắc nét. Viên hình gần vuông Lsb 16755 D: 22,5 x R: 20; dầy: 5cm. Loại này đã từng phát hiện ở khu vực phế tích tháp Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh) và tháp Tường Long (Đồ Sơn, Hải Phòng) và còn tìm thấy ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

- Gạch hình lục giác, 2 góc vát, trên một mặt in nổi 2 rồng cuốn trong ô hình lá đề, màu đỏ tươi. Loại này tìm thấy ở Quần Ngựa, thành Thăng Long.

- Gạch hình tam giác lệch, nếu ghép 2 viên lại thành một viên hình vuông, loại này số lượng ít, dễ mủn, màu đỏ tươi, trên bề mặt trang trí hình rồng cuộn trong khung hình tròn, xung quanh trang trí hoa văn xoắn móc, cúc dây, kích thước D: 52,5 cm x R: 29cm; dầy: 6,5cm. Cũng là loại gạch lát nền hình tam giác, tuy nhiên loại này tương đối nhỏ màu đỏ sẫm, trên mặt trang trí 1/4 bông hoa cúc, góc có các móc xoắn uốn lượn mềm mại, hoặc có viên khác trên mặt chỉ trang trí những móc xoắn dài uốn lượn.

- Một loại gạch xây hình chữ nhật, màu đỏ nhạt, trên một mặt in nổi hình 2 cây tháp nhiều tầng, tìm thấy ở Cống Vị.

Một số viên gạch hình chữ nhật không còn nguyên vẹn, một mặt khắc nổi rồng uốn lượn, và các vân mây, màu đỏ tươi.

Gạch thời Trần

Gạch hình chữ nhật có 3 chữ “Vĩnh Ninh trường” in nổi sắc nét trên một rìa cạnh, loại này có màu đỏ sẫm và màu xám. Những viên màu xám rất đanh chắc và có pha sạn nhỏ, trên mặt gạch còn có những vạch nhỏ nổi gân đây có thể là dấu vải lúc người thợ đóng vào khuôn gạch. Loại gạch này sản xuất ở Trường Vĩnh Ninh, Thanh Hoá.

Còn một số viên gạch hình chữ nhật màu đỏ tươi, mặt trơn không trang trí hoa văn, 1 cạnh có in nổi 4 chữ Hán “Thiên hạ thái bình”.

*Gạch lát nền

Chiếm số lượng khá nhiều, đa phần là kiểu gạch hình vuông, có cả kiểu hình chữ nhật nhưng loại này tương đối ít. Về màu sắc có màu đỏ tươi và đỏ sẫm, đanh chắc, độ nung cao. Trên những viên gạch lát nền hoa văn trang trí thường được bố cục trên 1 viên hoặc liên kết giữa nhiều viên hoa văn chủ yếu như: rồng, hoa sen, hoa cúc, hoa chanh…

+ Gạch lát nền in nổi hoa sen

Có niên đại thế kỷ 11-13, gạch hình gần vuông, chính giữa mặt gạch in nổi bông hoa sen nở 8 cánh, thể hiện theo lối nhìn thẳng từ trên xuống, xen giữa các cánh chính có mũi sen phụ nhô lên, bên trọng nhuỵ sen, 4 góc có 4 dải lá uốn mềm, diềm khung hình vuông, màu đỏ. Loại này tìm thấy ở Quần Ngựa, Hà Nội.

+ Gạch lát nền in nổi hoa chanh

Nhóm gạch này có niên đại triều Trần thế kỷ 13-14.

Gạch hình vuông, một mặt in nổi 1 cánh hoa hình ô van, 2 góc vuông còn lại được in nổi 1/4 bông hoa xen kẽ những dải móc uốn lượn, nếu ghép 4 viên gạch lại cho thấy 1 viên hoa chanh lớn. Loại gạch này được tìm thấy ở Vĩnh Phúc, Quần Ngựa.

+ Gạch lát nền in nổi hoa cúc

Gạch hình vuông, trên mặt chạm nổi bông hoa 4 cánh trong ô 8 cạnh ở giữa, xung quanh chạm nổi 4 nửa bông hoa có lẽ là hoa mẫu đơn. Nhóm hiện vật này có niên đại thế kỷ 13-14.

Qua những phát hiện khảo cổ học gần đây đặc biệt là ở Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ (Thanh Hóa) của Viện Khảo cổ học, một số di tích chùa, tháp ở khu vực thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng ta càng thấy sự phong phú của vật liệu kiến trúc thời Lý - Trần đặc biệt là các loại gạch bằng đất nung. Nó là bằng chứng cho sự phát triển rực rỡ của văn hóa Đại Việt.

Nguyễn Thị Thanh Hin(Phòng Quản lý Hiện vật)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4835

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Các tượng nhân Ngự xưởng dưới đời vua Minh Mệnh.

Các tượng nhân Ngự xưởng dưới đời vua Minh Mệnh.

  • 21/01/2016 19:18
  • 2830

Trong khi tìm hiểu về minh văn trên các bảo vật lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG), chúng tôi đã gặp khá nhiều họ và tên của các tượng nhân (những nghệ nhân) của Ngự xưởng triều Nguyễn. Chúng ta biết rằng, dưới triều Nguyễn, kể từ vua Gia Long vẫn duy trì chế độ công tượng như thời các chúa Nguyễn, tiếp tục thực hiện chính sách trưng tập thợ thủ công từ khắp nơi trong nước, đưa về Kinh đô Huế, phiên chế vào các tượng cục do triều đình trực tiếp quản lý và điều hành, để sản xuất các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu xây dựng, đúc tiền cùng các sản phẩm tiêu dùng khác phục vụ cho công cuộc kiến thiết Kinh đô Huế và các nhu cầu của Hoàng gia, triều đình và quân đội. Nhiều tượng cục mới được thiết lập. Nếu dưới thời các chúa Nguyễn, nhà nước chỉ tổ chức và điều hành hoạt động của 31 tượng cục, thì sang đến triều Nguyễn số tượng cục tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, số tương cục nhiều nhất dưới đời vua Tự Đức (1848-1883) với 95 tượng cục… Bài viết này xin giới thiệu về các tượng nhân Ngự xưởng dưới đời vua Minh Mệnh (1820-1840).