Thứ Năm, 20/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/11/2015 15:17 16393
Điểm: 5/5 (3 đánh giá)
Có lần, khi hướng dẫn một đoàn du khách nước ngoài viếng thăm lăng Tự Đức, một vị khách nhìn thấy đôi hài của hoàng hậu Lệ Thiên Anh (vợ vua Tự Đức) đang trưng bày trong tủ kính liền thắc mắc: “Sao đôi hài nhỏ quá, phải chăng hoàng hậu đã bó chân?”. Câu hỏi của vị khách tham quan đã khiến tôi phải tra cứu trong các nguồn sử liệu của nhà Nguyễn để xem thử có tồn tại hay không tục bó chân trong cung đình Huế. Các bộ sử của nhà Nguyễn mà tôi đọc được không có dòng nào viết về chuyện này. Tuy nhiên, câu hỏi vô tình của vị khách nọ đã cho tôi cơ hội tìm hiểu một khía cạnh rất thú vị trong đời sống cung đình Huế trước đây, xin tạm gọi là chuyện hia hài trong cung Nguyễn.

Hia hài dành cho các bậc đế vương, hoàng hậu, công chúa, phi tần, quan lại… trong triều Nguyễn đều do Cẩm tượng ty làm ra và cung tiến. Cẩm tượng ty là một tượng cục chuyên may thêu y phục, mũ mão, hia hài cho vua quan và hoàng gia. Chất liệu dùng để may thêu các loại hia hài của vua, hậu và các quan lại cao cấp mua từ Trung Quốc hay do các hộ dệt lụa, hộ thuộc da, hộ làm kim hoàn ở trong nước sản xuất và cung tiến về Huế để phục vụ cho hoàng gia và triều đình. Các hộ làm nghề đặc biệt này chuyên sản xuất các loại nguyên vật liệu theo yêu cầu của triều đình và được miễn sưu thuế, phu dịch.

Trên hia hài, giày dép của vua, hậu, quan lại cao cấp của triều Nguyễn thường có đính vàng bạc, trân châu, đá quý… hoặc thêu kim tuyến, kim sa… để tăng thêm giá trị và uy nghi. Tùy theo chức phận của người sử dụng, triều Nguyễn định ra những quy thức riêng về kiểu dáng, hoa văn trang trí và các vật trân quý đính kèm trên từng loại hia hài. Ngoài ra, tùy vào công năng sử dụng và phù hợp với trang phục đi kèm, triều đình còn phân chia hia hài theo các nhóm: hia hài cho hoàng gia và đình thần dùng trong các dịp triều hội; hia hài vua dùng khi đi cày ruộng tịch điền; hia hài vua dùng trong các dịp tế lễ như tế Nam Giao, tế Xã Tắc; hia hài cho hoàng gia và đình thần dung trong các dịp lễ: Vạn Thọ (mừng sinh nhật vua), Thánh Thọ (mừng sinh nhật hoàng thái hậu), Tiên Thọ (sinh nhật hoàng thái phi); Thiên Thu (sinh nhật hoàng hậu), Thiên Xuân (sinh nhật hoàng thái tử)… và hia hài nhật dụng.\.

Đôi hài thêu lưỡng long triều thọ của vua Bảo Đại, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Đôi hài trang trí đồ án long phúc triều thọ bằng trân châu và đá quý của vua Bảo Đại, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Đôi hài trang trí đồ án long phúc triều thọ bằng trân châu và đá quý của vua Bảo Đại, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Đôi hài của vua Bảo Đại có hình rồng ngang đính bằng các hạt cườm ngũ sắc.

Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do triều Nguyễn biên soạn,mỗi khi thiết triều, vua đi hia làm bằng tơ màu đen, thêu rồng mây, văn thủy ba và hoa bằng kim tuyến, bên trong có lót lớp tơ màu đỏ. Bít tất làm bằng tơ sợi trắng, nhuộm màu lam thẩm, phía dưới thì lót vải tây màu trắng, hợp với gấm hạng nhất, có thêu hình hoa sen vàng bằng các sợi kim tuyến. Mặt ngoài bít tất cũng thêu rồng mây và văn thủy ba, cùng kiểu với hồi văn trên hia. Trong khi đó, bít tất nhà vua trong các dịp thiết thường triều thì chỉ làm bằng sợi tơ nhuộm màu lam thẩm, thêu hoa sen vàng nhưng không có hình rồng mây và văn thủy ba. Hia của nhà vua dùng trong lễ tế Nam Giao thì dệt bằng tơ màu đen, thêu rồng mây, lan đằng, ngọn lửa và hồi văn kim tuyến có đính hạt cườm. Trên hia còn gắn các hạt trân châu, san hô nhỏ và đính ba hạt châu bằng vàng, mỗi chiếc có khảm một hạt ngọc hỏa tề và hai viên kim cương. Khi đi cày ruộng tịch điền, lẽ thường, người ta phải đi chân đất xuống ruộng nhưng vì là vua nên ngài vẫn “ngự” một đôi ủng màu đen, có điểm xuyết những hoa văn bằng vàng, bên trong ủng lót tơ có thêu hoa đỏ. Thật là sang trọng hết chỗ nói.

Vua Đồng Khánh mặc long bào, đi hia thêu rồng, ngự trên ngai vàng trong điện Thái Hòa.

Vua Khải Định mặc trang phục tế Giao, đi hia màu đen thêu hình rồng bằng kim tuyến.

Vua Khải Định mặc áo chẽn, đi ủng Tây, chụp ảnh trước điện Cần Chánh.

Vua Khải Định mặc áo dài thêu rồng, đi giày Tây.

Vua Khải Định đang thư giãn trong ngự viên, phía trước là đôi hài thêu.

Hài của hoàng hậu cũng thuộc vào loại hàng cao cấp, làm bằng tơ màu đỏ, thêu hai chim phượng màu lục, có gắn 18 mảnh vàng tốt. Bít tất làm bằng lĩnh bóng nam, màu tuyết trắng. Hài của hoàng thái hậu làm bằng tơ vàng, thêu chim phượng xen lẫn ngọc san hô và trân châu. Bít tất dệt bằng lĩnh màu trắng bóng, bên trong lót trừu nõn có hoa màu đỏ, khâu kết bằng sợi bông, có đính hai dải kim tuyến bằng vàng.

Hoàng hậu Nam Phương mặc phượng bào, đi hài phượng.

Đôi hài của hoàng hậu Nam Phương có hình chim phượng đính bằng hạt mã não.

Về khoản tất hài của các hoàng tử, hoàng thân, tôn tước, năm 1832 triều đình có quy định: hài dùng cùng với triều phục của các vị này làm bằng tơ đai, bên trong lót lĩnh nam bóng có hoa màu đỏ. Bít tất dùng lĩnh nam bóng, màu lam thẩm, viền miệng bằng gấm đoạn hạng nhất, hoa đen. Vải lót ở miệng màu trắng, có thêu hoa. Hài và tất của công chúa có cùng chất vải như của hoàng tử nhưng có thêu chim loan năm màu, gia thêm các miếng vàng, xen lẫn kim tuyến màu tuyết trắng. Mỗi năm, mỗi vị chỉ được cấp một đôi mà thôi.

Sự khác biệt giữa các đôi hia của vua Khải Định và 4 vị quan đại thần triều Nguyễn.

Đối với quan lại, từ năm 1832 đã có lệ định: hài của các quan từ nhất phẩm trở xuống đều có màu đen, hài đầu vuông (khác với hài của vua thường là đầu nhọn hay tròn). Riêng bít tất thì có sự phân biệt: quan từ hàm tam phẩm trở lên thì thân tất dùng lụa màu lam, miệng tất lót bằng lụa màu; từ hàm tứ phẩm trở xuống thì thân tất dùng lụa màu bạc, phần lót bên trong dùng vải chứ không phải là lụa.

Đôi guốc sơn sơn thếp vàng thêu hình chim phượng của một cung nhân, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Ngay cách thức trang trí trên các thứ hia hài, giày ủng cũng có sự phân định rạch ròi: đồ của vua thì thêu rồng năm móng; của hoàng hậu, công chúa thì thêu chim phượng và các loại hoa. Hia hài của hoàng tử chỉ được thêu hoa mà không được thêu rồng, trong khi hia hài của quan lại thì không được trang trí hoa văn.

Đôi hia thêu lưỡng long triều nhật của vua Khải Định, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Hiện tại, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và trong một số lăng tẩm các vua Nguyễn ở Huế còn lưu giữ được hơn 20 đôi hia hài của các bậc vua, hậu, hoàng tử, công chúa triều Nguyễn, nhiều nhất là hia hài của các vua Khải Định và Bảo Đại, của Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại) và của Đoan Huy hoàng thái hậu (mẹ vua Bảo Đại). Đó là những hiện vật gốc vừa có giá trị lịch sử, vừa là nguồn tài liệu thú vị giúp cho việc tìm hiểu đời sống cung đình triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta.

TS. Trần Đức Anh Sơn (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4835

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Tiền thưởng đời Vua Gia Long (1802 - 1820) (Phần 1)

Tiền thưởng đời Vua Gia Long (1802 - 1820) (Phần 1)

  • 06/11/2015 08:19
  • 5606

Sưu tập tiền thưởng nằm trong bộ sưu tập bảo vật triều Nguyễn có minh văn gồm nhiều chất liệu quý hiếm khác nhau. Sưu tập bảo vật triều Nguyễn này do Bộ Tài chính Việt Nam bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vào ngày 17-12-1959. Sau đó, vì lý do an ninh, an toàn, sưu tập này được Bảo tàng đóng thùng, niêm phong gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Kể từ khi tiếp nhận lại từ kho Ngân hàng Nhà nước năm 2007 đến nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) đã tổ chức bảo quản, kiểm kê và nghiên cứu bước đầu.