Thứ Tư, 29/03/2023
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

31/07/2014 16:29 12540
Điểm: 4.67/5 (3 đánh giá)
Trống đồng Đông Sơn tồn tại trong gần một thiên niên kỷ nên về kiểu dáng có những biến đổi nhất định. Trong những năm gần đây, nhất là trong mấy năm giới khảo cổ và sử học nước ta tập trung nghiên cứu thời kỳ dựng nước của các vua Hùng, các nhà khảo cổ học đã tiến hành nghiên cứu sắp xếp, hệ thống hóa để tìm ra quy luật diễn biến của trống đồng Đông Sơn. Ngoài các bài đăng trong số 2, số 13 và 14 tạp chí Khảo cổ học chuyên đề trống đồng, đã xuất hiện một số công trình chuyên khảo về trống đồng. Đó là cuốn “ Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam” của 2 tác giả Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Vinh xuất bản năm 197 giới thiệu 52 trống lớn và 53 trống minh khí khi phát hiện ở Việt Nam, không kể 13 trống bị thất lạc hoặc chưa xác minh được.

Năm 1987, các tác giả Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên và Trịnh Sinh trong cuốn “ Trống đồng Đông Sơn” đã giới thiệu 144 chiếc trống đồng Đông Sơn, cùng đề cập đến một số trống đồng Đông Sơn phát hiện được ở các nước Đông Nam Á. Công phu hơn cả là công trình nghiên cứu tập thể của Viện Khảo cổ học do GS Phạm Huy Thông chủ trì “ Trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam” bằng hai ngôn ngữ Anh- Việt xuất bản năm 1990, đã giới thiệu 118 trống lớn, 6 trống minh khí với đầy đủ bản vẽ và ảnh. Đây có thể coi là công trình công bố một cách đầy đủ, cập nhất về trống đồng Đông Sơn lúc bấy giờ.

Trên cơ sở nguồn tư liệu đó, nhiều vấn đề về trống đồng Đông Sơn được đề cập đến, nhất là vấn đề phân loại trống đồng.

Trống Sông Đà- một loại trống đồng Đông Sơn, hiện vật thuộc quyền quản lý của Bảo tàng Guimet (Pháp).

Về kiểu dáng trống đồng Đông Sơn phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho là có 2 dạng trống đồng. Một dạng là trống thấp lùn, một dạng là trống cao gầy. Nhưng mối quan hệ giữa hai dạng kiểu dáng này thì chưa được sáng tỏ. Sự diễn biến của trống trước hết được thể hiện trên mặt trống. Loại trống sớm như Ngọc Lũ, Cổ Loa, Hoàng Hạ có mặt trống nhỏ hơn tang trống. trống càng muộn, mặt trống càng rộng ra, loại muộn nhất mặt trống tràn ra ngoài tang trống. Những loại trống sớm trên mặt trống chưa có các nhóm tượng cóc, loại trống muộn trên mặt trống có gắn tượng cóc ngồi theo chiều ngược kim đồng hồ, có loại là tượng cóc đơn, có loại là tượng cóc cõng nhau.

Hoa văn trang trí thân trống đồng Ngọc Lũ.

Đó là về kiểu dáng, còn về hoa văn trang trí trên mặt, tang và thân trống cũng có những diễn biến nhất định. Trước hết những trống sớm, hoa văn trang trí phong phú, ngoài các loại hoa văn kỹ hà như văn vòng tròn đồng tâm, vòng tròn đơn, vòng tròn kép, vòng tròn tiếp tuyến, văn răng cưa, văn răng lược, hồi văn … còn có các vành hoa văn về động vật như chim bay, chim đứng rình mồi, hưu nai chạy, bò u, cá sấu…Đặc biệt là hoa văn tả cảnh sinh hoạt của con người lúc bấy giờ như cảnh giã gạo đôi, cảnh đánh trống, đánh chiêng, cảnh trẻ em chơi trồng nụ trồng hoa, cảnh nhảy múa, cảnh đua thuyền, cảnh thuyền chiến v.v…

Hoa văn trang trí tang trống đồng Ngọc Lũ.

Những hoa văn này được khắc vẽ rất hiện thực sinh động. Những trống muộn có xu hướng giảm dần hoa văn và ngày càng cách điệu. Cảnh người hóa trang nhảy múa trông giống như cờ lau bay, không rõ hình người. và một số trống đã không còn các vành hươu, nai xuất hiện. Ngay cả vành tả cảnh sinh hoạt trên mặt trống cũng không còn, mà chỉ còn hoa văn kỹ hà cùng một vành có 4 hoặc 6 con chim bay theo chiều ngược kim đồng hồ, tang trống không còn vành thuyền chiến hoặc đua thuyền. Hoa văn kỹ hà cũng trang trí theo một quy trình chặt chẽ, trống nào đã trang trí văn răng lược thì không có văn răng cưa, hoặc trái lại đã có văn răng cưa thì không có văn răng lược; không bao giờ trang trí lẫn lộn văn răng lược và văn răng cưa với nhau.

Hình họa trang trí mặt trống đồng Hoàng Hạ.

Trên cơ sở diễn biến của kiểu dáng và hoa văn trang trí, các nhà khảo cổ học nước ta phân loại trống đồng Đông Sơn thành các loại hình có niên đại sớm muộn khác nhau. Trong đó, nhóm trống Ngọc Lũ đẹp nhất, có niên đại sớm nhất. Nhóm trống muộn nhất có kích thước nhỏ, chế tạo thô thiển, hoa văn trang trí cực kỳ đơn giản, thường chỉ có văn mặt trời. Tiêu biểu cho loại này là trống Thượng Nông, trống Đào Xá, trống Tùng Lâm.

Giữa hai nhóm trống đó là nhóm trống có kích thước tương đối nhỏ, hoa văn đơn giản chỉ còn vành hoa văn chim bay. Nhóm này có số lượng tương đối lớn, tiêu biểu là trống Định Công, trống Quảng Thắng, trống Bình Đà. Nhóm trống này có kích thước tương đối lớn. Mặt trống hơi chườm ra ngoài tang trống và có khối lượng cóc trên mặt trống, hoa văn trang trí trên mặt trống được cách điệu cao như kiểu cờ bay; tiêu biểu là trống Hữu Chung, trống Lạc Long, trống Phú Phương…

Qua các phân tích trên, chúng ta có thể thấy rõ: từ trong hàng ngàn, hàng vạn trống đồng phân bổ trên một vùng rộng lớn của Đông Nam Á, các nhà khảo cổ đã nhận biết ra được trống đồng loại 1 HeGer. Rồi trên cơ sở phân tích kiểu dáng và phong cách hoa văn trang trí cùng trang phục của các hình người trang trí trên trống đồng loại I Heger đã nhận ra sự khác biệt của trống đồng Đông Sơn khác với trống đồng loại I Heger của tộc Điền Vân Nam, Trung Quốc. Từ đó đi đến xác định trống đồng Đông Sơn là di vật tiêu biểu của người Việt cổ thời dựng nước đầu tiên của dân tộc.

Hoa văn trang trí trống đồng Hoàng Hạ.

Trong quá trình phát triển hàng mấy trăm năm, trống đồng Đông Sơn có diễn biến nhất định về kiểu dáng cũng như hoa văn trang trí, nhưng vẫn giữ được kiểu dáng và các loại hoa văn cơ bản. Đó chính là những đặc trưng cơ bản của truyền thống văn hóa Việt cổ mà ngày nay chúng ta vẫn còn bắt gặp trong các đường trang trí trên váy Mường, trên các nhạc cụ của người Việt v.v…

Có thể nói trống đồng Đông Sơn được nhận thức là tinh hoa của cuộc sống Đông Sơn. Nó phản ánh trí tuệ, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của người Đông Sơn. Chính vì thế có thể xem trống đồng Đông Sơn là hiện vật tiêu biểu của văn minh Đông Sơn, cũng là văn minh Việt Nam thưở dựng nước.

Minh Vượng (Sưu tầm & tổng hợp)

Nguồn:

- Tuyển tập Hội thảo khoa học Trống đồng với văn hóa Việt Nam – Hà Nội, 2008.

- Đồ đồng văn hóa Đông Sơn, Hoàng Xuân Chính- NXB VHTT TP HCM-2012.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 2679

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Trống đồng Đông Sơn - hiện vật tiêu biểu của văn minh Việt Nam thời dựng nước

Trống đồng Đông Sơn - hiện vật tiêu biểu của văn minh Việt Nam thời dựng nước

  • 30/07/2014 13:41
  • 10419

Phần I: Khái quát về việc nghiên cứu, phân loại trống đồng ở quốc tế Chúng ta đều biết, trống đồng phân bổ rất rộng, có nhiều kiểu dáng khác nhau, tồn tại trong những thời gian sớm muộn khác nhau, do những người khác nhau sang tạo ra. Đây là một nhận định hết sức quan trọng được hầu hết các nhà nghiên cứu chấp nhận. Cho đến nay, trống đồng đã phát hiện được ở các nước Đông Nam Á như: Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonexia, Thái Lan, Hoa Nam.